Lần đầu tiên, một bác sĩ Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vinh danh là một trong 3 người phụ nữ đã có nhiều đóng góp trong việc ngăn cản bệnh lao lây lan trong cộng đồng. Đó là TS-BS Nguyễn Thị Ngọc Lan (ảnh), Trưởng khoa Vi sinh – BV Phạm Ngọc Thạch.

 
 

TS-BS Nguyễn Thị Ngọc Lan

Thử thách

Vào bệnh viện lao phải nín thở, đeo khẩu trang nhưng gian phòng làm việc nhỏ nhắn của BS xét nghiệm Ngọc Lan lại là thế giới khác với đàn nhạc, thơ và hoa. Những quyển tài liệu nghiên cứu dày cộm nằm im bên cây đàn organ; sự nghiêm khắc, chuẩn mực của một chuyên gia xét nghiệm dường như đã được chị để lại trong phòng thí nghiệm.

Ngồi trước mặt chúng tôi là một nữ bác sĩ với tâm hồn lãng mạn, phong cách rất nghệ sĩ. Có lẽ do mang tên của loài hoa Ngọc Lan luôn nép mình trong những phiến lá, nhưng hương thơm luôn ngào ngạt nên chị đã chọn công việc xét nghiệm thầm lặng.

“Ước mơ trở thành một bác sĩ phẫu thuật ngoại khoa giỏi, được giống như cha là một giáo sư y khoa. Tài năng của mình sẽ được khẳng định bằng chính sự khỏe lên từng ngày của bệnh nhân và đấy cũng chính là niềm vui, điều quý giá nhất đối với người chọn nghề y làm nghiệp”, chị bắt đầu câu chuyện bằng một giọng Huế nhẹ nhàng.

Mọi dự tính của chị đã thay đổi khi được cử theo học ngành vệ sinh dịch tễ ở Liên Xô (cũ). Sau khi tốt nghiệp, nữ bác sĩ 25 tuổi tình nguyện “giam mình” trong phòng xét nghiệm của Viện Pasteur, gắn bó với vi khuẩn, kính hiển vi mà không một đòi hỏi, toan tính.

Thầm lặng làm công việc không được hấp dẫn lắm đối với những người trẻ tuổi một khoảng thời gian dài, khi chương trình phòng chống lao của TPHCM được chú trọng phát triển, BS Ngọc Lan được cử sang Pháp học chuyên ngành vi trùng lao. Lúc ấy, cả TP chỉ có 4 phòng xét nghiệm ngoại vi về lao, nhưng chủ yếu chụp X-quang tầm soát vi trùng lao nên hiệu quả không cao.

“Vất vả ở xứ người không thấm vào đâu so với việc phải xa đứa con đầu chưa đầy 7 tuổi. Mọi việc nhà, việc công đều phải gác qua một bên. Cũng may, ông xã, gia đình và đồng nghiệp luôn hỗ trợ, gánh hết phần việc để mình yên tâm nghiên cứu”, chị nhớ lại.

Trong suốt quá trình theo học tại Pháp, chị đắm mình trong các phòng thí nghiệm của viện nghiên cứu từ sáng sớm đến tối mịt. Mỗi buổi trưa chỉ nghỉ ngơi, ăn uống chừng vài mươi phút rồi lại quay vào với những chú chuột bạch. Một lần, do quá mệt chị đã lỡ tay tiêm vi khuẩn lao thử trên chuột vào tay mình nên bị áp-xe lao. Thế nhưng, chị kiên quyết tiếp tục ở lại một mình điều trị và nghiên cứu.

“Ngày nào vào phòng thí nghiệm tôi cũng cồn cào ruột gan vì thuốc. Ít ai nghĩ người phụ nữ vốn đa cảm, yếu đuối lại đủ sức vượt qua khoảng thời gian đó nhưng tôi đã làm được”, chị tâm sự.

Về nước, BS Ngọc Lan công tác tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, tuyến cuối về điều trị lao trong điều kiện thiếu thốn. Dụng cụ cơ bản nhất trong xét nghiệm là kính hiển vi cũng thiếu, phải tận dụng những bộ phận còn dùng được vào ráp nối sử dụng. Chị và đồng nghiệp phải gầy dựng lại cơ sở xét nghiệm đạt chất lượng, tận dụng các mối quan hệ với giới y khoa quốc tế để được hỗ trợ…

Chị đã tham gia nhiều chuyến công tác dài ngày, đến những vùng heo hút, bệnh tật. Ngồi trên xe, không ít lần chị đã rơi lệ, vì vất vả, áp lực nhiều nhưng ít người hiểu và thông cảm. Chị buồn vì luôn phải xa con và gia đình, luôn cảm thấy áy náy bởi không chăm sóc được cho gia đình nên nhiều lúc yếu lòng muốn bỏ việc.

Nhưng khi về đến nơi, nhìn thấy đồng nghiệp, công việc và những bệnh nhân đang đau đớn chờ đợi tự dưng những nỗi niềm riêng cũng bay biến và chị lại lao vào công việc...

Đổi mới cuộc chiến chống lao

Theo BS Ngọc Lan, các phương pháp xét nghiệm cũ không đáp ứng được nhu cầu điều trị. Nhiều bệnh nhân nhiễm lao nhưng lượng vi trùng còn ít, rất khó để định bệnh, điều trị sớm. Nhận ra vấn đề quan trọng nhất trong điều trị lao nằm ở khâu định bệnh và xét nghiệm vi sinh, chị cùng các đồng nghiệp xây dựng một trung tâm đa chức năng xét nghiệm - nghiên cứu - giảng dạy được quốc tế biết đến, cũng như tạo nên mạng lưới các phòng xét nghiệm lao cho toàn miền Nam đến tận các tuyến quận, huyện.

Năm 2006, WHO thành lập Tổ chức Sinh phẩm chẩn đoán lao mới nhằm tìm ra các sinh phẩm xét nghiệm cho kết quả nhanh, chính xác và giá thành rẻ. Các hãng dược nổi tiếng trên thế giới thi nhau sản xuất nhiều sinh phẩm chẩn đoán lao mới.

Nhưng để sử dụng phải qua kiểm chứng lâm sàng và phòng xét nghiệm vi sinh của BV Phạm Ngọc Thạch đã thành công và nhanh chóng áp dụng đầu tiên trong cả nước. BS Ngọc Lan lại nghiên cứu thành công phương pháp chẩn đoán bệnh nhân lao đa kháng thuốc. Với phương pháp mới, thời gian định bệnh chỉ mất 1 - 2 ngày, thay vì phải mất 4 - 5 tháng như trước đây.

Hơn 20 năm “ẩn mình” trong phòng xét nghiệm, BS Ngọc Lan đã cống hiến hàng chục công trình khoa học cho giới y học trong và ngoài nước. Hàng ngày phải tiếp xúc với những sinh phẩm, lọ đàm khiến nhiều người ghê tởm nhưng lại thiệt thòi vì ít được công nhận. Chính vì vậy, nghề xét nghiệm ít được các bạn trẻ chọn lựa.

“Chúng tôi chưa có dịp đề cử BS Lan nhưng WHO đã công nhận những đóng góp của cô cho chương trình phòng chống lao trong nước và quốc tế”, Th.S-BS Nguyễn Huy Dũng, Giám đốc BV Phạm Ngọc Thạch phấn khởi cho biết.

Với chị, những đóng góp đó không phải tự một mình có được. “Phụ nữ thường đa cảm hơn nam giới. Tôi cũng vậy, luôn cần một điểm tựa bền vững. Sự thông cảm và ủng hộ của gia đình chính là điểm tựa vững chắc cho tôi. Ngoài ra, những đồng nghiệp ở bệnh viện đã góp phần không nhỏ trong những nghiên cứu, ứng dụng mới để đưa chương trình chống lao của VN thành chương trình điểm. Không ai có thể nghiên cứu một mình”, chị Lan chia sẻ.

Mối trăn trở lớn nhất của chị hiện nay là thiếu người xét nghiệm. Khoa Vi sinh có 53 người, vỏn vẹn 4 bác sĩ nên công việc luôn quá tải. Mỗi ngày, khoa xét nghiệm chừng 700 mẫu, con số “khủng” với các chuyên gia quốc tế. Nhiều năm liên tục bệnh viện không tuyển được bác sĩ xét nghiệm vi sinh. Kỹ thuật xét nghiệm ngày càng hiện đại đòi hỏi phải có người có trình độ cao để quản lý, vấn đề lớn nhất là phải đào tạo đội ngũ kế tục.

Vốn là cô sinh viên luôn rùng mình bỏ trốn hoặc chỉ đứng thật xa nhìn những bệnh nhân lao, nhưng khi đã bước vào nghề, lòng đam mê công việc đã giúp chị gắn bó với bệnh nhân lao suốt bao năm qua. Giờ đây, chị trở thành một trong 3 “Người phụ nữ đổi mới cuộc chiến chống bệnh lao” của thế giới.

Bây giờ, mỗi lần nhớ lại ước mơ trở thành một bác sĩ phẫu thuật ngoại khoa không thành chị lại tủm tỉm cười. “Có lẽ trở thành bác sĩ xét nghiệm là cái duyên và cũng là cái nghiệp gắn bó với mình suốt cuộc đời”, chị bộc bạch.

 

                                                                                        Theo SGGP

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Chuyên trách sức khỏe bà mẹ, trẻ xã Dân Chủ thường theo dõi dõi và quản lý 100% phụ nữ có thai trên địa bàn.
Không có hình ảnh

Thuốc lợi tiểu dùng trong suy tim

Gần đây, trên cơ sở những hiểu biết sâu sắc hơn về cơ chế bệnh sinh của suy tim, về tính năng và tác dụng của một số loại thuốc mới trong điều trị suy tim, người ta đã thu được những kết quả khả quan trong điều trị hội chứng này. Và một trong những loại thuốc rất quan trọng dùng trong bệnh suy tim là thuốc lợi tiểu.

Người già, phổi cũng già theo

Viêm phổi là bệnh người già thường gặp. Những người có nguy cơ là người có thể trạng kém suy yếu, gầy còm, nghiện rượu, mắc các bệnh mạn tính, bệnh đái tháo đường và sau khi bị cúm. Bệnh phổi cấp tính cũng là một trong những nguyên nhân tử vong chính của người già.

Gia tăng bệnh viêm màng não ở trẻ

Theo báo cáo của các cơ sở y tế: Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (thành phố Hồ Chí Minh) từ sau Tết Canh Dần đến nay số trẻ bị viêm màng não liên tục gia tăng. Điều này là bất thường, bởi so với cùng kỳ những năm trước mỗi tháng chỉ rải rác vài ca nhưng năm nay bệnh gia tăng, ngày cao điểm có hàng chục trường hợp nhập viện vì viêm màng não.

Nắng nóng - Da cũng “khát”

Mùa hè, khí hậu nóng bức, cộng thêm thời tiết mưa ẩm bất thường dễ làm da bị thay đổi trạng thái đột ngột. Có lúc da bị khô vì mất nước, có lúc lại bóng nhờn vì khí hậu ẩm bên ngoài. Vậy, trong mùa nóng cần chăm sóc da thế nào?

Trạm y tế xã Nam Phong kết hợp chữa bệnh với phòng bệnh cho nhân dân

(HBĐT) - Để thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn, Trạm đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện có hiệu quả và thường xuyên duy trì chế độ giao ban, báo cáo tình hình hoạt động theo từng tháng, quý, năm.

Trời nắng nóng, miền Bắc hứng nhiều dịch bệnh

Những ngày này, thời tiết oi nóng cùng với độ ẩm cao khiến cho nhiều người đổ bệnh, nhất là trẻ nhỏ. Các bệnh về đường hô hấp, sốt virus, sốt xuất huyết, cúm A/H5N1, H1N1 và tiêu chảy cấp có khuẩn tả đang có nguy cơ bùng phát cao. Tại các bệnh viện ở Hà Nội và nhiều tỉnh phía Bắc, số người tới khám và điều trị các bệnh mùa hè tăng vọt

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục