Khát vọng vượt khó của thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Bài 1 - Khởi nghiệp đối với thanh niên dân tộc thiểu số – cần sự tạo đà, khích lệ
Thứ tư, 20/7/2022 | 8:48:24 Sáng
(HBĐT) - Là tỉnh miền núi với 6 dân tộc anh em chung sống, Hòa Bình có tổng số trên 160.000 đoàn viên thanh niên (ĐVTN), trong đó số lượng ĐVTN là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm đến 70%. Với tư duy đổi mới, nghị lực, ý chí khát vọng vươn lên của tuổi trẻ, nhiều thanh niên là người DTTS đã quyết tâm bứt phá với các dự án khởi nghiệp và đạt được những thành công nhất định. Từ đó thể hiện ước mơ, hoài bão làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, tiếp tục khẳng định sức trẻ, niềm đam mê, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đến thanh niên các vùng đồng bào DTTS.
Anh Giàng A La (trái), Giám đốc HTX dịch vụ du lịch và nông nghiệp Hang Kia (Mai Châu) khởi nghiệp thành công, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho đồng bào người Mông.
Khởi nghiệp đối với thanh niên nói chung hiện nay đang gặp phải rất nhiều khó khăn khi non trẻ về kiến thức, kinh nghiệm, thiếu vốn. Khởi nghiệp đối với thanh niên người DTTS còn khó khăn hơn. Do đó, để ngăn chặn việc "chảy máu” nguồn lao động trẻ, khỏe, nhiệt huyết; các địa phương cần có cơ chế, chính sách, chế tài phù hợp, hỗ trợ thanh niên người DTTS phát triển kinh tế, làm giàu ngay trên quê hương mình.
Những vấn đề đặt ra đối với phong trào khởi nghiệp sáng tạo
Đà Bắc là huyện vùng đặc biệt khó khăn với địa hình chủ yếu là đồi núi cao, thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai. Theo thống kê, toàn huyện hiện có trên 9.000 ĐVTN, trong đó, tỷ lệ thanh niên là người DTTS chiếm khoảng 95%. Có thể nói, đây là lực lượng trẻ nòng cốt, đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH chung của địa phương. Tuy nhiên, trong những năm gần đây có một thực tế đáng lo ngại là lớp trẻ hiện nay có xu hướng đi làm kinh tế tại các thành phố lớn, tỷ lệ ước tính chiếm đến 85% tổng số ĐVTN trên địa bàn huyện.
Đồng chí Đinh Thái Sơn, Bí thư Huyện Đoàn Đà Bắc chia sẻ: "Toàn huyện có 12/17 xã, thị trấn thuộc vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Với địa bàn rộng, dân cư sinh sống thưa thớt, đời sống Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Trên địa bàn chưa xây dựng được các khu, cụm công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp để giải quyết được nguồn lao động địa phương. Thực tế đó đã dẫn đến thực trạng nhiều thanh niên đều có xu hướng lựa chọn làm việc tại các thành phố lớn với mức thu nhập ổn định. Đặc biệt, tại các xã vùng sâu, xa, vùng ĐBKK, thanh niên sau khi tốt nghiệp THPT không có điều kiện theo học tại các trường đại học, cao đẳng đã tham gia học nghề và làm việc tại các khu, cụm công nghiệp để có nguồn thu nhập trang trải trong cuộc sống. Từ đó dẫn đến thực tế tại địa phương hiện đang thiếu nguồn nhân lực trẻ có trình độ, nhiệt huyết và đam mê khởi nghiệp”.
Không chỉ tại huyện Đà Bắc, thực trạng trên còn diễn ra phổ biến tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh dẫn đến việc thiếu hụt nguồn lực thanh niên tham gia phát triển kinh tế tại các địa phương. Qua thực tế cho thấy, khởi nghiệp đang là phong trào nhận được sự quan tâm của thế hệ trẻ, thanh niên DTTS cũng không nằm ngoài phong trào đó. Qua tìm hiểu, nhiều thanh niên DTTS mong muốn khởi nghiệp nhưng chưa chủ động, sáng tạo trong việc xây dựng ý tưởng, triển khai các dự án sáng tạo khởi nghiệp. Vẫn còn đó tâm lý chông chờ, ỷ lại vào những chính sách quan tâm, hỗ trợ nguồn kinh phí phục vụ sản xuất của Nhà nước. Nhiều thanh niên muốn khởi nghiệp nhưng sợ rủi ro, sợ thất bại. Một trong những hạn chế lớn nhất của thanh niên vùng đồng bào DTTS khi triển khai các ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo đó chính là ứng dụng kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin vào quá trình hình thành ý tưởng, mô tả và trình bày dự án để chào gọi các nhà đầu tư. Ngoài ra, một trong những vấn đề đặt ra đối với thanh niên khi triển khai các dự án khởi nghiệp đó chính là nguồn vốn.
Tạo đà cho thanh niên khởi nghiệp
Xác định những khó khăn, thách thức trong phong trào khởi nghiệp đối với ĐVTN nói chung, ĐVTN vùng đồng bào DTTS nói riêng, Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) tỉnh đã chủ động tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành các văn bản, kế hoạch, chương trình cụ thể nhằm kết nối, đồng hành hỗ trợ thanh niên sáng tạo khởi nghiệp. Theo đó, cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên Hòa Bình” giai đoạn 2017 – 2021 là một trong những sân chơi bổ ích được Tỉnh Đoàn phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức triển khai. Sau 3 lần tổ chức, cuộc thi đã thu hút được gần 80 ý tưởng, dự án sáng tạo khởi nghiệp từ những tác giả, nhóm tác giả là ĐVTN đang sinh sống và làm việc tại các huyện, thành phố. Trong đó, trên 60% các ý tưởng, dự án khởi nghiệp được thực hiện bởi ĐVTN là người DTTS, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, tại cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên Hòa Bình”, các dự án "Du lịch trải nghiệm 4K HAPPYFARM”, "Ứng dụng khoa học công nghệ vào sấy và sản xuất trà bí đao tạo việc làm cho người dân vùng DTTS” xuất sắc giành giải cao. Đây đều là những ý tưởng khởi nghiệp của các tác giả, nhóm tác giả là người DTTS đã khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế của địa phương để triển khai xây dựng các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, từ đó nhằm quảng bá, giới thiệu và nâng tầm giá trị nông sản đặc trưng của địa phương.
Anh Nguyễn Trung Kiên, xã Độc Lập (TP Hòa Bình), tác giả dự án "Ứng dụng khoa học công nghệ vào sấy và sản xuất trà bí đao tạo việc làm cho người dân vùng DTTS” chia sẻ: "Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo thuộc chương trình 135, nơi có nhiều đồng bào DTTS sinh sống. Bí xanh được xác định là cây trồng chủ lực phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Tuy nhiên, với các mặt hàng nông sản, câu chuyện "được mùa, mất giá” diễn ra thường xuyên dẫn đến thực tế ảnh hưởng đến kinh tế hộ gia đình. Chính vì vậy, HTX dịch vụ nông nghiệp Độc Lập được thành lập từ tháng 11/2020 với mục đích giúp bà con Nhân dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời tạo mối liên kết bao tiêu sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ để chế biến giúp cho nông sản đa dạng thị trường tiêu thụ”.
Để tạo sân chơi bổ ích, thu hút thanh niên DTTS tham gia khởi nghiệp sáng tạo, BTV Tỉnh Đoàn đã phối hợp với các tổ chức, đơn vị triển khai các dự án Vườn ươm doanh nghiệp, cuộc thi "Thách thức sáng kiến kinh doanh cho thanh niên vùng đồng bào DTTS”. Hàng năm, "Diễn đàn khởi nghiệp thanh niên cấp tỉnh” được duy trì tổ chức thu hút 200 - 300 lượt ĐVTN; lồng ghép tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, tập huấn chuyển giao KHKT cho ĐVTN có nhu cầu tham gia. Tổ tư vấn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp được thành lập từ năm 2017 bao gồm các thành viên trong cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên Hòa Bình” sẵn sàng tiếp nhận thông tin, hỗ trợ và giải đáp những thắc mắc của ĐVTN liên quan đến khởi nghiệp. Câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp quy tụ 40 thành viên là những doanh nhân trẻ tuổi, các tác giả, nhóm tác giả đã từng tham gia các cuộc thi về khởi nghiệp sáng tạo. Quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn 120 do Trung ương Đoàn ủy thác với dư nợ 1,4 tỷ đồng.
Đồng chí Nguyễn Duy Tư, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn chia sẻ: "Xác định là điểm tựa, cầu nối trung gian giúp ĐVTN vững bước trên con đường lập thân, lập nghiệp, BTV Tỉnh Đoàn chỉ đạo các cấp bộ Đoàn trong tỉnh triển khai đa dạng các hoạt động thiết thực nhằm "tiếp lửa” cho thanh niên nói chung, thanh niên DTTS nói riêng. Thông qua đó sẽ tạo ra những sân chơi bổ ích, kết nối những thanh niên có chung niềm đam mê khởi nghiệp, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau để thực hiện ước mơ, hoài bão làm giàu trên chính mảnh đất quê hương”.
(HBĐT) - Tin vào những lời hứa hẹn về một tương lai tươi sáng với công việc nhẹ nhàng, lương cao nơi thị thành sầm uất, cô gái trẻ Nguyễn Thị T. ở thôn Đồng Yên, xã Yên Bồng (Lạc Thủy) đã rơi vào cạm bẫy của bọn buôn người. Để rồi trải qua biết bao đắng cay tủi hờn, Nguyễn Thị T. mới tìm được đường trở về cố hương...
(HBĐT) - Từng đến tỉnh Điện Biên, mảnh đất lịch sử, văn hóa khá nhiều lần, nhưng với cửa khẩu quốc tế Tây Trang, bản Ka Hâu, xã Na Ư, huyện Điện Biên lại là lần đầu nên chúng tôi khá ấn tượng cho cuộc gặp gỡ này. Mùa hè, cánh đồng lúa Mường Thanh vàng rực như là một điểm nhấn độc đáo trong hành trình đến thăm cửa khẩu quốc tế, nơi mà 5-6 lần trước từng được nhắc khi lên đây. "Bạn đã đến Điện Biên nên đến cửa khẩu Quốc tế Tây Trang… miền đất ấy có nhiều điều để khám phá”. Lời nhắn nhủ của các đồng nghiệp Tây Bắc khiến các thành viên trong đoàn thêm háo hức, thích thú hơn…
(HBĐT) - Sau hơn 13 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của BCH T.Ư Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngành Nông nghiệp tỉnh đạt được nhiều thành tựu quan trọng, SX-KD nông sản chuyển mạnh theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị, thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH). Tuy nhiên, trên thực tế, giá trị xuất khẩu nông sản được đánh giá tăng nhưng thiếu bền vững, còn mang tính tự phát, chưa có đề án chiến lược cho từng loại thị trường.
(HBĐT) - Vào mùa mưa, ốc núi chính là một đặc sản được nhiều người dân trong tỉnh bỏ công sức leo lên các dãy núi cao để tìm kiếm. Công việc thời vụ này đem lại thu nhập thêm cho nhiều hộ gia đình nhưng đầy vất vả và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
(HBĐT) - Trước tình hình khó khăn chung của nền kinh tế thời gian qua, đặc biệt do ảnh hưởng của thiên tai, dịch Covid-19, ngành nông nghiệp tỉnh vẫn giữ được tăng trưởng dương. Nổi bật là xuất khẩu nông sản tăng trưởng bằng hoặc cao hơn cùng kỳ những năm trước, góp phần tăng giá trị sản xuất toàn ngành; đồng thời đóng góp vào thành quả xuất khẩu nông sản chung của cả nước.