Ông Bùi Văn Lựng sinh năm 1957, làm nghề mo được gần 40 năm, là người có nghề mo cao bậc nhất khu vực Mường Bi - Tân Lạc hiện nay. Năm 2015, khi lần đầu tiên Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam tôn vinh 20 nghệ nhân có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa (DSVH) mo Mường, ông Lựng là 1 trong 3 NNMM của tỉnh vinh dự được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Ưu tú”. Cùng đợt phong tặng với ông Bùi Văn Lựng có ông Bùi Văn Nợi cũng ở xã Phong Phú và ông Bùi Văn Minh, xã Văn Nghĩa (Lạc Sơn). Cả 3 đều là những nghệ nhân có đóng góp xuất sắc và nổi bật vào việc gìn giữ, bảo tồn DSVH phi vật thể của dân tộc. Loại hình di sản mà các nghệ nhân đang nắm giữ là tập quán xã hội và tín ngưỡng mo Mường.
Mo Mường là DSVH phi vật thể, chủ yếu được lưu truyền cho đời sau bằng hình thức truyền khẩu. Vì thế, NNMM - người nắm giữ hồn cốt mo Mường có vai trò rất quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy giá trị của di sản trong cuộc sống đương đại. Theo Sở VH-TT&DL, năm 2015, tỉnh có 8 người được công nhận là "Nghệ nhân Ưu tú”, trong đó có 3 NNMM. Năm 2019, tỉnh có thêm 10 người được công nhận, trong đó có 5 NNMM. Thống kê toàn tỉnh hiện có khoảng 200 NNMM đang nắm giữ và thực hành di sản, chủ yếu là các thầy mo đã cao tuổi, rất ít nghệ nhân trẻ tuổi. Với trí tuệ, tâm huyết, kinh nghiệm của những thầy mo được tôn kính hàng đầu trong đời sống xã hội của dân tộc Mường, họ chính là những người đã có công gìn giữ hồn cốt di sản, là những truyền nhân xuất sắc nắm giữ, thực hành di sản, phát huy giá trị của di sản trong cuộc sống cộng đồng.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Huy Vọng, xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) trao đổi: Mo Mường là một sáng tạo vĩ đại của người Mường, luôn được đánh giá là loại hình nổi bật trong nền văn hóa dân gian đặc sắc mà dân tộc Mường đã sáng tạo, lưu giữ đến ngày nay. Nội dung của mo Mường rất phong phú, tích tụ gần như toàn bộ giá trị hợp thành văn hoá Mường, bao gồm lịch sử, văn học, xã hội, nghệ thuật, tín ngưỡng, sinh hoạt... Đồ sộ về số lượng, phong phú về nội dung, hấp dẫn về hình thức thể hiện, mo được ví như cuốn bách khoa thư dân gian phản ánh vũ trụ quan, thế giới quan, nhân sinh quan và đời sống xã hội của người Mường. Trong khi đó, NNMM là những người hiểu biết, có bề dày kinh nghiệm, uy tín, am hiểu phong tục, tập quán, luật lệ của bản Mường nên được người Mường gọi rất tôn kính là "thầy mo”. Thầy mo giữ vai trò như điểm tựa tinh thần trong cộng đồng người Mường trước bao biến động của cuộc sống.
Luôn giữ vai trò điểm tựa tinh thần trong cộng đồng người Mường, thầy mo là những người nắm giữ các bài mo, có nổ (tức là có dòng dõi làm mo), có các đồ tế khí và là người trực tiếp thực hành diễn xướng các bài mo, đứng ra làm chủ tế trong các nghi lễ mo. Trên mảnh đất 4 Mường: Bi - Vang - Thàng - Động, trải suốt chiều dài lịch sử từ xa xưa đến ngày nay, thầy mo luôn được cộng đồng tôn kính. Đặc biệt, khi mo Mường được công nhận là DSVH phi vật thể cấp quốc gia thì vai trò của thầy mo càng trở nên quan trọng. Bởi, họ chính là nghệ nhân dân gian đã hết lòng, hết sức gìn giữ hồn cốt của mo Mường, thực sự là những "báu vật nhân văn sống” cần được ghi nhận, tôn vinh.
Tôn vinh gắn liền với trách nhiệm
Năm 2019, nghệ nhân Bùi Văn Khẩn, xóm Lũy Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc) được tôn vinh là "Nghệ nhân Ưu tú” nắm giữ và thực hành loại hình DSVH phi vật thể mo Mường. Được tôn vinh cùng đợt, cùng loại hình di sản với ông còn có nghệ nhân Đinh Công Tỉnh, xã Mỹ Hòa (Tân Lạc) và 3 nghệ nhân ở huyện Kim Bôi là Nguyễn Văn Dần, Bùi Đăng Chành, Quách Văn Đào. Cùng nhiều nghệ nhân tâm huyết khác, họ đã kiên tâm bước từng bước trên hành trình gìn giữ và trao truyền DSVH mo Mường.
"Ngày xưa, chúng tôi được sống trong môi trường đậm đặc các giá trị của mo Mường nên niềm đam mê với mo "ngấm” vào người một cách rất tự nhiên, rất sâu, rất sớm. Mo gắn liền với chúng tôi như máu thịt, như bản ngã, như tâm hồn nên theo một lẽ rất tự nhiên chúng tôi gắn bó với nghề mo. Còn bây giờ, trong guồng quay của xã hội hiện đại, các giá trị của văn hóa mo không còn đậm đặc như trong xã hội của chúng tôi ngày xưa, đặt ra nhiều thách thức cho hành trình trao truyền và kết nối các thế hệ” - một NNMM tâm sự. Đây cũng là tâm tư của nhiều NNMM, nhất là những nghệ nhân cao tuổi.
Nhiều thách thức nhưng không vì thế mà nản lòng. Với tâm huyết đặc biệt dành cho DSVH mo Mường, các nghệ nhân đã cùng thực hiện một hành trình đầy quyết tâm: Kết nối với nhau, trao truyền lại DSVH mo Mường cho hậu duệ.
"Theo nguyện vọng của các NNMM trong toàn xã, câu lạc bộ (CLB) mo Mường xã Phong Phú ra đời. CLB là tổ chức xã hội tự nguyện, tập hợp những NNMM của địa phương nhằm đóng góp công sức, trí tuệ, hiến công, hiến kế giữ gìn phong tục, tập quán, tín ngưỡng của dân tộc…” - đó là một phần nội dung trong Điều lệ tổ chức và hoạt động CLB mo Mường xã Phong Phú (Tân Lạc).
Nghệ nhân Bùi Văn Khẩn, Chủ nhiệm CLB cho biết: CLB hiện có 24 hội viên, tiền thân là CLB mo Mường xã Địch Giáo (cũ) được thành lập vào tháng 10/2017, đây là CLB mo Mường đầu tiên thành lập trên địa bàn tỉnh, do nghệ nhân Bùi Hồng Bào sáng lập và giữ vai trò chủ nhiệm. Gần đây, vai trò chủ nhiệm được trao cho tôi, còn nghệ nhân Bùi Hồng Bào được tin tưởng giữ vai trò Chủ nhiệm CLB bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị DSVH mo Mường huyện Tân Lạc.
Tại huyện Tân Lạc - vùng Mường Bi nổi tiếng khi xưa đến nay đã thành lập 1 CLB cấp huyện và 6 CLB cấp xã, thu hút khoảng 100 hội viên là các nghệ nhân, những người yêu thích, quan tâm đến công tác giữ gìn, bảo tồn và phát triển DSVH mo Mường. Còn tại các vùng Mường lớn của tỉnh như: Lạc Sơn, Cao Phong, Kim Bôi, hình thức CLB mo Mường cũng xuất hiện, thu hút sự tham gia tích cực của nhiều NNMM. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 4 CLB mo Mường của các huyện: Lạc Sơn, Tân Lạc, Cao Phong, Yên Thuỷ và chuẩn bị ra mắt CLB mo Mường huyện Kim Bôi. Bình quân mỗi CLB có từ 35 - 40 hội viên. Từ cấp huyện đến cấp xã, các CLB trở thành "ngôi nhà chung” của các nghệ nhân vừa có tuổi đời vừa có tuổi nghề, với điểm chung là niềm đam mê tha thiết với mo Mường và tâm huyết trao truyền các giá trị tốt đẹp của di sản mà mình đang nắm giữ.
"Chúng tôi khi tham gia CLB sẽ có trọng trách là truyền dạy mo Mường. Cùng với hoạt động của CLB, hàng năm, khi huyện tổ chức các lớp học truyền dạy mo Mường, chúng tôi sẵn sàng tham gia để chia sẻ, truyền dạy, thắp lên ngọn lửa đam mê với DSVH vô song của dân tộc Mường Hòa Bình” - các NNMM tâm tư.
Không để NNMM "đơn thương độc mã” trên hành trình gìn giữ và trao truyền di sản, các cấp, ngành, địa phương tích cực vào cuộc, tạo môi trường thuận lợi để tiếp sức cho nghệ nhân. Không chỉ nỗ lực triển khai các chính sách, chế độ đãi ngộ và vinh danh đối với các nghệ nhân tiêu biểu, tỉnh chú trọng công tác đầu tư, phục dựng, phát triển các giá trị của mo Mường, điển hình như: Kiểm kê số lượng nghệ nhân, bài mo trong tỉnh, tổ chức dịch thuật và phát hành ấn phẩm "Mo Mường Hoà Bình”. UBND tỉnh ban hành đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị DSVH mo Mường Hòa Bình, giai đoạn 2019 - 2025”. Tổ chức xây dựng bộ hồ sơ khoa học cấp Nhà nước đối với DSVH mo Mường để đệ trình UNESCO ghi danh mo Mường vào danh sách DSVH phi vật thể bảo vệ khẩn cấp của nhân loại… Đó là các giải pháp đồng bộ được triển khai với quyết tâm cao, hứa hẹn tạo thêm động lực để đội ngũ NNMM thực hiện được hoài bão tốt đẹp: Trao truyền một cách trọn vẹn các giá trị của mo Mường cho các thế hệ mai sau, để mo Mường sống mãi trong lòng dân tộc.
(Còn nữa)