(HBĐT) - Khu đất rộng hơn 300 m2 ở xóm Vãng, thị trấn Mai Châu (Mai Châu) được cán bộ người dân tộc Mông Sùng A Chênh, hiện là Chủ tịch Hội Nông dân huyện mua lại từ năm 2005, 2006. Năm 2007, anh cất một ngôi nhà nhỏ để tiện cho việc công tác dưới huyện. Kế bên, anh xây dãy nhà trọ gồm 7 phòng với khu nấu ăn riêng, nhà vệ sinh khép kín. Nhiều người nghĩ anh làm thế để kinh doanh, song kỳ thực không phải vậy.


Anh Sùng A Chênh kiểm tra con em người Mông tự giác học hành, tự quản khi trọ học xa nhà.

Nơi níu chân con em người Mông học thêm con chữ

Lâu nay, trẻ em người Mông 2 xã Hang Kia, Pà Cò chỉ thuận lợi học đến THCS vì có các trường, chi trường ở gần nhà. Muốn học lên THPT, các em phải về trường huyện cách nhà vài ba chục cây số. Xa xôi cách trở, điều kiện sinh hoạt ăn ở thiệt thòi, vất vả chính là lý do mà trẻ em người Mông về huyện học không nhiều. Một số em theo học một thời gian thì bỏ về vì không chịu được cảnh thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần lúc xa nhà.

Nỗi niềm của bọn trẻ cũng là trăn trở của anh Sùng A Chênh bằng cách này hay cách khác động viên tinh thần, níu giữ con trẻ ở lại trường huyện, kiên trì học thêm con chữ giúp ích cho cuộc sống về sau. Hơn 10 năm qua, xây nhà trọ, đón con em người dân tộc mình về ở miễn phí là cách mà anh Sùng A Chênh bền bỉ, âm thầm thực hiện giúp con em yên tâm, vơi đi khó khăn trong hoàn cảnh học xa nhà.
Có vị trí gần trường PTDTNT huyện, dãy nhà trọ gồm 7 phòng, điều kiện ăn, ở, sinh hoạt tương đối tốt. Tại chốn đi về này, chủ nhà trọ là anh Sùng A Chênh tiếp nhận con em người dân tộc Mông thuộc 2 xã Hang Kia, Pà Cò về đây trọ học, quy định 2 - 3 em ở chung một phòng. Anh Chênh cho biết, bọn trẻ ở đây không phải thuê tiền phòng. Điện, nước dùng hết bao nhiêu trả bấy nhiêu. Có những cháu được anh giúp luôn cả chi phí điện, nước hoặc chỉ phải trả 50%. Hàng năm, các cháu đến ở miễn phí có thể hỗ trợ chủ nhà một phần nhỏ để sửa sang nơi trọ nhưng quan điểm của anh Chênh là tùy các cháu đóng góp, anh không đưa ra mức cụ thể nào.

Thay các bậc phụ huynh quán xuyến con em

Với lũ trẻ chân ướt, chân ráo từ các xóm, bản người Mông xa xôi về trường học, chuyện học hành, ăn ở, sinh hoạt năm đầu cấp khá nhiều bỡ ngỡ. Đã tiếp nhận các cháu, anh Sùng A Chênh lo thêm phần trách nhiệm quán xuyến con em trong thời gian theo học xa nhà.

Để làm được điều đó, anh Chênh xây dựng thời gian biểu cho từng ngày, từng tuần, từng kỳ học, năm học. Ngoài học tập trên lớp,  việc học ở nhà, giờ giấc sinh hoạt từ nấu ăn, nghỉ trưa, ôn bài của các em đều quy định cụ thể. Bên cạnh đó, anh chia ra các nhóm lớp lớn, lớp dưới, giao nhiệm vụ cho nhóm lớp lớn quản việc học tập, sinh hoạt ở nhà của nhóm lớp dưới. Anh cũng luôn gần gũi, bảo ban con em trong việc học, nắm bắt tâm tư, tình cảm để động viên kịp thời. Quá trình học tập, sinh hoạt có gì khó khăn, khúc mắc, anh quan tâm động viên, chia sẻ, giúp đỡ cũng như tạo mọi điều kiện. Việc học, ăn ở của con em cũng được anh kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên, không để các bậc cha mẹ phải lo lắng.

Vì tương lai trẻ em người Mông sáng lạn hơn

Sinh năm 1979, anh Sùng A Chênh là một trong số ít con em người Mông học lên đại học, sau đó về công tác tại Trạm KN - KL huyện rồi làm Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy Mai Châu. Tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2018 - 2023, anh được bầu là Chủ tịch Hội Nông dân huyện. Anh Chênh tâm niệm giúp đỡ, hỗ trợ con cháu học tập vươn lên hoàn cảnh là việc nên làm vì đồng bào người Mông, vì tương lai của con em mai sau sáng lạn hơn.

Cho tới nay, khu nhà trọ miễn phí của anh Sùng A Chênh đã đón nhận gần 200 trăm lượt con em người Mông từ 2 xã vùng cao Hang Kia, Pà Cò về học trường huyện. Hơn 10 năm qua, khu trọ duy trì nề nếp, không xảy ra vấn đề gì ngoài ý muốn. Con em người Mông ở khu trọ đều tốt nghiệp THPT, không có trường hợp bỏ học giữa chừng. 1/3 em sau tốt nghiệp đã theo học các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học hoặc đi lao động xuất khẩu như trường hợp em Sùng A Thông ở xóm Chà Đáy, xã Pà Cò...  


Bùi Minh


Các tin khác


Nữ bác sỹ tâm huyết với nghề

Từ một y sĩ khi mới bước vào nghề, trải qua 30 năm rèn luyện, phấn đấu không ngừng nghỉ, bác sỹ Trần Thị Hường, Trạm trưởng Trạm y tế xã Đú Sáng (Kim Bôi) luôn nỗ lực nâng cao chuyên môn, trau dồi kiến thức, tận tâm với công việc, hết lòng vì người bệnh.

Người bảo tồn đặc sản trên rừng

Sinh ra và lớn lên ở xã Thung Nai, huyện Cao Phong, anh Bùi Văn Huyển gắn bó với rừng. Ngày bé anh đã biết đến con don. Đây là động vật đặc sản sống trong hang đá, có giá trị kinh tế cao, thịt của chúng thơm ngon, bổ dưỡng. Mỗi lần bắt được chúng phải rất kỳ công. Sau thời gian, số lượng don tự nhiên ngày một ít đi. Trong khi đó, nhu cầu của các nhà hàng về loài này rất lớn nhưng việc săn bắt ngoài tự nhiên là phạm pháp.

Hội viên nông dân 8X sản xuất, kinh doanh giỏi

Với sự cố gắng, nỗ lực, anh Đinh Văn Tằng, sinh năm 1984, hội viên nông dân xóm Vố Dấp, xã Hữu Lợi, huyện Yên Thủy không ngừng tìm tòi, học hỏi, mạnh dạn mở xưởng đóng gỗ pallet, từ đó phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm cho 20 lao động địa phương. Năm 2023, anh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen hộ sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2021 - 2023.

Anh Bùi Văn Tiến làm giàu nhờ mô hình nuôi bò thịt

Sau khi tham quan, học tập một số mô hình chăn nuôi ở các địa phương, kết hợp tìm hiểu thông tin trên sách, báo, internet, anh Bùi Văn Tiến, thôn Liên Phú, xã Thống Nhất (Lạc Thủy) quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi bò thịt, đem lại thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

Nữ Bí thư Đoàn năng động, sáng tạo

Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia công tác đoàn và được tín nhiệm ở chức danh Bí thư Đoàn Thanh niên huyện Lạc Sơn, chị Phan Thị Hồng Vân (sinh năm 1994) luôn năng động, sáng tạo triển khai nhiều phần việc hữu ích cho cộng đồng, thu hút được đông đảo đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) hưởng ứng. Những đóng góp tích cực đó đã được các cấp ghi nhận, cuối năm 2023, chị Phan Thị Hồng Vân vinh dự được Hội LHTN Việt Nam trao giải thưởng "15 tháng 10”.

Gương sáng bảo tồn di sản văn hoá dân tộc

Từ niềm đam mê với nghệ thuật dân tộc, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Mạnh Tuấn ở khu Vôi, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thuỷ) đã và đang dành tình yêu, tâm huyết để bảo tồn di sản văn hoá dân tộc, xây dựng nên không gian văn hoá Mường quý giá với trên 2.000 sản phẩm - là những vật dụng trong đời sống của đồng bào dân tộc Mường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục