(HBĐT) - Bà cụ hàng xóm bỏm bẻm nhai trầu. Hình ảnh ấy khiến con rất nhớ mẹ. Nhà bên gả chồng cho con gái lớn. Các bà, các mẹ tối đến chia vui. Ngày xưa, mỗi khi nhà nào có đám, mẹ sẽ cùng những người già trong phố đến chia vui hoặc san sẻ bớt nỗi buồn vừa ngồi têm trầu giúp. Phố thay đổi, nếp sinh hoạt cũng khác. Đám hỏi nhà bên có trầu têm cánh phượng được đặt từ dịch vụ cưới hỏi về. Con cầm trên tay miếng trầu .Vị cay nồng xông lên khóe mắt.
Chỗ nào quanh con cũng ủ ấp hình ảnh của mẹ.
Chỗ này, mẹ lụi cụi ngồi vá áo. Chỗ kia mẹ đang sắp lại những đĩa hoa trước khi mang ra chợ rồi đây nữa, mẹ đang trò chuyện, tâm tình cùng bà con chòm xóm. Nơi này, mẹ uốn nắn chỉ bảo con gái, con trai, con dâu và cả cháu chắt của mình... Tất cả như vừa mới hôm qua. Phòng khách nhà mình treo trang trọng bức ảnh mẹ ngồi khâu áo trước hiên nhà. Bức ảnh mà mỗi khi ngước nhìn, con như được sống chậm lại trước nhịp quay hối hả của phố.
Cuộc đời của một bà mẹ bình thường, giản dị nhưng với con, nó đẹp đẽ và thiêng liêng xiết bao.
Cùng chồng, con đến với mảnh đất này trong những năm tháng chiến tranh gian khổ rồi gắn bó với mảnh đất Hòa Bình như chính quê hương mình. Mẹ sống cuộc đời bình dị như bao bà mẹ khác. Sự bình dị ấy đã lưu giữ ở trong con biết bao tình cảm tốt lành.
Xoay đủ nghề để mưu sinh. Từ trồng rau, trồng hoa đến chuốt gốm bên bãi sông. Vất vả, khó khăn nhưng chẳng mấy khi thấy mẹ cáu giận. Tần tảo thức khuya, dậy sớm cùng chồng chăm sóc, dạy dỗ con cái. Đảm việc nhà, không quên góp sức bé nhỏ của mình cho kháng chiến. Mẹ vẫn cùng những người mẹ trong hội mẹ chiến sĩ cùng tham gia các hoạt động góp công, góp sức cho cuộc kháng chiến gian khổ mà vẻ vang của dân tộc.
Con về làm dâu con trong gia đình mẹ, chiến tranh đã qua rồi. Ba người con trai mẹ tham gia kháng chiến, hai anh đã trở về bình an, một anh mãi mãi nằm lại nơi chiến trường. Ngày nhận được giấy báo tử của anh, lòng mẹ đau như có ai vò xé. Có giấy báo tử nhưng chưa tìm được hài cốt, mẹ vẫn nuôi niềm tin rồi con mình sẽ trở về. Mẹ biết không, mỗi khi nghe câu hát “Đất nước tôi, thon thả giọt đàn bầu...”, con lại thấy rưng rưng trong lòng. Câu hát đó ngân lên để chia sẻ nỗi đau và niềm tự hào với những bà mẹ Việt
Con biết, con được như ngày hôm nay là nhờ công dưỡng dục của mẹ. Mẹ biết không, chiếc bình vôi ngày xưa mẹ dùng con vẫn đặt nơi chiếc phản ngay trước bàn thờ gia tiên. Mỗi lần thay nước trong chiếc bình đó, trong tiếng chảy của dòng nước, con lại như đang nghe thấy lời mẹ động viên, vỗ về, an ủi.
Nguyễn Hồng Nhung
(Số 1, ngõ 116, đường An Dương Vương, TP Hòa Bình)
(Viết theo dòng tâm sự của một người bạn)
Tôi có một người bạn ở tỉnh Hoàng Liên Sơn (cũ) đã sưu tập hàng chục đĩa CD, VCD về Hà Nội làm hành trang cho những ngày ra trường, xa Hà Nội, vậy mà chẳng an lòng. Hơn 15 năm công tác ở miền sơn cước, tháng nào bạn cũng phải về Hà Nội. Bài hát của Phú Quang (thơ Thảo Phương): “Nỗi nhớ mùa đông” vang lên trong căn phòng ở xứ núi bao lần vẫn không làm cô bớt đi nỗi nhớ quay quắt về nơi này. Vậy là lại xuôi tàu để gặp lại gió sông Hồng trong ngày nước cạn mùa đông...
Hồi ký của Thúy Ngọc
(HBĐT) - Đoàn cán bộ Công an huyện đến nhà thắp nén hương nhân ngày thương binh, liệt sỹ vừa về khỏi. Chị Dung, vợ liệt sỹ Tuấn hai tay chắp trước ngực nhìn lên ban thờ khấn: - Anh Tuấn ơi! Anh sống khôn, chết thiêng hãy về phù hộ cho em và con...