(HBĐT) - Theo Luật Đầu tư năm 2020, thủ tục về đất đai là 1 trong 8 loại hồ sơ bắt buộc trong bộ thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư đối với mỗi dự án có sử dụng đất. Thực tế cho thấy, không ít doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian mới có thể khởi động được dự án, chủ yếu do vướng các quy định về thủ tục đất đai. Thực trạng này cũng là một lực cản không nhỏ ảnh hưởng đến quá trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. 

>> Bài 2 - Giải pháp nào tháo gỡ điểm nghẽn?


Cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh huyện Kim Bôi trực giải quyết thủ tục hành chính về đất tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả UBND huyện.


Chuyện của những doanh nghiệp mòn mỏi "chạy thủ tục”

Tháng 4/2019, Công ty CP Việt - Eco Hòa Bình có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư thực hiện dự án khu du lịch sinh thái và trung tâm dưỡng lão tại huyện Kim Bôi. Tháng 4/2021, Công ty đã thông qua Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện phối hợp với UBND xã Sào Báy, xã Mỵ Hòa thống nhất giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của các hộ, cá nhân với diện tích khoảng 700 thửa đất của 240 hộ gia đình, cá nhân. Nhưng để chuyển nhượng được cho doanh nghiệp thì các gia đình, cá nhân phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) mới chuyển nhượng được cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, phần lớn các gia đình, cá nhân chưa được cấp GCNQSDĐ hoặc đã có nhưng phải thực hiện cấp đổi lại. "Doanh nghiệp đã liên hệ với một số cơ quan liên quan để đề nghị hướng dẫn thủ tục cấp GCNQSDĐ nhưng liên hệ với xã thì hướng dẫn gặp Chi nhánh vănphòng đăng ký đất đai; gặp Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai thì hướng dẫn về xã….Tính đến thời điểm này, doanh nghiệp chưa hoàn thiện thủ tục nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất với bất kỳ cá nhân nào. Doanh nghiệp giờ chưa biết làm gì và làm thế nào để nhận chuyển nhượng được toàn bộ diện tích đất nêu trên để triển khai thực hiện dự án” - ông Nguyễn Khắc Tiệp, đại diện Công ty cho biết.

Công ty Viet - Eco không phải là trường hợp duy nhất lâm vào tình trạng kéo dài thời gian thực hiện thủ tục về đất đai. Thực tế cho thấy, ngoài những khó khăn liên quan đến GCNQSDĐ, rất nhiều dự án phải kéo dài thủ tục liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Theo quy định của Luật Đầu tư, dự án muốn được cấp chủ trương đầu tư phải nằm trong quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của tỉnh, huyện. Thực tế, khi bắt tay vào thực hiện dự án, nhiều doanh nghiệp phải bắt đầu từ thủ tục xin bổ sung danh mục vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Mặt khác, sau khi bổ sung danh mục vào quy hoạch sử dụng đất, công tác điều chỉnh, cập nhật số liệu về đất lại không được thực hiện đồng tốc, trong khi đó, nhiều dự án không triển khai, chậm tiến độ nhưng không được đưa ra khỏi quy hoạch, dẫn đến doanh nghiệp mới vào đầu tư bị trùng dự án.

Số liệu báo cáo của Sở KH&ĐT cũng nêu rõ: Từ năm 2016 đến nay, có khoảng 298 hồ sơ liên quan đến đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đủ điều kiện trình UBND tỉnh phải chỉnh sửa, bổ sung từ 2 lần trở lên. Nguyên nhân dự án chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chưa có kết quả thẩm định nhu cầu sử dụng đất. Đặc biệt, có 946 hồ sơ đã thẩm định nhưng không đủ điều kiện trình UBND tỉnh, trong đó, khoảng 520 hồ sơ chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất; 236 hồ sơ chưa có kết quả thẩm định nhu cầu sử dụng đất; 47 hồ sơ trùng lấn với các dự án khác.

Dự án tự thỏa thuận đưa nhà đầu tư vào thế khó

Mất rất nhiều thời gian và công sức để ra được chủ trương đầu tư, tuy nhiên, đó mới là những bước đi đầu tiên để triển khai dự án. Bởi thực tế, đối với một doanh nghiệp muốn đưa dự án vào hoạt động cần phải tiếp tục triển khai các thủ tục để giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng đất, thuê đất. Theo Luật Đất đai năm 2013, chỉ những dự án sử dụng cho mục đích an ninh - quốc phòng, công trình phục vụ hoạt động chung của cộng đồng dân cư mới thuộc dự án Nhà nước thu hồi đất, còn lại các dự án thuộc nhóm thương mại, du lịch, dịch vụ nhà đầu tư phải tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng sau khi có văn bản chấp thuận "chủ trương cho phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án” của UBND tỉnh, cho phép doanh nghiệp và người dân tự thỏa thuận giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất để giải phóng mặt bằng. Cơ chế này vô tình đẩy nhiều nhà đầu tư vào thế khó. Ông Quách Đình Minh, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 từng chia sẻ: Đã nhiều lần đưa các nhà đầu tư về làm việc với tỉnh, có những dự án lớn nếu được triển khai sẽ góp phần phát triển KT-XH cho vùng nông thôn. Tuy nhiên, với cơ chế tự thỏa thuận, nhiều nhà đầu tư mặc dù rất tâm huyết nhưng vẫn không thể theo đuổi dự án. Nguyên nhân do khó khăn trong công tác thỏa thuận nhận chuyển nhượng giải phóng mặt bằng, nhất là việc thỏa thuận về giá bồi thường về đất và tài sản trên đất để giải phóng mặt bằng với người dân.

Ông Nguyễn Cao Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh bộc bạch: Cơ chế tự thỏa thuận khiến doanh nghiệp gặp khó. Vì thực tế, người dân không phân biệt được những loại đất khác nhau thì có giá trị khác nhau, mà chỉ cần biết nhà này bán được bao nhiêu, nhà mình cũng phải bán được bấy nhiêu hoặc hơn thế. Đặc biệt, cơ chế tự thỏa thuận không có sự quản lý của Nhà nước vô tình tạo điều kiện cho nhiều nhà đầu cơ đất, găm đất, đẩy giá. Thực tế, có những doanh nghiệp không được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án ở vị trí đó cũng nhờ một số người đứng ra mua gom đất (cò đất) ở vị trí doanh nghiệp khác được chấp thuận chủ trương thỏa thuận nhận chuyển nhượng. Tình trạng này đã đẩy giá đất lên gấp 10 thậm chí gấp trăm lần so với giá trị thực. Nhiều doanh nghiệp gặp tình trạng khóc dở mếu dở khi đổ rất nhiều tiền để chi trả cho các hộ gia đình, cá nhân đã thống nhất thỏa thuận về giá nhận chuyển nhượng, còn một vài hộ lại không đồng ý thỏa thuận, thế là dự án không thể triển khai thực hiện được. Theo thông tin, 1 ha đất khu vực hồ Hòa Bình có giá từ 4 - 5 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần so với giá trị thực và so với mặt bằng chung của tỉnh, nhất là ở các khu vực như huyện Kim Bôi, Lương Sơn...

Khó khăn về thủ tục đất đai cũng là thực trạng chung hiện nay trên địa bàn tỉnh là điểm nghẽn trong thu hút đầu tư. Theo báo cáo của UBND tỉnh đánh giá kết quả thực hiện chỉ số PCI chỉ rõ trong chỉ số tiếp cận đất đai, những chỉ tiêu doanh nghiệp đánh giá chưa cao đối với tỉnh là: Giải phóng mặt bằng chậm (đứng thứ hạng 60/63 tỉnh, thành phố); doanh nghiệp không gặp cản trở về tiếp cận/mở rộng mặt bằng kinh doanh xếp thứ 58/63; khó khăn về thiếu quỹ đất sạch đứng thứ 57/63; doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính đất đai không gặp khó khăn đứng thứ 55/63; không có GCNQSDĐ do lo ngại thủ tục hành chính rườm rà, cán bộ nhũng nhiễu đứng thứ 40/63.

(Còn nữa)


Đinh Hòa

Các tin khác


Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Lừa đảo xuất khẩu lao động - cạm bẫy “việc nhẹ, lương cao”

Lợi dụng việc một bộ phận người dân có nhu cầu tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ), thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện các chiêu lừa XKLĐ khiến không ít người lâm vào cảnh éo le. Thậm chí nhiều trường hợp đứng trước "nanh vuốt” của bọn tội phạm mua bán người...

Sáng mãi màu áo xanh tình nguyện

"Năm 2024, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn thống nhất lựa chọn chủ đề công tác là "Năm Thanh niên tình nguyện”. Đây là năm đánh dấu nhiều sự kiện đặc biệt có ý nghĩa trong phong trào thanh niên tình nguyện, như: kỷ niệm 60 năm phong trào "Ba sẵn sàng”, 10 năm "Năm Thanh niên tình nguyện”, 25 năm Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè. Vì vậy, tổ chức Đoàn các cấp cần phải xem đây là một năm sôi động các hoạt động thanh niên tình nguyện trên toàn quốc với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp thanh niên Việt Nam" - đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn nhấn mạnh tại hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ tư, khoá XII (tháng 1/2024).

Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 2 - Công trình không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng?

Liên quan đến việc xây dựng chùa Hòa Bình và các công trình phụ trợ, thời gian qua, một số cơ quan thông tin, báo chí đưa tin cho rằng: công trình này không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vi phạm các quy định của pháp luật về thủ tục đầu tư; còn để xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến trật tự xây dựng. Trước những vấn đề được dư luận xã hội và người dân quan tâm, các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND thành phố Hòa Bình (TPHB) đã có thông tin phản hồi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục