(HBĐT) - Ăn cơm trong tình trạng mắc màn, trường kỳ với chiếc khẩu trang ngay cả khi ở trong nhà..., đó là thực trạng gần 200 hộ dân xóm Mường Dao và xóm Can 1, xã Độc Lập (TP Hoà Bình) phải gánh chịu trong suốt gần 4 năm qua. Tình trạng này còn kinh khủng hơn trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm đầu hè vừa rồi. Nguyên nhân do trên địa bàn xóm tồn tại một trại gà quy mô 6 chuồng nuôi, diện tích hơn 12.000 m2 gây ô nhiễm nghiêm trọng. Dù đã rất nhiều lần hứa khắc phục, biên bản làm việc cầm đầy tay nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn tái diễn, mang lại nỗi thống khổ cho hàng trăm hộ dân.

Cuộc sống đảo lộn vì "ruồi tấn công"

Nhà ông Nguyễn Văn Khoa sinh sống nhiều đời tại xóm Can 1. Gia đình đang sống yên ổn thì cuối năm 2016, dự án trại chăn nuôi gà đẻ của ông Doãn Quang Thụ đi vào hoạt động ngay... gần nhà. Hơn 1 năm sau, cuộc sống của gia đình ông Khoa khốn đốn vì trại gà gây ô nhiễm. Vì cách trại gà chưa đến 50 m nên nhà ông Khoa hứng đủ mùi hôi thối từ trại gà, bất kể thời điểm có gió hay không có gió. Nhất là vào những ngày thời tiết oi nóng, mùi hôi thối bốc lên khiến ông Khoa và người thân thường xuyên phải đeo khẩu trang trong nhà. "Hôi thối đến ngột ngạt, đến khó thở, cuộc sống của gia đình tôi hoàn toàn bị đảo lộn" - ông Khoa bức xúc.



Ở gần trại gà, gia đình ông Nguyễn Văn Khoa, xóm Can 1, xã Độc Lập(TP Hòa Bình) thường xuyên bị ruồi, nhặng "tấn công". 

Kéo theo mùi hôi thối nồng nặc là những đàn ruồi nhặng liên tục "tấn công" gia đình ông bất kể thời tiết. Ông Khoa cho biết: Tình trạng này xảy ra đã gần 4 năm nay. Chúng tôi ăn, ngủ, sinh sống trong cảnh ruồi nhặng khắp nơi, trên sàn nhà, đồ dùng, bàn uống nước. Thậm chí nếu mọi người ngồi im không dùng quạt hay que phẩy thì chẳng mấy chốc ruồi bâu kín chân tay. Vì vậy, 4 năm nay, nhà tôi mắc màn khi ăn cơm, khách đến không dám mời nước và mỗi khi dùng thuốc diệt ruồi thì phải quét bằng chổi. 

Khốn khổ hơn, nhiều năm trước, để đảm bảo nước sinh hoạt cho gia đình, ông Khoa bỏ mấy chục triệu đồng thuê người về khoan giếng. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 2 năm khi trại gà đi vào hoạt động, nước giếng khoan chuyển màu đục và hôi tanh. Chính vì vậy, gia đình ông lại phải mua ống dẫn nước từ khe suối trên đỉnh đồi về dùng. 

Gia đình ông Khoa không phải là "nạn nhân" duy nhất của tình trạng ô nhiễm từ trại gà của ông Doãn Quang Thụ. Đã gần 4 năm nay, 7 hộ dân xóm Mường Dao và xóm Can gần khu vực trại gà gần như sống chung với ruồi và bị ảnh hưởng bởi mùi hôi thối nặng quanh năm. Ngoài ra, gần 200 hộ dân  bán kính 1 km thuộc 2 xóm này cũng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi mùi hôi thối. Ông Triệu Tiến Cảnh, xóm Mường Dao bức xúc: Buổi sáng và ban đêm mùi hôi thối nồng nặc, sau những ngày nắng nóng tháng 6, tháng 7, bước vào mùa mưa là đến nạn ruồi. Cuộc sống của chúng tôi vô cùng khổ sở. Từ ngày trại gà đi vào hoạt động ảnh hưởng đến cả trăm hộ dân, không hiểu tình trạng này còn kéo dài đến khi nào, chúng tôi sẽ chịu khổ đến bao giờ? 

Biên bản cầm đầy tay và những "lời hứa" không được thực hiện 

Đúng như bức xúc của ông Cảnh, tình trạng ô nhiễm môi trường từ trại gà tồn tại đã lâu nhưng không được xử lý dứt điểm. Theo ông Triệu Đức Khương, Trưởng Ban Công tác mặt trận xóm Mường Dao, từ năm 2018, người dân đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương, tuy nhiên, sau gần 4 năm dai dẳng, tình trạng ô nhiễm vẫn không được cải thiện. "Biên bản làm việc, giấy cam kết chúng tôi đã cầm đầy tay rồi nhưng đâu vẫn vào đấy. Chúng tôi đã quá mệt mỏi, khổ sở vì cái trại gà  này" - ông Khương cho biết.



Nước suối quanh khu vực trại gà tại xã Độc Lập (TP Hòa Bình) chuyển màu đen và bốc mùi hôi thối.

Được biết, nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm trên do trại gà có nhiều sai phạm trong việc xử lý chất thải chăn nuôi. Theo những người dân ở đây, từ nhiều năm trước, trại gà đã đào hố để đổ phân gà, chất thải chăn nuôi lộ thiên ra môi trường và không được xử lý đúng quy định. Chính vì vậy, không chỉ gây ô nhiễm mùi mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước. Ngay khu vực xung quanh trại gà, nước thải chảy ra có màu đen, bốc mùi hôi thối, thu hút nhiều ruồi nhặng. Sau nhiều lần kiến nghị, trại gà không đổ chất thải tại khu vực này, nhưng lại không có phương án để giải quyết phân và rác thải chăn nuôi cũng như khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Trong nhiều năm qua, UBND TP Hoà Bình đã xử phạt và có nhiều văn bản yêu cầu chủ trại gà thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường. Chủ trang trại đã nhiều lần cam kết, tuy nhiên tình trạng ô nhiễm vẫn không khắc phục. Mới đây, ngày 17/6, chủ trang trại cam kết sẽ khắc phục tình trạng ô nhiễm đến ngày 24/6. Kết thúc thời hạn cam kết, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn nghiêm trọng. Tại biên bản làm việc ngày 24/6/2022 của Phòng TN&MT thành phố, UBND xã Độc Lập tại trại gà cũng ghi nhận: Hiện trang trại để phân ngoài môi trường, công tác vệ sinh môi trường xung quanh chuồng trại chưa đảm bảo. 

Trao đổi về tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra trên địa bàn, đồng chí Nguyễn Ngọc Quế, Chủ tịch UBND xã Độc Lập cho biết: Việc trại gà gây ô nhiễm môi trường cho nhiều hộ dân trên địa bàn là có thật. Xã đã nhiều lần kiểm tra và ghi nhận những sai phạm trọng việc xử lý chất thải chăn nuôi của trại gà. Đồng thời báo cáo, kiến nghị UBND TP Hoà Bình xử lý các sai phạm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, sau nhiều lần cam kết, trại gà không khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị UBND thành phố, phòng chức năng cần có biện pháp mạnh tay, dứt điểm xử lý vi phạm đã tồn tại nhiều năm của trại gà. Nếu không khắc phục cần buộc dừng sản xuất theo quy định. 

Người dân nhiều lần bức xúc, chính quyền địa phương nhiều lần kiến nghị. Một trại gà gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã thấy quá rõ, ảnh hưởng của nó đến đời sống người dân cũng không còn gì phải bàn cãi. Vậy hà cớ gì, qua gần 4 năm, trại gà vẫn ngang nhiên tồn tại, biến cuộc sống của hàng trăm hộ dân không khác gì "địa ngục hôi thối"?! Người dân mong muốn một sự phản hồi dứt khoát, nghiêm túc từ ngành chức năng và UBND TP Hoà Bình. 

 Đinh Hòa


Các tin khác


Đi săn “lộc” rừng mùa mưa

(HBĐT) - Vào mùa mưa, ốc núi chính là một đặc sản được nhiều người dân trong tỉnh bỏ công sức leo lên các dãy núi cao để tìm kiếm. Công việc thời vụ này đem lại thu nhập thêm cho nhiều hộ gia đình nhưng đầy vất vả và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Xuất khẩu nông sản - kỳ vọng tạo đột phá cho nền nông nghiệp: Bài 1 - Vượt thách thức để tăng trưởng

(HBĐT) - Trước tình hình khó khăn chung của nền kinh tế thời gian qua, đặc biệt do ảnh hưởng của thiên tai, dịch Covid-19, ngành nông nghiệp tỉnh vẫn giữ được tăng trưởng dương. Nổi bật là xuất khẩu nông sản tăng trưởng bằng hoặc cao hơn cùng kỳ những năm trước, góp phần tăng giá trị sản xuất toàn ngành; đồng thời đóng góp vào thành quả xuất khẩu nông sản chung của cả nước.

Tác nghiệp nơi đầu sóng

(HBĐT) - Biển Đông là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc, có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Vùng biển đảo thiêng liêng chứng kiến, ghi dấu bao thế hệ cha ông đã đổ công sức và máu xương để khai phá, giữ gìn trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước. Đội ngũ những người làm báo trong cả nước luôn có mặt để thực hiện nhiều tác phẩm báo chí, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm cho mỗi người dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đối với phóng viên được đi biển đảo, viết về cuộc sống người lính và Nhân dân ngoài đảo là vinh dự đối với người làm báo. Bởi những chuyến đi ra đảo là cơ hội hiếm hoi với phóng viên.

Chuyện về các “chiến sỹ” Trung tâm VH-TT&TT với những chuyến đi ngược núi

(HBĐT) - Họ là những biên tập viên, quay phim của Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông (VH-TT&TT) cấp huyện mang trong mình nhiệt huyết với nghề. Không quản ngại vất vả, gian nan, họ tích cực bám sát địa bàn để cập nhật diễn biến, những thông tin tươi mới, góp phần đưa tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền huyện đến với Nhân dân kịp thời thông qua các kênh: hệ thống loa truyền thanh, Trang thông tin điện tử huyện, Đài PT-TH tỉnh và Báo Hòa Bình.

Cây lộc và trái vàng ở xứ Mường Be

(HBĐT) - Dổi - cây che mưa giông, nắng, gió những mái nhà Mường. Dổi cho bóng mát - không khí trong lành - cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn. Dổi cho thân gỗ cao vút, thẳng tắp để người quê tôi làm nếp nhà sàn. Dổi cho loại hạt nức vị các món ăn; cho loại thuốc quý để người Mường khỏe mạnh. Dổi xứ Mường hôm nay ở nhiều vùng quê từ Lai Châu, Điện Biên, Thái Nguyên đến Tây Nguyên xa xôi... đang mang lại những mùa Xuân no ấm.

Huyện Lạc Thủy vượt thách thức, tăng sức cạnh tranh cho ngành chăn nuôi: Bài 2 - Những tỷ phú chăn nuôi mang tư duy mới

(HBĐT) - Không còn cảnh "một nắng hai sương, chạy ăn từng bữa”, người chăn nuôi ở huyện Lạc Thủy đã thay đổi tư duy sản xuất, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn áp dụng tiến bộ KH-KT để chăn nuôi gia súc, gia cầm, vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Từ chăn nuôi, những nông dân chân lấm, tay bùn, nghèo khó ngày nào nay đã có nhà cao cửa rộng, trở thành tấm gương sáng trong sản xuất nông nghiệp của cả nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục