Thành xuống xe, ba lô căng phồng sau lưng chẳng có gì ngoài mấy bộ quần áo lính đã ngả màu mưa nắng, con búp bê là món quà duy nhất anh mang về cho con gái.

Trong đầu anh mông lung, anh bước nhanh trên con đường quanh co để về xóm Giếng. Trước mắt anh là đồi Thung, tháng 4, lơ thơ những màu tím của hoa sim, hoa mua làm lòng anh xao động. Thoảng đâu trong lùm cây văng vẳng tiếng con tu hú  gọi bầy.

Anh nhập ngũ, luyện tập một thời gian ngắn rồi cùng đơn vị vượt Trường Sơn vào chiến trường Tây Nguyên giữa mùa khô, chiến trường ở giai đoạn khốc liệt nhất. Anh ra đi lúc đó con gái anh, con bé Thương còn ẵm ngửa, buổi tiễn đưa anh, chị Ngần đi qua đồi Thung cũng vào dịp tháng 4, tiếng con chim tu hú gọi đàn mà lòng chị nôn nao. Lòng dạ của người tiễn đưa phải lấy niềm tin làm vui để động viên anh lên đường. Con đường phía trước còn dài, lắm chông gai, chiến tranh bom đạn, hy sinh ai mà lường trước được. Nhưng miền Nam vẫy gọi, Tổ quốc yêu cầu mọi người đều sẵn sàng.

Biền biệt qua năm tháng, chiến đấu qua bao đồn, bốt, buôn, làng. Trong một trận tập kích của địch, đơn vị anh chiến đấu oanh liệt, thắng lợi nhưng sự hy sinh cũng lớn. Từ trận đó, anh lạc đơn vị. Thời gian sau, gia đình nhận tin báo tử. Thống nhất, anh về tìm đơn vị nhưng đơn vị đã thay đổi, anh về quê trong niềm vui gặp lại vợ, con, cha mẹ và đứa em gái. Anh sẽ trao con gái con búp bê, anh sẽ gần con nhỏ nhẹ:

- Con có phải là cái Thương con gái của bố Thành không?

Nó sẽ ngạc nhiên, lạ lẫm một lúc rồi được mọi người động viên nó sẽ ngoan ngoãn gật đầu xác nhận. Thành sẽ đưa con búp bê ra khoe con, món quà anh đã mang từ trong Nam về làm quà cho con gái. Thời giải phóng thống nhất, món quà các anh bộ đội miền Bắc về thường là con búp bê và chiếc khung xe đạp.

Thành đi trên con đường về làng, ra đi cách đây 5 năm, nay về xóm làng vừa qua cuộc chiến tranh, sống thời bao cấp chưa có gì thay đổi. những thửa ruộng bậc thang, mương máng quanh co, cỏ dại phủ lấp. Anh về đến nhà là lúc lên đèn và bếp lửa đỏ bập bùng ánh sáng tỏa ra ngôi nhà ba gian. Chiến tranh làm cho con người khổ, nghèo nên không có gì để mất mà phải lo lắng. Có tiếng chân người, con chó nhà bên sủa mấy tiếng bâng quơ rồi lại lắng xuống trong tĩnh mịch, yên ắng của làng quê.

Bố mẹ Thành ngồi trên chiến phản gỗ màu đã đen xỉn, chiếc phản ấy ngày nhỏ, Thành vẫn hay nằm. Bên cạnh em gái Thành, cái Thảo đang khâu vá quần áo bên ngọn đèn dầu và ánh lửa bếp bập bùng. Khi mẹ Thành đứng dậy bà bỗng run lên, nói thảng thốt:

- Ai đó, sao vào nhà không lên tiếng gì cả?

Thành bình tĩnh, nói trong giọng xúc động:

- Con đây, thằng Thành của bố mẹ về đây!

Bà không tin nổi con trai bà, nó đứng đó trước mặt bà bằng xương, bằng thịt và lúc này bố Thành cũng chợt nhận ra, chiếc quạt nan trên tay người bố già rơi xuống nền nhà. ông nói to lên:

- Thằng Thành! Trời ơi, mày còn sống mà về hả con, thế mà ngày nào người ta...?

- Dạ bố mẹ con đã về!

Thành nhìn khắp gian nhà muốn tìm kiếm. Thành thấy lòng nôn nao, lo lắng. Mẹ Thành với đôi bàn tay gầy đen xạm rờ rẫm trên má con trai tưởng chừng như Thành còn nhỏ dại để xem bà tỉnh hay mơ. Ôi thằng con trai độc nhất của bà nhưng ngay sau đó bà chợt im lặng. Không những mẹ, bố Thành đến cái Thảo cũng thế.

- Mẹ ơi! Ngần đâu?

Thành bật ra tiếng hỏi và trong lòng anh cảm thấy có sự mất mát, đau đớn đến kỳ lạ. Không gian im lặng, ánh lửa lập lòe lên vách, không một câu trả lời:

- Hai mẹ con Ngần đâu?

Qua thái độ của mọi người, Thành lờ mờ suy đoán có điều gì đã xảy ra?

Không khí nặng nề mọi người nhìn nhau. Thảo nhẹ nhàng, giọng hơi sụt sùi:

- Mẹ con chị ấy về đằng ngoại chơi mấy hôm.

Câu nói của Thảo làm cho Thành bừng tỉnh nhưng nhìn thái độ của mọi người, Thành lại cảm thấy lo:

- Vậy thì để con sang bên ấy đón mẹ con cô ấy về!

- Thì hãy nghỉ ngơi, ăn cơm đã.

- Thôi để lát nữa con về rồi ăn cả thể. Còn chuyện con thì dài lắm, chiến tranh mà!

Thấy Thành nhất quyết đòi đi, giọng mẹ Thành gần như lắng xuống:

- Duyên phận cái Ngần khổ lắm, một đời làm vợ, hai lần để tang chồng, sao mà vô duyên, bạc phận thế!

Thành nghe mẹ nói, ngồi thừ người chưa rõ câu chuyện, mẹ Thành não ruột, thở dài:

- Ngày con có giấy báo tử, nó cứ khóc lăn lóc, bà con hàng xóm láng giềng an ủi, động viên. May có mụn con gái, “nhờ trời” cũng hay ăn chóng lớn. Nhìn cái Thương mà vơi nỗi buồn theo tháng ngày.

Anh Nhường, bạn một thời học phổ thông trên huyện với Thành nhưng học trên Thành 1 lớp. Nhường nhập ngũ trước, tham gia vào chiến trường Quảng Trị - Thành Cổ. Mấy chục ngày đêm quần nhau với giặc trên sông Thạch Hãn không may bị thương phải đưa về hậu phương điều trị, trong đầu anh vẫn còn mảnh đạn, chân anh bị thương nặng nhưng bước chân đi tập tễnh. Nhường ra quân về, xóm làng tan nát vì vừa trải qua một đêm Mỹ đem B52 thả bom rải thảm, vợ anh đã bị bom bi chết trong đêm hè năm 1973.

Chiến tranh đã đẩy những số phận éo le đến với nhau. Thấy vậy, bà con đoàn thể đã vun vén anh Nhường với chị Ngần. Một bên mất vợ vì chiến tranh, một bên chồng hy sinh vì nhiệm vụ bảo vệ đất nước. Thôi thì rổ, rá cạp lại, dựa vào nhau để vực lại cuộc đời!

Nhưng sự đời lại không chiều lòng, được một thời gian, mảnh đạn trong đầu tái phát, vết thương hành hạ anh lúc trái nắng, trở trời. Anh qua đời bỏ hai mẹ con chị Ngần ở lại.

Trước hoàn cảnh ấy, chị Ngần sụt sùi thưa với mẹ Thành.

- Con có tội với vong hồn anh Thành, tưởng là đến với nhau làm nơi dựa có tổ ấm gia đình nhưng duyên phận không thành, con xin bố mẹ cho con ở lại bên ngoại.

Nghe con dâu nói, mẹ Thành não cả ruột gan.

Mẹ Thành lại giãi bày trong niềm xót thương:

- Thật tình nó cũng khổ lắm con ạ, vợ chồng người ta sau ngày thống nhất nước nhà, người về trước, người đến sau đoàn tụ còn mình nó thì dang dở vậy đó!

Con búp bê trên tay Thành đã rơi xuống đất từ lúc nào. Thành không nói thêm gì nữa. Bố Thành châm điếu thuốc lào, rít một hơi rồi ngửa mặt lên mái nhà nhả ra làn khói như nhả sự buồn bực trong lòng. Rồi với giọng thương tiếc, ông nói:

- Con về được cũng truân chuyên, dù có thương tật nhưng còn may mắn. Chuyện xảy ra éo le thế này cũng vì chiến tranh khiến bao gia đình tang tóc, tan đàn, sẻ nghé. Thôi thì thương mẹ con nó, cũng là sự bất đắc dĩ.

Thành nghĩ, mình ra đi cầm súng để bảo vệ Tổ quốc và giữ gìn hạnh phúc nếu có hy sinh thì vợ anh, con anh sẽ lâm vào cảnh vợ góa, con côi. Bây giờ, mọi việc, hoàn cảnh anh sẽ giải quyết sao đây, sẽ tìm lại hạnh phúc như thế nào đây?

Trời qua đêm của một ngày tháng 4 đã rạng, tiếng chim tu hú trên đồi Thung đã gọi bầy. Anh tỉnh hẳn sau một đêm suy nghĩ mông lung. Anh khoác chiếc áo bộ đội đã ngả màu.

Thành ra khỏi nhà theo nẻo đường làng quen thuộc đi về phía bên ngoại nơi có mẹ con Ngần ở đó mà không quên cầm con búp bê trên tay.

 

 

 

 

                                                                        V.S (T.T.V)

 

 

 

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục