(HBĐT) - Gần tháng nay, ban liên lạc lớp 10 nhóm họp để chuẩn bị các chương trình tham gia hội khóa, hội lớp. Cũng có mấy cốt cán thôi, nhưng ban có mở rộng để mọi người được tham gia, bàn bạc cho dân chủ. Thầy chủ nhiệm cũng già rồi, tuổi cao sức yếu như ngọn đèn trước gió, năm nay không tổ chức biết thế nào…


Lo địa điểm, lo đồng phục, thực đơn, kịch mục chương trình, kinh phí… cũng rôm rả ra phết. Nhìn các nhóm lớp khác có khí thế bừng bừng mà thấy tâm trạng hứng khởi. Tầm tuổi này được gặp nhau vui lắm chứ. Mấy chục năm rồi, gần nửa đời người chứ có ít đâu…
Bà Tân, trưởng ban liên lạc, người thuộc diện miệng nói liên thanh, tay làm nhoay nhoáy. Dạo này không biết ai tư vấn mà thay đổi gu ăn mặc với những sê ri váy toàn tông hồng, đỏ. Khá chói chang. Được cái chăm chỉ quán xuyến nên công việc khá chạy. Còn ông Thế, phó ban, mấy tuần nay cũng xuôi ngược cùng con "đrim” cũ. Bằng nhiều nguồn tin khác nhau, ông ấy cũng "tóm” được mấy chiến hữu từ ngày ra trường biệt tăm ở huyện bên cạnh. Rồi lại tập hợp danh bạ để đưa lên nhóm zalo, facebook; thúc mọi người liên kết với nhau. Dáng thấp nhỏ nên nhìn từ xa nhiều người lầm tưởng một cậu thiếu niên đang tập xe. Nhưng hắn ta là cựu quân nhân đấy, từng chiến đấu ở biên giới Bình Phước, Tây Ninh, Kon Tum… Người chắc nịch như nắm cơm và tóc thì cũng rơi rụng kha khá rồi. Có tý lởm chởm bạc trên chỏm đầu nên chiếc mũ vải là vật bất ly thân. Tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam mất 1 ngón tay. Nghe nói khá giỏi võ… Hồi đang học cậu ấy cũng tham gia một số phi vụ đánh nhau nảy lửa với bọn xã bên. Nhưng vào lớp 10 thì trầm hẳn. Lúc này lại đâm ra say mê đàn hát. Tuần nào cũng vắt vẻo đạp xe ra thị trấn học đàn cùng một nghệ sĩ "nửa mùa”, kiểu cơm chấm cơm ấy. Tuy thế vẫn biết đệm cho đội văn nghệ của lớp, thế là ổn rồi. Chuẩn bị cho cuộc gặp mặt, ông Thế cũng đã chuẩn bị mấy tiết mục cho lớp. Tập được vài buổi thì đùng một cái ông nhắn lên nhóm: "Có việc gấp đi Tây Nguyên. Mọi việc ở nhà cứ thế mà tiến hành thôi”. Đúng lúc nước sôi lửa bỏng, chịu cái ông này…
Bà Tân làm trưởng đoàn, cả nhóm đùng đùng kéo đến nhà ông Thế ở xóm Núi. May quá có người ở nhà. Vợ chồng con cả nhà ông Thế chạy ra đón khách bằng câu: "Không hiểu sao bảo là hơi mệt… Thế mà có đồng đội đến đón là đi luôn. Khỏe re các bác ạ”. Vợ ông Thế, một người đàn bà đặc sệt sơn cước, có làn nước da nâu bóng góp chuyện: "Nói có trời chứng giám. Từ ngày ông ấy ra quân đến giờ chuyện to, chuyện nhỏ nhà này tôi "cân” hết. Ông chỉ biết mỗi việc làng, việc xóm thôi. Mấy năm nay còn tham gia nhóm liên quan đến "Tìm mộ liệt sỹ” gì đó lại bận hơn. Đây các chị xem…”. Lại thêm bất ngờ về ông Thế. Trên tường có rất nhiều bức ảnh ông cùng đoàn nọ, đoàn kia thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách; có ảnh đang đào xới, tìm kiếm gì đó ở trên một quả đồi xa lạ đầy nắng, ai đó mồ hôi mồ kê nhễ nhại…
- Nói thật với các anh chị, mấy năm nay có đồng nào từ chăn nuôi lợn, gà, ao cá… đều dồn cho anh ấy đấy. Tâm huyết lắm… Đêm hôm ghi ghi chép chép rồi gửi đi đâu không rõ. Tiếng chị vợ vọng bên tai như tự sự: Đây này các bác…Chả biết muốn trở thành nhà văn, nhà thơ gì mà suốt ngày ghi chép, kể về đồng đội. Mỗi đồng đội, mỗi trận đánh là một câu chuyện. Thành tập dày rồi… Mà có chuyện tôi đọc thấy xúc động quá các chị à…
- Hôm kia có mấy bác ở thành phố vào, nói là đã tìm được nơi một người đồng đội của bố ngã xuống ở biên giới Tây Nam. Thế là mọi người hẹn nhau vào đó để làm nhiệm vụ quy tập. Người bạn ấy rất thân với bố cháu thời giữ chốt ở đó. Tiếng cậu con trai góp chuyện.
Mọi giận dỗi vô cớ của các thành viên tan biến. Chỉ bực một nỗi là ông ấy không chia sẻ công việc đó với ai bao giờ. Thảo nào năm ngoái, đúng dịp này khăn gói ra tàu hỏa xuôi Nam. Ai cũng đoán là ông này đi du lịch một mình, kiểu "ăn mảnh”, "đánh bắt xa bờ”. Sau chuyến đi mặt mũi tươi tỉnh hẳn, không khó đăm đăm như lần các "ca sĩ” của lớp hay sai nhạc, sai lời trong buổi tập nữa… Ra đầu làng đoàn dừng lại, bà Tân bốc điện thoại bấm: "Ông đã đến nơi chưa? Sao chả thấy ông nói trước lấy một lời, ít ra nhóm hỗ trợ ông ít phí độ đường. Gọi là vì việc nghĩa. Đây tôi để loa ngoài nhé”. Tiếng ông Thế bập bùng trong tiếng tàu chạy đường ray, tiếng người nói lao xao: "Tôi xin lỗi cả nhà…Việc gấp quá. Tối nay đoàn sẽ đến chỗ tập kết. Hy vọng sẽ quy tập gọn trong tuần. Mà chỗ văn nghệ bà Tân lo cho tôi nhé. Không ghi ta lớp thì nhờ các bạn lớp khác. Còn không bà đơn ca cho lớp một bài cũng được. Thế nhé!”. Ông Thế ơi là ông Thế. Ông xây dựng kịch mục đủ kiểu mà lại "đá bóng” sang cho người khác là thế nào. Bà Tân và nhóm đứng mãi bên hàng tre bên đường. Mây trắng kéo rợp phía đồi, nơi con suối chảy thao thiết không ngừng nghỉ. Con suối đấy bắt nguồn từ những cánh rừng phía nhà ông Thế. Bà bâng quơ: "Cái lão Thế nhỏ thó thế mà đi lại cứ thoăn thắt ấy nhỉ. Chả biết trong ấy mưa nắng thế nào? Có đem theo mũ không? Không cái nắng Tây Nguyên lại chả vặt trụi tóc đi ấy chứ”. Câu nói khiến mọi người cười ồ. Mà này, việc ai người ấy làm đi nhé. Ông Thế đi vắng, việc của lớp của khóa vẫn thế thôi. Nhưng vắng lão này mọi hoạt động cũng "kém xuân” đi đấy. Thôi để lão về kể lại cho nghe vậy. Mà mấy tay hay quay hay chụp sẽ quay video để lão về xem. Lúc đó tha hồ mà tiếc nuối nhé. Tiếng bà Tân lẩm bẩm tan loãng trong nắng gió miền đồi. Hôm nay một ngày nắng nhẹ. May quá.


Truyện ngắn của Bùi Huy

Các tin khác


Mùa bắt… “tôm bay”

(HBĐT) - Lại xôn xao những ngày tháng 6… Màu hoa phượng đã nhạt dần trên những vòm cây cuối phố. Và mưa giăng man mác trên những hàng cây sang mùa quả chín vàng cùng những hàng bàng, hàng lộc vừng mùa hoa rơi rụng. Những ngày nóng oi nồng, bức bách, xen lẫn những cơn mưa mát lành. Lòng bỗng thư thái, chợt nghe những câu văn tha thiết trong "Thương nhớ mười hai” của nhà văn Vũ Bằng và lời bài hát "Tháng sáu trời mưa” vang trong không gian...

Từ một bức ảnh

(HBĐT) - Tôi có cuốn sổ mua từ hồi sinh viên vẫn đem theo bên mình. Cuốn sổ có bìa màu da đã cũ, không dày lắm nhưng ghi mãi chưa hết. Nó cứ thế lăn lóc theo tôi từ lúc đi thực tập, thử việc cho đến khi ra trường đi làm. Tôi chỉ có thói quen ghi chứ chẳng xem lại bao giờ.

Cát đen, cát vàng

(HBĐT) - Loay hoay tính đi tính lại, cuối cùng chàng tiều phu quyết định vay vốn để đầu tư mở bãi tập kết buôn bán cát, sỏi phục vụ nhu cầu xây dựng ở vùng "rừng xanh, núi đỏ”.

Những người bạn

(HBĐT) - Dù năm tháng học THPT trôi nhanh đến bất ngờ và vài thành viên nhóm "ngũ quái” năm nào đã cứng cứng tuổi nhưng họ vẫn bên nhau trong những sự kiện quan trọng của đời nhau. 2 nam, 3 nữ. Hồi đó, thấy họ thân nhau, bạn bè cùng trang lứa cứ đồn thổi là đôi nọ, đôi kia yêu nhau. Nhưng không hẳn như vậy. Trong số này, có 2 bạn nữ là Hiên và Hạ thuộc diện thoát ly làm "cô nuôi dạy hổ” - cách gọi của chúng nó về giáo viên mầm non. Còn 2 nam nhi: Thân và Thái làm đủ nghề để nuôi vợ con và giờ con cái cũng đã vào THPT, có đứa chuẩn bị vào đại học. Hai người có tham gia một vài câu lạc bộ xã hội, nghề nghiệp liên quan đến nông thôn, nông dân, thỉnh thoảng tham gia đàn ca sáo nhị của phường bát âm xóm.

Tiếng hát

(HBĐT) - Vậy là chị cũng đã cùng nhóm ca khúc chính trị biểu diễn được 3 đêm ở thị trấn bên sông này. Đúng là nơi có những khán giả lý tưởng. Đêm đầu tiên khi chị hát xong một bài nổi tiếng từ thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước, người xem vỗ tay thật dài, yêu cầu hát lại.

Chiều quê hương

(HBĐT) - Một thoáng chiều quê. Người quê, có lẽ chẳng mấy ai quên được những hình ảnh thân thương, gần gũi ấy... Trở về thăm mẹ buổi cuối tuần, làng quê thật yên bình, cánh cò trắng đang sải dài về triền đồi quen thuộc. Tiếng chim gù ở sườn núi và tiếng cười trẻ thơ vang vọng cả chiều quê. Bất chợt có mùi rơm rạ thoảng qua ký ức tạo thành mùi rất riêng, tôi gọi là mùi nhung nhớ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục