Anh Văn Sẻn nhắn tin: “Thứ bảy này, bản ta có việc. Nữ trung uý Phương Xoan về thăm. Chú còn nhớ người này chứ...”. Thấy lâu không hồi âm, tiện thể, anh còn nhắn một loạt tin đại loại như “Bác xã đội trưởng ngày xưa, được bản giao làm trưởng ban lễ tân đón tiếp các CCB năm xưa”; “Bà mế Phen đang hấp hối, thế mà nghe xóm, bản có khách lại hồi rồi”, “Mọi người đã chuẩn bị mấy con lợn cắp nách để lo việc cỗ bàn...”. Đọc tin nhắn của anh mà cảm giác như nghe có tiếng băm, tiếng chặt rồi... Quả thật, ngay khi nhận được tin nhắn đầu tiên, tôi như thấy có luồng điện chạy qua người: nóng, lạnh, hầm hập. Nữ trung úy Xoan về lại chốn xưa ư? Lâu lắm rồi, trong lòng mới ùa đến một cảm giác thiêng liêng hiện hữu trong lòng...
Bản Gò Khoai, nếu không có chiến tranh chắc cũng chẳng mấy người biết đến. Thời đó, bản là nơi để các tân binh trú chân, tập bắn bia, chuẩn bị ra chiến trường. Rầm rập, lớp nọ, lớp kia. Cả bản rặt một màu áo lính và tiếng súng thì chẳng mấy khi ngớt, cứ đì đùng, chíu chíu suốt ngày. Chúng tôi học cấp I, ngồi trong lớp mà “thẩm” được đâu là tiếng AK, đâu là súng trường, súng lục. Cứ giờ ra chơi là chúng tôi ngồi nghe để được bình, được bàn tán rôm rả chuyện súng, chuyện đạn. Những bức vẽ đầu đời của đám chúng tôi luôn là hình ảnh anh bộ đội, sao mũ rợp trời, súng ống tua tủa trên đường hành quân. Rồi cái bản bao năm chỉ quen với bóng các anh bộ đội thì một ngày đã ồn lên về chuyện đã có một nữ trung úy chỉ huy.
Ngay hôm sau, trên con đường đi học, chúng tôi nín thở và dạt sang 2 bên đường nhìn nữ chỉ huy: súng lục giắt thắt lưng, hô những tiếng đanh thép điều hành các anh lính trẻ tiến vào bãi bắn. Chưa bao giờ thấy cảnh đó nên đám trẻ chúng tôi như bị thôi miên: nhìn chị ấy cùng khẩu súng giắt lưng mới oai phong làm sao. Đã thế, giọng nói của chị còn chắc nịch, nặng và dứt khoát. Chị khá lẳn người, da hơi nâu, tóc tết 2 bên. Chị đến và các chiến sĩ cũng đến đông hơn. Ai cũng hối hả. Anh Sẻn thì thào “Nghe nói đang đánh mạnh lắm”. Anh Sẻn, người anh họ năm đó khoảng 25 tuổi. Trai tân. Anh khát khao đi bộ đội lắm. Nhưng nói trộm sau lưng anh: làm sao đủ tiêu chuẩn. Ngoài cái tật mắt cứ hiêng hiếng như nhìn trộm người khác, anh còn khiến người khác không thể nhịn cười mỗi khi bắt gặp. Các cụ bảo: răng tóc là vóc con người, cấm sai. Anh có mặt hạn chế đó, nhưng lại là người lãng mạn, bay bổng. Chẳng biết do duyên nghiệp hay trời hành, anh lại máu mê lắm lắm cái chuyện chụp ảnh. Bán mấy con trâu mới tậu được chiếc máy ảnh cũ kỹ của Liên Xô. Cũng ra ngoài thị tứ trưng biển “Chụp ảnh đen trắng Văn Sẻn”. Nhưng mà khó. Không một cô nào có thể cười nụ tự nhiên để anh chụp một cách bình thường. Thấy anh nheo ngắm là họ cười lăn, cười lộn... Về nhà, anh kể, mẹ anh lẩm bẩm: “Chụp, chụp cái gì... Lần sau đeo khăn mùi soa vào”. Đấy là bác ấy nhắc khéo cái chuyện răng khểnh của anh. Anh dỗi, không mở cửa hàng nào nữa nhưng vẫn chụp ảnh mỗi dịp tết. Chỉ có điều 100 kiểu anh chụp các cô gái chỉ có mỗi phom: áo trắng, tóc buộc 2 bên, ngồi và cằm tựa lên 2 bàn tay. Ai cũng mơ màng, xa xăm. Thời đó, thế là quý lắm rồi. Thấy bạn bè đi hết, anh cũng buồn, nên xung phong vào cán bộ văn hoá thôn bản.
Từ dạo bộ đội về làng nhiều và nhất là khi có nữ trung úy Xoan về bản, anh Sẻn nhà tôi bận rộn nhiều hơn. Là số thanh niên ít ỏi ở bản, anh tham gia đủ thứ việc giúp bộ đội. ảnh anh chụp đa dạng hơn, có ảnh là không khí hồ hởi, có ảnh cũng man mác nỗi buồn vì hình ảnh các bà, các mế tay cầm tay các anh mà nước mắt rơi: “Các cháu đi chân cứng đá mềm, chúng tôi cầu thần núi, thần đồi phù hộ cho các cháu. Giải phóng rồi về thăm chúng tôi nhá”. Cứ vài tháng, lại có những cuộc chia tay bịn rịn như thế. Có vẻ như bao tâm tư, khát vọng, anh Sẻn nhà tôi gửi hết vào các khuôn hình đó. Chúng tôi “va” trung uý Xoan chính từ một buổi tập bắn lúc sâm sẩm tối. Chiều tối ấy, 4-5 đứa chúng tôi nghe anh Sẻn nói tối nay chị Xoan bắn súng ngắn đã háo hức trốn nhà vào từ khá sớm và lẩn vào đám cây rừng cách bia vài chục mét. Không biết vì tư thế đứng bắn rất oách của chị đến mức nào mà đám trẻ chúng tôi lao nhao cả lên. Thế là lộ. Chúng tôi thấy chị và vài anh bộ đội chạy lao vào. Mọi hôm chị đĩnh đạc bao nhiêu, nay chị hối hả, gấp gáp bấy nhiêu. Trời ơi... chị kêu thất thanh, mặt tái nhợt. Đạn lạc thì sao... Trời. Chị chạy đến, sờ khắp người chúng tôi như thể đã có đứa bị đạn văng vào người. Chúng tôi đã thấy nụ cười như mếu cùng những giọt nước mắt như thể chị là người có lỗi. Chuyện thế mà thành to rồi. Bác trưởng bản, rồi bác xã đội trưởng chạy đến. Bà mế Phen cũng xếnh xáng váy áo, xà tích rung reng, bước thấp, bước cao giọng sang sảng: “Lộ hết bí mật quân sự. Mũi tên, hòn đạn... ai biết thế nào”. Chúng tôi sợ nhũn cả người.
Đã qua một tuần... rồi một tháng. Chúng tôi đã khá quen với nữ trung uý. Cứ mỗi buổi chiều, chị lại lôi đám lười tắm này ra suối kỳ cọ, tắm táp. Chị kiếm được nhiều viên đá kỳ từ suối. Chị hay kêu câu: “U ơi, sao lại lắm ghét thế này. Để bón cho ruộng cải được đấy”. Nhìn chị nghiêng mái tóc kỳ cho thằng cu Vin bị trốc, ghẻ khắp người, chẳng ai nhận ra nữ trung uý hô nhiều hơn nói nữa... Chẳng mấy chốc mà đến lớp các chiến sĩ của trung uý Xoan lên đường. Nhưng trước đó 3 ngày, cả bản lại sục sôi lên chuyện: một số người ở bản bắt gặp anh Văn Sẻn rình trộm nữ trung uý Xoan tắm suối. Khó hiểu một nỗi, họ nói và kèm theo tiếng cười, bình phẩm kiểu nửa đúng, nửa sai. Theo “tường trình” của anh Sẻn, anh đi soi cá đêm ở suối và vô tình bắt gặp thôi. Định quay gót lội ngược lại thì từ phía trước vọng nhẹ tiếng: “U ơi... hức hức, con nhớ nhà... Bao giờ con lại về với u được”... Đúng lúc đó, theo bản năng anh bước lên như để an ủi thì nhận được tiếng quát: “Đứng im, anh định làm gì?” - Vì tiếng quát đó mà các bạn đi soi cá xung quanh chạy đến và họ nghĩ đến chuyện Sẻn rình chị em tắm suối. Oan quá cho anh tôi... Nhưng anh cũng ngượng, đến nỗi hôm chia tay đơn vị chị Xoan, anh Sẻn đứng ở xa. Phải đến khi nữ trung uý chủ động đến chia tay, anh mới dám đề đạt nguyện vọng chụp ảnh chân dung cho chị...
Dòng suối Khụ nay đã hẹp dòng sau từng ấy năm xa chị Xoan. Những chiếc cắt tút, viên đá kỳ chị nhặt tặng đám chúng tôi cũng thất lạc. Anh Sẻn rồi cũng cưới, con cái đề huề rồi.
Mọi người ở bản Gò Khoai đang tập một số tiết mục chào mừng các CCB về thăm lại điểm tập luyện năm xưa. Các tiết mục đều do anh Văn Sẻn dàn dựng. Không biết vì điều gì, dứt khoát anh không cho các diễn viên tập bài hát có câu: “Mùa xuân ấy, có người lính ra đi từ đó không về...”. Anh bảo: “Chị Xoan và mọi người về thăm thì không khí phải tươi vui, ấm áp”. Tiện thể, anh mang chồng ảnh đen trắng chụp các chiến sĩ từng về Gò Khoai tập bắn. Những nụ cười sáng bừng khuôn mặt trẻ. Với ảnh chị Xoan, vẫn “phom” tóc 2 bên, cằm tựa vào tay, nhìn mơ màng. Anh định đưa hết các tấm ảnh đó vào một khung ảnh lớn... chắc các bác, các anh sẽ bất ngờ lắm đây. Ai cũng có tâm trạng háo hức... Nhưng một buổi chiều, từ huyện về, bác chỉ huy trưởng quân sự xã cho thông tin: “Thông báo hôm nọ chưa chính xác. Vẫn có đoàn CCB về thăm bản ta, nhưng không có chị Xoan đâu”. Giọng bác buồn như gió thoảng: “Chị ấy đã hy sinh rồi!”. Đầu tiên là anh Văn Sẻn, rồi đến chúng tôi rời nhà văn hoá ra bờ suối nhìn về cuối nguồn xa xa. Anh bảo: “Bao năm rồi, hình ảnh chị Xoan khóc gọi mẹ trong đêm làm anh nhớ mãi”. Anh giở tấm ảnh chị ngày chia tay xóm bản vào chiến trường, chị bước hùng dũng bên phải hàng quân hướng về QL1. ảnh chụp từ xa, phía sau. Có lẽ anh Sẻn đã đi theo đoàn quân mấy cây số đường rừng để có bức ảnh cuối cùng về chị trong ngày chia tay đó.
Truyện ngắn của Bùi Huy
(HBĐT) - Cơn gió hiu hiu thổi vương vấn chút hơi xuân còn sót lại khẽ lùa vào suối tóc của cô bé kẽo kẹt đạp xe về sau khi tan học. Những tia nắng úa vàng mỏng manh, yếu ớt hắt sáng lên đỉnh trời vương trên những ngọn cỏ lau. Con đường nhỏ len lỏi giữa một bên là những chiếc cổng tán, bức tường gạch, mái ngói đỏ, một bên là con mương hai bên bờ cỏ mọc um tùm trông ra cánh đồng ngút ngàn một màu xanh của lúa đang thì con gái. Thấp thoáng trong màu xanh của lúa là bóng nón trắng lom khom nhổ cỏ. Mấy nhành cây loa kèn đua ra qua một bức tường gạch đã tróc vữa, lỗ chỗ rêu xanh, đóa hoa loa kèn kiêu hãnh với sắc trắng tinh khôi như thắp sáng giữa không gian đang nhuốm dần bóng tối. Vườn nhà ai thoảng thơm hương hoa bưởi. Có cánh hoa bưởi nào khẽ nương mình theo ngọn gió lang thang rồi trôi lênh đênh chở chiều trên dòng nước. Thỉnh thoảng vài chú cá rô quẫy nước đớp nắng rơi trên mặt nước tưởng mồi.
(HBĐT) - Tôi trở lại nơi chốn ấy vào mùa xuân như cách nhớ về một thời thơ ấu đầy vui buồn và bên cạnh đó còn có một người. Mọi thứ đều đã khác bởi thời gian vẫn theo quy luật tự nhiên, biến mọi vật lao theo dòng xoáy của nó. Tôi trở lại một ngôi trường nhỏ.