(HBĐT) - Dân ca là một loại hình văn nghệ quen thuộc và gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt, lao động, sản xuất hàng ngày của Nhân dân các dân tộc. Lời ca ngọt ngào, sâu lắng, gần gũi đã nuôi dưỡng tâm hồn của biết bao thế hệ. Bằng tâm huyết và niềm đam mê, các nghệ nhân hát dân ca của tỉnh đang ra sức bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị của những làn điệu dân ca, lan tỏa mạnh mẽ trong cuộc sống đương đại, để nét văn hóa truyền thống của dân tộc sống mãi với thời gian.


Nghệ nhân Hà Thị Bích, xóm Xăm Pà, xã Nà Phòn (Mai Châu) truyền dạy lời ca làn điệu dân ca Thái cho cháu.

Nối mạch nguồn dân ca trong trẻo

Nhắc đến những người con nặng tình với dân ca, không thể không kể đến một số nghệ nhân: Bạch Thị Đào, Quách Thị Lon (dân ca Mường), Hà Thị Bích (dân ca Thái)… đã có đóng góp quan trọng trong công tác bảo tồn, gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống các dân tộc, giữ lửa, truyền lại nhiệt huyết, niềm đam mê cho thế hệ trẻ.

Nghệ nhân Bạch Thị Đào, xóm Bèo, xã Xuân Thủy (Kim Bôi) sinh ra, lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, thừa hưởng niềm đam mê, vốn kinh nghiệm quý báu từ bố mẹ và thường xuyên được nghe người dân trong xóm thể hiện, dân ca Mường đã ngấm sâu vào tiềm thức của bà từ lúc nào không hay. Nghệ nhân thường hay nói vui với mọi người: "Ở đâu có Đào, ở đó có dân ca Mường”. Khi trưởng thành, được địa phương tín nhiệm phân công phụ trách nhiều lĩnh vực, song song với công tác tuyên truyền miệng, bà còn tuyên truyền thông qua các bài hát, sáng tác lời ca của những bài dân ca Mường ở một số lĩnh vực. Tiêu biểu như: Mười yêu (phụ nữ); Mười điều khuyên nhau (người cao tuổi); Hãy nhớ đừng quên, Nhắn câu trước lúc ra về (dân số); Xin đừng lãng quên (phòng, chống tai - tệ nạn xã hội)…

Nếu nghệ nhân Bạch Thị Đào là "cây cao bóng cả” của dân ca Mường thì nghệ nhân Quách Thị Lon, xóm Khanh, xã Ân Nghĩa là thế hệ kế cận, một trong những người hát và trình diễn dân ca Mường trẻ nhất của huyện Lạc Sơn. Tình yêu và đam mê với dân ca Mường trong con người chị được nuôi dưỡng từ những lần nghe các bà, cô, chú, anh, chị trong xóm hát. Không chỉ thông thạo các bài hát được lưu truyền trong dân gian, chị còn dễ dàng ứng tác, ứng đối, sáng tác lời ca phù hợp với hoàn cảnh cụ thể. Vì vậy, trong từng câu hát của chị luôn có nét đặc trưng riêng, khác biệt với mọi người. Xuất phát từ mong muốn lưu giữ và lan tỏa nét đẹp của dân ca Mường đến Nhân dân trong cả nước, chị và Nghệ nhân Ưu tú Bùi Huy Vọng đã kết hợp thành lập, xây dựng, phát triển kênh YouTube tên là Quach Lon. Tính đến nay, kênh YouTube hoạt động được hơn 2 năm, thu hút trên 14.000 người đăng ký và trên 1.100 video hát dân ca Mường do chị thể hiện. Nổi bật là những video: Giao lưu hát tiếng Mường: Quách Lon và Hà Thanh Dương với 285.000 lượt xem và 1 video khác có 125.000 lượt xem; Quách Thị Lon hát đối tiếng Mường ở Tự Do với 247.000 lượt xem…

Có gần 50 năm giữ và truyền lửa, nghệ nhân Hà Thị Bích, xóm Xăm Pà, xã Nà Phòn (Mai Châu) được coi là "kho tư liệu sống” của dân ca Thái bởi bà có thể hát hàng trăm bài cũng như đối đáp thuần thục, hiểu sâu sắc ý nghĩa của từng câu hát. Quyển sổ ghi chép hơn 100 bài dân ca Thái do chính nghệ nhân sưu tầm từ năm 1998 là "kho báu”, tài sản vô giá được bà hết mực nâng niu, trân trọng. Là người con dân tộc Thái nên những làn điệu dân ca của dân tộc đã ngấm vào máu thịt bà từ khi còn bé. Năm 1998, nghệ nhân Hà Thị Bích đã ra 1 đĩa hát gồm 15 bài dân ca Thái mà bà tâm đắc nhất. Hoạt động được hơn 3 năm, câu lạc bộ (CLB) dân ca Thái xóm Xăm Pà do nghệ nhân Hà Thị Bích thành lập, quy tụ gần 20 thành viên là thiếu nhi, thanh thiếu niên, phụ nữ; sinh hoạt từ 2 - 3 lần/tháng. Song song với việc hát, biểu diễn, giao lưu thường xuyên, duy trì hoạt động của CLB tạo sân chơi gắn kết đam mê, bà còn ra sức truyền dạy những làn điệu dân ca dân tộc Thái cho thế hệ trẻ. Từ đó tránh nguy cơ mai một, phai nhạt dần bản sắc văn hóa dân tộc.

Thời gian qua, các nghệ nhân Bạch Thị Đào, Quách Thị Lon, Hà Thị Bích đã không ngừng khẳng định tài năng của bản thân khi tham gia nhiều cuộc thi hát, đạt thành tích xuất sắc và được địa phương khen thưởng. Nghệ nhân Hà Thị Bích đoạt giải cá nhân xuất sắc tiết mục Hát ru con - dân ca Thái tại Liên hoan giọng hát hay dân ca các dân tộc toàn quốc lần thứ 3, năm 2005; tiết mục khắp Thái "Hặc pènh thá căn” (Em vẫn đợi anh) được Hà Thị Bích và Hà Văn Nhoi biểu diễn đạt giải B Ngày hội Văn hóa dân tộc Thái lần thứ nhất, Lai Châu - 2014. Chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa tặng giấy khen cho nghệ nhân hát tiếng Mường Quách Thị Lon đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động trung tâm học tập cộng đồng năm 2021…

Đặc biệt, với những cống hiến nổi bật trong suốt nhiều năm qua, nghệ nhân Bạch Thị Đào đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Ưu tú" nghệ thuật trình diễn dân gian tỉnh Hòa Bình có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc năm 2019; Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua đặc biệt lập thành tích chào mừng Kỷ niệm 135 năm thành lập tỉnh, 30 năm tái lập tỉnh… Hai nghệ nhân Quách Thị Lon và Hà Thị Bích đã được tỉnh đề nghị Hội đồng cấp Bộ xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân Ưu tú”.

Miệt mài truyền lửa làn điệu dân ca

Phổ biến trong cuộc sống hàng ngày, nhưng nếu không được bảo tồn, gìn giữ, phát huy đúng cách và hiệu quả thì dân ca của các dân tộc sẽ đứng trước nguy cơ mai một. Đều thông thạo những làn điệu dân ca, dễ dàng ứng đối, ứng tác, trình diễn thường xuyên… các nghệ nhân với vai trò là hạt nhân, người kế tục, góp phần đưa dân ca phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng. Trên cương vị là người thành lập CLB hay đội trưởng đội văn nghệ, bằng nhiều hình thức phong phú, các nghệ nhân đã, đang từng bước lan tỏa, phát triển phong trào dạy, hát dân ca ở cơ sở.

Cuối năm 2017, nghệ nhân Bạch Thị Đào đã khởi xướng thành lập CLB dạy và hát dân ca, đánh chiêng Mường. CLB hiện có 42 thành viên trong độ tuổi từ 10 đến gần 70 tuổi. Hàng năm, nghệ nhân duy trì việc truyền dạy hát dân ca Mường cho từ 6 - 8 thanh, thiếu nhi trong xã.

Nghệ nhân Quách Thị Lon đảm nhận vai trò là đội trưởng đội văn nghệ xóm Khanh được gần 10 năm, chị tích cực tham gia giao lưu, biểu diễn ở khắp các sân khấu trong, ngoài tỉnh. Thành công trong việc đưa dân ca Mường lan xa trên không gian mạng, từ đó giúp lưu giữ tư liệu, đưa bản sắc văn hóa của dân tộc đến với đông đảo Nhân dân trong cả nước. Bên cạnh đó, chị rất băn khoăn, trăn trở với thực trạng một số chị em tuy đam mê, thông thạo các làn điệu dân ca nhưng không thể gắn bó lâu dài bởi gánh nặng mưu sinh, chăm lo gia đình…

Luôn đau đáu với việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, trước đây, nghệ nhân Hà Thị Bích đã từng đến các hộ trong xóm để vận động mọi người tham gia CLB dân ca Thái xóm Xăm Pà. Quá trình hoạt động, CLB đã có nhiều đóng góp nổi bật trong phong trào văn hóa, văn nghệ của xã. Ngoài ra, hễ ai đam mê và mong muốn được học hát dân ca Thái, bà luôn sẵn sàng truyền dạy. Song, công tác này mới chỉ được thực hiện bài bản khoảng từ 3 năm trở lại đây.

Chính thức trở thành thành viên CLB dân ca Thái xóm Xăm Pà được hơn 1 năm, em Hà Yến Nhi chia sẻ: "Từ khi tham gia CLB đến nay, em đã học hát được khoảng 15 bài dân ca Thái. Dưới sự truyền dạy, chỉ bảo tận tình, nghệ nhân Hà Thị Bích đã giúp em thêm hiểu biết, khơi dậy tình yêu, niềm đam mê và trân trọng giá trị to lớn của một loại hình nghệ thuật truyền thống. Qua đó em cũng nhận thức được trách nhiệm của bản thân trong việc bảo tồn, gìn giữ, để dân ca Thái trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của thế hệ trẻ”.

Theo đồng chí Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lạc Sơn, các CLB dân ca, đội văn nghệ là nơi để mọi người rèn luyện, trau dồi kinh nghiệm, tiếp thêm ngọn lửa đam mê, ý thức, trách nhiệm gìn giữ, phát huy giá trị, nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Mỗi thành viên và cả những người trẻ có năng khiếu, đam mê dân ca là lực lượng nòng cốt để bảo tồn, phát triển dân ca của dân tộc trong tương lai.

Luôn sống hết mình với đam mê, không ngừng cống hiến, giữ lửa và truyền lại tinh hoa cho thế hệ kế cận… nghệ nhân Bạch Thị Đào, Quách Thị Lon, Hà Thị Bích là 3 trong số những nghệ nhân trên địa bàn tỉnh ngày ngày ra sức gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc cho các thế hệ mai sau.

(Còn nữa) 

 

Nhóm P.V Phòng VH-XH

Các tin khác


Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Lừa đảo xuất khẩu lao động - cạm bẫy “việc nhẹ, lương cao”

Lợi dụng việc một bộ phận người dân có nhu cầu tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ), thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện các chiêu lừa XKLĐ khiến không ít người lâm vào cảnh éo le. Thậm chí nhiều trường hợp đứng trước "nanh vuốt” của bọn tội phạm mua bán người...

Sáng mãi màu áo xanh tình nguyện

"Năm 2024, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn thống nhất lựa chọn chủ đề công tác là "Năm Thanh niên tình nguyện”. Đây là năm đánh dấu nhiều sự kiện đặc biệt có ý nghĩa trong phong trào thanh niên tình nguyện, như: kỷ niệm 60 năm phong trào "Ba sẵn sàng”, 10 năm "Năm Thanh niên tình nguyện”, 25 năm Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè. Vì vậy, tổ chức Đoàn các cấp cần phải xem đây là một năm sôi động các hoạt động thanh niên tình nguyện trên toàn quốc với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp thanh niên Việt Nam" - đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn nhấn mạnh tại hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ tư, khoá XII (tháng 1/2024).

Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 2 - Công trình không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng?

Liên quan đến việc xây dựng chùa Hòa Bình và các công trình phụ trợ, thời gian qua, một số cơ quan thông tin, báo chí đưa tin cho rằng: công trình này không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vi phạm các quy định của pháp luật về thủ tục đầu tư; còn để xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến trật tự xây dựng. Trước những vấn đề được dư luận xã hội và người dân quan tâm, các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND thành phố Hòa Bình (TPHB) đã có thông tin phản hồi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục