(HBĐT) - Không chỉ được biết đến là Bí thư Đoàn xã năng động, Bùi Văn Tươi còn là người dám nghĩ, dám làm khi mạnh dạn đứng ra vận động thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp xã Dũng Phong (Cao Phong) với 39 thành viên, trong đó có tới 90% là thanh niên và trở thành giám đốc khi mới 25 tuổi.
Anh Bùi Văn Tươi kiểm tra chất lượng hàng hóa trước khi xuất bán tại cửa hàng của HTX dịch vụ nông nghiệp xã Dũng Phong (Cao Phong).
“Muốn lôi cuốn được thanh niên trước tiên phải là người có bản lĩnh…”
Sinh ra trong gia đình thuần nông, có hoàn cảnh khó khăn, Bùi Văn Tươi luôn ấp ủ ước mơ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Tốt nghiệp cao đẳng NN&PTNT (Hà Nội), năm 2006, Tươi về làm cán bộ phụ trách giao thông, thủy lợi và nông nghiệp kiêm Bí thư Đoàn xã Dũng Phong. Với suy nghĩ: “Đã là thủ lĩnh thanh niên phải là người có bản lĩnh. Bản lĩnh ấy trước tiên thể hiện ở việc biết khắc phục mọi khó khăn vươn lên làm giàu chính đáng. Chỉ có thế mới lôi cuốn, thuyết phục được thanh niên làm theo”. Chính từ đó, ước mơ vươn lên thoát nghèo lại càng cháy bỏng trong chàng trai 8X này.
Năm 2007, xã Dũng Phong có dự án về mô hình trồng bưởi Diễn. Trong tay có khoảng 30 triệu đồng, Tươi thế chấp nhà, vay ngân hàng thêm 50 triệu đồng, đầu tư chuyển toàn bộ vườn tạp sang trồng 120 gốc bưởi. Mày mò, học hỏi kinh nghiệm từ các nhà vườn trong huyện cộng với tham gia các lớp tập huấn do Phòng NN&PTNT, Huyện đoàn… tổ chức, sau 3 năm, Tươi đã thu về những quả ngọt đầu tiên. Từ năm thứ 2 đưa vào kinh doanh, mỗi năm, vườn bưởi của anh cho thu từ 100 - 350 triệu đồng. Có vốn, Bùi Văn Tươi lại tiếp tục mở rộng sản xuất. Năm 2012, anh trồng thêm 1,5 ha với 1.200 cây cam theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm nay là năm đầu bước vào kinh doanh, Tươi ước tính, thu nhập từ vườn cam sau khi trừ chi phí cũng lên đến ngót nghét 500 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 5 lao động thường xuyên, từ 15 - 20 lao động thời vụ. Đầu năm 2016, Tươi đã chuyển hơn 1.500 m2 ruộng mía sâu bệnh, kém hiệu quả sang trồng gấc.
Có kiến thức, quyết tâm và tinh thần vượt khó, Bùi Văn Tươi trở thành tấm gương sáng về làm kinh tế giỏi. Chàng thủ lĩnh Đoàn thế hệ 8X đã và đang truyền lửa làm giàu cho không chỉ ĐV-TN trong xã. Với vườn cây trái được đầu tư, chăm sóc bài bản, trang trại của anh luôn là điểm đến tham quan, học hỏi của đông đảo thanh niên trong và ngoài xã.
Từ Bí thư Đoàn đến Giám đốc HTX
Xuất phát từ thực tế quy mô sản xuất của phần lớn nông dân trong xã còn manh mún; bà con gặp khó khăn về giá, chất lượng hàng hóa trong lựa chọn cây, con giống, vật tư nông nghiệp… năm 2011, Tươi đứng ra vận động thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp xã Dũng Phong (Cao Phong) và trở thành Chủ nhiệm (sau này là giám đốc) khi mới 25 tuổi. Anh Tươi chia sẻ: Ngay khi vận động thành lập HTX, một nguyên tắc chung đã được đưa ra: Cái gì HTX làm có lợi hơn hoặc các thành viên không thể làm thì HTX làm. Nguyên tắc này vẫn được duy trì cho đến nay. Dẫn chứng cụ thể nhất là việc để tránh thành viên mua phải hàng kém chất lượng, giá thành cao, Ban quản trị HTX đến tận xí nghiệp, nhà máy sản xuất hoặc đại lý cấp 1 đặt mua. Nhờ đó, nhiều năm nay, hàng cung ứng cho các thành viên luôn đảm bảo về chất lượng, giá thành. Bên cạnh đó, do mua thức ăn, thuốc BVTV với số lượng lớn, HTX đã đặt điều kiện với các công ty đầu mối tổ chức tập huấn tiến bộ KH-KT cho các thành viên. Nhờ đó, họ được tập huấn kịp thời về kiến thức, kỹ năng. Lợi ích này, nếu không có HTX, các hộ cá thể khó thực hiện được.
Không dừng lại việc cung ứng trong phạm vi nội bộ, Tươi vận động các hội viên chuyển đổi mô hình, đa dạng các hoạt động sản xuất, kinh doanh như mở rộng dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp, dịch vụ thủy lợi, vệ sinh môi trường, tín dụng nội bộ, quản lý chợ và các dịch vụ phúc lợi trong xã theo Luật HTX sửa đổi. Sáng tạo trong quản lý, điều hành, đa dạng hóa các ngành nghề, dịch vụ, doanh thu của HTX dịch vụ nông nghiệp xã Dũng Phong không ngừng tăng trưởng. Năm 2015, tổng doanh thu từ các dịch vụ đạt hơn 1,1 tỷ đồng và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong năm nay.
Là Bí thư Đoàn, Giám đốc HTX khởi nghiệp từ bàn tay trắng, Bùi Văn Tươi đã tạo động lực, hỗ trợ và giúp đỡ hàng trăm thanh niên lập nghiệp, làm giàu trên quê hương Dũng Phong. Với những thành thích đạt được, anh vinh dự được T.ư Đoàn trao tặng giải thưởng Lương Định Của năm 2016 cho nhà nông trẻ xuất sắc.
Hải Yến
(HBĐT) - Nhằm tạo ra những sản phẩm nông nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế, sau một thời gian tìm hiểu về kỹ thuật trồng măng tây xanh ở một số nơi và nhận thấy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, tháng 6/2015, gia đình anh Bùi Văn Nghĩa, xóm Bôi Cả, xã Nam Thượng (Kim Bôi) đã chuyển 1 ha đất trồng màu cho năng suất thấp sang trồng măng tây.
(HBĐT) - Sau khi học xong Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, bác sỹ Vũ Công Phú về công tác tại Khoa Đông y, Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Lạc. Qua quá trình làm việc anh khám phá ra người Mường ở đây có rất nhiều bài thuốc gia truyền chữa được những bệnh mà thuốc tây y không chữa dứt điểm được. Đặc biệt là những cây thuốc nam có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh ung thư và khối u. Anh sưu tầm bài thuốc dân gian từ các bà mế, tìm hiểu kỹ tác dụng những cây thuốc họ sử dụng để hỗ trợ điều trị.
(HBĐT) - Mỗi chuyên án, phương án đấu tranh chống tội phạm thành công đều có dấu ấn của các chiến sỹ hồ sơ nghiệp vụ và vai trò của nữ cán bộ đơn vị. Là đơn vị đặc thù, thường tiếp xúc hồ sơ, giấy tờ nên phần lớn cán bộ hồ sơ là nữ giới. Vượt lên khó khăn, thử thách, cán bộ, hội viên Phòng Hồ sơ nghiệp vụ khẳng định là lực lượng nòng cốt trong hoạt động nghiệp vụ chung của lực lượng công an tỉnh. Nữ cán bộ hồ sơ âm thầm góp sức làm nên các chiến công, góp phần trả lại công bằng, nghiêm minh của pháp luật.
(HBĐT) - Anh Đỗ Quốc Hương, xóm Mỹ Tân, xã Tân Thành (Lương Sơn) được mọi người biết đến là Chủ tịch Hội làm vườn của xã và điển hình trong phong trào SX -KD giỏi. Với diện tích 1 ha, anh đã xây dựng trang trại VAC (vườn - ao - chuồng), mỗi năm cho lãi 300 triệu đồng.
(HBĐT) - Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về bà Lường Thị Quý (ảnh) - Bí thư chi bộ tiểu khu Liên Phương, thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) là sự giản dị, cởi mở, chân thành và gần gũi. Nhân cách ấy không chỉ được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày mà luôn là điều mà đội ngũ đảng viên và nhân dân ở tiểu khu Liên Phương ghi nhận, đánh giá cao trong từng hành động, việc làm của bà.
(HBĐT) - Ở một nơi giữa đại ngàn vùng cao huyện Đà Bắc, có một nông dân người dân tộc Tày trải qua nhiều năm phấn đấu đã có trong tay “cơ nghiệp” đáng ngưỡng mộ. Anh là Lường Văn Sương, sinh năm 1972 ở xóm Nà Lốc, xã Đồng Chum. Gia sản của anh hiện có 165 ha đất, một đàn gia súc lên tới 135 con bao gồm cả trâu và bò, hiệu quả kinh tế bình quân mỗi năm đạt 1,2 tỷ đồng.