(HBĐT) - Nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã được triển khai và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp và tạo sinh kế cho Nhân dân địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn, thách thức đặt ra. Chính vì vậy, cấp ủy, chính quyền, các cấp, ngành, đoàn thể cần tiếp tục quan tâm, triển khai những cơ chế, chính sách mang tầm chiến lược để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp sáng tạo trong đoàn viên thanh niên (ĐVTN) vùng đồng bào DTTS.
Chị Trịnh Thị Thanh Hòa (thứ 2 từ bên trái) - cô gái người Tày (Đà Bắc) giành giải vàng tại cuộc thi "Thách thức sáng kiến kinh doanh" năm 2021.
Câu chuyện khởi nghiệp thành công của thanh niên DTTS
Ấn tượng với Giàng A La, chàng trai người Mông sinh ra và lớn lên ở xã Hang Kia (Mai Châu) tại vòng chung kết cuộc thi "Thách thức sáng kiến kinh doanh năm 2021” với vẻ ngoài thân thiện, dễ mến và luôn tràn đầy năng lượng. Không chỉ đơn thuần mang đến cuộc thi những ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, Giàng A La còn đem đến khát vọng, hoài bão, mong muốn đổi thay vùng quê nghèo nơi anh sinh sống.
Nung nấu ý tưởng khởi nghiệp từ khi còn là sinh viên theo học tại trường Cao đẳng Nghệ thuật Tây Bắc vào thời điểm năm 2013 – 2014, Giàng A La đã thử sức với kinh doanh nhưng không thành công, tuy nhiên quãng thời gian đó đã giúp anh tích lũy kinh nghiệm và trưởng thành hơn. Tháng 6/2020, HTX dịch vụ du lịch và nông nghiệp Hang Kia được thành lập, Giàng A La là thành viên trẻ tuổi nhất và được tín nhiệm giữ chức vụ Giám đốc HTX khi mới 24 tuổi. Với 2 ngành nghề chính là kinh doanh dịch vụ và sản xuất nông nghiệp, các thành viên HTX đã tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương để quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với các hoạt động trải nghiệm bản sắc văn hóa dân tộc như vẽ sáp ong, giã bánh dày… Các mặt hàng nông sản của Nhân dân làm ra được HTX hỗ trợ liên kết tiêu thụ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn và các địa phương, vùng lân cận với giá thành ổn định. Ngoài ra, HTX đã tạo việc làm ổn định cho nguồn lao động địa phương với mức thu nhập ổn định từ 4 – 5 triệu đồng/tháng.
Anh Giàng A La chia sẻ: "Những năm trước đây, tỷ lệ tảo hôn ở lứa tuổi vị thành niên trên địa bàn xã diễn ra phổ biến trong độ tuổi từ 13 – 16 tuổi. Hệ lụy của tảo hôn đó chính là cuộc sống gia đình thiếu thốn vật chất, nhiều thanh niên rơi vào vòng lao lý bởi liên quan đến tệ nạn ma túy. Bởi vì lẽ đó, bản thân tôi luôn trăn trở, khát khao thay đổi quan điểm, tư duy và nhận thức làm kinh tế của đồng bào Mông. Kinh tế có vững thì đời sống mới ổn định và thoát khỏi được vòng xoáy của tệ nạn ma túy”.
Vinh dự là 1 trong 57 thanh niên tiêu biểu của cả nước nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2021, Trịnh Thị Thanh Hòa – cô gái người Tày với những ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo đã và đang góp phần từng bước giúp người dân huyện vùng cao Đà Bắc cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời góp phần quảng bá sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của tỉnh đến thị trường trong nước và quốc tế. Chị Hòa chia sẻ: Dự án "Chuỗi liên kết phát triển vùng nguyên liệu trồng và sản xuất các sản phẩm của cây sachi theo tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất nông nghiệp bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu tại huyện Đà Bắc”; Dự án "Sản xuất sợi tự nhiên từ cây gai lai” đều được triển khai thực hiện và xây dựng vùng nguyên liệu tại các xã vùng cao, nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống. Hiện nay, diện tích trồng cây gai lai được mở rộng tại các xã Trung Thành, Yên Hòa, Mường Chiềng và Tân Thành (Mai Châu) với diện tích trên 60 ha. Đây là cây trồng không đòi hỏi yếu tố kỹ thuật cao, chi phí đầu tư ban đầu chỉ khoảng 25 – 30 triệu đồng/ha, mỗi năm thu hoạch 4 – 5 lứa, bình quân đạt 100 – 120 triệu đồng/ha. Mô hình đã giải quyết được việc làm ổn định cho trên 200 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng/tháng.
Cùng với Giàng A La, Trịnh Thị Thanh Hòa,… những chàng trai, cô gái là người DTTS trên địa bàn tỉnh ta đã triển khai xây dựng những ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp mang giá trị cộng đồng, thúc đẩy phát triển KT-XH các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đây đều là những dự án khởi nghiệp được triển khai với mục đích nâng tầm giá trị các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương. Đồng thời góp phần quảng bá, giới thiệu về vùng đất, quê hương với bạn bè trong nước và quốc tế. Từ đó góp phần tiếp thêm ngọn lửa tinh thần khởi nghiệp trong ĐVTN vùng đồng bào DTTS.
Cần một chiến lược bài bản
Với những ý tưởng, dự án khởi nghiệp của thanh niên vùng đồng bào DTTS đã và đang đóng góp tích cực trong việc thay đổi tư duy, nhận thức của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK trong thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương. Tuy nhiên, để phong trào sáng tạo khởi nghiệp lan tỏa rộng rãi trong các thế hệ thanh niên DTTS thì cần tiếp tục xây dựng những chiến lược phù hợp với tình hình thực tế tại từng vùng, địa phương.
Thực tế cho thấy, tại những sân chơi dành cho những thanh niên đam mê khởi nghiệp, hầu hết các ý tưởng, dự án triển khai chưa đa dạng ở các ngành, lĩnh vực. Cụ thể tại cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên Hòa Bình” giai đoạn 2017 – 2021 có gần 80% ý tưởng, dự án khởi nghiệp tập trung trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Mặc dù đã có nhiều thanh niên DTTS mạnh dạn trong việc lựa chọn các ý tưởng, triển khai đề án phù hợp với xu thế mới. Tuy nhiên, phần lớn các dự án hiện nay vẫn được xây dựng ở quy mô nhỏ, lẻ; chưa có sự đột phá trong ý tưởng kinh doanh, khởi nghiệp. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào trong quá trình sản xuất kinh doanh (SXKD) còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, nguồn quỹ đất để phục vụ xây dựng các dự án sản xuất nông nghiệp không đáp ứng được nhu cầu.
Trăn trở lớn nhất đối với các cấp bộ Đoàn hiện nay đó chính là chưa thành lập được nguồn Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Nguồn vốn dành cho thanh niên khởi nghiệp còn hạn chế, cụ thể như nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng CSXH tỉnh dao động từ 50 – 100 triệu đồng, tổng nguồn vốn 120 của Trung ương Đoàn 1,4 tỷ đồng nên chỉ giải quyết được phần nào trong việc phát triển SXKD. Bên cạnh đó, việc đào tạo trình độ, kỹ năng ứng dụng KHKT do thanh niên DTTS còn hạn chế.
Trao đổi về vấn đề khởi nghiệp của thanh niên nói chung, thanh niên người DTTS nói riêng, đồng chí Hoàng Xuân Giao, Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết: Những mô hình khởi nghiệp thành công, ngoài nỗ lực phấn đấu không ngừng của bản thân ĐVTN thì rất cần có chủ trương, chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp phát triển kinh tế của các cấp bộ Đoàn, sự quan tâm, tạo điều kiện giao đất, giao rừng, tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT trong trồng trọt, chăn nuôi của cấp ủy, chính quyền địa phương. Trong thời gian tới, Tỉnh Đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp trong đó chú trọng vào khuyến khích, hỗ trợ các ý tưởng, mô hình, giải pháp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp với công nghệ số, ứng dụng KHKT vào những mô hình khởi nghiệp đã được thực hiện và kể cả những mô hình mới triển khai. Chúng tôi cũng sẽ là cầu nối để các bạn trẻ được gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia, các bạn trẻ khởi nghiệp thành công từ đó khơi dậy và thúc đẩy đam mê khởi nghiệp, đưa phong trào khởi nghiệp đến sâu, rộng trong giới trẻ trên địa bàn tỉnh.
Đức Anh
(HBĐT) - Ăn cơm trong tình trạng mắc màn, trường kỳ với chiếc khẩu trang ngay cả khi ở trong nhà..., đó là thực trạng gần 200 hộ dân xóm Mường Dao và xóm Can 1, xã Độc Lập (TP Hoà Bình) phải gánh chịu trong suốt gần 4 năm qua. Tình trạng này còn kinh khủng hơn trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm đầu hè vừa rồi. Nguyên nhân do trên địa bàn xóm tồn tại một trại gà quy mô 6 chuồng nuôi, diện tích hơn 12.000 m2 gây ô nhiễm nghiêm trọng. Dù đã rất nhiều lần hứa khắc phục, biên bản làm việc cầm đầy tay nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn tái diễn, mang lại nỗi thống khổ cho hàng trăm hộ dân.
(HBĐT) - Tin vào những lời hứa hẹn về một tương lai tươi sáng với công việc nhẹ nhàng, lương cao nơi thị thành sầm uất, cô gái trẻ Nguyễn Thị T. ở thôn Đồng Yên, xã Yên Bồng (Lạc Thủy) đã rơi vào cạm bẫy của bọn buôn người. Để rồi trải qua biết bao đắng cay tủi hờn, Nguyễn Thị T. mới tìm được đường trở về cố hương...
(HBĐT) - Từng đến tỉnh Điện Biên, mảnh đất lịch sử, văn hóa khá nhiều lần, nhưng với cửa khẩu quốc tế Tây Trang, bản Ka Hâu, xã Na Ư, huyện Điện Biên lại là lần đầu nên chúng tôi khá ấn tượng cho cuộc gặp gỡ này. Mùa hè, cánh đồng lúa Mường Thanh vàng rực như là một điểm nhấn độc đáo trong hành trình đến thăm cửa khẩu quốc tế, nơi mà 5-6 lần trước từng được nhắc khi lên đây. "Bạn đã đến Điện Biên nên đến cửa khẩu Quốc tế Tây Trang… miền đất ấy có nhiều điều để khám phá”. Lời nhắn nhủ của các đồng nghiệp Tây Bắc khiến các thành viên trong đoàn thêm háo hức, thích thú hơn…
(HBĐT) - Sau hơn 13 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của BCH T.Ư Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngành Nông nghiệp tỉnh đạt được nhiều thành tựu quan trọng, SX-KD nông sản chuyển mạnh theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị, thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH). Tuy nhiên, trên thực tế, giá trị xuất khẩu nông sản được đánh giá tăng nhưng thiếu bền vững, còn mang tính tự phát, chưa có đề án chiến lược cho từng loại thị trường.
(HBĐT) - Vào mùa mưa, ốc núi chính là một đặc sản được nhiều người dân trong tỉnh bỏ công sức leo lên các dãy núi cao để tìm kiếm. Công việc thời vụ này đem lại thu nhập thêm cho nhiều hộ gia đình nhưng đầy vất vả và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.