(HBĐT) - Biết là cuối năm, bận rộn nhiều việc nhưng người bạn từ thời ấu thơ vẫn nhắn nhủ: Chủ nhật về chơi lấy một ngày. Về với ruộng đồng, ông sẽ được thư thái đôi chút đó. Cam, quýt, vườn cây nhà tôi dạo này đã vàng ươm rồi, có lấy chút để bày mâm ngũ quả không? Khóm cây hải đường đang có nụ rồi...
Thì về. Đường đi lối lại bây giờ thuận lợi hơn trước nhiều. Xe buýt, xe khách đi muôn nơi... Nhưng vẫn muốn về trong buổi chiều muộn. Con đường bê tông dẫn qua các cánh đồng, chạy thẳng ra phía bờ sông đào đang mùa nước cạn. Bãi đá cuội phơi mình trắng lốp dưới nắng chiều. Bờ lau bên sông đã chuyển màu tím nhạt. Đồng đất làng thu hoạch vụ mùa đã lâu, giờ đang xanh cây màu vụ đông. Phía cuối đồng xa, thật hiếm hoi khi thấy 2 chú nghé rửng mỡ đuổi nhau làm ồn ã hơn không khí đồng áng. Chính vì sự ồn ào đó mà đám chim đồng hết xà xuống lại bay lên, kêu inh ỏi. Bức tranh chiều thôn dã có cả âm thanh, sắc màu và những cung bậc tình cảm. Một chút lạnh nhẹ hanh hao nhưng không đủ độ để các chị, các bác phải mặc thêm tấm áo dày hơn mà vẫn áo cộc, gò má ửng đỏ, lấm tấm mồ hôi.
Nắng ấm hoàng hôn đang nhạt dần những tia sáng cuối ngày. Nhưng tại những cánh đồng dọc con sông nhỏ, các bà, các chị vẫn chăm chỉ gánh nước tưới cho những luống rau xà lách, su hào, rau mùi, khoai tây, cà chua... chuẩn bị cho vụ tết. Một người chị họ nói vọng lên: “Rau sạch tự trồng đấy. Lâu lắm chả phải ra chợ mua rau cỏ gì cả. Nghe nói, trên thành phố mọi người thi nhau trồng rau trên tầng thượng à?. Những luống rau xanh mướt mắt trải dọc triền đê, tô điểm cho cánh đồng thêm bừng sắc mới. Không chỉ rau màu mà đã có hộ trồng hoa cúc, hoa thược, hoa đồng tiền, vi-ôõ-lét, thược dược đón Tết. Loài hoa dân dã này vẫn đang được người tiêu dùng miền quê xa đón đợi. Ngoài cành đào xuân được mang từ vươn nhà vẫn luôn có những lọ hoa bình dân này... Bãi cỏ ở bờ sông - sân bóng bưởi, bóng nhựa một thời tuổi nhỏ đã trở thành vườn rau, vườn hoa...
Kìa, đám trẻ chăn trâu ở phía cuối cánh đồng kia đang gom những cây rạ sót lại, phân trâu khô để đốt cho đỡ buồn chân, tay khiến khói lam chiều quẩn quanh, vấn vương cánh đồng. Sát mép chân đồi, vườn mía tím nhà ai đang độ chuẩn bị thu hoạch. Đâu đó, tiếng các bà, các cô trao đổi nhắn gia chủ để dành cho khóm mía làm “gậy chống” cho ông bà, ông vải. Cũng là một phong tục đẹp: đôi cây mía thờ trong dịp tết. Những câu chuyện trên đồng cuối năm thật vui và rôm rả. Người cày, người xới, ai cũng muốn làm xong đất để còn lo sắm tết. Dù mồ hôi ướt đầm khuôn mặt nhưng câu chuyện vẫn rộn ràng cho những ngày tết đến. Vẫn là câu chuyện của muôn đời sao ai cũng có điều gì thật náo nức: đi tảo mộ mời các cụ về ăn tết cùng con cháu, chuyện đụng lợn, dựng cây nêu, đi lấy lá dong, trang hoàng nhà cửa đón xuân... Cánh đồng cuối năm, cánh đồng xuân nơi làng quê đang khoác trên mình bộ áo mới. Phấn chấn vì được gặp gỡ và thấy được niềm vui của mỗi người bên từng luống rau, vườn mía. Mùa xuân đã về trên từng ngõ nhỏ quê nhà.
Bùi Huy
(HBĐT) - Cầm tờ giấy nhập học trên tay, Quyên vô cùng sung sướng. Là cô gái tỉnh lẻ được ra Hà Nội học đại học là ước mơ của Quyên trong suốt 12 năm đèn sách đến trường. Là niềm tự hào của cha mẹ một nắng, hai sương, năm nào mưa thuận, gió hòa mới gọi là đủ ăn để cố gắng nuôi các con học hành. Nay Quyên đỗ đại học, bố mẹ phải vất vả nhiều hơn để kiếm tiền nuôi Quyên học ăn học. Niềm vui chưa tày gang, nỗi buồn ào đến khiến Quyên nao lòng càng thương cha, thương mẹ. Hiểu nỗi lòng con gái, anh Bình cầm tay con gái thủ thỉ:
Tôi có một người bạn ở tỉnh Hoàng Liên Sơn (cũ) đã sưu tập hàng chục đĩa CD, VCD về Hà Nội làm hành trang cho những ngày ra trường, xa Hà Nội, vậy mà chẳng an lòng. Hơn 15 năm công tác ở miền sơn cước, tháng nào bạn cũng phải về Hà Nội. Bài hát của Phú Quang (thơ Thảo Phương): “Nỗi nhớ mùa đông” vang lên trong căn phòng ở xứ núi bao lần vẫn không làm cô bớt đi nỗi nhớ quay quắt về nơi này. Vậy là lại xuôi tàu để gặp lại gió sông Hồng trong ngày nước cạn mùa đông...
Hồi ký của Thúy Ngọc