Anh Dương Ngọc Chiến nâng niu chiếc đèn chuyên dụng đã theo anh đi khắp ngõ ngách trong hang động.

Anh Dương Ngọc Chiến nâng niu chiếc đèn chuyên dụng đã theo anh đi khắp ngõ ngách trong hang động.

(HBĐT) - Nhanh nhẹn, nhiệt tình và cẩn trọng, đó là những điều mà chúng tôi cảm nhận được ở anh, người đàn ông thích phiêu lưu, mạo hiểm. Anh là Dương Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cao Phong (Cao Phong), người đã có công phát hiện ra quần thể hang động thiên nhiên kỳ thú mà bất cứ ai cũng phải trầm trồ, xuýt xoa sau một lần đến.

 

Đây là Thạch Động Hoa Sơn, hang có chiều sâu khoảng 30 m và dài khoảng từ 600-700m. Hang được chia thành 3 khoang lớn gồm 2 tầng và nhiều ngách nhỏ. Trong hang ẩn chứa hàng ngàn vạn nhũ đá được thiên nhiên kiến tạo từ hàng ngàn năm “Đẹp lắm! Mê lắm! Các bác, các anh, các chị thử một lần mạo hiểm để chiêm ngưỡng” - Với chất giọng trầm, chắc, gương mặt tươi vui, hóm hỉnh của anh đã giúp chúng tôi cảm thấy an lòng khoác lên bộ trang phục của lực lượng dân quân - tự vệ, thắt dây an toàn lần theo từng nấc thang dây để tiếp đất tham quan hang động. Chiếc đèn pin chuyên dụng đeo trên trán, phía sau lưng anh đeo ba lô đựng nước và các phụ kiện gồm: đèn, dây thừng, dao và cả thuốc men..., vậy mà anh vẫn bước đi thoăn thoắt như đã quen với vị trí từng viên đá cuội trong hang. Vừa hướng dẫn mọi người định hướng đường đi, anh vừa giới thiệu: Đây là hình ảnh con rùa, kia là “quan thế âm bồ tát”, góc đó là chiếc lọng vàng của vua chúa... Tất nhiên chỉ là theo tưởng tượng nhưng nhìn vào đó, mọi người đều thấy hợp lý.

 

      

Quần thể hang động thị trấn Cao Phong có nhiều hang nước xuyên qua lòng núi đá với cảnh sắc kỳ vĩ nên thơ.         

 

Để làm tốt vai trò của người hướng dẫn viên du lịch chắc hẳn anh phải “thăm hang” nhiều lần lắm? Nhiều người đặt ra câu hỏi như vậy. Anh cười: - Đúng vậy! Mình tuổi Dần (sinh năm 1962). Các cụ bảo nam tuổi Dần thích phiêu lưu, khám phá... Không hiểu có đúng như vậy không nhưng đúng là mình có tính hiếu kỳ từ nhỏ. Mình và những người bạn phát hiện ra quần thể hang động này cũng bắt nguồn từ tính hiếu kỳ, đam mê khám phá đó.

 

Gặp lại anh sau chuyến đi “mạo hiểm” đó, chúng tôi được nghe anh kể tường tận về niềm đam mê khám phá hang động của mình. Anh Chiến sinh ra và lớn lên ở thị trấn Cao Phong. Ngôi nhà nhỏ của gia đình anh nằm ngay dưới chân núi Đầu Rồng (dãy núi đá chứa đựng nhiều điều huyền bí). Thuở nhỏ, cùng các bạn đi chặt củi, hái rau rừng, anh đã để ý có một nhóm người Tàu đến nghiên cứu, tìm hiểu và lấy đi những thứ đồ đồng, đồ gốm để mang tới nơi nào đó và làm gì anh không biết. Sau này, nghe bác hàng xóm kể lại bác đã từng nhặt được hàng gánh đồng tiền xu ở ngay dưới chân núi này mà chẳng biết gốc gác những đồng xu ấy từ đâu mà có. Trong ý nghĩ non nớt của một đứa trẻ, anh đã sớm nhận ra rằng, trong dãy núi đá vôi kia không chỉ có đất, đá, cây rừng và muông thú mà còn có nhiều điều bí ẩn khác nữa. Biết vậy nhưng thời đó, cây cối còn um tùm, dù có thích thú đến mấy, lũ trẻ cũng không thể đi đến từng ngõ ngách ở tận lưng chừng núi để thám hiểm. Đến tuổi trưởng thành, anh lên đường nhập ngũ làm nghĩa vụ quân sự. Những năm tháng ở trong quân ngũ, anh rất thích tham gia các buổi dã ngoại băng rừng, vượt núi để hoà mình cùng thiên nhiên. Khi đã phục viên trở về nhà, niềm đam mê khám phá thiên nhiên của anh lại trỗi dậy. Anh cùng người cháu họ là Hoàng Văn Bình dành mỗi tuần một buổi vào thứ bảy hoặc chủ nhật để leo núi. Hai người cứ lầm lũi chặt cây rừng    để tìm đường đi. Trong những chuyến đi đó, các anh đã phát hiện có nhiều vật thể lạ là những chiếc dao, kéo, rìu, rựa nhỏ xíu bằng đồng đỏ. Anh đem về ngắm nghía và mường tượng: điều bí ẩn vẫn quanh quẩn ở đâu đây.

 

Để thoả chí tò mò, anh tiếp tục đi tìm cho đến khi phát hiện một, hai rồi đến hàng chục miệng hang lớn bé được bao phủ bằng cây cỏ, dây rừng. Vốn đã có nghề “đi rừng” và tính thích phiêu lưu, mạo hiểm, anh không ngần ngại cắt dây rừng làm dây bảo hiểm, lấy dây cao su, săm, lốp xe cũ để làm đuốc thám hiểm lòng hang. Không thông thuộc kỹ về địa lý, khí tượng - thuỷ văn,  cũng không rành lắm về khảo cổ nhưng vì đi nhiều, anh đã đúc rút được kinh nghiệm. Lên núi vào mùa đông hễ nhìn chỗ nào khói bốc lên nghi ngút là ở đó có nước. Lần lượt đi hết hang này đến hang khác, anh và những người bạn của mình đã thống kê được có khoảng 11 hang động (cả hang nước và hang cạn). Trong đó có 4 hang to, đẹp nhất với tầng tầng, lớp lớp nhũ đá màu sắc lóng lánh đẹp mắt. Bước vào hang, nếu chịu khó tưởng tượng, người xem có thể hình dung ra muôn vạn vật kỳ thú xung quanh mình. Có hình trông như muông thú đang đùa giỡn hay rình mồi, có hình giống như nàng tiên đang bay về trời, những viên đá cuội nhỏ do những giọt nước chảy tạo thành hình thù giống như một giỏ trứng khủng long, thêm vũng nước nhỏ trong vắt, dãy nhũ đá tạo thành những thảm san hô rực rỡ như dưới lòng đại dương...

 

Giữ cho mạch cảm xúc tuôn trào, anh kể: Xuống các hang cạn còn sợ rắn rết chứ đi sâu vào các hang nước thú vị lắm, tôi không phải là nhà văn nên nghĩ không ngòi bút nào có thể tả nổi. Trong những chuyến đi đánh cá, chúng tôi phát hiện ra một chiếc hang rộng được tạo thành từ một dòng suối chảy xuyên qua lòng núi mà sau này chúng tôi tạm đặt tên gọi là hang Lưu Thuỷ Phong. Hang có chiều dài khoảng từ 600- 800m, có chỗ nước sâu tới 14 m. Càng đi vào sâu bên trong vòm hang càng mở rộng, bơi thuyền thong thả trên mặt nước có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền bí được tạo thành từ những tầng nhũ đá. Do chưa có bàn tay con người tác động nên hang có nhiều dơi, có tiếng động chúng bay loạn xạ đen kịt cả khoảng không gian trên mặt nước.

 

Phát hiện ra những hang động, cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú, anh và những người bạn có cùng sở thích đã thường xuyên ngồi đàm đạo, bình phẩm, đặt cho mỗi hang động những cái tên mỹ miều hợp với cảnh sắc, không gian. Sau những chuyến đi khai phá, mở đường của các anh có thêm nhiều thanh niên khác cũng nổi hứng du lịch khám phá. Không chỉ đến chiêm ngưỡng, khi về, họ còn mang theo cả những viên đá cuội, những chùm hoa đá mà có lẽ quá trình kiến tạo của thiên nhiên cũng phải mất tới hàng trăm, hàng nghìn năm mới có được. Sợ rằng món quà quý giá của thiên nhiên ban tặng sẽ bị chính con người phá hoại, các anh đã báo cáo với địa phương để có hướng quản lý, bảo vệ. Năm 2009, ý kiến, nguyện vọng của các anh được Huyện ủy, UBND, các ban, ngành của huyện quan tâm. Ngay trong năm vừa qua, huyện Cao Phong đã thành lập một đoàn khảo sát quần thể hang động, tiếp đó giao cho Đài TT-TH huyện phối hợp với Phòng Văn hóa- thông tin ghi hình để làm tư liệu phục vụ cho tuyên truyền, quảng bá. Từ khi nguồn thông tin thị trấn Cao Phong có một quần thể hang động tuyệt đẹp được huyện, tỉnh quan tâm, cái tên  Dương Ngọc Chiến cũng thường xuyên được nhắc đến. Có bao nhiêu đoàn đi khảo sát, anh đều có mặt với vai trò là người chỉ dẫn và bảo đảm an toàn cho những chuyến đi. Không phải là cán bộ văn hóa, cũng không phải là phóng viên quay phim, nhiếp ảnh gia hay là hướng dẫn viên du lịch... nhưng anh có mặt trong hầu hết các cảnh quay về quần thể hang động. Điều đặc biệt là trong tất cả những chuyến đi ấy, dù vất vả, khó nhọc, thậm chí là nguy hiểm nhưng gương mặt anh lúc nào cũng tươi vui. Anh tâm sự:  Vui và tự hào khi được đưa các đoàn khách đến thăm quan, khảo sát. Giờ đây, tôi đã thực sự thấy yên tâm, tin tưởng rằng quần thể hang động sẽ được bảo vệ và có thể sẽ được huyện, tỉnh quy hoạch để đưa vào khai thác phục vụ cho hoạt động du lịch trong nay mai.

 

Là người năng nổ, nhiệt tình, có trách nhiệm trong công việc, anh luôn được cấp ủy, chính quyền và nhân dân nơi cư trú tin tưởng. Anh đã tham gia công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau: làm cán bộ Đoàn thanh niên của thị trấn, tham gia hội thẩm nhân dân huyện Kỳ Sơn, Cao Phong, làm Bí thư chi bộ khu 3, thị trấn Cao Phong... và nay là Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cao Phong. Trong nếp nhà xinh xắn, anh treo trang trọng những tấm bằng khen, giấy khen đã được tặng thưởng trong suốt quá trình công tác nhưng chưa có tấm giấy khen nào biểu dương những nỗ lực của anh trong  khám phá ra quần thể hang động. Hiểu được những thắc mắc và ánh mắt nơi chúng tôi anh nở nụ cười hiền: Tôi đi tìm hang động tất cả vì niềm đam mê khám phá cái hay, cái đẹp  và những điều mới mẻ. Cái đẹp phải có nhiều người được thưởng thức mới cảm nhận hết giá trị của nó. Tôi đã làm được điều đó và cảm thấy vui vì chính sự đam mê của mình  đã góp phần làm cho cuộc sống thêm nhiều ý nghĩa.

 

 

 

                                                                                       Thúy Hằng

 

 

 

 

Các tin khác


Bí thư chi đoàn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nuôi cá lồng

Qua tìm hiểu, anh Nguyễn Văn Lân, Bí thư chi đoàn tổ Vôi, phường Thái Bình, TP Hòa Bình đã tận dụng điều kiện tự nhiên sẵn có của quê hương, mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình, trở thành tấm gương sáng về khởi nghiệp của thanh niên trên địa bàn.

Thoát nghèo từ mô hình nuôi ong và trồng bưởi đỏ

Tận dụng lợi thế đồi rừng, những năm qua, nông dân xã Tử Nê, huyện Tân Lạc đẩy mạnh phát triển kinh tế, trong đó có nghề nuôi ong lấy mật mang lại hiệu quả cao. Tiêu biểu là gia đình anh Bùi Văn Liêm ở xóm Cú. Với ưu thế nhà gần rừng có nhiều loại cây và các loại hoa rừng, tốt cho việc nuôi ong, anh Liêm đã tìm tòi, học hỏi qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hộ nuôi ong trong vùng, từ đó đầu tư trên 50 tổ ong nuôi lấy mật.

Khởi nghiệp từ đặc sản quê hương

Nhận thấy quê hương có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, anh Hà Công Hưng, Phó Bí thư Đoàn xã Mai Hịch (Mai Châu) bắt tay vào làm sản phẩm thịt gác bếp với mong muốn mang đặc sản của quê hương đến với du khách trong nước và quốc tế.

Bùi Đình Văn - gương sáng phát triển kinh tế

Trong những năm qua, phong trào đoàn viên, thanh niên vượt khó làm kinh tế được tuổi trẻ xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc tích cực hưởng ứng. Ngày càng có nhiều đoàn viên, thanh niên bằng khát vọng vươn lên làm giàu, dám nghĩ, dám làm đi lên từ hai bàn tay trắng để trở thành những thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi của huyện.

Người phát triển nghề mây tre đan trên quê hương Mường Động

Từ một phụ nữ thuần nông, chị Nguyễn Thị Nhung ở xóm Quê Rù, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) mạnh dạn về xuôi tìm hiểu và theo học làm mây tre đan với mong muốn chuyển đổi nghề, từng bước cải thiện sinh kế. Sau nhiều nỗ lực, chị trở thành người có tay nghề vững, được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện mời về làm giáo viên thỉnh giảng. Quá trình giảng dạy chị vừa truyền nghề, vừa đứng ra làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho học viên.

Người phụ nữ giàu lòng nhân ái

Bà Nguyễn Thị Nụ ở tiểu khu Thạch Lý, thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) được biết đến là người phụ nữ giản dị, giàu lòng nhân ái. Mặc dù kinh tế gia đình không dư giả nhưng với gần 10 năm làm công tác thiện nguyện cũng đủ nói lên tấm lòng nhân ái, sống có trách nhiệm, biết sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn của bà.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục