CB, PV Báo Hòa Bình và Hà Tĩnh tưởng nhớ các liệt sỹ hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc

CB, PV Báo Hòa Bình và Hà Tĩnh tưởng nhớ các liệt sỹ hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc

 

(HBĐT) - “Đất đá bị cày đi, xới lại chi chít những hố bom nhưng Ngã ba Đồng Lộc vẫn căng tràn sức sống. Một sức sống mà dù mưa bom bão đạn tàn khốc vẫn không cắt đứt được mạch máu giao thông, mạch sống của tuổi thanh xuân trên cung đường khắc nghiệt này”. Với chất giọng trong trẻo, nhẹ nhàng như gió, cô hướng dẫn viên Phan Thị Hương Giang đã bắt đầu câu chuyện về “cung đường lửa” một cách rắn rỏi và tha thiết.

 

> Bài 1 - Xa miền gió lạnh  

> Bài 2 - Ghi ở nghĩa trang Trường Sơn

> Bài 3 - Dọc đường chiến thắng 

> Bài 4 - Ngày 30/4 ở thành phố Hồ Chí Minh

> Bài 5 - Sắc màu Nam bộ

> Bài 6 - Thiêng liêng đất Mũi

 

 

Đây không phải là lần đầu tiên tôi đến với Ngã ba Đồng Lộc, cung đường mà trong chiến tranh được ví như là “chảo lửa”, “túi bom”... Trên con đường xuyên Việt, chúng tôi lại trở về Đồng Lộc vào giữa những ngày tháng 4 lịch sử. Lần nào đến, trời Đồng Lộc vẫn là một màu xanh huyền thoại giữa vi vút thông reo và bạt ngàn hoa sim tím. Đường về Đồng Lộc vẫn là “những mạch máu luôn chảy về tim”.

 

“Khi nhắc đến Hà Tĩnh, không thể không nhắc đến một Ngã ba lịch sử mà tên tuổi đã vang xa, vang mãi một thời oanh liệt, kiên cường trên vùng đất huyền thoại. Đó chính là Ngã ba Đồng Lộc, một ngã ba mở hướng hành quân cho cả dân tộc bước vào cuộc chiến đấu. Chính tại nơi đây đã thấm không biết bao nhiêu mồ hôi, xương, máu và nước mắt của những người con gan góc, dạn dày vì miền nam thân yêu. Để trong mưa bom, bão đạn, Ngã ba Đồng Lộc vẫn luôn là mạch máu giao thông không bao giờ tắc nghẽn. Để làm nên một ngã ba huyền thoại, Ngã ba anh hùng”, bằng chất giọng trong và ấm đặc trưng của người dân xứ Nghệ, Hương Giang như đã đưa chúng tôi trở lại với tiếng bom ầm ì, với không khí khẩn trương trên “túi bom” Đồng Lộc trong những ngày này cách đây hơn 40 năm trở về trước (năm 1968).

 

Với vị trí như một “nút thắt” trong mạng lưới giao thông chiến lược Bắc - Nam qua địa bàn Hà Tĩnh. Cũng là giao điểm của đường 15 và các đường liên tình. Từ đây có thể mở rộng ra các hướng phục vụ cho nhu cầu giao thông vận tải khi các tuyến giao thông ở đồng bằng đã bị cắt đứt. Trong những năm chiến tranh ác liệt, Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành nơi duy nhất cho con đường vận tải chiến lược của ta. Nhận thấy rõ vị trí quan trọng của Đồng Lộc, địch đã tập trung đánh phá ác liệt khu vực này ngay từ đầu. Với dã tâm, bằng mọi giá để biến Ngã ba Đồng Lộc thành “điểm chết”, thành một bãi hoang không bóng người, không một cây cỏ nào có thể bén rễ, nảy mầm. Do vậy, trong 7 tháng ném bom hạn chế (từ tháng 4 đến tháng 10/1968), địch đã đánh vào Ngã ba có chu vi nhỏ hẹp như lòng bàn tay này tổng cộng 1.863 lần với gần 50 nghìn quả bom các loại, chưa kể đạn rocket và đạn 20mm. Tính ra mỗi mét vuông nơi đây phải hứng chịu 3 quả bom các loại. Bình quân mỗi tháng chúng đánh 28 ngày. Ngày đánh nhiều nhất là 103 lần thả trên 800 quả bom các loại. Suốt ngày đêm không lúc nào Đồng Lộc ngớt tiếng bom đạn. Đất đá bị đào đi xới lại nhiều lần, hố bom chồng chất hố bom. Ban ngày chúng tập trung đánh chặn các lối ra, vào Ngã ba. Ban đêm chúng thả pháo sáng, ném bom bi, bắn rocket, đạn 20mm nhằm tiêu diệt các lực lượng ứng cứu đường của ta. Nhưng vượt lên cái chết, những chàng trai cô gái tuổi mười chín đôi mươi đã cùng với nhân dân và lực lượng dân quân du kích địa phương dồn sức giải toả điểm chốt, giữ vững mạch máu giao thông.

 

Đã có hàng vạn người được huy động ra mặt đường làm nhiệm vụ giải toả giao thông, tiếp tế lương thực, thực phẩm, đạn dược. Với tinh thần “xe chưa qua, nhà không tiếc” nhiều gia đình đã dỡ nhà lấy ván lát đường chống lầy cho xe qua. Ở nơi Ngã ba được “làm bằng xương máu” cũng đã ghi lại nhiều chiến công và sự tích anh hùng để làm nên một ngã ba huyền thoại. Về tập thể có trung đoàn pháo cao xạ 210, tiểu đoàn 8 pháo cao xạ bộ đội địa phương Hà Tĩnh; tổ lái máy gạt xúc của cụm công trình 1, đại đội 552 với một tập thể hầu hết là nữ. Về cá nhân có anh hùng Nguyễn Tiến Tuẩn, anh hùng Nguyễn Tri Ân, nữ đếm bom La Thị Tám - người con gái có đôi mắt trong tựa ngọc, vua phá bom Vương Đình Nhỏ, Uông Xuân Lý, nguyễn Đăng Dương, Võ xuân Tài và còn rất nhiều người khác nữa mà chẳng ai có thể nhớ được hết tên của họ. Chỉ biết rằng, thứ họ để lại là những chiến công anh hùng.

 

Đặc biệt, nói đến Ngã ba Đồng Lộc phải kể đến chiến công và sự hy sinh của 10 cô gái TNXP khi “hồn còn trong tựa ngọc”. “Ngày 24/7/1968, Đồng Lộc đã hoá thành bất tử, đã trở thành một địa chỉ đỏ, một hình ảnh đã đi vào trái tim của hàng triệu người dân Việt Nam”, giọng nói của Hương Giang như trùng xuống rồi nghẹn lại. Làm cho chúng tôi - Đoàn cán bộ phóng viên Báo Hoà Bình và những người bạn ở Báo Hà Tĩnh chẳng ai giấu nổi sự xúc động khi trước mắt mình là “10 phím đàn dưới cỏ” trinh nguyên giữa tiếng thông reo và dập dờn bướm trắng, bạt ngàn hoa sim hoang dại trên ngọn đồi Trọ Voi.

 

“Các chị hy sinh cùng trong một thời điểm, một khoảnh khắc. Dòng máu trắng trong tinh khiết của 10 cô gái đã dựng lên một kỳ đài, biểu tượng của thế hệ trẻ Việt Nam, của người phụ nữ Việt Nam một thời đánh giặc”, Tổng Biên Tập Báo Hà Tĩnh, Lê Hữu Quý nghẹn giọng.

 

10 cô gái TNXP thuộc tiểu đội 4, đại đội 552, tổng đội 55 do chị Võ Thị Tấn làm tiểu đội trưởng. Các chị đều là những người con sinh ra và lớn lên trên quê hương Hà Tĩnh. Có 5 chị quê ở huyện Đức Thọ, 3 chị quê ở Can Lộc, 1 chị quê Hương Sơn, 1 chị quê ở thành phố Hà Tĩnh. Tuổi đời của các chị đang còn rất trẻ, chị Võ Thị Hà cô em út của tiểu đội sinh năm 1951, khi hy sinh mới vừa tròn 17 tuổi. Còn 3 người chị cả lớn tuổi nhất là chị Võ Thị Tần tiểu đội trưởng, Hồ Thị Cúc tiểu đội phó, Võ Thị Nhỏ đội viên đều sinh năm 1944, khi hy sinh vừa tròn 24 tuổi. 10 cô gái đến trọng điểm Ngã ba Đồng Lộc với nhiệm vụ chính là san lấp hố bom, làm đường tránh và mở đường cho xe ra tiền tuyến. Vì thế nhiều hôm các chị còn phải mặc áo trắng, cầm tay nhau, làm hàng rào, cọc tiêu sống để mở đường dẫn lối cho xe qua Ngã ba được an toàn. Công việc của các chị chủ yếu được làm vào ban đêm. Nhưng ngày 24/7/1968, suốt buổi sáng máy bay địch liên tục quần lượn trên bầu trời Đồng Lộc, mặt đường 15a nham nhở hố bom. Trong điều kiện đó, buổi chiều tối lại có một đoàn xe lớn chi viện cho chiến trường. Đúng 12h trưa sau khi nhận được lệnh, các chị đã bất chấp cái nắng oi ả của trưa hè nhanh chóng ra đường nhận nhiệm vụ san lấp hố bom, người xúc, người xả, cứ hết lượt bom này đến lượt bom khác, các chị vẫn kiên quyết bám đường. Có những đợt bom, các chị bị đất đá vùi lấp nhưng rồi lại rũ đất đứng dậy đào đất, bê đá ném xuống hố bom với một quyết tâm sắt đá: Bằng bất cứ giá nào, chiều nay tuyến đường cũng phải được thông suốt. Đến lượt bom lần thứ 15 vào lúc 16 giờ chiều, công việc của các chị sắp hoàn thành, các hố bom đã được lấp đầy thì một tốp máy bay lao xuống trút bom dữ dội. Một quả bom rơi trúng vào căn hầm nơi các chị tạm trú, khói bom bao trùm lên tất cả 10 cô gái. Sau tiếng bom, đồng đội không nhìn thấy 10 cô gái  rũ đất đứng dậy làm đường nữa. Mà họ chỉ thấy mấy cái cuốc xẻng nằm văng xa, mấy chiếc nón rách bươm nằm ngổn ngang bên cạnh tuyến đường 15A. Trong khói bom mù mịt, cả trận địa ào xuống đào bới và gọi tên từng người. Nhưng rồi cả trận địa lặng đi rồi vỡ oà tiếng khóc nức nở, nghẹn ngào. “Trời đen đêm ấy trắng khăn mây/bè bạn dầm sương, nước mắt đầy/ở lại vầng trăng vòng hoa trắng/sao mờ 10 đốm khói hương bay”. Suốt đêm hôm đó và 2 ngày hôm sau, đồng đội của các chị đã tập trung bên hố bom, dùng cuốc xẻng và dùng tay của mình đào bới đất để tìm kiếm thi thể của 10 người em gái, 10 người đồng đội...

 

Hương Giang kể với tôi mà mắt cứ rơm rớm lệ: “Các chị linh thiêng lắm! Cứ thỉnh thoảng lại hiện về vui vẻ như hồi còn sống”. Trên suốt đường về, tôi cứ miên man nghĩ, có lẽ 10 cô gái đã hoá thành 10 cô tiên trong những câu chuyện cổ tích mà khi xưa tôi vẫn thường được nghe bà kể, để ru vào những giấc ngủ an lành.

 

Ngã ba Đồng Lộc nay đã trở thành một địa chỉ đỏ, một dấu son chói ngời không thể nào phai nhạt. Đó cũng là nơi ghi dấu những chiến công, truyền thống  của lực lượng TNXP thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Nhưng có một điều mà đồng chí Đinh Ổn, TBT Báo Hoà Bình còn mãi băn khoăn trên suốt chặng đường về: Chẳng hiểu tại sao tìm mãi trong các tấm bia ghi danh các liệt sỹ TNXP của cả nước lại không có danh sách của các liệt sỹ TNXP của tỉnh Hoà Bình. 

 

Và đó cũng là điều nuối tiếc nhất trên hành trình xuyên Việt hướng về ngày chiến thắng 30/4 thống nhất đất nước của đoàn cán bộ phóng viên Báo Hoà Bình trong những ngày qua.

 

 

                                                                         Mạnh Hùng  

 

Các tin khác


Đường Hồ Chí Minh từ kỳ tích đến mạch máu đất nước - Bài cuối: Đi tới tương lai thịnh vượng

Đất nước thống nhất, sứ mệnh của đường mòn Trường Sơn đã hoàn thành. Nhưng một ước muốn lại cháy bỏng, đó là phát huy giá trị của tuyến đường lịch sử này trong phát triển kinh tế - xã hội hôm nay. Ước vọng đó thành hiện thực khi ngày 5/4/2000, tại bến phà Xuân Sơn, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, Thủ tướng Chính phủ đã phát lệnh khởi công xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh.

Đường Hồ Chí Minh từ kỳ tích đến mạch máu đất nước - Bài 2: Bản anh hùng ca Trường Sơn

Trong số hơn 10 vạn bộ đội và hơn 1 vạn thanh niên xung phong ở đường Trường Sơn huyền thoại, nữ chiến sỹ chiếm số lượng trên 10%, lúc cao nhất có gần 2 vạn nữ chiến sỹ. Nhiều cô gái ra trận đã hy sinh ở tuổi mười tám đôi mươi, với những ước mơ, dự định còn dang dở.

Đường Hồ Chí Minh từ kỳ tích đến mạch máu đất nước - Bài 1: Khởi đầu một huyền thoại

65 năm trước, Đường Trường Sơn kết nối hai miền Bắc, Nam đi vào lịch sử như một kỳ tích của dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Về Hà Giang ăn cháo... Ấu Tẩu

Đến Hà Giang mà chưa đi cao nguyên đá Đồng Văn, chưa ăn miếng thịt to, chưa uống bát rượu đầy, chưa ăn bát cháo độc dược... thì coi như chưa đến. Anh bạn đồng nghiệp đã khẳng định chắc nịch ngay khi chúng tôi vừa đặt chân lên mảnh đất này.

Đường Trường Sơn huyền thoại

Những ngày tháng 5 lịch sử, trong không khí hào hùng kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn mở đường (19/5/1959 - 19/5/2024), Trung tá Nguyễn Tài Ba, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Hòa Bình lại cùng đồng đội ôn lại quãng thời gian được cống hiến, hy sinh, những ngày hành quân mở đường, giữ đường, đánh địch, bảo vệ huyết mạch giao thông để bộ đội ta chi viện cho tiền tuyến, giải phóng miền Nam.

Nhà tù Sơn La - “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng

Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La - nơi được ví như "địa ngục trần gian” do thực dân Pháp xây dựng đã từng giam cầm, đày ải những người yêu nước và chiến sỹ cộng sản. Ngày nay, di tích này là "địa chỉ đỏ” trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ trong cả nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục