(HBĐT) - Mấy ngày nay, bà con khu phố M. râm ran câu chuyện về gia đình cô XX kéo nhau ra tòa. Ai cũng thấy bất ngờ. Từ quán cháo lòng tiết canh hay quán thịt chó cuối phố, “đề tài” này được mọi người bàn luận rôm rả. Cũng đúng thôi, cô XX ngày xưa xuất thân từ cô gái bán nước xinh đẹp của phố này nên quan tâm là phải. Đã thế, họ còn biết kỹ về anh chồng và “mối tình” của họ nữa. Nghe đâu vì... không biết ga-lăng mà mất vợ?!...

Ngày đó, cô XX chỉ là học sinh tốt nghiệp lớp 12. Thi mấy lần, toàn những trường danh giá nhưng trượt tất. Có thể cô chọn nhầm trường vì toàn cỡ khủng như: tiếp viên hàng không, ngoại giao, ngân hàng... mà những trường đó, tiếng Anh phải xuất sắc chứ như cô nói tiếng Anh mà mọi người lại tưởng nói tiếng Đức, tiếng Hàn... Tuy thế, cô được tạo hóa ban cho một nhan sắc ở mức trên 7 điểm cho nên nhà cô một ngày tiếp khách hết chục phích nước sôi cũng là thường. Trai thanh, gái lịch dập dìu. Nhiều đêm, tiếng chó sủa lộng óc và ai cũng biết cơ sự này là từ nhà cô. Không vào đại học thì thôi, cô vào “trường đại học cuộc đời vậy”. Nhưng vì sự vẫy gọi của giảng đường đại học lớn quá nên cô cũng cố theo một lớp đại học thuộc hệ mở... cực rộng. Đi học kiểu ấy, việc tiền bạc kèm theo không hề ít đâu. Bố mẹ chỉ tọc tạch quán nước chè đầu phố, lấy đâu. Lúc đó, trong số các anh tăm tia, cô XX thấy nổi lên một anh đã đứng tuổi nhưng... đứng đắn, có vẻ giàu có (vì có bố đi lao động ở châu Âu về) và đang làm ở tập đoàn nọ. Thôi thì đến lúc “ván phải đóng thuyền”. Cô đã quyết vì thấy được nhiều hơn mất... Mà quả thật, cuộc sống của cô đã thực sự lên tiên từ khi được “anh già” cưu mang, giúp đỡ. Nhà cao, cửa rộng... được đi làm... lại có bằng cử nhân. Đám bạn học cũ, sau nhiều năm không gặp, gặp lại không thể nhận ra dáng vẻ của “cô bán nước chè năm xưa”. Ỏ môi trường mới, cô đã “lột xác”, quý phái lắm. Từ trang phục, đồ dùng cá nhân... đến việc ăn, việc chơi cũng đã khác. Cô đã không thể cùng bạn cũ, ngồi uống nước chè chén ở quán cóc năm xưa. Chỗ cô ngôi phải có không gian, tầm nhìn và có mu-zíc, không nhạc Trịnh cũng phải Phú Quang, Trần Tiến. Thôi cũng là mừng cho cô chứ sao. Nhưng lòng người và cuộc đời thì không mấy ai lường hết chuyện.  Thấm thoắt thoi đưa, càng được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, cô càng thấy anh chồng ngày xưa của mình sao “tẩm thế”. Chẳng bao giờ ga-lăng hay nói những câu mật ngọt gì cả. Nhiều hôm, dẫn các VIP về nhà chơi “ngượng” chết đi được vì chồng thật thà mời: “Các bác ở lại xơi bữa cơm muối với gia đình”. Mất mặt quá. Sao có người cả đẫn thế không biết. Có mời cũng phải nhà hàng, khách sạn chứ ai lại búi xùi như thế. Sao thiên hạ có người hào hoa, phong nhã và giàu có thế không biết. Đấy như anh nọ có biệt danh “Jac-sơn” chẳng từng hào phóng tặng cô chiếc nhẫn mặt ngọc to vật vã mấy trăm triệu mà mặt chẳng hề chút biểu hiện gì. Nhẹ như không. Còn bác kia có biệt danh “gấu vàng”, đợt cô đi học cao học ở thành phố, hoa hoét cứ gọi là tưng bừng mỗi sáng thức giấc. Toàn hoa ngoại. Đâu như “ông kễnh” nhà mình, dịp sinh nhật toàn tặng những bó hoa “quê mùa”. Đã thế còn đai thêm là “hoa thời thiếu nữ em thích”. Chuyện cũ ấy mà “xưa như Diễm” rồi mà cứ ôn nghèo, kể khổ. Em của ngày hôm nay... phải khác. Được những lời ong ve từ đám quý-sờ-tộc cộng thấy chồng ngày càng “cổ hủ”, “lạc hậu”, bằng cấp lại chỉ trên trung cấp, dưới cao đẳng..., cô quyết giải phóng thân phận!? Nhanh đến mức anh chồng ngã ngửa ra, các con thì khóc lên, khóc xuống cũng không lại. Khóc cái gì, chúng mày có muốn đổi đời không. Các “bác ấy” quan tâm, yêu thương, chăm lo đủ điều cho mẹ... Còn bố chúng mày... Có cái gì... Có cái gì... Có cái gì thì cũng  ngần ấy thời gian rồi. Tóc của chồng cũng phải đảo ngói bao bận vì cuộc sống mẹ con cô...

Chẳng ai hiểu nổi. Chỉ có cô mới hiểu được lòng mình thôi. Chiều chiều, thấy anh chồng ra bờ suối thở dài, nhiều người cũng thán rằng: “Công anh bắt tép nuôi cò/Cò ăn cò lớn cò dò lên cây”. Và họ cũng bảo: tiếc làm gì. Có gì mà phải tiếc. Còn anh cứ băn khoăn lần cô gào một tràng tiếng Anh, loáng thoáng là anh không ga-lăng. Ga-lăng là gì? Đau đầu quá. Và mọi người cám cảnh cùng anh, người đàn ông chân chất, chỉ vì không ga-lăng mà bị bỏ rơi thế này. Nhưng giá như anh bị cô chê từ hồi mới quen, cuộc đời sẽ không có khúc ngoặt trớ trêu thế này.

 

 

 

                                                              Huy Quang

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Nông dân khu 8, thị trấn Cao Phong (Cao Phong)  thu hoạch cam chín muộn.
Không có hình ảnh

Tháng 3 quê nhà

(HBĐT) - Tháng 3 này, hàng cây dẫn vào xóm nhỏ quê nhà sau mùa lá bay đã bật lên những chồi non, lộc biếc. Hương vị xuân quê nhà nhạt phai dần. Nhịp sống với những công việc thường ngày đã trở lại. Lúa ngoài đồng bén rễ lên xanh. Tiếng ai đó gọi nhau ngoài cánh đồng ngô đang chuẩn bị cho kỳ bón thúc và vẫn có những cuộc chia tay.

Khu vườn mùa xuân

(HBĐT) - Có thể gọi thêm nữa là khu vườn tuổi thơ, vì khu vườn mùa xuân này quá gắn bó với nhiều thành viên gia đình suốt những năm tháng qua. Chẳng thế mà đứa cháu gái đang du học ở châu âu vẫn khắc khoải trong dịp Tết này: Bác chụp mấy bức ảnh và ấp lên facebook cho cháu đỡ nhớ nhá. Cũng 3 năm rồi cháu chưa trở về thăm bà, thăm khu vườn và các em. Mùa xuân và Tết là dịp đoàn tụ, xa nhà càng có lý do để nhớ nhà, nhớ mảnh vườn xưa cũ.

“Rỗng ruột"

(HBĐT) - Sau một số chiến tích nổi trội, Thạch Sanh được bổ nhiệm giữ chức Đội trưởng Đội QLTT ở vùng “Rừng xanh, núi đỏ”. Trong cơ chế thị trường, việc lưu thông hàng hóa thông thoáng nhưng kèm theo đó là tình trạng vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc... diễn ra khá phức tạp khiến lực lượng QLTT ở vùng “Rừng xanh, núi đỏ” hết sức vất vả.

Trên cánh đồng cuối năm

(HBĐT) - Biết là cuối năm, bận rộn nhiều việc nhưng người bạn từ thời ấu thơ vẫn nhắn nhủ: Chủ nhật về chơi lấy một ngày. Về với ruộng đồng, ông sẽ được thư thái đôi chút đó. Cam, quýt, vườn cây nhà tôi dạo này đã vàng ươm rồi, có lấy chút để bày mâm ngũ quả không? Khóm cây hải đường đang có nụ rồi...

Yên ả đất Mường

(HBĐT) - Bên kia con dốc quanh co, tưởng như dẫn ta lên mãi tới đỉnh cao lại là một bình địa yên ả. Thị trấn Cao Phong kỳ thú với hang núi rồng với những cái tên hội đủ mùa vụ, phương hướng như: Tây Phong, Bắc Phong, Nam Phong, Xuân Phong, Thu Phong và Đông Phong, hiểu là hướng đông hay mùa đông cũng được. Tay người lái xe đảo vô lăng sang trái, từ chối con đường lên Quy Hậu, hướng lên Tây Bắc, anh cho xe chạy theo con đường 12B nhỏ nhắn như đường làng dưới bóng cây che mát. Chỉ cần nhớ lại thời khắc xe chạy giữa hai bên là mướt mát mía, ngô, giữa hai tà luy xanh đủ khiến người ta nghĩ đến những nông trại yên ả trong tiểu thuyết của một nhà văn Pháp nào đó. Giữa trưa nắng, con đường hanh vàng, nếu không gặp những cột số mờ nhoè hẳn đã tưởng đang lạc vào một khu rừng nào đó. Tiếng chó sủa, tiếng lợn lêu dụi mõm vào máng gỗ văng vẳng xa xăm đằng sau những khoảng vườn tược tươi tốt.

Chiếc bình vôi của mẹ

(HBĐT) - Bà cụ hàng xóm bỏm bẻm nhai trầu. Hình ảnh ấy khiến con rất nhớ mẹ. Nhà bên gả chồng cho con gái lớn. Các bà, các mẹ tối đến chia vui. Ngày xưa, mỗi khi nhà nào có đám, mẹ sẽ cùng những người già trong phố đến chia vui hoặc san sẻ bớt nỗi buồn vừa ngồi têm trầu giúp. Phố thay đổi, nếp sinh hoạt cũng khác. Đám hỏi nhà bên có trầu têm cánh phượng được đặt từ dịch vụ cưới hỏi về. Con cầm trên tay miếng trầu .Vị cay nồng xông lên khóe mắt.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục