(HBĐT) - Năm 2022, tín dụng chính sách thêm "sứ mệnh” trong phục hồi và phát triển KT-XH hậu đại dịch Covid-19. Đặc biệt, bước đột phá mới trong thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội sẽ giúp thêm nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế.





Cán bộ tín dụng chính sách Ngân hàng CSXH tỉnh hướng dẫn người dân làm thủ tục để giải ngân vốn vay. 

Năm 2022 đánh dấu những bước ngoặt quan trọng trong thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn đời sống của mọi tầng lớp trong xã hội gặp vô vàn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chúng ta thấy sự hiện diện của tín dụng ưu đãi với nhiều chương trình cho vay mới nhằm phục hồi và phát triển KT-XH theo tinh thần của Nghị quyết số 11-NQ/CP của Chính phủ. Đối với Hòa Bình, đây cũng là năm đánh dấu sự tăng trưởng mạnh mẽ của vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để thực hiện cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Một sự song hành ngày càng gắn bó hơn giữa cấp ủy, chính quyền và NHCSXH trong nỗ lực "rút ngắn” hành trình xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. 
Hỗ trợ "đa chiều” cho đối tượng yếu thế

Khi mới thành lập, Chi nhánh NHCSXH tỉnh mới triển khai 3 chương trình tín dụng, đó là cho vay đối với hộ nghèo, cho vay giải quyết việc làm và cho vay xuất khẩu lao động. Năm 2006, cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là 2 chương trình tín dụng mới được Chi nhánh NHCSXH triển khai. Trong giai đoạn tiếp theo, nhiều chương trình tín dụng mới được triển khai đã tạo điều kiện thuận lợi để hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay nhiều nguồn vốn, có thêm điều kiện vừa phát triển kinh tế vừa nâng cao chất lượng cuộc sống. Đến nay, chi nhánh đã và đang triển khai 22 chương trình tín dụng chính sách, trong đó có một số chương trình mới được triển khai nhằm hỗ trợ vay vốn để phục hồi và phát triển KT-XH do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. 

Đã có dịp được gặp gỡ một số hộ vay tiêu biểu trong sử dụng hiệu quả vốn chính sách, có thể thấy, trong hành trình vượt lên đói nghèo của họ đều có sự hỗ trợ "đa chiều” từ tín dụng chính sách. Đó là sự hỗ trợ từ các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), làm sao để hộ vay sử dụng vốn hiệu quả, đúng mục đích. Trên hết, NHCSXH triển khai đa dạng chương trình cho vay nên 1 hộ dân có thể vay đồng thời nhiều món một lúc (nếu thuộc đúng đối tượng thụ hưởng), hoặc sau khi thoát nghèo vẫn tiếp tục được vay vốn cho hộ mới thoát nghèo để phát triển kinh tế đem lại hiệu quả bền vững. Như gia đình chị Bùi Thị Ứn, cách đây 6 năm thuộc diện khó khăn bậc nhất ở xóm Dệ, xã Bắc Phong (Cao Phong). Nhà cửa tạm bợ, không đủ che mưa, che nắng; kinh tế vô cùng khó khăn vì không có vốn để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt. Trong lúc loay hoay với bao nỗi lo toan, gia đình chị Ứn đã được tiếp cận vốn chính sách. Đó là chương trình cho vay làm nhà ở, sau đó là vay vốn phát triển kinh tế. Làm được căn nhà mới chắc chắn, rồi mua được con trâu. Hai niềm mơ ước bấy lâu đã toại nguyện. Chị Ứn tâm sự, vốn chính sách đã giúp gia đình chị "an cư” để dần "lạc nghiệp”, mà còn khơi dậy ý chí phấn đấu để thoát nghèo, vừa có tiền trả nợ ngân hàng, vừa có thu nhập để nuôi dạy con cái lớn khôn.

Cuối tháng 4 vừa qua, khi NHCSXH huyện Cao Phong thực hiện giải ngân các món vay trong gói vay phục hồi và phát triển KT-XH theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP, chúng tôi có dịp gặp gỡ những khách hàng thân quen của tín dụng ưu đãi. Qua chia sẻ của nhiều hộ dân, được biết, hầu hết họ đã được vay nhiều món từ NHCSXH để phát triển kinh tế trong nhiều năm qua. Như gia đình bà Bùi Thị Nhị, xóm Tiềng, xã Bắc Phong được vay 2 món từ chương trình cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn và vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến sản xuất kinh tế của gia đình bà Nhị gặp nhiều khó khăn. Khoản vay mới nhất 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm có ý nghĩa quan trọng để gia đình bà tiếp tục đầu tư, khôi phục sản xuất. Gia đình bà Nhị là một trong hàng nghìn hộ dân đã, đang được NHCSXH tiếp tục hỗ trợ thêm vốn để hành trình vượt khó không bị gián đoạn do dịch Covid-19.

Thống kê của Chi nhánh NHCSXH tỉnh, đến hết tháng 6/2022, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt trên 4.040 tỷ đồng, với trên 112 nghìn khách hàng còn dư nợ. Với doanh số cho vay đạt trên 1.004 tỷ đồng, đã giúp trên 25 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Qua đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.   

Đột phá trong thực hiện Chỉ thị số 40

Từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư T.Ư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, UBND tỉnh và các huyện, thành phố ngày càng quan tâm chuyển vốn ủy thác qua NHCSXH để thực hiện cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Năm 2021, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương sang NHCSXH đạt 10,7 tỷ đồng, nâng tổng số dư nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương lên 59,7 tỷ đồng.

Năm 2022, ngay từ đầu năm, vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH đạt 32 tỷ đồng, cao gần gấp 3 lần so với năm 2021 và cao nhất các năm kể từ khi Chỉ thị số 40 đi vào cuộc sống. Trong đó, UBND tỉnh chuyển 10 tỷ đồng, UBND TP Hòa Bình và huyện Lạc Sơn mỗi địa phương chuyển 3 tỷ đồng; các huyện còn lại chuyển 2 tỷ đồng. Đồng chí Nguyễn Minh Hưng, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh chia sẻ: Với những đột phá đó, có thể nói, cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã thấy được vai trò quan trọng của tín dụng chính sách và xem đây là một trong những giải pháp hữu hiệu trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, tổng số dư nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương trên địa bàn tỉnh đạt trên 93 tỷ đồng. Trong phiên họp gần đây của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện nhấn mạnh, năm 2022 đã có bước đột phá trong thực hiện Chỉ thị số 40 trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung các tỉnh phía Bắc và nhu cầu vay vốn thực tế của người dân, những năm tới, cần sự quan tâm nhiều hơn nữa từ cấp ủy, chính quyền các cấp trong chuyển vốn ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Trong phiên họp Ban đại diện lần thứ 3, năm 2022, đồng chí Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh đã giao Sở Tài chính (thành viên Ban đại diện tỉnh) tham mưu UBND tỉnh bổ sung nguồn vốn ngân sách tỉnh năm 2022 ủy thác sang NHCSXH đạt số dư 100 tỷ đồng. 

Với đa dạng chương trình tín dụng đang triển khai và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tín dụng chính sách tiếp tục lan tỏa để thực hiện sứ mệnh "bà đỡ” cho những người yếu thế, là điểm tựa để họ không chỉ vượt lên đói, nghèo mà xa hơn là vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.


Viết Đào


Các tin khác


Nỗ lực vì một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế

(HBĐT) - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đã chính thức khởi động theo đúng kế hoạch đề ra. Ghi nhận trong 2 ngày 6 - 7/7, mọi khâu trong công tác tổ chức kỳ thi trên địa bàn tỉnh được triển khai thuận lợi, đạt kết quả tốt, không có tình huống bất ngờ, ngoài tầm kiểm soát của các hội đồng thi và điểm thi. Cùng nỗ lực đồng bộ trong công tác tổ chức, thời tiết cũng như chiều lòng người, khiến thí sinh giảm bớt áp lực khi bước vào 2 môn thi đầu tiên: Ngữ văn (sáng 7/7) và Toán (chiều 7/7).

Khối đoàn kết quân - dân xây dựng từ những “viên gạch nhỏ”: Bài 1 - Mỗi ngày góp một “viên gạch nhỏ”

(HBĐT) - "Góp gió thành bão”, "Tích tiểu thành đại”... đó là những câu tục ngữ xưa chỉ sự kiên trì làm từ việc nhỏ đến việc lớn, sự đoàn kết của một tập thể và đó cũng là phương châm mà bấy lâu nay, những người lính Cụ Hồ của lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh vẫn âm thầm thực hiện, cụ thể hóa qua từng mô hình. Chỉ là những việc làm hàng ngày hay những lần giúp dân bằng sức lao động, nhưng tất cả những hành động được coi là "viên gạch nhỏ” của từng cán bộ, chiến sỹ (CB, CS) lại góp phần xây nên khối đoàn kết quân - dân vững chắc như hiện nay.

Trại gà gây ô nhiễm gần 4 năm vẫn ngang nhiên tồn tại

(HBĐT) - Ăn cơm trong tình trạng mắc màn, trường kỳ với chiếc khẩu trang ngay cả khi ở trong nhà..., đó là thực trạng gần 200 hộ dân xóm Mường Dao và xóm Can 1, xã Độc Lập (TP Hoà Bình) phải gánh chịu trong suốt gần 4 năm qua. Tình trạng này còn kinh khủng hơn trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm đầu hè vừa rồi. Nguyên nhân do trên địa bàn xóm tồn tại một trại gà quy mô 6 chuồng nuôi, diện tích hơn 12.000 m2 gây ô nhiễm nghiêm trọng. Dù đã rất nhiều lần hứa khắc phục, biên bản làm việc cầm đầy tay nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn tái diễn, mang lại nỗi thống khổ cho hàng trăm hộ dân.

“Việc nhẹ, lương cao” - cạm bẫy của tội phạm mua bán người

(HBĐT) - Tin vào những lời hứa hẹn về một tương lai tươi sáng với công việc nhẹ nhàng, lương cao nơi thị thành sầm uất, cô gái trẻ Nguyễn Thị T. ở thôn Đồng Yên, xã Yên Bồng (Lạc Thủy) đã rơi vào cạm bẫy của bọn buôn người. Để rồi trải qua biết bao đắng cay tủi hờn, Nguyễn Thị T. mới tìm được đường trở về cố hương...

Lần đầu đến cửa khẩu quốc tế Tây Trang

(HBĐT) - Từng đến tỉnh Điện Biên, mảnh đất lịch sử, văn hóa khá nhiều lần, nhưng với cửa khẩu quốc tế Tây Trang, bản Ka Hâu, xã Na Ư, huyện Điện Biên lại là lần đầu nên chúng tôi khá ấn tượng cho cuộc gặp gỡ này. Mùa hè, cánh đồng lúa Mường Thanh vàng rực như là một điểm nhấn độc đáo trong hành trình đến thăm cửa khẩu quốc tế, nơi mà 5-6 lần trước từng được nhắc khi lên đây. "Bạn đã đến Điện Biên nên đến cửa khẩu Quốc tế Tây Trang… miền đất ấy có nhiều điều để khám phá”. Lời nhắn nhủ của các đồng nghiệp Tây Bắc khiến các thành viên trong đoàn thêm háo hức, thích thú hơn…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục