(HBĐT) - Ngày trước, khi ba tôi còn chạy tàu chở hàng, ông thường cho tôi theo và hay cập bến sông này để bốc dỡ hàng. Những lúc xong việc, khi người lớn còn bận ăn uống bù khú, tôi hay mượn chú Thức bảo vệ chiếc xe đạp Thống Nhất mà đạp vào các xóm chơi. Chiếc xe đạp khung nam rõ cao làm mông tôi cứ nhấp nhổm, đi xiêu vẹo như một con khỉ rạp xiếc. 


Một lần, tụi trẻ con mới quen rủ tôi đạp xe ra công viên chơi. Vốn là dân thành thị, tôi vào đây để tận hưởng những trò chơi dân quê như bắt cá, đào rế, bãy chim chứ công viên, quán xá tôi chẳng bận tâm. Nhưng chúng nó lại bảo: "Là công viên mà chẳng phải công viên đâu, nó như là cái gì ấy…”.

Thế là tôi đã được đến cái "công viên” mà lại chẳng phải công viên ấy. Thực ra, nó là bờ sông có hàng cây lâu năm xòe bóng mát. Khoảng cách giữa các cây đủ để người ta mắc võng đung đưa. Ban trưa được ngủ một giấc ở đây thì thích biết mấy. Giữa hè nóng nực mà gió sông thổi lên mát rượi, thấy người như đầy ắp hơi nước từ thượng nguồn xanh mát.

Dần dà, tôi để ý thấy dưới các gốc cây là những hàng nước. Nhiều người bán nước ở đây còn mặc những chiếc áo công nhân sờn rách. Họ là người thợ xây, thợ máy vì không thể theo công ty đến các công trình mới nên ở lại đây lập xóm. Với họ, việc bán những cốc trà đá, nhân trần, mấy gói kẹo lạc, bao thuốc… chỉ là một phần cuộc sống, điều quan trọng là… giữ đất. Đã nhiều lần có kẻ nhăm nhe lấn chiếm, định biến nơi đây làm quán bia đèn mờ, thành chỗ câu cá… nhưng đều bị bà con phản đối. Người ta bảo đây là chỗ hóng gió, là nơi hàn huyên của thợ làm ca sau giờ làm, nơi tụi trẻ hẹn hò làm quen, nơi vợ chồng mới cưới như  nồi cơm chín dở ra ngồi an ủi nhau trước những xét nét của mẹ chồng.

Người ta gọi đó là công viên còn vì lũ trẻ ra đây được nô đùa thoải mái mà không sợ kim tiêm của dân nghiện ma túy và bao nỗi nguy hiểm khác. Mấy bà bán nước hiền lành như ngồi dưới cây thị trong truyện Tấm Cám còn dạy chúng đánh vần, dậy thêu thùa, đan lát... Bởi thế mà cha mẹ các bé cũng nhiệt tình góp sức bảo vệ khu đất này. Trong khi cái công viên được xây dựng dở dang ở nhiều thành phố thì cỏ mọc um tùm đầy rác rưởi.

Tôi hay chơi cùng một đứa trẻ, nó nói bị bỏ rơi từ khi lọt lòng, sau đó được một bà cụ ở đây nhận nuôi và cho đi học. Với nó công viên là nhà, là tuổi thơ, hàng ngày nó để xem ai vứt vỏ bim bim, túi bóng thì nhặt lại. Chai nhựa thì nó gom đợi đủ một bao tải sẽ đem bán thêm tiền mua sách vở. Một lần, nó nhặt được cái nắp chai Coca-Cola có ghi trúng thưởng cái xe đạp, thế là nó không còn phải cuốc bộ đến trường. Người ta bảo trời thương đứa trẻ ngoan ngoãn và tốt bụng như "cậu bé rừng xanh” ở nơi này.

Từng ngày, người ta nhận ra giữa thành phố đang bộn bề có một khoảng xanh bình yên của cây cối và tình người. Ra với công viên không còn bon chen, đố kị, móc mói nhau mà lại được đọc sách, báo, chơi cờ, nghe ghi ta, thổi sáo. Khi con người ta sống vì những kỉ niệm, vì sự tử tế và kiên quyết khước từ những mưu toan để tạo ra một không gian bình yên thì có lẽ chẳng có dự án quy mô nào sánh được. Công viên cứ thế tồn tại như một lẽ tự thân, không cần ai nhắc nhở, không quy chế nhưng ngăn nắp, sạch sẽ, không có lộn xộn, chửi tục. Những người công nhân trọng nhau mà sống. Họ đem lề lối ấy mà tạo lập nên không gian này giữa muôn vàn xô bồ, huyến náo xung quanh.

Rồi một ngày có lẽ con sông đã đổi dòng, dòng chảy hung dữ của nó đã làm xói mòn, làm lở nhiều nhà ven sông. "Công viên” ấy cũng không ngoại lệ, người ta chứng kiến nó cứ thế gãy từng mảng như chiếc bánh đa giòn mà rớt xuống dòng nước đỏ mùa lũ. Những người bán hàng nước chẳng còn biết dựa vào đâu để thêm thắt cùng đồng lương hưu đành tản mát khắp nơi tìm công việc khác.

Tôi ngẫm ra, những gì quý giá sẽ lại chóng mất đi theo năm tháng, như cái công viên không có tên, không có trên bản đồ, không có hàng ghế đá, không đèn màu, lối đi lát đá, chỉ có đá sỏi dải đường và bóng mát, những mái tóc đã pha sương, những nụ cười hiền hậu. Bất giác, tôi thầm trách mình không lấy máy ảnh chụp lại thật nhiều hình ảnh công viên như thế mà chỉ khắc ghi trong tâm hồn mình như một góc nhớ thương: "Công viên” của nghĩa tình.

 Tản văn của  Bùi Việt Phương


Các tin khác


Những người bạn

(HBĐT) - Dù năm tháng học THPT trôi nhanh đến bất ngờ và vài thành viên nhóm "ngũ quái” năm nào đã cứng cứng tuổi nhưng họ vẫn bên nhau trong những sự kiện quan trọng của đời nhau. 2 nam, 3 nữ. Hồi đó, thấy họ thân nhau, bạn bè cùng trang lứa cứ đồn thổi là đôi nọ, đôi kia yêu nhau. Nhưng không hẳn như vậy. Trong số này, có 2 bạn nữ là Hiên và Hạ thuộc diện thoát ly làm "cô nuôi dạy hổ” - cách gọi của chúng nó về giáo viên mầm non. Còn 2 nam nhi: Thân và Thái làm đủ nghề để nuôi vợ con và giờ con cái cũng đã vào THPT, có đứa chuẩn bị vào đại học. Hai người có tham gia một vài câu lạc bộ xã hội, nghề nghiệp liên quan đến nông thôn, nông dân, thỉnh thoảng tham gia đàn ca sáo nhị của phường bát âm xóm.

Tiếng hát

(HBĐT) - Vậy là chị cũng đã cùng nhóm ca khúc chính trị biểu diễn được 3 đêm ở thị trấn bên sông này. Đúng là nơi có những khán giả lý tưởng. Đêm đầu tiên khi chị hát xong một bài nổi tiếng từ thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước, người xem vỗ tay thật dài, yêu cầu hát lại.

Chiều quê hương

(HBĐT) - Một thoáng chiều quê. Người quê, có lẽ chẳng mấy ai quên được những hình ảnh thân thương, gần gũi ấy... Trở về thăm mẹ buổi cuối tuần, làng quê thật yên bình, cánh cò trắng đang sải dài về triền đồi quen thuộc. Tiếng chim gù ở sườn núi và tiếng cười trẻ thơ vang vọng cả chiều quê. Bất chợt có mùi rơm rạ thoảng qua ký ức tạo thành mùi rất riêng, tôi gọi là mùi nhung nhớ.

Người lính năm xưa

Truyện ngắn của Bùi Việt Phương 

Chiến công lặng lẽ

(HBĐT) - Từ xưa đến nay, phố gầm cầu vẫn được coi là tụ điểm buôn bán ma tuý và dùng hàng trắng. Năm ấy, xóm gầm cầu có hơn 30 nóc nhà đều nể Tư "râu” nhất. Gã là người duy nhất không nghiện ngập, không đánh lộn và rất ít nói, đến cả cái trò ở truồng tắm sông như những gã đàn ông ở đây Tư "râu” cũng khước từ. Hàng ngày, gã sống nhờ vào nghề bơm vá, sửa xe. Ai hỏi thì nói, chẳng gây thù, chuốc oán hay nhìn đểu ai. Nhưng có điều chẳng bao giờ thấy có con nghiện nào dám chôm chỉa đồ đạc của gã.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục