(HBĐT) - Với suy nghĩ rất dung dị, đời thường “khi đường sá nâng cấp, mở rộng phong quang hơn, đẹp đẽ hơn thì cuộc sống các con, các cháu mình sẽ khác”, ông Nguyễn Văn Tình ở xóm Phú Châu, xã Phú Minh (Kỳ Sơn) đã tự nguyện hiến gần 3.000 m2 đất để làm đường, đoạn từ xóm Phú Châu đi xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì - Hà Nội). Tấm gương hiến đất của ông được UBND tỉnh đưa vào 1/11 mô hình, điển hình tiên tiến xứng đáng biểu dương và triển khai nhân rộng.

 

Ông Nguyễn Văn Tình (trái) hiến đất góp phần làm con đường Phú Châu - Khánh Thượng.

 

Ngay lúc này, cái lợi đối với gia đình ông cùng hơn 30 hộ dân xóm vùng sâu Phú Châu sau khi có đường mới là việc đi lại thuận tiện hơn, việc giao lưu, giao thương cũng khác. Nhớ lại trước kia, ông Tình bồi hồi kể lại cho chúng tôi nghe những tháng ngày khó nhọc: Suốt chiều dài hơn 1 km là đường sống trâu, nhỏ hẹp, lầy lội bùn đất, không năm nào bà con trong xóm không huy động sức lực dưới chục lần gia cố, sửa đường. Để qua lại trên tuyến, bà con trong xóm phải dùng xe thồ với khung lớn cùng “dàn” vành và nan hoa to tướng. Thời gian đó, việc học của các con, các cháu thật sự vất vả, nhiều hôm đến lớp trong bộ dạng áo quần lấm lem bùn đất. Cuộc sống cư dân trong xóm trông chờ vào cây sắn, dong riềng và lâm sản nhưng vì đường khó nên tư thương trả giá rẻ. Có đận mưa nhiều, sản phẩm làm ra ế ẩm không có người vào mua. Để bán giá cao hơn, bà con chỉ còn cách lựa lúc nắng ráo, đường bớt lầy thuê xe công nông “tăng bo” nông, lâm sản ra khỏi đoạn đường qua xóm.

 

Giọng ông Tình hồ hởi khi nói đến chuyện Nhà nước đầu tư mở mới tuyến đường Phú Châu – Khánh Thượng. Đó là hồi đầu năm ngoái, khi nghe tin tỉnh triển khai chủ trương làm đường, bản thân ông và các hộ khấp khởi mừng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra trước thời gian thi công là phải giải phóng mặt bằng, lấy đất mở rộng tuyến có liên quan đến diện tích đất thổ cư và đất lâm nghiệp, đất vườn… của các hộ. Cấp ủy, chính quyền xã, xóm tổ chức họp xóm, đến từng hộ tuyên truyền, vận động hiến đất, song tư tưởng của các hộ sinh sống dọc tuyến có phần lưỡng lự, chưa thông. Trong lúc việc giải phóng mặt bằng phục vụ thi công tuyến đường vướng mắc từ phía lòng dân, ông Tình đã tiên phong hiến đất.  Đáng chú ý, diện tích ông hiến nhiều gấp cả chục lần so với diện tích cần hiến của các hộ bên cạnh.

 

Khoảng 140 m2 đất thổ cư, trên 2.500 m2 đất vườn, rừng là diện tích mà ông Tình đã tự nguyện hiến với chiều dài hàng trăm mét chạy dọc. Nếu trước đó, các hộ được tuyên truyền, vận động còn băn khoăn chưa quyết thì sau hành động, việc làm noi gương của ông Tình đã thuyết phục được tất cả các hộ còn lại hiến đất thổ cư, đất vườn phục vụ tuyến đường.

 

Với sự đóng góp sức người, sức của, đồng lòng hiến đất của ông Tình và các hộ dân xóm Phú Châu, đường Phú Châu - Khánh Thượng chính thức khởi công vào năm 2015, đến dịp Tết Dương lịch năm 2016 hoàn thành, đưa vào sử dụng. Đường có chiều dài trên 1,4 km, trải nhựa 3,5 m mặt, rộng 6 m tính cả rãnh. ông Nguyễn Văn Tân, Trưởng xóm Phú Châu phấn khởi cho biết: Có đường tốt thuận tiện đi lại, con em đạp xe bon bon chỉ ít phút là đến trường. Hàng hóa vận chuyển dễ dàng, KT-XH khởi sắc hơn. Nhờ có tấm lòng của bác Tình cùng các hộ dân đồng lòng hiến đất mà xóm Phú Châu hôm nay đang được đi trên con đường sáng.

 

 

                                                                                   Bùi Minh

 

 

 

Các tin khác


Thành công nhờ dám nghĩ, dám làm

(HBĐT) - Theo QL6, đến khu vực chợ Lồ, xã Phong Phú (Tân Lạc) hỏi ông Trần Văn Thành, người trồng thanh long ở xóm Mận, chúng tôi nhận được sự chỉ dẫn nhiệt tình và những lời có cánh dành cho mô hình mới mẻ này. Cách QL6 chừng 300 m, vườn thanh long 3 năm tuổi của gia đình ông Thành xanh tốt với sắc đỏ, xanh của thân và quả.

Vị đại tá “3 cùng”

(HBĐT) - Nhắc tới đại tá Nguyễn Văn Chiến, nguyên Phó giám đốc Công an tỉnh, người dân gọi ông bằng tên thân mật “Vị đại tá 3 cùng”. Khi còn là Trưởng phòng Bảo vệ chính trị, ông đề xuất phương án “3 cùng” để gắn kết cán bộ an ninh với nhân dân. Nhờ đó, tình cảm giữa cán bộ an ninh và nhân dân trong tỉnh trở nên khăng khít . Đại tá Nguyễn Văn Chiến sinh ra và lớn lên ở miền quê xã Cao Dương, huyện Lương Sơn.

Bí thư Đoàn với giải thưởng Lương Định Của

(HBĐT) - Không chỉ được biết đến là Bí thư Đoàn xã năng động, Bùi Văn Tươi còn là người dám nghĩ, dám làm khi mạnh dạn đứng ra vận động thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp xã Dũng Phong (Cao Phong) với 39 thành viên, trong đó có tới 90% là thanh niên và trở thành giám đốc khi mới 25 tuổi.

Bí thư Đảng ủy, CCB gương mẫu được dân tin yêu

(HBĐT) - “Là người luôn hết mình với công việc, được bà con, đồng đội tin yêu, tin tưởng”... Đó là câu nhận xét của nhiều người dân trong xóm về CCB Bùi Thanh Điển, xóm Đá Đỏ, xã Tân Dân (Mai Châu).

Tỷ phú tuổi 30

(HBĐT) - Bước vào tuổi 30 nhưng đã có gần 10 năm gắn bó cùng cây cam trên vùng đất đồi Cao Phong, anh Nguyễn Đức Huy được nhiều người ở khu 4, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) biết đến là một “ông chủ trẻ” dám nghĩ, dám làm. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Cao Phong, ngay từ nhỏ, Nguyễn Đức Huy đã nuôi ước mơ làm giàu ngay tại quê hương. Điều kiện gia đình khó khăn, sau khi học hết THPT, anh lập gia đình và bắt tay vào thực hiện mơ ước của mình.

Bí thư chi bộ 7B gương mẫu “nói đi đôi với làm”

(HBĐT) - 6 năm - quãng thời gian chưa phải quá dài nhưng bằng nhiệt huyết, trách nhiệm cao, ông Quách Thế Tản (ảnh), người dân tộc Mường, Bí thư chi bộ 7B, phường Phương Lâm (thành phố Hòa Bình) đã có được những kinh nghiệm quý trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền. Lời dạy của Bác Hồ được ông khắc sâu và cố gắng thực hiện, đó là “Việc gì có lợi cho dân dù nhỏ cũng cố gắng làm. Việc gì có hại cho dân dù nhỏ cũng hết sức tránh”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục