Thế là ông đã có dịp trở lại cư xá xưa sau nhiều năm ra trường. Mấy chục năm chứ có ít đâu. Ngày ra trường, cầm tấm bằng đại học trong tay với bao niềm khát vọng cho những chân trời mới, ông luôn ước ao được trở lại nơi này. Cuộc đời có muôn lối rẽ, nhưng bước ngoặt của thời chia xa thời sinh viên là một dấu mốc quan trọng. Có thể cả ông và ai đó, khá xa lạ với từ "thành đạt” nhưng với ông, những năm tháng sinh viên là quãng đời hoa mộng đẹp nhất, như một hành trang ăm ắp niềm vui, ấm áp theo suốt cuộc đời. Một thứ tài sản vô giá, như một bảo vật tinh thần đi theo cùng năm tháng, khó định nghĩa đầy đủ được. Dù sau này, cuộc đời nhiều sóng gió, va đập nhưng những điều đẹp đẽ đã như một điểm tựa, nâng đỡ ông vượt qua…


Cư xá thay đổi nhiều quá. Mấy dãy nhà A1, A2, A3 được xây từ những năm 60, nay vẫn sừng sừng đó, nhưng nội thất, trang thiết bị đã đổi mới khá nhiều. Sinh viên giờ ở trong những dãy, khu khép kín, nước nôi, nhà vệ sinh được tân trang, đầy đủ. Không đến nỗi như đám sinh viên cùng phòng, muốn đi tắm phải đi 2 km sang công trường bên cạnh để tắm ké bể nước của công nhân. Thế mà trăm đứa thì có đến quá nửa bị hắc lào, ghẻ. Cho nên chúng nó truyền tụng câu ca: "Không bị ghẻ, không có thẻ sinh viên/Không hắc lào không được vào đại học”. Bữa cơm đạm bạc, không đủ no trong vài giờ. Đứa nào cũng vêu vao nhưng mà vui và nhiệt thành…

Một hương vị ngào ngạt từ phía thư viện ào tới khiến ông như choàng tỉnh khỏi dòng ký ức. Ôi mùi hoa ngâu, mùi hoa tinh khiết và gợi nhớ đến thế. Hồi nhập học, cũng đúng mùa hoa ngâu nở tràn ngập khắp cư xá sinh viên. Nhiều cây ngâu to cao sừng sững ở sát bậc lên xuống của thư viện nhà trường. Còn ở các bồn hoa trong sân thì chen chúc những dãy ngâu xanh lá, tươi vàng màu hoa ngâu. Cả không gian như được ướp hương hoa… Cái quán nước ở sát mé trái thư viện, xung quanh có mấy bụi ngâu già đâu rồi. Bà chủ quán tên thật là Na, nhưng đám sinh viên gọi là bà Bon béo. Bà bán quán nhưng ăn diện hơn người, đỏm dáng quá mức so với cái tuổi của bà khi đó. Hồi đó, bà ngoài 60 nhưng hình như vẫn kẻ mắt và điểm tý son nhẹ ở môi. Nhìn bà diện bộ áo tơ lụa màu mỡ gà, tay phành phạch quạt, chả ai bảo bà là bán hàng nước. Nhìn quý phái, nhưng ngôn từ của bà thì dân gian thái quá. Nói tục như hát hay, nhất là với mấy cậu sinh viên nợ ghi dày như những cuốn nhật ký. Ông nhớ, lần đầu vào quán, bà hất hàm nổ một tràng: "Nhà quê lên hả. Lính mới chưa biết học lớp nào, khoa nào chưa cắm ký được đâu. Nhìn kia, phải thâm niên mới được”. Nhìn sang chồng sách ghi nợ của bà dày đến 1 gang tay, cũ nhàu, thấm đẫm mồ hôi và năm tháng. Khi nghe nói, cháu mới lên còn tươi tiền nên bà cười phớ lớ, nhưng sau đó vẫn dành tầm 10 phút để kể tội mấy anh lớp trên. Chết thật, mấy anh sinh viên khóa K dám mạo danh các thi nhân danh giá để cắm quán. Đúng là không thể nào tệ hơn… Tuy bà chua ngoa, đanh đá, nhưng sinh viên lại "kết”   vì nói như ngôn ngữ bây giờ là làm ăn có tâm. Tuy chỉ thuốc lá cuộn, nước chè Thái Nguyên, bánh rán, bánh dồi chó, kẹo lạc… nhưng bà đặt toàn chỗ có uy tín. Đồ cũ, hết "đát” bà không bao giờ bán cho sinh viên. Chỉ có điều "Đã ngồi quán bà, phải sòng phẳng, tử tế. Không thì đừng trách. Bỡn với bà, thì sẽ gặp khoa, gặp trường cho chúng mày tốt nghiệp sớm”… Bà có 30 năm bán ở đây rồi. Thành tinh rồi. Bà bảo thế. Điều thứ hai, sinh viên thích ngồi là còn vì bà có con gái tên Vi, rất xinh, rất hiền, ăn nói có duyên. Một thái cực khác của bà Bom béo… Cô đang là sinh viên hội họa, nên khá lãng mạn. Mùa ngâu, cô hái hoa, phơi khô và treo ở vách quán. Thơm lừng đêm. Cô ủ chè, ủ lá vối thì ngon tuyệt. Quán đơn sơ, nên đám sinh viên cứ sểnh ra là ngồi tán chuyện để uống chè vặt và chờ cơm. Nhiều hôm, vì có cậu bạn đói lả, mà Vi "lờ” không ghi sổ mấy cái bánh rán cắm ký. May vụ đó êm xuôi, bà Bom béo không điều tra ra. Còn bình thường, mấy cốc chè chén nước ba, nước bốn, Vi không nề hà gì mà không khuyến mại mấy cậu sinh viên vừa tan lớp. Nhiều đêm hè, quán bà Bom béo cứ như đêm hội, đun mấy phích nước cũng hết vèo. Bà Bom béo thì hể hả lắm. Không có chúng nó, lọ bánh rán để qua đêm là lỗ vốn đấy. Có một chuyện ông nhớ mãi, tên H, khoa Lý nợ bà gần 10 trang giấy. Suốt từ năm thứ nhất đến đầu năm thứ ba mà cứ im thin thít. Bà Bom béo làm toáng lên. Bà đi lên phòng ở, lên văn phòng khoa, thậm chí còn rình đúng lúc cậu kia đi với người yêu để đòi nợ. Cậu ta lẩn như trạch, cứ thấy bà từ xa là lánh mặt. Nghe nói mấy năm nay, nhà cậu ta làm ăn thua lỗ, tháng thì gửi tiền lên, tháng thì không, toàn ăn ké bạn bè. Hôm bà định lên văn phòng khoa lần hai thì bỗng nhiên, cuốn "nhật ký quán” kia bay hơi mất. Lục tung cả quán lên suốt cả buổi sáng mà không sủi tăm… Mãi sau này, khi cậu kia ra trường, quay lại quán chơi để trả hết số nợ cắm ký, bà Bom béo mới ngã ngửa. Cuốn sổ cắm ký đã xuất hiện đúng ngày đó. Vi chia tay cậu bạn: "Nếu mợ tôi làm căng, cậu sẽ bị ảnh hưởng chuyện học hành. Có khi bị đuổi… Giờ trở lại thế này là may rồi. Nhà tôi chỉ biết trông chờ vào quán này, nếu ai cũng "bùng” thì vỡ trận đấy…”. Cười mà trong đôi mắt cậu sinh viên kia ướt nhòe: "Cám ơn Vi… đã cho tôi cơ hội trở lại như ngày hôm nay”… Thoảng trong không gian mùi hoa ngâu nhè nhẹ, lâng lâng…

Truyện ngắn của Bùi Huy

Các tin khác


Chú bé bán lồng chim

(HBĐT) - Ngày cuối tuần, cho mấy đứa nhỏ về quê ngoại nên ông nằm rốn thêm chút nữa. Ôi trời, mấy hôm nay nắng to, bức bối. Nghe radio nói về khí hậu, thời tiết khắp nơi thay đổi, hồ đập cạn dần mà nản. Ông chợt nhớ những ngày hè tuổi nhỏ. Hồi đó, hè có nắng nóng nhưng không gay gắt như hiện nay. Đêm hè, những luồng gió thổi từ sông, hồ, phía núi, dọc con đường làng, len lỏi qua những hàng tre, làm cho không khí mát rượi, dễ chịu hẳn…

Mùa bắt… “tôm bay”

(HBĐT) - Lại xôn xao những ngày tháng 6… Màu hoa phượng đã nhạt dần trên những vòm cây cuối phố. Và mưa giăng man mác trên những hàng cây sang mùa quả chín vàng cùng những hàng bàng, hàng lộc vừng mùa hoa rơi rụng. Những ngày nóng oi nồng, bức bách, xen lẫn những cơn mưa mát lành. Lòng bỗng thư thái, chợt nghe những câu văn tha thiết trong "Thương nhớ mười hai” của nhà văn Vũ Bằng và lời bài hát "Tháng sáu trời mưa” vang trong không gian...

Từ một bức ảnh

(HBĐT) - Tôi có cuốn sổ mua từ hồi sinh viên vẫn đem theo bên mình. Cuốn sổ có bìa màu da đã cũ, không dày lắm nhưng ghi mãi chưa hết. Nó cứ thế lăn lóc theo tôi từ lúc đi thực tập, thử việc cho đến khi ra trường đi làm. Tôi chỉ có thói quen ghi chứ chẳng xem lại bao giờ.

Cát đen, cát vàng

(HBĐT) - Loay hoay tính đi tính lại, cuối cùng chàng tiều phu quyết định vay vốn để đầu tư mở bãi tập kết buôn bán cát, sỏi phục vụ nhu cầu xây dựng ở vùng "rừng xanh, núi đỏ”.

Những người bạn

(HBĐT) - Dù năm tháng học THPT trôi nhanh đến bất ngờ và vài thành viên nhóm "ngũ quái” năm nào đã cứng cứng tuổi nhưng họ vẫn bên nhau trong những sự kiện quan trọng của đời nhau. 2 nam, 3 nữ. Hồi đó, thấy họ thân nhau, bạn bè cùng trang lứa cứ đồn thổi là đôi nọ, đôi kia yêu nhau. Nhưng không hẳn như vậy. Trong số này, có 2 bạn nữ là Hiên và Hạ thuộc diện thoát ly làm "cô nuôi dạy hổ” - cách gọi của chúng nó về giáo viên mầm non. Còn 2 nam nhi: Thân và Thái làm đủ nghề để nuôi vợ con và giờ con cái cũng đã vào THPT, có đứa chuẩn bị vào đại học. Hai người có tham gia một vài câu lạc bộ xã hội, nghề nghiệp liên quan đến nông thôn, nông dân, thỉnh thoảng tham gia đàn ca sáo nhị của phường bát âm xóm.

Tiếng hát

(HBĐT) - Vậy là chị cũng đã cùng nhóm ca khúc chính trị biểu diễn được 3 đêm ở thị trấn bên sông này. Đúng là nơi có những khán giả lý tưởng. Đêm đầu tiên khi chị hát xong một bài nổi tiếng từ thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước, người xem vỗ tay thật dài, yêu cầu hát lại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục