Nếu như trước đây, muốn lên Pà Cò, Hang Kia (Mai Châu) phải vượt dốc trơn như đổ mỡ. Ở Đà Bắc, có những xóm mà trời mưa là thành… ốc đảo, cả một đoạn đường sau mưa cuộn lên những hòn đá to lổn nhổn. Nhưng rồi đường về đã mở. Tưởng như mới đây thôi, ấy vậy mà những con đường xấu đã trở thành một phần trong ký ức. Những tuyến bê tông, đường nhựa cắt ngang sườn núi, cầu mới nối hai bờ sông, người dân phấn khởi khi cả vùng cao như sáng đèn. Từ đây, con đường đến trường của con trẻ gần hơn, nông dân có cơ hội trao đổi hàng hóa, giao thương để phát triển kinh tế. Hơn thế nữa, nhiều lao động địa phương không cần phải "tha hương” để mưu sinh, khi đã có những hợp tác xã, cơ sở sản xuất, nhà máy, doanh nghiệp tìm về cắm trụ với niềm tin - vùng khó sẽ vươn lên.


Hạ tầng giao thông tại thành phố Hòa Bình được đầu tư nâng cấp, góp phần giảm thiểu ùn tắc, tạo diện mạo đô thị và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh chụp tại đường Chi Lăng.

Gian nan mở lối

Sau hơn 3 năm thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, Hòa Bình bước đầu thu được những kết quả khả quan. Nhiều công trình đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần thay đổi diện mạo địa phương. Tuy nhiên, chặng đường triển khai không hề trải hoa hồng - tỉnh đã phải giải quyết đồng thời nhiều khó khăn, vướng mắc về vốn, kỹ thuật, giải phóng mặt bằng (GPMB)…

Một trong những trăn trở lớn với tỉnh là bài toán về vốn đầu tư. Bởi việc huy động nguồn lực cho hàng loạt dự án lớn cùng lúc là thách thức hàng đầu đối với tỉnh miền núi ngân sách hạn hẹp như Hòa Bình. Mục tiêu huy động 120 nghìn tỷ đồng giai đoạn 2020 - 2025 là rất cao, đòi hỏi sự vào cuộc của cả Trung ương lẫn địa phương.

Trên thực tế, tỉnh đã phải đa dạng hóa nguồn vốn, tranh thủ ngân sách Trung ương, bố trí ngân sách tỉnh cho một số dự án trọng điểm, đồng thời tích cực kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP. Dù vậy, việc hấp thụ nguồn vốn không hề đơn giản. Nhiều thủ tục phê duyệt dự án PPP như dự án mở rộng cao tốc Hòa Lạc -Hòa Bình kéo dài hơn dự kiến. Việc bố trí vốn đối ứng, giải ngân vốn đầu tư công hàng năm cũng đòi hỏi quyết tâm lớn của tỉnh.

Những vướng mắc về mặt bằng cũng là vấn đề nan giải đối với hầu hết các dự án hạ tầng. Công tác GPMB càng phức tạp do địa hình đồi núi, đất đai manh mún và đa số người dân sinh sống là đồng bào dân tộc, đời sống còn khó khăn. Trong quá trình triển khai cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, tỉnh phải di dời hàng trăm hộ dân, bố trí 5 khu tái định cư cho người dân nhường đất dự án.

Tương tự, dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) với tổng vốn đầu tư trên 4.000 tỷ đồng cũng ảnh hưởng tới 470 hộ, cần di dời trên 300 hộ sang khu tái định cư. Đây là khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Lãnh đạo tỉnh thường xuyên trực tiếp về cơ sở đối thoại, kiểm tra tiến độ GPMB. Nhờ đó, đa số người dân đồng thuận, nhiều hộ dù chưa nhận tiền đền bù vẫn cho mượn đất để kịp thời thi công công trình. Theo đồng chí Trần Tuấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi: Huyện đã bố trí 3 khu tái định cư tại các xã Vĩnh Đồng, Vĩnh Tiến vàĐú Sáng. Các nhà thầu tích cực đẩy nhanh tiến độ để người dân sớm về nơi ở mới và ổn định đời sống.

Tuy nhiên, không tránh khỏi có nơi còn chậm, bàn giao mặt bằng "xôi đỗ”. Như dự án mở rộng đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ (TP Hoà Bình) kết nối quốc lộ 6 còn vướng mặt bằng khoảng 1,52/4,36 km, với diện tích 6,2/21,7 ha, ảnh hưởng đến tiến độ thi công của nhà thầu do chưa có mặt bằng sạch.

Yếu tố về địa hình, thiên tai và kỹ thuật cũng cản trở không ít các dự án giao thông được triển khai trong thời gian qua. Theo đồng chí Bùi Ngọc Tâm, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh: Hòa Bình là tỉnh miền núi địa hình chia cắt mạnh bởi đồi núi và sông suối. Việc thi công đường cao tốc, hầm xuyên núi, cầu vượt hồ chứa… đòi hỏi công nghệ và kỹ thuật cao, chi phí lớn. Nhiều vị trí phải thi công nền đường trên địa chất yếu hoặc ta luy dốc đứng, nguy cơ sạt lở. Trong mùa mưa bão, không ít tuyến đường vừa làm xong đã bị sạt ta luy, hỏng mặt đường, buộc phải sửa chữa, gia cố liên tục.

Những khó khăn đó được khắc họa rõ nét nhất có lẽ là tại huyện Đà Bắc. Chính quyền huyện cho biết, hàng năm huyện phải tốn nhiều kinh phí để khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra cho hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường ở vùng cao hay bị sạt lở, ách tắc.

Ngoài ra, năng lực một số nhà thầu thi công còn hạn chế, dẫn đến công tác phối hợp giữa chủ đầu tư với địa phương đôi lúc chưa đồng bộ cũng gây trở ngại nhất định. Tại Lễ khởi công đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị, triển khai ngay các công việc sau lễ khởi công, "tránh tình trạng một số dự án đã gặp phải là khởi công rầm rộ, hoành tráng nhưng sau lễ khởi công lại chuyển máy móc, con người đi nơi khác, mọi việc lại im ắng".

Để tránh điều này, tỉnh đã chỉ đạo các ban quản lý dự án bám sát hiện trường, yêu cầu các nhà thầu cam kết tiến độ. Dù khó khăn chồng chất, nhờ quyết tâm và linh hoạt trong chỉ đạo, các dự án trọng điểm của Hòa Bình vẫn cơ bản bám tiến độ đề ra.

Bản xa hóa gần, bản gần đón cơ hội

Những con đường mới uốn lượn ôm lấy chân núi, chân đồi, dẫn thẳng tới từng xóm, bản, các xã vùng cao đặc biệt khó khăn nay đã khởi sắc nhờ giao thông thuận lợi. Tính đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 96/129 xã đạt chuẩn tiêu chí số 2 về giao thông trong xây dựng nông thôn mới.

Đầu tư cho hạ tầng giao thông tăng mạnh so với giai đoạn trước. Chỉ riêng năm 2024, Hòa Bình đã huy động được 1.344 tỷ đồng để bê tông hóa, nhựa hóa 310 km đường giao thông nông thôn trên địa bàn. Nhờ hạ tầng cải thiện, người dân vùng sâu, vùng xa đi lại thuận tiện hơn.

Hiệu quả hạ tầng mới còn thể hiện ở sự bứt phá trong liên kết vùng và thu hút đầu tư. Tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình hoàn thành đã rút ngắn thời gian từ Hà Nội lên TP Hòa Bình chỉ còn khoảng 1 giờ, kéo gần khoảng cách đô thị - miền núi, giúp Hòa Bình hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư. Những khu công nghiệp như Lương Sơn, Yên Quang (TP Hòa Bình) nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp nhờ kết nối giao thông thuận tiện.

Trong lĩnh vực du lịch, lượng du khách đến Hòa Bình tăng đáng kể nhờ hạ tầng cải thiện. Năm 2024, tỉnh ước đón khoảng 4.346.000 lượt khách du lịch, đạt 103,5% kế hoạch đề ra. Trong đó, khách quốc tế 510.000 lượt, tăng 13,3% so với năm trước; khách nội địa 3.836.000 lượt, tăng 9,5%. Tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 4.738 tỷ đồng, đạt 103% kế hoạch và tăng 17,9% so với năm 2023; tỉnh đặt mục tiêu năm 2025 đón 4,9 triệu lượt khách.

Đối với khu vực đô thị, việc đưa vào sử dụng cầu Hòa Bình 2 và 3 nối hai bờ sông Đà đã thay đổi đáng kể bộ mặt TP Hoà Bình. Theo đồng chí Phạm Anh Quý, Chủ tịch UBND TP Hòa Bình: Cầu Hòa Bình 2 được đầu tư 590 tỷ đồng không chỉ giải quyết giao thông nội đô, mà còn là biểu tượng phát triển mới của Hòa Bình, cùng với cầu Hòa Bình và công trình đập thuỷ điện kỳ vĩ tạo nên một quần thể kiến trúc nổi bật trên dòng Đà Giang.

Nhìn chung, các dự án hạ tầng giao thông triển khai từ năm 2020 đến nay đã tác động tích cực trên nhiều mặt. Giao thông thuận lợi kích thích giao thương, nâng cao đời sống dân sinh, mở ra cơ hội thu hút đầu tư, góp phần kiến tạo một tương lai bền vững cho Hòa Bình. Đặc biệt, quý I/2025 đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của tỉnh Hòa Bình với mức tăng trưởng GRDP ước đạt 12,76% - con số cao nhất từ đầu nhiệm kỳ và chỉ đứng sau tỉnh Bắc Giang trên toàn quốc. Đây là tín hiệu rất tích cực, cho thấy những định hướng đúng đắn trong đầu tư phát triển hạ tầng. Trong đó, vốn đầu tư tăng so với cùng kỳ năm trước cũng cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư, trong bối cảnh hàng loạt công trình giao thông lớn đang được thi công đồng loạt theo tiến độ như: dự án Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La...

Tuy nhiên, giao thông đối nội dù phủ khắp nhưng chất lượng chưa cao, vẫn còn những tuyến đường xuống cấp cần nâng cấp tiếp. Đây vừa là thách thức, vừa là động lực để Hòa Bình tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, bền vững trong giai đoạn tới.


Thu Hằng


Các tin khác


Cho Tổ quốc đứng lên - Bài 4: Lời hẹn ước sắt son

Để hiện thực khát vọng đất nước thống nhất, cả triệu người con ưu tú ngã xuống, biết bao người bị địch bắt, tù đày. Giữa sự khốc liệt đó có những tình yêu đôi lứa với nhiều cung bậc cảm xúc.

Cho Tổ quốc đứng lên - Bài 3: Vui sao nước mắt lại trào

Chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm cấp quốc gia chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những ngày tháng 4/2025, hàng chục máy bay chiến đấu hiện đại bay tập luyện chuẩn bị trình diễn, tiếng động cơ tiêm kích rền vang bầu trời phương Nam.

Cho Tổ quốc đứng lên - Bài 2: Sống chết cho đất nước

Để cắt đứt huyết mạch chi viện từ Bắc vào Nam, quân đội Mỹ điên cuồng oanh tạc, rải chất độc hóa học xuống Trường Sơn. Chúng cũng muốn Hà Nội "trở về thời kỳ đồ đá".

Cho Tổ quốc đứng lên - Bài 1: Không nghĩ đến thân mình

Ròng rã những năm kháng chiến cho khát vọng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập và thống nhất, trên khắp quê hương đâu đâu cũng là những hố bom, mảnh đạn.

Thăm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Giữa núi rừng Việt Bắc, nơi từng là cái nôi của cách mạng, có một mái trường đặc biệt mà tên tuổi đã đi vào lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam như một mốc son lịch sử - Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Đây không chỉ là nơi đào tạo lớp phóng viên đầu tiên của nền báo chí cách mạng, mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước, của khát vọng truyền thông vì dân tộc, vì Tổ quốc.

Chuyện người lính trở về từ tuyến lửa

Xung phong đi bộ đội khi còn rất trẻ, lúc vừa tròn 18 tuổi. Vào chiến trường, ông tham gia chiến đấu ở chiến trường B5 - Bình Trị Thiên khói lửa và là một trong những người lính cuối cùng rút khỏi thành cổ Quảng Trị sau 81 ngày đêm chiến đấu ác liệt... Người mà tôi muốn nói ở đây là cựu chiến binh Vũ Duy Tôn, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh. Trở về sau cuộc chiến, dù trên cương vị công tác nào hay trong cuộc sống đời thường, ông vẫn luôn thắp sáng ngọn lửa truyền thống, khí tiết của một người lính từng chiến đấu và trở về từ tuyến lửa...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục