Bây giờ hiếm có thể tìm ra được ở một vùng quê nào còn giữ được nét đặc trưng khi mỗi độ Trung thu về. Cách thưởng thức cũng như sự háo hức của trẻ nhỏ bây giờ cũng khác trẻ con chúng tôi những năm 80 về trước. Mới đó, ngoảnh đi, ngoảnh lại đã hơn hai mươi năm có lẻ. Tuổi thơ tôi đã vụt xa. Còn lại là trong ký ức...
Tôi thấy mình thật may mắn khi được sống ở vùng quê yên bình với cây đa, bến nước, sân đình... với những người bạn tóc vàng hoe, chân lấm đất. Tuổi thơ tôi đi qua những mùa trăng tinh khôi như giọt sương mai đang còn chưa kịp tan trên tàu lá chuối xanh mướt. Độ 12, 13 tháng 8 âm lịch, tôi lon ton theo mẹ ra sau vườn rọc lá chuối khô để làm bánh. Tôi không biết tên bánh mẹ chế biến là gì chỉ biết gọi nó là bánh Trung thu. Loại bánh mà cho đến bây giờ, hương vị không thể lẫn bất cứ loại bánh nào trên thị trường. Nó có vị bùi, ngọt đỗ xanh ngào đường quyện hương thơm của nếp cái hoa vàng, tôi nghĩ, nó ngon phần nữa là trong đó chứa đựng cả tình yêu thương mẹ gửi gắm cho những đứa con. Đêm Trung thu, sau khi xem rước đèn xong, mẹ lấy bánh xuống cùng hoa quả phá cỗ dưới ánh trăng vằng vặc cùng gió thu phảng phất mát lạnh. Không khí gia đình đầm ấm, vang tiếng nói cười. Khoảnh khắc đó thật tuyệt vời, đến độ tôi cứ mong ánh trăng đêm Trung thu cứ mãi kéo dài như thế! Để rồi, khi nhắm mắt lại, tôi vẫn mơ thấy mình đang thưởng thức bánh và ngắm trăng cùng mọi người.
Nói tới Trung thu không đứa nào là không nhắc tới những lần làm đèn. Chúng tôi thường tập hợp tại một nhà nào đó có người lớn hướng dẫn cách làm đèn chuyên nghiệp nhất rồi tự mày mò. Không khí chuẩn bị làm đèn Trung thu thật nhộn nhịp. Góc bên kia đứa chẻ nan tre, chỗ này lại thấy người cắt cắt, dán dán những tấm giấy màu vàng, đỏ. Từ việc được hướng dẫn cách làm đèn cơ bản, mọi người chế tác ra nhiều kiểu đèn khác nhau. Đến nỗi khi thành sản phẩm rồi chẳng ai có thể nhận ra đó là loại đèn hình thù gì, tiếng cười nắc nẻ vang cả một góc sân. Thấy bạn ngượng đỏ mặt, trên tay là chiếc đèn hình thù lạ, tôi vừa buồn cười, vừa thấy thương. Bây giờ, trên thị trường vẫn trưng bày những chiếc đèn kiểu dáng đơn sơ nhưng trẻ con hình như không thích lắm. Đám trẻ bây giờ chuộng đèn điện tử, màu mè lòe loẹt... Có phải cuộc sống đầy đủ hơn xưa nên giờ người ta cũng đòi hỏi nhiều hơn hay đơn giản là để bắt kịp xu thế thời đại? Dù gì đi chăng nữa tôi vẫn thấy tiêng tiếc ngày xưa... những ngày tháng hồn nhiên, trong trẻo đến lạ kỳ.
Trung thu mùa trăng của tuổi thơ! Tôi vẫn mong sao dù cuộc sống hiện đại, tân tiến đi chăng nữa, sau này, thế hệ trẻ thơ bây giờ khi lớn lên vẫn sẽ nhớ những mùa trăng kỳ diệu lung linh của mình để mỗi mùa trăng là mỗi mùa ý nghĩa!
C.V.Q
(Lớp 55 LTKT, ĐH Thủy lợi)
(HBĐT) - Cơn gió hiu hiu thổi vương vấn chút hơi xuân còn sót lại khẽ lùa vào suối tóc của cô bé kẽo kẹt đạp xe về sau khi tan học. Những tia nắng úa vàng mỏng manh, yếu ớt hắt sáng lên đỉnh trời vương trên những ngọn cỏ lau. Con đường nhỏ len lỏi giữa một bên là những chiếc cổng tán, bức tường gạch, mái ngói đỏ, một bên là con mương hai bên bờ cỏ mọc um tùm trông ra cánh đồng ngút ngàn một màu xanh của lúa đang thì con gái. Thấp thoáng trong màu xanh của lúa là bóng nón trắng lom khom nhổ cỏ. Mấy nhành cây loa kèn đua ra qua một bức tường gạch đã tróc vữa, lỗ chỗ rêu xanh, đóa hoa loa kèn kiêu hãnh với sắc trắng tinh khôi như thắp sáng giữa không gian đang nhuốm dần bóng tối. Vườn nhà ai thoảng thơm hương hoa bưởi. Có cánh hoa bưởi nào khẽ nương mình theo ngọn gió lang thang rồi trôi lênh đênh chở chiều trên dòng nước. Thỉnh thoảng vài chú cá rô quẫy nước đớp nắng rơi trên mặt nước tưởng mồi.
(HBĐT) - Tôi trở lại nơi chốn ấy vào mùa xuân như cách nhớ về một thời thơ ấu đầy vui buồn và bên cạnh đó còn có một người. Mọi thứ đều đã khác bởi thời gian vẫn theo quy luật tự nhiên, biến mọi vật lao theo dòng xoáy của nó. Tôi trở lại một ngôi trường nhỏ.