(HBĐT) - Bất chấp quy định của pháp luật, ngang nhiên phá bỏ cam kết khi ký hợp đồng xin giao khoán đất nông nghiệp; xây dựng trại nuôi lợn không xin phép, không thông qua cơ quan chức năng, chính quyền địa phương; để xảy ra nhiều vi phạm trong vấn đề xả thải, ảnh hưởng đến môi trường, gây bức xúc trong Nhân dân... Dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước khi để xảy ra vụ việc. Ai là người chịu trách nhiệm? 
Bài 2 - Trách nhiệm của cơ quan chức năng trong xử lý vi phạm

 

Lợi dụng việc buông lỏng quản lý của cơ quanchức năng, ông Bùi Văn Xiến đã xây dựng hoàn thiện trại chăn nuôi lợn trên diện tích khoảng 5.000 m2. 

Theo những người dân địa phương, nếu không có đơn đề nghị của các hộ dân bị ảnh hưởng từ nguồn nước thải trại nuôi lợn của gia đình ông Bùi Văn Xiến gửi đến cơ quan chức năng huyện Kim Bôi, thì có lẽ đến nay chắc cũng không có mấy ai biết đến sự tồn tại của trại lợn này. Trong đơn kiến nghị của ông Hà Công Lành, trưởng xóm Mỵ, xã Mỵ Hòa - địa bàn chịu ảnh hưởng nguồn nước thải từ trại lợn nêu: Nước từ trại lợn xây dựng ở xóm Phố Mỵ Thanh thải ra ruộng của các hộ dân xóm Mỵ với lượng lớn và có mùi hôi thối, làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của người dân. Còn ông Hà Công Thức, xóm Mỵ - một trong những hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp từ nguồn nước thải của trại lợn bức xúc kiến nghị: Gia đình tôi có một thửa ruộng ở khu vực giáp với trại lợn. Trong quá trình sản xuất, chúng tôi thấy có hiện tượng nước thải trong trại lợn chảy ra ruộng. Chúng tôi nhắc nhở thì trại lợn cũng có khắc phục, không cho nước chảy ra nữa. Nhưng khi thu hoạch xong, trại lợn tiếp tục xả thải với lượng nước quá lớn, làm ngập úng hết mảnh ruộng của gia đình tôi, ảnh hưởng đến sản xuất. Cùng chung sự bức xúc, ông Hà Công An cho biết: Gia đình tôi có lô đất khoảng 2.000 m2 giáp với trại lợn, trước đây trồng hoa màu. Sau khi trại lợn đi vào hoạt động, thấy có nước thải ra lô đất trồng tôi đã nhắc nhở, phía trại lợn cũng có khắc phục nhưng chỉ sau một thời gian lại xả tiếp. Với lượng nước quá lớn, đến giờ cây keo cũng không phát triển được, có hiện tượng cây héo lá do nước thải ô nhiễm.

Trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề này, đồng chí Bùi Duy Hưng, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Kim Bôi cho rằng: Để xảy ra sự việc này, trách nhiệm trước hết ở chính quyền địa phương, đặc biệt là Ban quản lý xóm và UBND xã Mỵ Hòa đã buông lỏng quản lý Nhà nước, không làm tròn trách nhiệm. Bởi qua nắm bắt thực tế, chúng tôi thấy trại lợn của gia đình ông Bùi Văn Xiến được xây dựng quy mô, trên diện tích rất lớn. Việc xây dựng hệ thống chuồng trại và các công trình phụ trợ không thể làm xong trong ngày một ngày hai được mà diễn ra trong một thời gian dài. Trong điều kiện đó, không thể nói là xóm và xã không biết, không nắm được việc xây dựng công trình trên địa bàn. Đó là điều vô lý.

Lý giải về điều này, đồng chí Đinh Công Phụng, Chủ tịch UBND xã Mỵ Hòa cho biết: Công trình xây dựng lén lút, không xin phép cơ quan chức năng, không thông qua chính quyền địa phương, lại nằm khuất sâu trong khu đất sản xuất thuộc quản lý của Công ty Thanh Hà nên cũng khó phát hiện. Thêm nữa, xóm không báo cáo nên xã cũng không nắm được. Tuy vậy, khi được hỏi tại sao trại chăn nuôi lợn với quy mô lớn được xây dựng và đi vào hoạt động, chăn nuôi trong thời gian dài xã không nắm, không báo cáo cơ quan chức năng xử lý, đồng chí Chủ tịch UBND xã không có câu trả lời. Theo đồng chí Bùi Duy Hưng, ngoài xã thì Công ty Thanh Hà cũng phải chịu trách nhiệm chính khi để xảy ra sai phạm, buông lỏng quản lý đất đai khi biết gia đình ông Bùi Văn Xiến xây dựng chuồng trại chăn nuôi trái phép mà không có biện pháp xử lý triệt để, báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp giải quyết.

Theo thông tin chúng tôi thu thập được, khi làm đơn xin giao khoán đất nông nghiệp gửi Công ty Thanh Hà và Ban chỉ huy đơn vị đội sản xuất số 5, ông Bùi Văn Xiến đã cam kết sử dụng diện tích vào mục đích trồng cây lâu năm và chăn nuôi. Trong hợp đồng giao khoán sử dụng đất số 801/2020/HĐGK được ký năm 2020 với Công ty Thanh Hà, ông Bùi Văn Xiến cũng cam kết sử dụng toàn bộ diện tích đất được giao khoán 26.370 m2 vào mục đích trồng cây lâu năm. Tuy nhiên, trước đó, ngày 12/9/2019, Công ty Thanh Hà có biên bản làm việc với ông Bùi Văn Xiến về những vi phạm trong xây dựng lán trại trên đất nhận khoán. Theo đó, Công ty Thanh Hà đã yêu cầu ông Xiến không được phép xây dựng thêm các công trình khác trên đất nhận khoán ngoài những công trình đã xin phép trước đó; việc chăn nuôi lợn trong khu vực lán trại trên đất nhận khoán của ông Xiến phải được sự đồng ý của các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Tuy nhiên, phớt lờ tất cả những cảnh báo, tự ý phá bỏ cam kết, ràng buộc trong hợp đồng giao khoán đất với Công ty Thanh Hà, ông Bùi Văn Xiến vẫn ngang nhiên mở rộng quy mô chuồng trại. Tại biên bản làm việc giữa đại diện Công ty Thanh Hà, đại diện UBND xã Mỵ Hòa và ông Bùi Văn Xiến ngày 27/2/2020 một lần nữa tiếp tục ghi nhận những vi phạm của ông Xiến. Theo đó, trong quá trình kiểm tra, đại diện Công ty Thanh Hà và UBND xã Mỵ Hòa ghi nhận ông Bùi Văn Xiến tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các công trình trên đất nhận khoán của công ty, gồm chuồng nuôi lợn và các công trình phụ trợ. Trong đó, tổng diện tích 3 khu chăn nuôi đã xây dựng trái phép là 1.950 m2. Phía Công ty Thanh Hà và UBND xã Mỵ Hòa đã yêu cầu ông Bùi Văn Xiến dừng ngay việc xây dựng chuồng trại, dừng việc chăn nuôi lợn trên đất nhận khoán của công ty. Ngày 16/7/2020, Công ty Thanh Hà tiếp tục kiểm tra, ghi nhận những sai phạm của hộ ông Bùi Văn Xiến. Sau biên bản ngày 16/7/2020 cho tới nay, các cơ quan chức năng huyện Kim Bôi không ghi nhận thêm một lần nào nữa việc kiểm tra, giám sát đối với hộ ông Bùi Văn Xiến về việc chấp hành, xử lý các vi phạm. Lợi dụng điều này, hộ ông Xiến đã xây dựng hoàn thiện hệ thống chuồng trại và các công trình phụ trợ như hiện nay.

"Có thể nói, từ sự buông lỏng quản lý của xóm, xã, Công ty Thanh Hà và thái độ thách thức, bất chấp quy định pháp luật của hộ dân là nguyên nhân chính dẫn đến những sai phạm như hiện nay. Về việc này, UBND huyện đang xem xét hướng giải quyết. Trong đó, xác định đây là khu vực không nằm trong quy hoạch chăn nuôi của huyện. Do vậy, quan điểm của huyện sẽ kiên quyết xử lý, buộc hộ ông Xiến phải tháo dỡ công trình xây dựng trái phép, xử lý các vi phạm có liên quan. Đối với các cơ quan quan lý Nhà nước có liên quan, huyện cũng sẽ xem xét, có biện pháp xử lý những cán bộ vi phạm, buông lỏng quản lý đất trên địa bàn dẫn đến những sai phạm” - đồng chí Bùi Duy Hưng bày tỏ quan điểm.       

P.V


Các tin khác


Hẹn mùa lúa chín Miền Đồi

(HBĐT) - Miền Đồi (Lạc Sơn) mùa lúa chín đẹp như một bức tranh. Những cung ruộng bậc thang mềm mại, vàng óng, xếp tầng, xếp lớp men theo sườn đồi, nối tiếp nhau nổi bật trên không gian xanh của núi rừng. Không khí trong lành, mát mẻ; thảo nguyên xanh, suối nước trong veo, những ngôi nhà sàn truyền thống và những người dân hiền hậu, chan hòa, hiếu khách... cùng những món ẩm thực hấp dẫn. Miền Đồi hứa hẹn là điểm đến thú vị cho những ai yêu thích trải nghiệm, khám phá.

Huyện Lạc Sơn - hành trình “xây lại niềm tin”: Bài 2 - Nhân lên “cái đẹp để dẹp cái xấu”

(HBĐT) - Những biểu hiện làm sai đã được chấn chỉnh, khắc phục kịp thời. Cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) vi phạm phải chịu hình thức kỷ luật. Niềm tin của Nhân dân vào Đảng được củng cố, nhân lên cùng những hành động, việc làm có ý nghĩa thiết thực trong CB, ĐV và quần chúng Nhân dân, góp phần nhân lên cái tốt đẹp, đẩy lùi cái xấu.

Huyện Lạc Sơn - hành trình “xây lại niềm tin”: Bài 1 - Khắc phục sai phạm, củng cố tổ chức cơ sở Đảng

(HBĐT) - Tháng 5/2020, cùng với việc triển khai chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, trên địa bàn huyện Lạc Sơn xảy ra một sự việc nghiêm trọng liên quan đến sai phạm về đối tượng chi trả ở một số xã, xóm. Sự việc làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, gây dư luận không tốt trong xã hội. 

Nối tiếp tiếng gọi sông Đà trên công trường thuỷ điện Hoà Bình mở rộng: Bài 2 - Nối tiếp tiếng gọi sông Đà

(HBĐT) - Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình mở rộng (NMTĐHBMR) hiện đang trong giai đoạn chạy đua với thời gian. Trên công trường mỗi ngày có khoảng 400 kỹ sư, công nhân cùng nhiều phương tiện ngày đêm rền vang tiếng máy, thực hiện mục tiêu bắt buộc hoàn thành một số hạng mục theo đúng kế hoạch đề ra.

Nối tiếp tiếng gọi sông Đà trên công trường thủy điện Hòa Bình mở rộng: Bài 1 - Vang mãi bản tình ca hữu nghị Việt Nam - Liên Xô

(HBĐT) - Năm 1979, nghe theo tiếng gọi sông Đà, sau tiếng mìn nổ khởi công xây dựng thủy điện Hòa Bình (TĐHB), hàng nghìn kỹ sư, chuyên gia Liên Xô (cũ) cùng hàng vạn công nhân thay nhau khoan, cắt, đào, đắp ròng rã hơn 5.000 ngày đêm với một mục tiêu, quyết tâm cao độ, đồng lòng đã làm nên những kỳ tích chinh phục dòng sông Đà.

Lặng thầm đi “khơi” lại dòng chảy dân ca Mường: Bài 2 - Lan toả cùng nền tảng số

(HBĐT) - Không chỉ còn xuất hiện đơn thuần trong lao động, đời sống mà ngày nay, dân ca Mường đang sống lại với nhiều sự sáng tạo "hợp thời” hơn trên nền tảng mạng internet. Nhờ đó, dân ca Mường trở thành món ăn tinh thần của người dân ở các bản Mường. Giờ đây, muốn nghe hát, xem hát Mường thì cứ bật ti vi lên là có!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục