(HBĐT) - Anh Hùng ra đảo khi chị Hiền đang mang bầu được 3 tháng. Thấm thoắt thời gian, con bé Hoài Thương nay đã lên 5 tuổi, đi học lớp mẫu giáo lớn, đi học về, Hoài Thương cứ bi bô hát. ông bà nội nhớ con trai nơi đảo xa, ôm cháu vào lòng nựng cháu:

 

- Ừ, hát hay rồi lớn lên làm cô văn công ra đảo hát cho bộ đội nghe.

Mẹ Thương, cô giáo Hiền dạy học ở trường làng, hàng ngày lên lớp có bọn trẻ đỡ nhớ chồng, được ông bà nội cảm thông đỡ đần để cô có thời gian dạy học. Cháu nội hàng ngày đến trường mẫu giáo đã được ông đón, đưa trên chiếc xe đạp.

Cô giáo Hiền cần cù, chăm chỉ được học sinh quý mến, phụ huynh tin yêu. Làm dâu, xa chồng, cô giáo Hiền tốt nết nên được mọi người thương, thình thoảng chị mới nhận được thư chồng từ đảo xa, nơi đầy sóng gió và vị mặn của biển gửi về. Thư gửi đi dù phải vượt sóng to, gió lớn về đất liền đến được người thân là công sức của anh quân bưu. Mỗi lá thư anh gửi điều đầu tiên anh dành lời thăm hỏi cha mẹ rồi mới đến vợ con và cô em gái. Anh gửi cả tấm lòng về đất liền, về người vợ trẻ và cô con gái từ khi sinh ra đến giờ đã 5 tuổi mà anh chưa hề được bế, được hôn lên mái tóc. Thư về ở cái trường làng này còn là niềm vui sự đồng cảm của đồng nghiệp. Chị em chia sẻ rồi động viên nhau những người có hoàn cảnh, có sự thiệt thòi để cùng nhau công tác, lên bục giảng truyền cho con trẻ những kiến thức và tình yêu.

Ở đảo xa, đối diện với biển mênh mông, giữa trùng khơi những con sóng nhấn những đảo chìm, đảo nổi. Có lúc chiều trên đảo, dưới bóng cây phong ba, anh lại chợt nhớ về những kỷ niệm xưa, kỷ niệm những ngày ở quê, một vùng quê heo hút có con đê chạy qua. Con đê dài cả tuổi thơ chưa bao giờ đi hết. Anh nhớ những chiều hai đứa đi học về, ra đồng xuống ruộng hay ngồi trên triền đê ngắm sang bên kia bờ sông tháng 3, cây gạo đỏ hoa, chào mào, sáo sậu nhảy nhót hót ríu rít. Hiền, cô con gái hiền lành như cái tên bố mẹ đặt cho có mái tóc dài mượt, nụ cười tươi và đôi mắt to sáng ngồi triền đê, Hùng trêu chọc Hiền, Hiền chỉ cười hai má ửng đỏ. Hai đứa thường ngồi nhặt những bông hoa cỏ may vướng vào ống quần sau những lúc đi tha thẩn trên đê. Thứ hoa cỏ may, loại hoa dại không hương, không sắc đi vào những giấc mơ của trẻ con vụn vặt mà cũng chẳng quên.

Con đề Quỳnh ôm lấy che chắn cho làng, lũy tre làng bao đời thay nhau xanh tốt, nơi chiều cò về vỗ cánh trắng ngọn tre, cảnh quê thanh bình và yên ấm.

Khi còn là một học sinh THPT, Hùng đã là danh thủ bơi lội của trường, của huyện và năm thi bơi lội của tỉnh vượt sông Đà, Hùng về đích trước thời gian được nhận HCV. Tốt nghiệp THPT với năng lực của mình “con rái cá” của quê được bạn bè tặng cho, anh thi vào trường sĩ quan hải quân, năng lực, sở trường của anh vào đây như “cá gặp nước”, anh phát huy rèn luyện, học tập. Sau 2 năm, anh ra trường với quân hàm thiếu úy được bổ sung vào đơn vị ra giữ đảo.

Trong quân phục hải quân, anh được về phép, gặp lại Hiền, cô sinh viên vừa tốt nghiệp khoa tiểu học trường Cao đẳng sư phạm. Hai người quen nhau từ nhỏ, nay gặp lại nhau như một duyên số, anh tươi cười, còn Hiền e lệ, tay vê ngọn hoa cỏ may, má đỏ ửng. Anh lính hải quân đã có những năm tháng với sóng nước, biển cả, nước da rám nắng của biển, của cát trắng. Thế rồi hai người yêu nhau, họ nên vợ, nên chồng. Khi có quyết định ra đảo, anh chỉ lo cho người vợ trẻ biết lúc nào gặp lại, còn anh là lính hải quân đã xác định sẽ sống chết với biển, ăn sóng, nói gió, lấy đảo là nhà, biển là quê hương. Vị mặn của biển sẽ là hương vị lâu bền, quen thuộc của anh lính thủy.

- Anh cứ yên tâm ra đảo, làm nhiệm vụ của người lính hải quân. ở nhà, em và cô Thủy sẽ chăm sóc bố mẹ.

Thủy, cô em gái Hùng sau khi học xong THPT, thi vào Học viện Ngân hàng nay đang công tác trên thành phố. Hai chị em Hiền - Thủy rất tâm đầu, ý hợp, không có tiếng “giặc bên ngô không bằng bà cô bên chồng”, hai người thường tâm sự, chăm sóc nhau như chị em ruột.

Thủy nghe tin trong đoàn nghệ thuâùt của tỉnh được chọn 3 người lên quân khu để ra đảo giao lưu, gặp gỡ bộ đội. Thủy biết Thanh Loan, cô gái cùng làng nay là ca sĩ hát dân ca miền núi nổi tiếng được chọn đi chuyến này. Thanh Loan là cái tên mới, còn lúc ở nhà, tên cũ là Xoan, nghe đâu tên Xoan được đặt vì sinh vào mua xuân, mùa hoa xoan tím. Thủy đến gặp Loan nói:

- Biết tin chị lần này có vinh dự ra phục vụ bộ đội trên đảo, anh Hùng nhà em đang ở ngoài đó, em phiền chị.

- Em nhờ là chị giúp liền nhưng phải gọn nhẹ. Nhưng ra đảo làm sao mà gặp được anh Hùng?

Thủy cười:

- Khó gì đâu hả chị, với trang phục phụ nữ quê ta, chị cất cao bài dân ca, bài hát của dân tộc mình thì anh Hùng sẽ nhận ra ngay.

Sau mấy ngày cưỡi sóng, theo đoàn ra đảo, tuy hơi mệt nhưng đây là lần đầu tiên, là niềm vinh dự ra đảo phục vụ các anh. Dù mệt, Loan vẫn vui và lại nhiệt tình phục vụ theo yêu cầu của lính đảo.

Sân khấu là khoảnh đất bằng dưới bóng cây phong ba, Loan say sưa hát bài dân ca của quê hương miền núi. Hùng ngồi nghe mà lòng háo hức, anh nhấp nhỏm, nghĩ trong bụng Loan nào nhỉ, con nhà ai mà hát dân ca ấm và vang giữa đảo mênh mông biển xanh sóng nước. Bài hát dân ca miền núi hòa quyện với biển xanh nghe sao mà nao lòng. Biểu diễn xong, Hùng chạy ào đến gặp Loan, Hùng cầm tay Loan, anh thượng úy hải quân lắc lắc tay cô ca sĩ hồ hởi giới thiệu với bạn bè đồng ngũ.

- Thanh Loan, cô ca sĩ đồng hương của mình đây.

Anh em cười vang.

- Thủ trưởng lại thấy sang bắt quàng làm đồng hương rồi!

- Thôi, thủ trưởng cho em làm đồng hương nhé.

Gió chiều ngoài biển mang vị mặn vào đảo. Tình cảm người trong đất liền với người lính đảo lúc này sao thiêng liêng mà ấm tình quân - dân đến vậy. Loan nhìn anh, khác với thời là danh thủ bơi lội nay đã là sĩ quan mang quân hàm thượng úy, da rám nắng của biển nhưng anh chững chạc và tác phong của lính biển can trường. Loan niềm nở nói:

- Chắc anh Hùng chẳng nhận ra em đâu, em là cái Xoan ở xóm Mát, con bố Sâm đây mà. Vào học trường cao đẳng nghệ thuật, em được các thầy cho cái tên Thanh Loan. Loan cười, nụ cười cởi mở:

- Cái tên nghe điệu đàng văn công anh nhỉ:

Hùng cười:

- Nghe em nói hay, anh lại thích nghe chuyện.

- à, mải chuyện, em quên đưa quà cho anh rồi, đây tấm ảnh cháu gái Hoài Thương, con gái anh và mấy thứ quà lặt vặt mà Thủy nhờ em đưa anh dùng.

- Anh cảm ơn em, đúng là của một đồng, công một nén.

Cầm tấm ảnh con gái, Hùng chớp chớp mắt, con bé lúc anh ra đi mới 3 tháng nằm trong bụng mẹ mà nay đã đi học mẫu giáo, biết múa hát, có nơ hồng cài trên tóc, đôi mắt đen sáng, giống mẹ nó quá.

Loan nghe Hùng tâm sự càng thông cảm người lính biển biền biệt quanh năm, ở nơi đầu sóng, ngọn gió gian khổ trăm bề giữ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải cho Tổ quốc. Trước khi ra đảo, Loan đã đọc, tìm hiểu đảo giữa gió ngàn biển Đông. Thời xưa, thời của cha ông chúng ta mỗi lần đi thuyền ra đảo Hoàng Sa, Trường Sa là những cuộc ra đi không có ngày trở lại. Vì thế, giờ chia tay lên đường cũng là lúc vĩnh biệt người thân. Chính vì vậy, ngoài vũ khí, lương thực, phương tiện đi biển, mỗi người lính còn được cấp 2 chiếc chiếu, 7 sợi dây mây, 7 thanh tre và một thẻ bài ghi tên, tuổi, quê hương, đơn vị để khi bất trắc, rủi ro, đồng đội sẽ bó xác người xấu số, kèm theo thẻ bài và thả trôi trên biển với hy vọng mong manh rằng, sóng gió sẽ đưa hài cốt người chiến sĩ trôi dạt vào đất liền để được an táng trong lòng đất mẹ.

Loan ngậm ngùi, từ rất lâu rồi, cha ông ta đã ngày đêm không tiếc máu xương để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trước mênh mông biển xanh, dạt dào sóng vỗ, Loan đưa máy ảnh lên:

- Em xin anh, đồng chí thượng úy hải quân một kiểu ảnh làm kỷ niệm và em sẽ mang về làm quà tặng chị và cháu Hoài Thương.

Nghe Loan nói, Hùng cảm động:

- Anh cảm ơn em!

Dưới bóng cây phong ba sừng sững đón gió biển Đông, cái gió mang vị mặn của biển kỷ niệm những ngày trên đảo mênh mông sóng nước.

 

 

                                                                    Văn.Song (T.T.V)

 

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Mẹ chồng, nàng dâu

(HBĐT) - Cả ngõ phố này ai cũng bảo chị Ánh số may mắn được làm dâu nhà bà Thu, một mẹ chồng yêu thương con dâu như con đẻ. Tốt nghiệp trung cấp y, Ánh được điều về bệnh viện đa khoa thành phố làm việc. Duyên phận đã se duyên cho Ánh và Tuấn nên vợ nên chồng.

Tinh khôi chiều hè

(HBĐT) - Gió ào ào như lay, như lắc trên khắp ngọn cây, từ dãy bạch đàn, hàng me, cả cây phượng già. Gió như giằng bứt những chiếc lá vàng đang cố níu bám trên thân cành để rắc đầy xuống lòng đường hè phố, cả cái ngõ nhỏ vừa thân quen, vừa là lối đi về của Diệu Tú.

Cháu đích tôn thiếu tháng

(HBĐT) - Cứ mỗi lần Thái được về tranh thủ hoặc về phép, đêm đêm, Lan lại khóc nức nở bên chồng. Thương chồng nhưng Lan vẫn ấm ức với chồng và giận ông Thế là bố của chồng không coi con trai của họ là cháu nội. Mặc dù Thái rất yêu vợ, thương con và nhiều lần bảo Lan rằng chỉ có chồng hiểu là được, không cần bận tâm những chuyện bên ngoài mà ảnh hưởng đến công việc. Biết vậy nhưng Lan vẫn thấy mình bị oan. Ngày sinh con, chồng đang ở Trường Sa không về được, Lan nhờ ông nội đặt tên cho cháu. ông Thế chỉ nói bâng quơ: “Bảo bố nó đến mà đặt tên”. Câu nói có ngụ ý cùng với sự lạnh nhạt của bố chồng trong thời kỳ ở cữ khiến cho lòng Lan đau như xát muối.

Đôi mắt hậu phương

(HBĐT) - Tháng tư, cái nắng đầu mùa đã rải vàng khắp đường làng, ngõ xóm, ông Trung tuổi ngoài 60, lật từng trang nhật ký của một thời khói lửa, chiến trường.

Sự ăn ở chân thành

(HBĐT) - Khi còn là sếp ở một cơ quan, người được ông Vạn ưu ái nhất là trưởng phòng hành chính Hoạt bởi ông ta là người khéo léo, hoạt bát, biết chiều ý sếp, lo cho sếp việc mua sắm bàn ghế, giường tủ mới cho phòng làm việc, lo xe cộ thăm viếng bạn bè, bà con hoặc cho vợ đi lễ chùa.

Rượu có nói gì đâu

(HBĐT) - Bệnh viện huyện nằm bên ruộng lúa. Hàng bánh xèo, quán bún cá, quán nem nướng, cà phê... đều nhìn ra ruộng lúa. Hầu hết những con đường lớn nhỏ đều chạy xuyên giữa cánh đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục