Nằm bên dòng sông Đà hùng vĩ, Di tích lịch sử nhà tù Hòa Bình thuộc phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) là một trong những địa chỉ đỏ giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước và truyền thống cách mạng.


Di tích lịch sử quốc gia Nhà tù Hòa Bình là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Lúc cao điểm, nơi đây giam giữ khoảng 200 tù chính trị là những chiến sỹ cộng sản kiên trung. Vượt lên những tra tấn, đàn áp của thực dân Pháp, chi bộ nhà tù Hòa Bình được thành lập và từng bước lớn mạnh. Không chỉ lãnh đạo các cuộc đấu tranh trong nhà tù, chi bộ nhà tù Hòa Bình đã góp phần quan trọng trong việc gieo hạt mầm cách mạng, thúc đẩy phong trào đấu tranh, tiến đến việc thành lập chi bộ thị xã Hòa Bình năm 1945 để lãnh đạo phong trào cách mạng của Hoà Bình phát triển mạnh.

Theo lịch sử ghi chép, năm 1896, thực dân Pháp và chế độ phong kiến đã cho xây dựng nhà tù Hòa Bình với diện tích 1.500m2 nhằm canh giữ các tội phạm hình sự như giết người, cướp của, trộm cắp… Tháng 3/1943, thực dân Pháp quyết định chuyển trên 200 tù chính trị mà chúng cho là "nguy hiểm” có án từ 5 năm trở lên từ nhà tù Sơn La và một số nhà tù khác về nhà tù Hòa Bình. Biết rõ âm mưu và ý đồ của thực dân Pháp, chi bộ nhà tù Sơn La do đồng chí Tô Hiệu làm Bí thư đã họp, quyết định tách chi bộ nhà tù Sơn La làm 2 chi bộ và cử ra Ban chi uỷ mới do đồng chí Lê Đức Thọ (tức Phan Đình Khải) làm Bí thư chi bộ nhà tù Hòa Bình.

Thực hiện âm mưu đàn áp tiêu diệt phong trào cách mạng, thực dân Pháp đã đưa lên Hoà Bình những tên cai trị có kinh nghiệm, chủ trương đàn áp khốc liệt phong trào cách mạng. Thủ đoạn của thực dân Pháp ở nhà tù Hoà Bình, bề ngoài ra vẻ tử tế, bên trong chúng tìm mọi cách nhằm tiêu diệt, hãm hại các chiến sỹ cộng sản, chúng tuyển mộ lính Cu - lít (những người không phải là lính công khai mà chỉ công tác bí mật - PV) để theo dõi hoạt động của các chiến sỹ cộng sản, nhất là thời kỳ phong trào cách mạng ở trong tù phát triển mạnh. Chúng chia tù chính trị ra thành các nhóm nhỏ từ 10 - 15 người, có nhóm đi làm đường, nhóm xây nhà cho các công sở, nhóm lên rừng lấy củi… Chúng thu hẹp buồng giam để tù nhân bị thiếu không khí, mất vệ sinh, kéo dài thời gian lao động đi sớm về tối, bớt xén tiêu chuẩn khẩu phần ăn. Cho tù nhân ăn gạo mốc, cá thối, lao động nặng nhọc… hòng làm lung lay ý chí chiến đấu của các chiến sỹ cách mạng.

Tuy nhiên, trong gian khó, các tù chính trị vẫn kiên trung giữ vững lập trường cách mạng. Chi bộ nhà tù ban đầu chỉ có hơn 20 đồng chí nhưng đã dần lớn mạnh, tổ chức anh em tù đấu tranh chống chế độ áp bức, khôi phục quyền lợi của tù chính trị, được tự quản về chế độ ăn uống. Rút kinh nghiệm các cuộc đấu tranh trong tù trước đây ở nhà tù Sơn La, chi bộ nhà tù Hòa Bình chuẩn bị kỹ càng về nhiều mặt để đối phó với sự đàn áp tàn bạo của kẻ thù, đảm bảo cho cuộc đấu tranh đến thắng lợi. Như chuẩn bị về tư tưởng, lực lượng, bí mật cất giấu hàng trăm lít nước, hàng trăm quả chanh, hàng chục cân đường. Một ngày đầu tháng 6/1944, tất cả tù nhân tuyên bố tuyệt thực rồi đồng thanh la lớn: Phản đối áp bức trả quyền lợi cho tù nhân! Đả đảo đánh đập, đàn áp tù nhân! Kiên quyết nhịn ăn và la hét khẩu hiệu trong 7 ngày, đồng thời Ban đại diện tù nhân gửi kháng nghị đến dinh Tuần phủ, Toà sứ. Đặc biệt, nhờ sự giúp sức của phụ nữ cứu quốc thị xã Hòa Bình lúc bấy giờ bí mật gửi cơm, nước, thuốc men, bông băng… tiếp sức cho các đồng chí trong tù đấu tranh. Trước sức ép mạnh mẽ cả trong và ngoài nhà tù, Công sứ và Tuần phủ đã phải chấp nhận giải quyết các yêu cầu của tù nhân.

Chớp thời cơ Nhật đảo chính Pháp tháng 3/1945, chi bộ nhà tù Hòa Bình đã phát động và tổ chức thành công cuộc đấu tranh đòi thả tù chính trị. Chỉ trong vòng 1 tuần lễ, phần lớn tù chính trị tại nhà tù Hòa Bình được thả tự do. Được cán bộ và nhân dân thị xã Hòa Bình tích cực giúp đỡ, các đảng viên của chi bộ nhà tù đã bắt liên lạc với Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ, một số đồng chí được bổ sung cho lực lượng cách mạng của tỉnh Hòa Bình. Chi bộ nhà tù Hòa Bình có vai trò rất quan trọng đối với phong trào cách mạng của tỉnh Hòa Bình nói riêng và cả nước nói chung. Nhiều chiến sỹ cộng sản bị giam cầm nơi đây sau này trở thành những cán bộ trung, cao cấp của Đảng, Nhà nước.

Di tích lịch sử nhà tù Hoà Bình là dấu tích lịch sử cho thấy tinh thần bất khuất, kiên trung, tinh thần đấu tranh kiên quyết không lùi bước của những chiến sỹ cách mạng. Năm 2000, Di tích lịch sử nhà tù Hòa Bình được công nhận là di tích cấp quốc gia, hiện là địa chỉ đỏ giáo dục về truyền thống cách mạng của tỉnh, là điểm dừng chân ý nghĩa của du khách khi đến thăm Hòa Bình.

  

Dương Liễu

Các tin khác


“Chất xúc tác” thúc đẩy hoạt động từ cơ sở - nhìn từ thực tiễn tỉnh Hòa Bình: Bài 2 - Đưa thực tiễn cuộc sống vào nghị quyết

Qua nắm bắt thực tế tại cơ sở và các kỳ tiếp xúc cử tri, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), HĐND tỉnh đã ghi nhận sau sáp nhập, do địa bàn rộng hơn, khối lượng công việc tăng thêm mà phụ cấp không thay đổi, bên cạnh những cán bộ nhiệt tình, trách nhiệm, đã có một số cán bộ cấp cơ sở không muốn làm bí thư chi bộ, trưởng thôn. Chưa kể đến đối với chi hội trưởng các đoàn thể ở khu dân cư như phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh, bí thư chi đoàn không được hưởng phụ cấp nên càng không muốn làm hoặc làm không hết trách nhiệm.

“Chất xúc tác” thúc đẩy hoạt động từ cơ sở - nhìn từ thực tiễn tỉnh Hòa Bình: Bài 1 - Khẳng định vai trò của những người “vác tù và hàng tổng”

Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn nhưng những năm qua, Hòa Bình đã đi đầu trong thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC), đạt được kết quả tích cực. Tuy vậy, công tác cán bộ sau sáp nhập gặp không ít bất cập. Trong đó, với địa bàn rộng hơn, khối lượng công việc nhiều hơn, nhưng số lượng cán bộ cấp xã, thôn, tổ dân phố lại ít đi, phụ cấp còn thấp đã gây tâm tư cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở.

Tăng cường liên kết, thúc đẩy phát triển du lịch Hòa Bình – Hà Nội: Bài 2: Thúc đẩy du lịch Hòa Bình - Hà Nội vươn xa

Những năm gần đây, du lịch Hòa Bình đạt mức tăng trưởng đáng ghi nhận. 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đón gần 2,9 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch ước đạt 2.928 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 33%, đạt 64% kế hoạch năm. Tuy nhiên, những con số này được đánh giá vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Do đó, liên kết du lịch được xác định là hướng đi quan trọng nhằm khai thác triệt để tiềm năng, thế mạnh của địa phương, cụ thể là liên kết phát triển du lịch Hòa Bình – Hà Nội. Không chỉ kết nối các di tích, di sản mà còn đòi hỏi tăng cường kết nối giữa các ngành, các địa phương; giữa cộng đồng dân cư các điểm du lịch với du khách; giữa các hoạt động quản lý, khai thác văn hóa, du lịch để phát triển du lịch chuyên nghiệp.

Tăng cường liên kết, thúc đẩy phát triển du lịch Hòa Bình – Hà Nội: Bài 1: Hòa Bình – điểm đến hấp dẫn với du khách Thủ đô

Nằm giáp ranh với Thủ đô Hà Nội, giao thông thuận tiện, khí hậu trong lành, bản sắc văn hóa các dân tộc phong phú, sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng… Hòa Bình là điểm đến hấp dẫn với người dân Hà Nội. Ở chiều ngược lại, Thủ đô văn hiến với dày đặc các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và nơi văn hóa hội tụ là điểm đến yêu thích của người dân Hòa Bình dịp cuối tuần. Tăng cường liên kết để thúc đẩy du lịch Hòa Bình – Hà Nội cùng tiếp tục phát triển nhanh, bền vững là yêu cầu đặt ra đối với cả 2 địa phương trong thời gian tới. 

 Bài 1: Hòa Bình – điểm đến hấp dẫn với du khách Thủ đô

Người Mường ở Thủ đô - không để “mất gốc” văn hóa: Bài 3 - Khai thác văn hóa thành nguồn lực phát triển Thủ đô

Nhỏ bé nhưng đậm bản sắc, số lượng ít nhưng giàu sức mạnh nội sinh. Cộng đồng người Mường ở Thủ đô đã cùng nhau gìn giữ cái gốc văn hóa bền chặt để tự tin hòa nhập vào nền văn hóa rực rỡ của Hà Nội. Không những thế, các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc đang được khai thác đúng hướng để trở thành nguồn lực phát triển Thủ đô "văn hiến - văn minh - hiện đại”.

Người Mường ở Thủ đô - không để “mất gốc” văn hóa: Bài 2 - Giữ gìn bản sắc, củng cố sức mạnh nội sinh

Vào chiều Chủ nhật hàng tuần, tiếng chiêng Mường lại vang lên trong không gian quen thuộc của nhà văn hóa thôn 5, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất (Hà Nội). Các thành viên Câu lạc bộ (CLB) Văn hóa - văn nghệ - thể dục thể thao người cao tuổi thôn 5 say sưa truyền dạy cho nhau cách đánh chiêng. Từ cách cầm chiêng, đánh dùi thế nào để phát ra thanh âm đẹp, đến cách phân nhịp và cảm thụ âm thanh, cách phân biệt làn điệu chiêng Mường so với loại hình cồng chiêng của dân tộc khác… Gần 14 năm nay, đây là nội dung sinh hoạt đã kết nối các thành viên và tạo bản sắc cho CLB.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục