Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo khó. Tuổi thơ chị em tôi cơ cực nhưng không lầm than vì chúng tôi có mẹ. Cứ mỗi lần nhìn những đứa trẻ trong xóm khóc khi được mẹ đút cơm là những ký ức ngày nhỏ hiện về đầy trong tâm trí.

Ngày chị em tôi còn nhỏ, có cơm ăn no là mừng rồi, mong gì thịt, cá hay đợi mẹ đút. Tới bữa ăn, đứa nào cũng cố gắng lùa cơm, mắt cứ dòm chừng khi thấy nồi cơm mỗi lúc một vơi. Miếng ăn của nhà nghèo đơn sơ lắm. Bé út có một câu quen thuộc: “Bữa cơm nhà mình có hai món. Một chén mắm có, một chén mắm không. Bé nói xong mấy chị em cười, chỉ mẹ là thở dài. Chuyện này vui vui nhưng cũng không làm tôi nhớ bằng việc tới bữa cơm là bé út lật rổ tìm cái bát riêng của mình. Bé còn nhỏ, mẹ sợ bưng bát đất sẽ rơi vỡ nên mẹ lấy vỏ của trái dừa cạo sạch, cưa ra thành một cái bát  cho bé. Chị em tôi ấm ức cho em, tới bữa cơm không dọn ra cái bat dừa nữa thì bé út khóc, bắt đi tìm bằng được cái bát dừa mới chịu ăn.

Chuyện làm tôi nhớ hơn cả là bữa ăn có tới hai nồi cơm. Cơm ba mẹ đẹp, bé muốn ăn!... Em út cứ khóc, giãy nảy đòi ăn cùng ba mẹ. ăn một miếng, bé càng khóc to hơn vì cợm, khó nhai... Cơm của ba mẹ độn ngô, sắn đương nhiên đẹp vì đủ màu nhưng không ngon rồi. Các con ăn cơm trắng với rau muống luộc, ba mẹ cũng món rau luộc nhưng là lưỡi long (một dạng xương rồng mọc ngoài hàng rào, giống bàn chải nhưng không có gai). Tới bây giờ, anh tôi vẫn cứ nhớ kỷ niệm về trái chuối chát non. Anh kể, hồi đó, tới bữa cơm, mẹ hay cầm quả chuối chát non chấm mắm đục, ăn một miếng cơm, cắn một miếng chuối trong khi mấy anh em  ăn cơm cá. Anh hỏi mẹ, sao không ăn cá? Mẹ bảo, ăn chuối chát chấm mắm ngon hơn. Anh chạy lại giật trên tay mẹ, cắn một miếng, ôi, nó đắng chát, nhả ra không kịp.

Chị Hai bảo, năm Phú Yên hỏng đập Đồng Cam, đói khổ, mấy chị em phải ăn cơm độn với ba mẹ. Đứa nào cũng ớn, tới bữa cơm, mẹ ngồi lựa phần khoai, sắn bỏ vào bát mình, chia cho các con phần cơm trắng. Có hôm đi học về, chị thấy mẹ ra sau hè, nơi có đám mía vừa chặt, mẹ khom đầu xuống, hít lấy hít để mấy gốc mía còn trơ lên cho qua cơn đói. Hôm nào bố đi câu, bữa cơm có rô con sặc, mẹ lấy thịt cá bỏ vào chén con và gắp xương bỏ vào chén mình. Bé út ngây thơ nói: “Bữa nào mẹ cũng ăn xương hết trơn!”, mẹ tôi bảo, ông bà mình dạy rồi: “ăn cá mút xương ăn mắm mút dòi, khéo ăn sẽ không sợ đói.  Mỗi khi anh chị kể lại chuyện đó, mẹ cười: “Thời đó khổ, không ăn vậy làm sao các con có ăn, có học!...."

Có một dạo tôi bệnh. Chạy vạy để kiếm tiền đi bệnh viện lớn. Cả nhà làm nông, mình tôi là giáo viên nên không dám hỏi mượn người nhà.

Khám bệnh thì nhập viện luôn. Biết tin, mẹ đón xe vào bệnh viện chăm sóc, dúi vào tay tôi xấp tiền phẳng phiu, bảo lo viện phí. Tới bữa cơm, mẹ đi xin cơm từ thiện, nếu phải mua cơm mẹ luôn dặn:

- Mua cho mẹ đĩa cơm nhỏ đấy, đĩa to mẹ ăn không hết đâu. Đổ cơm thừa ở bệnh viện không nên.

Nhà mẹ có một vườn rau. Mẹ xới đất, gieo hạt. Hầu như ngày nào mẹ cũng ra vườn rau bắt sâu, nhổ cỏ. Đêm, mẹ rưới tro lên các luống rau, mẹ giải thích để ban đêm sâu bò ra gặp tro cay mắt mà chết. Mẹ không dùng phân, thuốc. Rau của mẹ là rau sạch. Bữa cơm nào cũng có rau. Tôi chỉ thích thịt, cá, thấy mẹ ăn rau ngồn ngộn nhìn rất ngon nhưng vẫn không đụng đũa vào rau. Mẹ bảo: “Cơm không rau như nhà giàu chết không trống rồi mẹ còn dặn, mai mốt mẹ có cỡi hạc quy tiên, giỗ mẹ chỉ cần cơm với rau là được rồi.

Mẹ tôi là thế đấy. Cả đời chắt chiu, dành dụm cho con. Mẹ ăn uống giản dị, luôn miệng nhắc chị em tôi: “Miếng ăn là miếng tồi tàn....

 

 

 

 

                                                  Nguyễn Thị Bích Nhàn

                      (Trường THCS và THPT Võ Văn Kiệt, Sông Hinh, Phú Yên)

 

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục