(HBĐT) - Trong cuộc sống ai cũng thích ngọt ngào, chẳng mấy ai muốn đắng cay, chua chát. Người xưa có câu Đẹp vàng son, ngon mật mỡ. Trong dân gian các món ngon thường là các món có vị ngọt ngào, béo bùi thế mà người quê tôi có khẩu vị ẩm thực rất độc đáo, đó là các loại rau, quả đắng. Vị đắng trở nên quen thuộc, tự nhiên tới mức trở thành món ngon, thậm chí là quý hiếm khi mà núi đồi dần mất đi hệ thực vật phong phú.

 

Loài rau đốm là món rau được yêu quý nhất bởi vị đắng không lẫn vào bất cứ loài rau nào. Đầu xuân, những cây rau đốm mảnh khảnh ngủ đông mới bắt đầu nhú ra lá non mỡ màng như lá sung non. Khi ấy, các bà, các mẹ làm nương lúc về tranh thủ ngắt một chét tay bỏ vào ớp, cánh trẻ chăn trâu cũng vặt nhét căng phồng túi áo, túi quần mang về. Giữa tiết mùa xuân lất phất mưa rét, bên mâm cơm nóng sực có thêm bát rau đắng hăng nồng được xào chút mỡ xanh bóng, đậm đà vị đắng tới tê đầu lưỡi, vừa ăn, vừa xuýt xoa khen vị ngọt hậu nhẩn nha trong miệng. Đôi khi không lên rừng, ra sau nhà chợt gặp lộc nõn, ta với cành ngắt vội một chét tay bỏ vào hấp trên nồi cơm, rau vừa mềm, vừa bùi và càng đắng tợn. Mùa rau qua đi, chỉ đủ chia nhau mỗi người một gắp mà hít hà nhấm nháp để rồi lại mong nhớ, chờ đợi một mùa lộc non mới.

 Mùa hạ, khi cơn mưa đầu mùa ào ạt thấm đẫm đất đai là lúc những mầm măng đội đất lao lên trời những mũi chông nhọn. Mùa măng, đặc biệt là loài măng đắng mọc rất mạnh. Măng đắng ngon nhất và đắng nhất là măng lành hanh. ăn không quen bạn sẽ không thể nuốt nổi đâu, chẳng khác gì nếm phải thuốc cờ-lo- xít. Người quê tôi đã ăn quen loài măng này thì càng đắng càng thấy ngon, nếu luộc bỏ nước đi rồi mới xào xáo thì mất hết hương vị. Măng đắng khi còn nằm trong đất đào lên là ngon nhất, nếu cây thò lên khỏi mặt đất thấy ánh mặt trời là không còn vị đậm đà, thơm hăng và đắng ngọt nữa. Măng đắng có thể luộc chấm muối tỏi ớt giã nhuyễn, sang hơn là lùi trên bếp than hồng rồi bóc bỏ bẹ đất, vừa ăn, vừa nghe vị thơm ngòn ngọt ấm áp. Vị đắng hòa cùng vị cay nồng của ớt tỏi nướng giã nhỏ với muối trắng tạo thành một hương vị rất đặc biệt. Măng tuy đắng nhưng ai cũng thấy ngon. Đến mùa, nhà ai hái được chia nhau cùng ăn, mời nhau  hoặc đem làm quà. Chẳng hái được cũng cố tìm mua ăn vài bữa kẻo hết mùa...

Xếp hạng ba là rau đu đủ. Người xuôi trồng đu đủ chỉ mong cây cái, cây đực bị chặt bỏ, còn người miền ngược thấy cây đực càng thích. Ngoài rau đu đủ đắng ngắt, hoa đu đủ đực mới thật là ngon. Bạn chỉ hấp vài ba bông vào chén mật ong chữa ho cho trẻ mà không nuốt nổi vài giọt ấy thế mà với chúng tôi đem cả rá xào chung với hoa chuối hoặc đồ với rau sắn tươi. Cái đắng, cái chát quyện vào nhau thành vị ngon thật khó quên... Lá đu đủ bánh tẻ không chỉ vò, đem xào, đồ chung với nhiều loài rau khác mà còn được ưu tiên ăn ghém với cá, thịt cùng với các loại rau gia vị khác, nhất là khi có món lòng cá béo ngậy chưng với bỗng chua thật là thú vị...

Còn rất nhiều loài rau khác cũng đắng nhưng không nổi trội hẳn thôi như là rau ngải cứu đắng ngọt, những quả cà đắng nhỏ xíu như ngón tay cũng rất ngon khi được đồ chung với các loại rau đắng, chát. Những quả mướp đắng nhỏ như ngón tay, xù xì gai như con cá sấu con cũng được hấp chín, thậm chí  ăn sống một cách ngon lành.  Đắng nhẩn nha là loài rau mỏ hay còn được gọi là rau máu. Rau máu có lá giống như lá thiên lý leo thành giàn xanh mướt, xum xuê quả như những quả ớt sừng bò màu xanh rất đẹp. Rau ấy khi phụ nữ sinh con ăn rất mát và bổ, thường thường được lấy lá non nấu với nắm cua đồng thành món canh thanh mát hoặc đem phơi khô nấu nước uống giải nhiệt mùa hè.

Những người chòm xóm khi đi làm kiếm được cái hoa chuối rồi hái cà đắng, bào mỏng măng đắng rồi thêm rau sắn tươi, lá đốm, hoa đu đủ, quả đu đủ non bổ miếng, rau bí, rau bầu, rau mơ lông, rau sung non, rau mít rừng... cho chung vào một chõ bằng gỗ để đồ chín bằng hơi nước. Khi rau đã mềm mượt chín tới, chủ nhà gọi chòm xóm í ới, mỗi nhà bưng một bát về.

Vị đắng của quả cà dại làm ta chợt nhớ đến món cà đắng trong tác phẩm Lạc Rừng của nhà văn Trung Trung Đỉnh. Món cà đắng đấy là thức ăn thay muối cho đỡ nhạt mồm, có thể kích thích dịch vị để nuốt trôi món sắn trong suốt thời kỳ chiến tranh, ăn mãi thành quen. Vị cay còn tạm được. Vị đắng nói là ngon cũng khó ai tin nổi nhưng đối với chúng tôi có lẽ vị đắng của rau củ trở nên ngon bởi vì nó đã quá quen thuộc từ thời xa xưa, đời ông bà truyền lại cho cha mẹ rồi đến con cháu. Ngay từ tấm bé được nếm rồi lớn lên tự tay hái lượm, chế biến và hơn cả là khi ăn không chỉ thưởng thức một mình. Món ăn được mọi người trong nhà xuýt xoa, nhấm nháp, khen ngợi, bình phẩm khiến người chế biến cảm thấy hạnh phúc và tự hào. Món rau đắng luôn được chia nhau khi đi làm nương về để  mỗi nhà được thưởng thức một chút kẻo hết mùa hay đôi khi được đồ thành một chõ to, í ới gọi nhau sang lấy phần, náo nức cười nói trong không gian bảng lảng khói bếp và mùi cơm thơm ấm ngọt tình quê.

Cái vị đắng ấy thật khó quên, theo ta suốt cuộc đời, vị đắng ngọt ngân nga da diết nỗi nhớ quê mỗi khi cơn mưa hạ đầu mùa ào ạt. Nhớ các bà, các mẹ, nhớ tình thân xóm giềng từng chia đắng, sẻ bùi. Ai đã từng nhiều lần được nếm vị đắng càng  thêm quý trọng biết bao những ngọt bùi cuộc đời dành tặng.

 

                                          

 

 

                                         Tản văn của Trần Thị Hồng Hạnh

                                       (Trường THCS Hợp Hòa, Lương Sơn)

 

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Yên ả đất Mường

(HBĐT) - Bên kia con dốc quanh co, tưởng như dẫn ta lên mãi tới đỉnh cao lại là một bình địa yên ả. Thị trấn Cao Phong kỳ thú với hang núi rồng với những cái tên hội đủ mùa vụ, phương hướng như: Tây Phong, Bắc Phong, Nam Phong, Xuân Phong, Thu Phong và Đông Phong, hiểu là hướng đông hay mùa đông cũng được. Tay người lái xe đảo vô lăng sang trái, từ chối con đường lên Quy Hậu, hướng lên Tây Bắc, anh cho xe chạy theo con đường 12B nhỏ nhắn như đường làng dưới bóng cây che mát. Chỉ cần nhớ lại thời khắc xe chạy giữa hai bên là mướt mát mía, ngô, giữa hai tà luy xanh đủ khiến người ta nghĩ đến những nông trại yên ả trong tiểu thuyết của một nhà văn Pháp nào đó. Giữa trưa nắng, con đường hanh vàng, nếu không gặp những cột số mờ nhoè hẳn đã tưởng đang lạc vào một khu rừng nào đó. Tiếng chó sủa, tiếng lợn lêu dụi mõm vào máng gỗ văng vẳng xa xăm đằng sau những khoảng vườn tược tươi tốt.

Chiếc bình vôi của mẹ

(HBĐT) - Bà cụ hàng xóm bỏm bẻm nhai trầu. Hình ảnh ấy khiến con rất nhớ mẹ. Nhà bên gả chồng cho con gái lớn. Các bà, các mẹ tối đến chia vui. Ngày xưa, mỗi khi nhà nào có đám, mẹ sẽ cùng những người già trong phố đến chia vui hoặc san sẻ bớt nỗi buồn vừa ngồi têm trầu giúp. Phố thay đổi, nếp sinh hoạt cũng khác. Đám hỏi nhà bên có trầu têm cánh phượng được đặt từ dịch vụ cưới hỏi về. Con cầm trên tay miếng trầu .Vị cay nồng xông lên khóe mắt.

Chạm vào tháng 12

(HBĐT) - Tháng 11 nhè nhẹ bước đi để lại vài vạt nắng hanh hao trên bông cải vừa chớm nụ. Cây gạo đầu làng run rẩy chìa những cánh tay khẳng khiu cho bầy sẻ đồng líu lo hót. Cánh đồng làng xỉn khô đất, gốc rạ cuối mùa. Tiết trời bàng bạc sẽ sàng lành lạnh. Tháng 12 ngỡ ngàng như nụ cười thiếu nữ 16 e ấp. Nắng sóng sáng đổ dài trên những mái ngói cổ trầm lặng màu thời gian. Gió xôn xao rặng bạch đàn, trên mẹt hoa cúc của các bà, các mẹ dịu dàng vào phố.

Chiếc điện thoại

(HBĐT) - Cầm tờ giấy nhập học trên tay, Quyên vô cùng sung sướng. Là cô gái tỉnh lẻ được ra Hà Nội học đại học là ước mơ của Quyên trong suốt 12 năm đèn sách đến trường. Là niềm tự hào của cha mẹ một nắng, hai sương, năm nào mưa thuận, gió hòa mới gọi là đủ ăn để cố gắng nuôi các con học hành. Nay Quyên đỗ đại học, bố mẹ phải vất vả nhiều hơn để kiếm tiền nuôi Quyên học ăn học. Niềm vui chưa tày gang, nỗi buồn ào đến khiến Quyên nao lòng càng thương cha, thương mẹ. Hiểu nỗi lòng con gái, anh Bình cầm tay con gái thủ thỉ:

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục