Các cơ quan báo chí chỉ đạo phóng viên bám sát hiện trường phản ánh về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Xử lý thông tin sai sự thật
Trên địa bàn tỉnh có khoảng trên 50.000 tài khoản mạng xã hội như facebook, zalo, youtube. Một số tài khoản facebook, zalo, youtube đưa thông tin xấu dưới dạng bài viết, hình ảnh, video clip, chia sẻ thông tin được rất nhiều bình luận, chia sẻ, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh tổ chức, cá nhân, gây hoang mang, mất niềm tin và sự ổn định xã hội. Đặc biệt gần đây, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, những thông tin thất thiệt bị lan truyền trong cộng đồng khiến người dân hoang mang, lo sợ quá mức cần thiết và có thể làm sai các quy tắc phòng, chống dịch trong cộng đồng. Thông tin giả nhằm vào đội ngũ y, bác sỹ càng làm cho những người đang làm việc ở tuyến đầu chống dịch thêm khó khăn, mệt mỏi về tinh thần, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh.
Đã có nhiều tổ chức, cá nhân đăng tải bóp méo thông tin, đăng tải thông tin không chính xác, gây hậu quả nghiêm trọng cho công tác chỉ đạo, điều hành các nhiệm vụ phát triển KT-XH. Đến nay, cơ quan chức năng đã xử lý 8 trường hợp sử dụng tài khoản facebook cá nhân đăng tải thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận về dịch Covid-19. Trong đó, đã xử lý vi phạm hành chính 4 trường hợp như: ngày 25/3/2020, tài khoản facebook The Phương Le đăng 1 bài, 1 ảnh nội dung sai sự thật về tình hình dịch Covid- 19 trên địa bàn huyện Tân Lạc. Lê Thế Phương đã bị cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng. V.T.H, viên chức y tế trường mầm non Tu Lý B (Đà Bắc) đăng tải bài viết sai sự thật "Khẩn cấp. Hiện nay trên địa bàn thành phố đã có 1 ca dương tính với Covid-19 và xã Vũ Bình có 4 công nhân đi khám…” bị cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng…
Siết chặt kỷ luật thông tin
Để việc thông tin tuyên truyền kịp thời, chính xác, đảm bảo cung cấp thông tin theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh và tăng cường kỷ luật phòng, chống dịch, mới đây, Sở TT&TT đã ban hành văn bản đề nghị siết chặt kỷ luật, kỷ cương cung cấp thông tin về dịch Covid-19. Theo đó yêu cầu: Các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố cử người phát ngôn, làm đầu mối cung cấp thông tin, hoặc có Thông cáo báo chí về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch của các sở, ban, ngành, huyện, thành phố, để các cơ quan báo chí đưa tin thống nhất, chính xác, tránh sai sót (đặc biệt tránh việc vội vàng cung cấp thông tin còn đang trong giai đoạn xác minh, bàn bạc… cho báo chí); đảm bảo thông tin kịp thời, chính xác, minh bạch theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh và BCĐ phòng chống dịch Covid-19 tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nội dung về hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19, tránh đưa các thông tin gây bi quan, sợ hãi hoặc kỳ thị đối với người mắc, người nghi mắc bệnh. Tích cực tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn tỉnh nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng, thực hiện theo quy định của pháp luật trong phòng, chống dịch bệnh...
Ngày 3/2/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin (CNTT) và giao dịch điện tử. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2020. Nghị định quy định mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống...; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân... Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, tiếp tục thông tin kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch về diễn biến dịch tại Việt Nam, về các trường hợp thuộc đối tượng cách ly tập trung hoặc giám sát y tế, theo dõi sức khỏe tại cộng đồng theo đúng quy định; chú trọng đưa tin có chọn lọc nhằm ổn định xã hội. Xử lý nghiêm, kể cả xử lý theo pháp luật hình sự các trường hợp đưa tin không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận, mất ổn định xã hội và các hành vi găm hàng, tăng giá, gây bất ổn thị trường theo đúng quy định của pháp luật.
Hiện nay, tin giả trên mạng xã hội có đặc điểm là đánh trúng tâm lý lo lắng của người dân và khả năng lan truyền rất nhanh. Trách nhiệm của báo chí chính thống là kịp thời vạch mặt, lên án, chặn đứng các thông tin thất thiệt, nguy hại. Nhưng chỉ chính quyền và báo chí là chưa đủ, một xã hội muốn chống đỡ được dịch bệnh hay tình trạng tin giả tràn lan thì cần sự chung tay, góp sức từ mỗi người dân. Đồng chí Bùi Tiến Lực, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng: Diễn biến dịch bệnh còn phức tạp. Các cơ quan báo chí phát huy vai trò của mình tiếp tục chung sức cùng cả nước trong công cuộc chống dịch. Trong đó, tập trung tuyên truyền tạo sự tin tưởng, đồng lòng của người dân trong thực hiện các giải pháp, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Báo chí cần tiếp tục dẫn dắt, định hướng dư luận, lên án mạnh mẽ những hành vi sai trái, dẹp bỏ tin đồn thất thiệt, gây hoang mang dư luận xã hội.
Lê Chung