(HBĐT) - Sau 20 năm hiện diện, tín dụng ưu đãi đã giải "cơn khát” vốn cho hàng vạn hộ dân trên địa bàn tỉnh. Từ đồng vốn ưu đãi của Đảng, Nhà nước, hàng nghìn hộ có những bước tiến vững chắc trên hành trình vượt lên đói nghèo. Qua đó khơi dậy ý chí, nghị lực để vượt lên khó khăn, xây dựng cuộc sống ấm no.
Tháng 10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về thực hiện tín dụng chính sách (TDCS) đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. 20 năm nhìn lại, có thể nói đây là chủ trương đúng đắn, một chính sách vô cùng nhân văn và là một trong những "đòn bẩy” quan trọng bậc nhất trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nhất là với một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Hòa Bình. Từ những hộ dân loay hoay trong vòng xoáy của đói nghèo, vốn chính sách được trao tay đã giúp họ tìm được hướng đi cho hành trình vượt khó.
Sứ mệnh "bà đỡ” cho người nghèo
Trong những lần về các địa phương để tìm hiểu, ghi nhận về công tác TDCS, chúng tôi có cơ hội gặp nhiều tấm gương điển hình về sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay. Có những hộ dân cách đây 10 năm ở trong căn nhà tạm bợ, không có con trâu, con bò để nuôi nay đã xây dựng được căn nhà kiên cố, thu nhập ổn định nhờ phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Vốn chính sách đã hỗ trợ họ từ những ngày còn gian khó nhất, tiếp tục đồng hành, tiếp thêm vốn để họ không chỉ xóa đói, giảm nghèo mà giảm nghèo bền vững và vươn lên khỏi diện khó khăn. "Trước đây cuộc sống rất khó khăn, có những lúc phải kiếm từng bữa cơm hàng ngày, gần như không có thu nhập và không có kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh. Từ khi được vay vốn chính sách gia đình mới mua được con trâu về nuôi. Được các hội, đoàn thể, cán bộ tín dụng sâu sát, hướng dẫn kỹ thuật, kinh tế của gia đình tôi dần dần khá lên”, đó là chia sẻ của ông Đinh Hiển, xóm Cháu, xã Tú Lý (Đà Bắc).
Năm 2017, gia đình ông Hiển được vay 25 triệu đồng chương trình cho vay hộ cận nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Số tiền này đã giúp gia đình ông mua 1 con bò sinh sản. Bên cạnh đó, ông phát triển trồng mía, đến nay đã thoát nghèo. Cùng gia đình ông Hiển, trong 20 năm qua, trên địa bàn huyện Đà Bắc đã có trên 54 nghìn lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được tiếp cận vốn vay ưu đãi. Thông qua nguồn vốn giúp trên 12 nghìn hộ dân vượt qua ngưỡng nghèo. "Đối với huyện còn nhiều khó khăn như Đà Bắc, tín dụng ưu đãi thực sự đem lại những hiệu quả tích cực trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo và góp phần xây dựng nông thôn mới. Những năm qua, với việc triển khai thêm nhiều chương trình tín dụng, NHCSXH đã đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu vốn của người dân. Khi mới thành lập, mới chỉ có chương trình cho vay hộ nghèo, sau này có thêm chương trình cho vay hộ cận nghèo và cho vay hộ mới thoát nghèo. Có thể nói đó là hành trình xuyên suốt mà TDCS đã, đang thực hiện với mục tiêu giảm nghèo phải bền vững” - đồng chí Nguyễn Bình Nam, Giám đốc Phòng giao dịch (PGD) NHCSXH huyện Đà Bắc chia sẻ.
Đất cam Cao Phong là một trong những địa phương đạt được kết quả nổi bật trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Từ khi cây cam lên ngôi, huyện đã lột xác với bức tranh nông thôn mới ngập tràn ấm no. Về xóm Dệ, xã Bắc Phong nhìn đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, nhà cửa của người dân khang trang, ít ai nghĩ rằng gần 20 năm trước là bức tranh đối lập. Theo ông Nguyễn Văn Quảng, người dân trong xóm chia sẻ, ngày trước bà con không có vốn để đầu tư phát triển kinh tế nên đa số là hộ nghèo, nhà cửa tạm bợ, đồi rừng toàn cây bụi. Từ khi được vay vốn ưu đãi, đời sống được cải thiện từng ngày. Có hộ vay vốn để mua trâu, bò, trồng mía, trồng cam. Sau này tiếp tục được vay thêm các chương trình khác để làm nhà ở, xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh. "Vốn vay ưu đãi của NHCSXH có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của xóm Dệ hôm nay. Nếu không có tín dụng ưu đãi, bà con gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu vốn để sản xuất”, ông Quảng chia sẻ. Ông Quảng là người đã gắn bó hơn chục năm qua với TDCS, ông là tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Dệ. Với vai trò của mình, ông đã tuyên truyền, phổ biến kịp thời những chủ trương, chính sách tín dụng mới đến các tổ viên trong xóm.
Để không ai bị bỏ lại phía sau
Là người gắn bó từ những ngày đầu NHCSXH được thành lập, ông Phí Công Thành, Trưởng phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ, Chi nhánh NHCSXH tỉnh cảm nhận rõ những khó khăn ban đầu và sự khởi sắc trong công tác TDCS suốt thời gian qua. Trước khi chuyển công tác về Chi nhánh NHCSXH tỉnh, ông Thành đã có hơn chục năm công tác tại PGD NHCSXH huyện Cao Phong. Theo lời kể của ông Thành, những ngày đầu thành lập, với đội ngũ cán bộ mỏng, sự phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội còn nhiều bất cập nên việc triển khai TDCS gặp không ít khó khăn. Thế nhưng, ông Thành cảm nhận rõ sự phấn khởi của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khi được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Dần dần, công tác TDCS đi vào quy củ, ngày càng tạo được những dấu ấn đậm nét ở khắp các bản làng, thôn, xóm trên địa bàn huyện Cao Phong. "NHCSXH được thành lập với mục tiêu để phục vụ cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo đã giúp đời sống nhiều hộ dân thay đổi. Tuy nhiên, ranh giới giữa nghèo và không nghèo rất mong manh nên Đảng, Nhà nước tiếp tục giao NHCSXH triển khai thêm nhiều chương trình TDCS mới, như: cho vay hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Với nhiều chương trình tín dụng ưu đãi như vậy nên công cuộc xóa đói, giảm nghèo có giá trị bền vững hơn” - ông Thành nhấn mạnh.
Sau 20 năm triển khai TDCS đã giúp trên 8 nghìn hộ dân huyện Cao Phong vượt qua ngưỡng nghèo, hàng chục nghìn công trình nước sạch và vệ sinh được xây dựng, góp phần thiết thực để Cao Phong đẩy nhanh tiến độ chương trình xây dựng nông thôn mới. Trên địa bàn toàn tỉnh, theo thống kê của Chi nhánh NHCSXH tỉnh, sau 20 năm triển khai tín dụng ưu đãi đã giúp trên 638 nghìn hộ dân được vay vốn, giúp trên 116 nghìn hộ dân thoát nghèo, trên 180 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây dựng; trên 36 nghìn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để phục vụ học tập; trên 30 nghìn lao động được tạo việc làm và trên 21 nghìn hộ nghèo được vay vốn làm nhà ở. Bên cạnh đó, trên 1 nghìn lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động.
Đó là những con số ấn tượng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh mà tín dụng ưu đãi đã đem lại. Khi chưa có vốn, cái khó bó cái khôn. Có vốn ưu đãi, nhiều ý tưởng nảy ra, nhiều con đường rộng mở cho hành trình vượt lên đói nghèo. Hiện nay, TDCS tiếp tục thực hiện sứ mệnh là "bà đỡ" cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Với nhiều chương trình cho vay mới, mức cho vay cao hơn đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đặc biệt năm 2022 đánh dấu bước đột phá trong thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCS xã hội, khi UBND tỉnh và các huyện, thành phố ngày càng quan tâm, chuyển vốn ủy thác qua NHCSXH để thực hiện cho vay đối với các đối tượng yếu thế.
(Còn nữa)
Viết Đào