(HBĐT) - Tháng tư, cái nắng đầu mùa đã rải vàng khắp đường làng, ngõ xóm, ông Trung tuổi ngoài 60, lật từng trang nhật ký của một thời khói lửa, chiến trường.

 

Ngôi nhà ông nằm dưới sườn đồi, tán bóng cây hồng xiêm, hồng bì, nhãn, vải che mát. Trong không gian yên tĩnh của một vùng quê, ông bồi hồi nhớ lại những năm tháng không quên.

 

Thời ấy, anh sinh viên khoa ngữ văn năm thứ ba của trường Đại học Tổng hợp nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, xếp bút nghiên lên đường. Anh đã cùng với bạn bè hòa vào khí thế tuổi trẻ xẻ dọc Trường Sơn. Những ngày đầu, lớp thanh niên sinh viên nhập ngũ về vùng đất đỏ trung du Xuân Mai, ngày tập các động tác lăn lê, bò toài, sử dụng vũ khí. Đêm hành quân leo đèo, lội suối, mang vác làm quen để rồi có một ngày rong ruổi Trường Sơn vào chiến trường Tây Nguyên, chiến trường B đánh giặc.

 

Đầu năm 1970, anh Trung được tranh thủ về thăm nhà 3 ngày để chuẩn bị hành quân xa. Anh ra nhà người quen mượn được chiếc xe đạp, anh hăm hở về thăm mẹ và người yêu. Ngày trả phép ra khỏi nhà, anh đạp xe đi một vòng quanh làng, đứng nhìn luỹ tre làng, dòng suối xanh và ngước nhìn đồi chè đang mùa đâm chồi, nảy lộc, một màu xanh mát mắt ngút ngàn.

 

Buổi lên đường, đôi mắt mẹ rưng rưng rồi cầm vai anh lắc lắc:

- Con đi ráng phấn đấu cho bằng anh, bằng em, mẹ mong ngày chiến thắng, con về!

Trước nét mặt, ánh mắt của mẹ, anh liên tưởng câu nói của nhà văn Xô Viết trong cuốn tiểu thuyết “Người mẹ”: “... muốn biết cuộc chiến tranh thành hay bại, hãy nhìn vào đôi mắt của người mẹ khi tiễn con lên đường”. Đúng rồi, đôi mắt mẹ xúc động nhưng chan chứa một niềm tin thắng trận trở về.

 

Anh qua cổng làng, nhìn lại một lần nữa trước khi đi xa. Anh đi mà lòng còn nhớ lại, nhớ đôi mắt mẹ và đôi mắt người yêu. Một chiều bên bờ suối, đằng sau là bụi hoa dẻ, mùa tháng ba hoa dẻ đã khoe màu vàng tươi, những cánh hoa dài mướt phảng phất hương thơm, mùi thơm mộc mạc quê hương. Dù có đi đâu, mùi thơm của hương đồng, cỏ nội vẫn vương vấn khó quên.

 

- Anh đi giữ gìn sức khỏe, chiến đấu thắng lợi. Em chờ, cả hậu phương chờ anh, anh nhé!

Đôi mắt người yêu trong xanh, một buổi chiều quê xanh và dòng suối xanh, tất cả gửi gắm một niềm tin. Tâm lý người ra đi là bịn rịn xa yêu thương mà lòng vẫn vấn vương nhưng nhiệm vụ cao cả của tuổi trẻ, anh ra đi với bao niềm hy vọng, niềm tin cao cả. ánh nắng sót lại rải lên đồi nương và lũy tre làng. Cầm tay, ánh mắt nhìn ánh mắt, một tình yêu trong sáng của một thời tuổi trẻ. Xốc lại ba lô, anh lên xe, chiếc xe đạp đưa anh về đơn vị trả phép.

 

Anh đi qua ngôi trường cấp III trên huyện, nơi ngôi trường sơ tán, mái tranh, vách đất và cả hệ thống hầm hào, anh náo nức nhớ lại những năm tháng học tập trong chiến tranh với mũ rơm, túi thuốc. Nơi sơ tán cũng là nơi có những năm tháng đầy kỷ niệm của lớp học sinh lớp 10, lớp cuối của cấp III thời đó. Những tà áo xanh lơ da trời, những mái tóc xõa ngang vai, những hàm răng trắng lóa và những nụ cười trong trẻo là những kỷ niệm đầy ắp trong anh. Chính nơi sơ tán này mùa thi đến là mùi hoa dẻ của một vùng quê lại thơm, lại đưa hương theo gió núi. Cài lên tóc một màu vàng hoa dẻ, mái tóc thơm, mái tóc lại lên hương, thêm đẹp làm náo nức bao chàng trai tuổi học trò ngập ngừng, lúng túng. Chia tay ngôi trường cấp III của huyện, anh về Hà Nội học, ở lại trường cô bạn gái học dưới anh 2 lớp. Tình yêu tuổi học trò lâng lâng, nhẹ nhàng, trong sáng đi theo anh đến những vùng đất xa xôi. Anh nhớ mãi đôi mắt người yêu của cái ngày chia tay để ra đi…

 

Dọc đường, Trung đạp xe nhẩn nha thu hết các cảnh vật vào mắt từ bụi tre cho đến đụn khói mờ tỏa trên mái rạ của các làng quê ở hai bên đường. Anh cố in đậm những hình ảnh vào trong đầu vì chỉ vài ngày nữa, trước mắt anh chỉ có rừng trập trùng, rừng Trường Sơn đồi dốc, đèo cao rồi chiến hào, bom đạn.

 

Trung thấy phía trước một cô gái đạp xe thong thả, ung dung, cánh áo xanh nước biển, tóc xõa ngang vai. Cái nắng chiều tháng 4, mặt trời đã xuống thấp còn lấp ló sau ngọn núi. Trung đạp nhanh để kịp đến, cô gái đang suy tư điều gì không để ý, đôi chân anh lính trẻ gồng nhanh. Trung thấy cô gái có lẽ đang trong tâm trạng dạt dào tình cảm, cô gái rất đẹp. Biết anh đạp xe nhanh ngang với mình, cô đi chậm, anh bắt gặp một gương mặt xinh xắn, cô gái khoảng ngoài đôi mươi. Sững sờ giây lát chưa kịp ngỏ lời làm quen thì anh đã bị cô gái choảng cho một câu:

- Anh bộ đội nhìn kiểu gì mà bất lịch sự thế?

Trung mỉm cười, mắt vẫn không rời cô gái. Hai chiếc xe đạp lăn đều về phía trước. Trung ngập ngừng nhưng rồi cũng mạnh dạn, vận dụng cái tài ăn nói của một sinh viên khoa văn và tác phong kỷ luật của anh bộ đội trẻ. Trung nói với cô gái mà như đang “ximine” một vấn đề của văn học.

- Anh muốn được chiêm ngưỡng sắc đẹp của người con gái, muốn nhìn đôi mắt em và những cảnh vật của miền Bắc để rồi còn ít ngày nữa sẽ xa tất cả, khó mà tìm thấy.

Nghe Trung nói, cô quay sang hỏi:

- Anh nói khó tìm cái gì?

Không trả lời câu hỏi của cô gái, Trung nói một hơi:

- Gặp người con gái đẹp ai chẳng muốn ngắm nhưng anh là ghét nhất thói liếc ngang nhìn trộm. Cứ nhìn thẳng mà chiêm ngưỡng nếu như em cho đó là cách nhìn thô lỗ thì anh xin lỗi còn vì một lẽ, vài ngày nữa anh vào Nam chiến đấu, thấy em xinh quá, mắt em đẹp quá mà anh nhìn, anh muốn in đậm người con gái miền Bắc vào trong tim để sắp tới trên chiến trường, phải nhìn cho trúng để bóp cò súng chỉ còn là những thằng giặc. Cô gái như hiểu được lòng Trung. Hai chiếc xe đạp song song lăn bánh, mặt trời đã gác núi, cô gái dịu dàng nhìn Trung với đôi mắt như đẹp hơn lúc ban đầu, đôi mắt như biết cười, nhìn Trung hơi lâu rồi nhỏ nhẹ:

- Anh nhìn em đi!

Đi trên con đường đất đỏ vùng trung du, lòng cô gái nao nao chất lính, cái chất đặc trưng khó tả, chỉ biết là mộc mạc, gần gũi vô cùng khiến người ta ấm lòng mà chẳng rõ vì sao.

Trên chiến trường bên chiến hào hay trên đường hành quân, Trung lại nhớ đến đôi mắt, đôi mắt mẹ lúc tiễn anh, đôi mắt người yêu lúc chia tay và đôi mắt cô gái, người bạn đường trên đường về đơn vị. Những đôi mắt hậu phương sao mà đáng yêu, đáng quý!

Giờ đây, với tuổi ngoài 60, tháng tư về, anh lại nhớ kỷ niệm xưa, kỷ niệm chiến trường cho đến ngày toàn thắng.

Đôi mắt mẹ già tuổi ngoài 80 nhưng đôi mắt ấy vẫn tràn đầy tình yêu thương nhân hậu. Đôi mắt người yêu nay đã là người bạn đời, cùng nhau gánh vác thăm thẳm trong miền sâu xa một lòng thủy chung, son sắt. Còn đôi mắt người bạn đường, cô gái đạp xe của một chiều trung du, đôi mắt biết cười ấy có lẽ cũng đang chan chứa niềm vui, hạnh phúc vì đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Nhớ mãi đôi mắt hậu phương, chính những ánh mắt ấy đã tiếp cho anh ngọn lửa thắp sáng niềm tin yêu.                            

 

 

                                                       Truyện ngắn của Văn Song (T.T.V)

 

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Lời chuyển giao ngày xuân

(HBĐT) - Đang học trường PT DTNT tỉnh, Páo được nghỉ sớm để về đón Tết của người Mông trên vùng cao. Páo hăm hở, sáng sớm khoác túi ra bắt xe, Páo mừng lắm. Anh thanh niên Mông năm nay bước sang tuổi 17, đang học lớp 10, có dáng người mập, bước đi chắc nịch, mắt sáng nhưng có biệt tài thổi khèn và múa giỏi. Mỗi lần có sinh hoạt văn nghệ, tiết mục của Páo được bạn bè nhiệt liệt khen ngợi.

Chén ngọc

(HBĐT) - Nguyệt đẹp như một vầng trăng, lại là vầng trăng 18 bởi khi đó, trăng gần như đã thu hết ánh sáng của mặt trời để tạo ra cho mình một nét đẹp riêng.

Bén duyên

(HBĐT) - Hà chạy như lao xuống bến sông. Cô vừa chạy, vừa phải kìm lại để không bị ngã. Dưới bến sông, một phụ nữ cũng vừa bước lên chuyến thuyền khách cuối ngày. Thuyền rời bến rồi khuất dần sau mảng rừng vừa còn hoe nắng mà bóng tối đã ập xuống. Chị về xuôi, chị đã mang theo về cả miền quê có con sông Hồng đỏ lựng phù sa, có mái đình cổ kính và bao kỷ niệm về một thời chăn trâu, bắt ốc, trốn tìm, cả vị bánh tẻ cầu Liêu chấm với nước mắm cà cuống vừa ăn, vừa xuýt xoa khen như thức dậy trong cô.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục