HĐND tỉnh khảo sát thực tế các dự án cần chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất trước khi trình HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương chuyển đổi mục đich sử dụng đất để thực hiện dự án tại huyện Kim Bôi.
Số hóa quản lý đất đai
Theo báo cáo của ngành TN&MT tỉnh, trong thời gian qua, để cải cách TTHC về đất đai, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt danh mục 25 dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 3, 4 thuộc phạm vi của ngành tích hợp, cung cấp trên Cổng DVC tỉnh và Cổng DVC quốc gia năm 2020 - 2021; đề xuất phương án phân cấp trong giải quyết TTHC đủ 20% từ T.Ư đến địa phương trình UBND tỉnh. Tuy nhiên, bất cập lớn nhất và là một trong những nguyên nhân gây cản trở trong công tác đất đai, dẫn tới kéo dài thời gian giải quyết TTHC cho nhà đầu tư chủ yếu do dữ liệu địa chính về đất đai từ trước do lịch sử để lại còn lưu giữ thô sơ dưới dạng sổ sách, giấy, chưa được cập nhật, điều chỉnh, đo đạc theo quy định, do đó, công tác thẩm định hồ sơ, nguồn gốc đất thường xuyên chậm và mất rất nhiều thời gian.
Mặt khác, tình trạng hồ sơ địa chính để phục vụ công tác đăng ký, cấp giấy chứng nhận trước đây ở một số huyện còn thiếu độ tin cậy, dẫn đến công tác đăng ký cấp giấy chứng nhận còn khó khăn. Việc phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong thực hiện TTHC về lĩnh vực đất đai theo Quyết định số 2498/QĐ-UBND, ngày 6/11/2015 của UBND tỉnh đôi khi chưa đảm bảo thời gian quy định, đặc biệt là các trường hợp phải xin ý kiến cơ quan quản lý công trình xây dựng thường chậm hoặc không có ý kiến trả lời. "Chính vì vậy, để thuận lợi cho công tác quản lý đòi hỏi phải áp dụng công nghệ số trong quản lý Nhà nước về đất đai, như vậy không chỉ thuận lợi khi điều chỉnh hồ sơ, quản lý thẩm định hồ sơ về đất, mà còn góp phần giảm khiếu nại, khiếu kiện về hồ sơ thủ tục đất" - đồng chí Nguyễn Trần Anh, Giám đốc Sở TN&MT khẳng định.
Đánh thức tiềm năng - bắt đầu từ quy hoạch
Theo các chuyên gia kinh tế, với lợi thế thiên nhiên ưu đãi, cảnh quan đẹp, nền văn hóa đa dạng, gần Thủ đô Hà Nội, Hòa Bình hội tụ đầy đủ lợi thế để trở thành một "thủ phủ” du lịch, nghỉ dưỡng tại khu vực phía Bắc. Trong những năm gần đây, Hòa Bình nổi lên là một địa điểm hấp dẫn trong thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Sôi động nhất có thể kể đến như khu vực huyện Kim Bôi, Đà Bắc, Tân Lạc, đặc biệt là vùng lòng hồ sông Đà. Tuy nhiên, để "điểm mặt” những dự án lớn có quỹ đất sạch trước khi đầu tư trên địa bàn tỉnh không nhiều. Ngược lại, có nhiều dự án kéo dài thời gian đầu tư, chậm tiến độ, nguyên nhân chủ yếu do TTHC, trong đó có thủ tục về đất. Để giải quyết vấn đề này, theo đồng chí Trần Ánh Dương, Phó Ban KT-NS (HĐND tỉnh): Hiện nay, với tiềm năng và lợi thế, Hòa Bình đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư có tiềm lực. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội này, tỉnh cần đi trước một bước trong công tác quy hoạch, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư. Trong bối cảnh nguồn lực còn nhiều khó khăn, các ngành chức năng cần tham mưu cho tỉnh định hướng, dự báo lựa chọn những vị trí, địa phương đang sôi động thu hút nhiều nhà đầu tư như khu vực lòng hồ, các huyện Đà Bắc, Lương Sơn, TP Hòa Bình... để quy hoạch, đưa vào danh mục thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để sẵn sàng đón làn sóng đầu tư về Hòa Bình. Giải phóng mặt bằng, xây dựng quỹ đất sạch không chỉ tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư mà còn góp phẩn giảm "sốt" đất, tình trạng cò đất mua gom đất, găm đất chờ thời cơ đẩy giá.
Ngoài ra, vấn đề quy hoạch chạy theo dự án, quy hoạch thiếu tính ổn định và dài hạn không chỉ khó khăn trong công tác quản lý đất, mà còn gây khó cho nhiều nhà đầu tư, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Thực tế đã có nhiều dự án phù hợp với quy hoạch, tuy nhiên, khi triển khai thực hiện đã phá vỡ tổng thể quy hoạch, về lâu dài ảnh hưởng đến công tác thu hút đầu tư dự án khác. "Ở đây đã có tình trạng dự án trại lợn gần với dự án nghỉ dưỡng, công viên nghĩa trang gần với các khu du lịch hoặc khu đô thị nghỉ dưỡng, sinh thái... Vì vậy, bài toán đặt ra ở đây là sự thống nhất và có thể tích hợp giữa quy hoạch đất với quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH, quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới và các quy hoạch ngành khác trong một khoảng thời gian xác định mang tính ổn định, lâu dài" - đồng chí Nguyễn Thu Hà, Phó Ban Dân tộc (HĐND tỉnh) cho biết.
Phát huy nguồn lực con người
Đất đai là nguồn tài nguyên, tài sản của quốc gia và cũng được xem là nguồn lực quan trọng thúc đẩy KT-XH phát triển. Thực hiện tốt các chính sách, pháp luật trong TTHC về đất đai góp phần quản lý tài nguyên đất, tạo động lực quan trọng để thu hút đầu tư. Thực tế cho thấy, công tác giải quyết thủ tục về đất đai hiện ngoài những bất cập về cơ chế, chính sách, yếu tố nguồn lực con người, công tác cán bộ còn gặp rất nhiều khó khăn. Theo báo cáo của ngành TN&MT tỉnh, số lượng biên chế sự nghiệp được giao tại Sở TN&MT hạn chế, chưa đảm bảo nhân lực thực hiện theo đề án và cơ cấu tổ chức của đơn vị đã được phê duyệt. Theo quy định, thời gian thực hiện 1 hồ sơ giao đất tại Sở trong vòng 15 ngày, tại UBND tỉnh 5 ngày. Thực tế, số lượng cán bộ trực tiếp thực hiện thủ tục tại Sở và Văn phòng UBND tỉnh đều còn hạn chế. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giải quyết TTHC về đất đai.
Theo đồng chí Nguyễn Trần Anh, Giám đốc Sở TN&MT, để khắc phục những khó khăn trên, ngành xác định tiếp tục công khai, minh bạch với những cách thức đơn giản, dễ hiểu, dễ tra cứu, cập nhật thường xuyên, đầy đủ thông tin đối với các quy trình TTHC, mức thu phí, lệ phí và các khoản dịch vụ công; quy hoạch ngành; các thông tin về mời thầu... để nhà đầu tư, doanh nghiệp dễ tiếp cận, tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh.
Tăng cường các kênh phát hiện thông tin, tiếp nhận ý kiến phản hồi của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình về tố cáo hành vi nhũng nhiễu; có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhằm kiểm soát, ngăn chặn và cương quyết xử lý kịp thời hành vi nhũng nhiễu, "tham nhũng vặt”. Nâng cao hiệu quả, chất lượng các buổi đối thoại doanh nghiệp, phổ biến kịp thời và hướng dẫn triển khai thông tin, chính sách mới, cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh; giải quyết đến cùng những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Tất cả kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp phải được trả lời bằng văn bản (có thời hạn cụ thể), công khai kiến nghị, quá trình giải quyết kiến nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử của Sở.
Đinh Hòa