Vì sao trại lợn không phép, nhiều sai phạm ở huyện Kim Bôi vẫn ngang nhiên hoạt động?
Thứ hai, 27/9/2021 | 9:55:26 Sáng
(HBĐT) - Được xây dựng trên diện tích lên đến hàng nghìn m2 với cả chục chuồng trại quy mô lớn, lại nằm cách trụ sở UBND xã không xa, nhưng chỉ đến khi người dân có đơn đề nghị, phản ánh thì xã, huyện mới biết đến sự tồn tại của trại lợn nhiều "không”.
Bài 1 - Xã, huyện không biết sự tồn tại của trại lợn... nhiều "không”
Dù cơ quan chức năng yêu cầu dừng việc chăn nuôi để xử lý vi phạm, nhưng trại chăn nuôi của gia đình ông Bùi Văn Xiến ở xóm Phố Mỵ Thanh, xã Mỵ Hòa (Kim Bôi) vẫn ngang nhiên hoạt động.
"Về xóm Phố Mỵ Thanh, xã Mỵ Hòa (Kim Bôi) hỏi thì đến đứa trẻ lên 5 cũng có thể chỉ đường cho chú vào đến trại lợn chứ nói gì đến người dân” một người chúng tôi gặp ở Mỵ Hòa chia sẻ. Theo chỉ dẫn, chúng tôi đi hết con đường bê tông, theo con đường rải đá cấp phối về phía chân núi, trại lợn gồm nhiều chuồng nuôi được xây dựng khép kín với tường rào cao bao quanh hiện ra giữa màu xanh của cây cối.
Qua tìm hiểu được biết, trại nuôi lợn quy mô lớn này là của hộ ông Bùi Văn Xiến, trú tại khu Bãi, thị trấn Bo (Kim Bôi). Trại được xây dựng trên diện tích đất giao khoán của Công ty TNHH MTV Thanh Hà (Công ty Thanh Hà) thuộc địa bàn xóm Phố Mỵ Thanh, xã Mỵ Hòa. Theo đồng chí Đinh Công Phụng, Chủ tịch UBND xã Mỵ Hòa, quá trình chăn nuôi, trại lợn chưa đảm bảo các quy định về giữ vệ sinh môi trường, để phát mùi hôi thối ra bên ngoài, gây bức xúc trong Nhân dân, ảnh hưởng đến hoạt động canh tác nông nghiệp của người dân địa phương. Việc xây dựng trại chăn nuôi lợn của ông Bùi Văn Xiến chưa có giấy phép xây dựng, diện tích đất xây dựng thuộc đất nông nghiệp do Công ty Thanh Hà (Lạc Thủy) quản lý. Trại chưa lập hồ sơ pháp lý về công tác bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Đồng chí Đinh Công Phụng cho biết thêm, ngày 24/6 vừa qua, trong quá trình hoạt động, trại lợn xảy ra sự cố bị tắc, vỡ đường ống lưu thông, làm hở một đoạn ống của bể bioga xử lý nước thải, gặp trời mưa, nước thải chảy tràn ra ngoài. Từ đó ảnh hưởng đến đất ruộng, đất màu của một số hộ có ruộng đất gần trại lợn, bốc mùi hôi thối, gây bức xúc trong Nhân dân. Một số người dân đã có đơn đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng huyện Kim Bôi vào cuộc giải quyết.
Đáng nói, từ sau sự cố này, các cơ quan chức năng của huyện Kim Bôi mới biết đến sự tồn tại của trại lợn nhiều "không", nhiều vi phạm này. Theo đó, sau khi nhận được ý kiến phản ánh của Nhân dân xã Mỵ Hòa về tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi lợn tại xóm Mỵ Thanh, UBND huyện yêu cầu xã Mỵ Hòa kiểm tra, báo cáo vụ việc. Ngày 26/5/2021, UBND xã Mỵ Hòa có Báo cáo số 50/BC-UBND. Đây là lần đầu tiên UBND xã Mỵ Hòa có báo cáo chính thức với UBND huyện Kim Bôi và các phòng, ban chức năng của huyện về sự tồn tại của một trại lợn có quy mô lớn trên địa bàn xã.
Quá trình tìm hiểu chúng tôi được biết, trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Bùi Văn Xiến đi vào hoạt động từ tháng 6/2017 đến nay (thời điểm PV có mặt tại địa bàn ngày 9/9/2021 trại lợn vẫn đang hoạt động). Trại có tổng diện tích 26.370 m2. Toàn bộ diện tích đất do ông Xiến hợp đồng giao khoán với Công ty Thanh Hà. Trên diện tích này, ông Xiến xây dựng 10 chuồng trại với tổng diện tích khoảng 2.000 m2 (chưa tính các công trình phụ trợ). Hiện có 5 chuồng nuôi với khoảng 1.600 con lợn.
Làm việc về vấn đề này, đồng chí Vũ Thị Ngọc, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kim Bôi cho biết: Phòng NN&PTNT huyện chưa nhận và không nắm được thông tin gì về trại chăn nuôi lợn tại xã Mỵ Hòa. Đồng chí Bùi Duy Hưng, Phó trưởng phòng TN&MT huyện Kim Bôi cho biết: Sau khi người dân có đơn kiến nghị về tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất chúng tôi mới biết đến sự tồn tại của trại lợn với quy mô lớn trên địa bàn. UBND xã là cơ quan quản lý địa bàn, xã không báo cáo thì chúng tôi cũng không thể nắm, biết được. Sau khi nắm tình hình, kiểm tra thực tế chúng tôi xác định, việc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép của ông Bùi Văn Xiến sang xây dựng chuồng trại nuôi lợn và các hạng mục phụ trợ khác trên diện tích khoảng 5.000 m2 là sai mục đích, trái quy định của pháp luật. Quá trình chăn nuôi để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến đất sản xuất, cây màu của một số hộ dân xung quanh là vi phạm cần được xem xét, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật...
(HBĐT) - Những biểu hiện làm sai đã được chấn chỉnh, khắc phục kịp thời. Cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) vi phạm phải chịu hình thức kỷ luật. Niềm tin của Nhân dân vào Đảng được củng cố, nhân lên cùng những hành động, việc làm có ý nghĩa thiết thực trong CB, ĐV và quần chúng Nhân dân, góp phần nhân lên cái tốt đẹp, đẩy lùi cái xấu.
(HBĐT) - Tháng 5/2020, cùng với việc triển khai chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, trên địa bàn huyện Lạc Sơn xảy ra một sự việc nghiêm trọng liên quan đến sai phạm về đối tượng chi trả ở một số xã, xóm. Sự việc làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, gây dư luận không tốt trong xã hội.
(HBĐT) - Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình mở rộng (NMTĐHBMR) hiện đang trong giai đoạn chạy đua với thời gian. Trên công trường mỗi ngày có khoảng 400 kỹ sư, công nhân cùng nhiều phương tiện ngày đêm rền vang tiếng máy, thực hiện mục tiêu bắt buộc hoàn thành một số hạng mục theo đúng kế hoạch đề ra.
(HBĐT) - Năm 1979, nghe theo tiếng gọi sông Đà, sau tiếng mìn nổ khởi công xây dựng thủy điện Hòa Bình (TĐHB), hàng nghìn kỹ sư, chuyên gia Liên Xô (cũ) cùng hàng vạn công nhân thay nhau khoan, cắt, đào, đắp ròng rã hơn 5.000 ngày đêm với một mục tiêu, quyết tâm cao độ, đồng lòng đã làm nên những kỳ tích chinh phục dòng sông Đà.
(HBĐT)
- Không chỉ còn xuất hiện đơn thuần trong lao động, đời sống mà ngày nay, dân ca Mường đang sống lại với nhiều sự sáng tạo "hợp thời” hơn trên nền tảng mạng internet. Nhờ đó, dân ca Mường trở thành món ăn tinh thần của người dân ở các bản Mường. Giờ đây, muốn nghe hát, xem hát Mường thì cứ bật ti vi lên là có!
(HBĐT) - Có một vùng đất sơn kỳ thủy tú ven dòng Đà giang từng đi vào thi ca:"Đường lên Mường Tuổng bao xa/ Trăm bảy mươi thác, trăm ba mươi ghềnh/ Nánh Nghê, Tú Lý, Tân Minh/ Nước non ngàn dặm ân tình xiết bao”. Đó là huyện vùng cao Đà Bắc, miền quê sinh sống của đồng bào các dân tộc Mường, Dao, Tày, Thái. Nằm trong lưu vực sông Đà với địa hình chủ yếu là núi, đồi có độ dốc lớn, nhiều sông, suối xen kẽ và là địa điểm tiếp giáp giữa các vùng Tây Bắc và Đông Bắc nên huyện có sự giao thoa của nhiều luồng văn hoá khác nhau, tạo nên sự đặc sắc, quyến rũ cho mảnh đất ven dòng Đà giang. Bên cạnh đó, Đà Bắc sở hữu vẻ đẹp cùng cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, bản sắc văn hóa, có nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch, đẩy mạnh KT-XH tại địa phương.