Cây bồ kết gắn bó với anh Chiến từ thuở anh biết yêu. Anh học hết phổ thông chờ ngày lên đường nhập ngũ, để kỷ niệm ngày họ bén duyên, anh tìm đâu về một cây bồ kết non, trồng ven ao nhà cô gái. Ở nhà quê những năm đó, cách đây đã hơn 30 năm giữa đồng đất quê nghèo biết tặng nhau quà gì khi họ yêu nhau. Cái tuổi thầm yêu, trộm nhớ đầy mơ mộng.

Năm tháng qua đi, cây bồ kết bên bờ ao đã trùm bóng mát. Lứa quả đầu đã bói, anh đang ở nơi chiến trường xa, nơi biên giới phía Bắc để giữ gìn bờ cõi biên cương. Những lúc ở đình đồi cao chiến hào anh gặp rét lại lắng về quê, nơi người bạn gái đang ngày đêm dạy bọn trẻ trong làng. Anh Chiến lại mường tượng nồi nước bồ kết gội đầu tỏa mùi hương thơm mà lòng lại náo nức.

 

Chiến tranh đến, tuổi trẻ lại lên đường, anh ngẫm ra một điều, kẻ thù xâm lăng dù ở xa hay gần, đến xâm lấn quê hương mình đều dã man, tàn bạo. Những năm chiến tranh biên giới phía Bắc, cô giáo mầm non ngày vui với bọn trẻ nhưng chiều về, những ngày cuối năm lại mòn mỏi đợi chờ. Cây bồ kết bên bờ ao, một kỷ niệm, món quà của mối tình chân thật đồng quê. Cây mỗi mùa ra hoa, kết quả, ngày, tháng mong chờ dài lâu, có lần mẹ sốt ruột nhỏ nhẹ với con gái:

- Tuổi xuân có thì, tính đường chồng con, cứ chờ đợi bao giờ hở con?

Con gái mẹ thoáng buồn nhưng lại cười nói với mẹ trong niềm hy vọng:

- Mẹ ơi! Con chờ anh ấy về mới cưới.

Mẹ thở dài vì lo cho con gái “mỗi năm, mỗi tuổi, nó đuổi xuân đi”.

Cây bồ kết bên bờ ao cứ lần lượt đến mùa ra hoa, đậu quả. Gốc cây chồi lên như dây chão, cuồn cuồn sức sống, thân cây có những chùm gai dài và sắc như bảo vệ cây, bảo vệ kỷ niệm tình yêu. Lá bồ kết dày đặc, khép kín cành cây, mùa quả đậu từng chùm lủng lẳng, chi chít. Cô giáo Miền hái chùm quả về nấu nồi nước cùng cây sả, hương nhu tạo mùi thơm lan tỏa trên mái tóc của cô gái miền quê. Mái tóc xõa dài, mượt mà càng thêm yêu. Hai bàn tay thon trắng của Miền cào nhẹ lên mái tóc, giữa cái nắng hiếm hoi của tháng chạp, gió thổi nhẹ. Mẹ đứng trong hiên nhà lẩm bẩm: lại hết một năm, mẹ thương con gái, mẹ bước nhẹ, múc gáo nước bồ kết dội lên đầu, những giọt nước nơi nhẹ xuống, thoáng mùi hương, mẹ lại nôn nao nhớ thời của mình lúc đi dân công phục vụ chiến trường, chia nhau từng bát nước bồ kết gội vội mái đầu cho kịp ra đường san hố bom để xe qua ra chiến trường. Nhớ thời gian khổ ấy, có người sốt rét tóc rụng hết còn đâu để gội nhưng nhớ hương bồ kết vẫn xoa lên cái đầu trọc để giữ mùi hương. Mẹ nhớ những ngày ấy mà hai hàng nước mắt chảy dài.

 

Tay mẹ gãi nhẹ lên da đầu, mơn man rẽ từng lọn tóc bết  mồ hôi. Mẹ vắt quả chanh hái từ vườn nhà thả vào nước bồ kết, hương bồ kết hòa hòa, hương chanh thơm thoảng.

 

Ngày nghỉ không lên lớp, cô giáo Miền gặp được buổi trời nắng, ngồi trên chiếc chõng tre đầu hè gỡ mái tóc hong khô. Gió nồm Nam, lòng Miền lại dâng lên nỗi nhớ. Ánh nắng chiều cuối năm, cái nắng hiếm hoi của ngày đông vàng trùm lên cây bồi kết bên bờ ao. Có con chim sẻ nhảy lách tách trong lùm lá rậm. Đôi mắt chim ngó nghiêng. Chiều cuối năm êm ả quá. Anh ra đi vùng biên cương đã mấy năm rồi, do chiến sự căng thẳng mà chưa có ngày nghỉ phép, may thỉnh thoảng có lá thư về. Thư từ Hà Giang vượt qua bao chặng đường đèo, dốc mới về được bản Tòng yên bình có tiếng suối chảy, tiếng thậm thịch của cối gạo nương và tiếng con trẻ của lớp mầm non ê a hát bài: “Bà ơi bà” sao mà ngây thơ, hồn nhiên đến vậy.

 

Một ngày cuối năm, trong một lần đi công tác, anh được ghé về thăm nhà trong sự vội vàng, khẩn trương của biên giới đang ngày đêm đối mặt với kẻ thù. Một ngày ở nhà, lòng anh lại lao xao với mùi hương bồ kết, cây bồ kết đứng bên bờ ao, kỷ niệm năm nào lại gợi trong anh niềm vui. Anh đi rồi, cô giáo tự hào và hy vọng một ngày thắng giặc, anh lại về.

 

Những mùa hoa bồ kết nở trắng và những quả bồ kết già treo trên cành đen thả từng chùm. Mẹ càng già lụi cụi nhặt từng quả bồ kết lấy hạt sấy khô cho vào hũ sành làm món thuốc gia truyền của các cụ trong làng truyền lại để chữa đau bụng, táo bón.

 

Cây bồ kết trồng bên bờ ao, đất tốt, hơi mát của nước làm cho cây tốt tươi, lớn lên trông thấy, có những mùa quả sai, cô giáo Miền hái từng chùm đến trường làm quà cho đồng nghiệp. Món quà quê thân tình, chân thật gửi biếu bạn bè hiểu và thông cảm mối tình qua hương bồ kết. Có lần cô giáo Miền còn đun hẳn một nồi bồ kết gội đầu cho mấy bé gái vì bố mẹ đi làm ca, kíp bận bịu suốt ngày.

 

Hàng ngày, cô giáo Miền đến lớp với bọn trẻ, tiếng cười, tiếng hát bi bô của trẻ làm cho cô quên đi sự nhớ nhung với anh đang ở đỉnh đầu đất nước. Mẹ thì già thêm lụi cụi với vườn tược, nhờ mấy đứa cháu hái đầy thúng bồ kết phơi nắng, cho đến lúc quả khô giòn, uốn cong lên như vành trăng non, mẹ cất vào hủ sành để con gái gội đầu ngày đông, tháng giá. Đúng là sự lo xa, chân chất, mộc mạc của mẹ vùng quê lam lũ. Cô giáo Miền đến lớp trong hương thơm bồ kết với niềm chợ đợi ngày anh về. Những chiều tan lớp ra về lao xao gió len lỏi trong lùm lá chùm bồ kết đung đưa. Cô giáo Miền lại miên man nhớ đến anh, anh bộ đội biên cương.

Ngày tháng trôi, cuộc chiến tranh giữ nước ở biên giới rồi cũng kết thúc. Chiến tranh nào cũng đổ nát, ta lại thu dọn và lại dựng xây. Những người hy sinh nằm lại ở Vị Xuyên. Anh trở về trong niềm vui chiến thắng, dù anh bị thương phần mềm, bước chân hơi tập tễnh nhưng anh may mắn hơn người nằm lại trên mảnh đất biên cương.

 

Anh về, mẹ đã già thêm nhưng nụ cười của mẹ trên nét mặt rạng rỡ niềm vui của ngày các con gặp mặt. Hương bồ kết lại thoảng mùi thơm trong ngày cuối năm, mái tóc cô giáo Miền ngày nay như dài, mượt mà hơn. Vậy mà đã hơn 30 năm rồi, con gái anh chị, Hoài Hương, cuối năm đi học ở Hà Nội về quê đón Tết. Mẹ lại nấu cho con gái nồi nước bồ kết lá sả, hương nhu nức mùi thơm của hương bồ kết mùi thơm dân dã của vùng quê. Con gái chị Miền, Hoài Hương qua mùi hương bồ kết đã trở thành câu chuyện cổ tích thời trẻ yêu thương của bố mẹ.

 

Cái nắng nhẹ cuối đông theo gió thoang thoảng mùi hương bồ kết.

 

 

 

                                                    Truyện ngắn của Văn Song

 

 

 

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

“Ma gà”

Ông Khấu ngồi lặng lẽ bên cửa sổ, mắt nhìn mông lung về phía rừng xa xào xạc gió. Bất chợt, tiếng ầm ầm vọng lại từ suối cạn. Ông nhấp chén nước chè có cảm giác như đắng chát rồi chép miệng “lũ lại về rồi đấy”! Nói đoạn, ông nhìn sang đứa cháu gái vẫn cặm cụi soạn giáo án, có lẽ không nghe thấy tiếng của ông. Đằng hắng mấy lần, ông nói như thể hỏi chính mình:

Tình mẹ biển cả

Kể từ khi chồng mế Ngũ về với Mường Trời, thằng con trai về đơn vị đã hơn 4 mùa nóng, lạnh qua đi, trong ngôi nhà sàn bên triền núi cuối làng này vẫn vắng bóng đàn ông. Bữa cơm chỉ có hai người đàn bà và một đứa trẻ gần 5 tuổi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục