(HBĐT) - Chiếc xe máy cùng tôi leo ngược con dốc dài quanh co để đến trang trại chăn nuôi của anh Trịnh Văn Yên (ảnh). Hai bên đường đi qua là những đồi cây keo thẳng tắp, vươn cao làm cho con đường vào trang trại quanh năm mát mẻ. Cách đây 6 năm, những quả đồi ở khu 3, thị trấn Kỳ Sơn (Kỳ Sơn) còn hoang sơ. Từ năm 2006 có bàn tay của vợ chồng anh Trịnh Văn Yên, cây keo đã phủ xanh đồi trống. Gần tới trang trại, tôi có cảm giác mình đang đi trên đồi thông Đà Lạt. Gió ở mặt hồ cá thổi nhẹ làm sóng sánh bóng cây in đáy nước. Tôi mơ màng gặp hương rừng cùng hoa nắng tháng tư đan lên cành lá, tiếng đôi chim sâu lích chích cho tôi nhận ra mình đã đến trung tâm trang trại Trịnh Văn Yên.

 

Tôi chăm chú nhìn nhà sàn nhỏ nằm cạnh vách rừng keo. Hai thanh niên mặc áo màu xanh ngồi  cầu thang giằng nhau bọng mật ong rừng cười. Tôi đến gần hai thanh niên hỏi chuyện mới biết Yên đang mở rộng trang trại với 20 ha rừng ở xóm Văn Tiến để có thêm diện tích nuôi lợn rừng. Hai thanh niên người tên là Nguyên, người tên là Thanh. Nguyên mời tôi lên nhà uống nước. Biết tôi cần tìm hiểu trang trại để viết bài, Nguyên nói: Bác thông cảm, nhà chúng cháu nửa ăn ngủ, nửa để ngô sắn, bí làm thức ăn chăn nuôi. Bác muốn hỏi gì về sản xuất, chăn nuôi, chúng cháu nói thay cho anh Yên cũng được. Câu chuyện của Nguyên và Thanh kể thật hấp dẫn:

 

- Trang trại của vợ chồng anh Yên chủ yếu là nuôi cá, chăn thả lợn rừng, tiền lãi từ chăn nuôi, anh chị Yên dùng vào việc trả công trồng keo, mỗi năm cây keo thêm lớn, diện tích cũng rộng ra. Giúp việc cho anh Yên có 30 người, mức lương thấp nhất cho một người trên tháng là 3 triệu đồng, người có kỹ thuật chăn nuôi, trồng rừng được hưởng mức 4 triệu đồng/tháng. Những người giúp việc đều có hoàn cảnh khó khăn, anh Nguyễn Thanh quê ở Thung Nai (Cao Phong) được anh Yên nhận cho làm việc để lấy tiền nuôi em đi ăn học trung cấp ở tỉnh, anh Vũ Điệp xóm Đễnh, xã Dân Hoà có mái nhà tranh quanh năm dột nát, đi làm dành dụm tiền 6 năm nay đã có nhà xây, mua được xe máy. Bác Leo vay ngân hàng 30 triệu đồng chưa có khả năng trả, anh Yên đã cho mượn 30 triệu để bác Leo trả ngân hàng, việc trợ giúp này đã tạo cho bác Leo yên tâm giúp việc. Ngoài lương, mọi người giúp việc được ăn cơm hai bữa, thức ăn có thịt lợn, cá, rau xanh do chính bàn tay công nhân trang trại sản xuất được, nếu công nhân bị bệnh, anh Yên quan tâm đưa đi chữa trị, nhà ai khó khăn đều được anh giúp đỡ.

 

Chuyện đang vui, anh Yên, chủ trang trại bước lên nhà, mặt Yên hơi đỏ vì nắng hè. Yên cười tươi chìa bàn tay chai sạn bắt tay tôi. Yên phân trần: được biết anh xuống thăm trang trại, tôi sắp xếp xong công việc ở rừng bên, mới về gặp anh được. Vậy anh cùng tôi đi thăm khu chăn nuôi trước nhé.

 

Khu chăn nuôi lợn rừng của Yên rộng 10 ha được bao quanh bằng tấm lợp plôximăng, cách nhau 200 mét có một chuồng trại để khi trời mưa, gió đàn lợn vào nghỉ. Lợn nuôi phần lớn là giống lợn địa phương thuần chủng, ăn rau, cây chuối, cám ngô, cắm sắn do trang trại sản xuất. Những con lợn trong thời kỳ sinh sản được nhốt trong chuồng, chăm sóc mức ăn khá hơn. Hiện tại, lợn ở trang trại có 150 con. Theo anh Yên, số lợn địa phương lai lợn nòi, mỗi năm lợn sinh sản được 490 con. Lợn được 15 - 16 cân đã có khách đến mua, giá mỗi cân lợn hơi bán ra 170.000 đồng, dịp Tết không đủ mà bán. Biết tôi muốn được xem hồ cá đập Công Tranh có diện tích 10.000 m2, Yên mời tôi đi xem. Đến đập, nhìn về phía cuối mặt hồ, Yên kể: - Năm 2006, tôi được đấu thầu hồ này, HTX Đoàn Kết đã tạo cho tôi nuôi cá trắm, chép nhưng năm đầu bị thất bại, mùa lũ, đập bị vỡ, nước tràn, cá trôi hết thế là tôi mất trắng. Tôi quyết định đi thăm quan học hỏi kinh nghiệm mô hình sản xuất ở Sơn Tây. Tôi nhờ bổ sung vốn của mọi người giúp đỡ, rút kinh nghiệm năm sau tôi xây dựng đập kiên cố hơn, có cống, có lưới sắt, vụ năm ấy, tôi thu lãi 80 triệu đồng. Từ năm 2007 đến nay, tôi mở rộng đấu thầu ao cá của các hộ, diện tích nuôi cá năm 2012 đã lên tới 50.000 m2, mỗi năm trừ chi phí, tôi có lãi 200 triệu đồng từ nuôi cá, thu từ các cây sắn, ngô, nuôi nhím hơn 100 triệu đồng. ở tuổi 48, trông Yên già hơn những người cùng tuổi, có lẽ vì cuộc đời của Trịnh Văn Yên  quá nhiều nắng gió. Ngược dòng thời gian cùng Yên trở về năm 1999, năm mà Yên cùng các đồng phạm chặt phá rừng, buôn gỗ lậu, anh bị lãnh án tù 10 năm tại trại Ba Sao- Kim Bảng - Hà Nam. Biết hối cải, phấn đấu tốt, đến tháng 2/2005, Yên được đặc xá. Nhớ về thời gian ở trại giam, ngồi nhìn qua cửa sổ thấy cây bạch đàn mỗi ngày mỗi lớn, khi vào trại, cây mới cao nửa mét, sau bảy năm ở trại, lúc chia tay, cây bạch đàn, Yên ôm cây rưng rưng nước mắt nói thầm với cây - Quê hương tôi ngày một giàu đẹp, tôi sẽ trồng cây để trả món nợ mà tôi đã gây ra. Về khu 2, thị trấn Kỳ Sơn, những ngày đầu, Yên phải ngủ nhờ ngoài hiên nhà một người bạn cũ , Yên tìm được mảnh đất nhỏ chân đồi làm lán. Yên ở nửa lán, còn nửa lán dành nuôi lợn, hàng ngày, anh cùng chiếc xe đạp cọc cạch đi trồng rau, trồng sắn để lấy thức ăn cho lợn.

 

Thương chàng trai ở tù về chịu thương, chịu khó, cô hàng xóm Vũ Thị Ngần đã nhận lời lấy Yên làm chồng. Yên nhớ câu các cụ nói:  Thuận vợ, thuận chồng tát bể Đông cũng cạn, nhớ lời Bác Hồ dạy: “Người siêng năng thì mau tiến bộ, cả nhà siêng năng thì chắc no ấm. Yên làm dự án nuôi cá, trồng cây phủ xanh đất trống, được chính quyền địa phương ủng hộ dự án, được ngân hàng chiếu cố đối tượng nghèo vượt khó, Yên vay 30 triệu đồng. Rồi đã đến những năm tháng đẹp, bước ngoặt cuộc đời của đôi vợ chồng chịu thương, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, có lãi từ vụ cá thứ hai, vợ chồng Yên đã mở rộng những cánh rừng cho màu xanh vươn xa. Yên mua được máy phun thuốc diệt cỏ, máy phát cỏ, máy phát điện, vợ chồng Yên đấu thầu 6 ha rừng của lâm nghiệp Kỳ Sơn, sau đó anh trồng 30 ha ở khu 2, khu 3, thị trấn Kỳ Sơn, cây keo trồng lên xanh tốt. Yên thấy rõ thế mạnh của rừng sẽ cho quê hương giàu đẹp. Đến năm nay, trang trại của Yên ở cả huyện Cao Phong và Kỳ Sơn có tổng diện tích 430 ha. Năm nay, Yên xin phép khai thác 30 ha keo 7 năm tuổi, ước tính thu 2 tỷ đồng, số tiền này anh sẽ mở rộng rừng keo.

 

- Biết lấy lãi từ con cá, con lợn để nuôi rừng, biết tạo việc làm cho hộ nghèo, làm đẹp cho màu xanh quê hương, thành công ở mặt trận sản xuất vườn, ao, chuồng. Năm 2009, Trịnh Văn Yên đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích tiêu biểu trong sản xuất, được Bộ NN&PTNT tặng Bằng khen về SX-KD giỏi. Anh là một đại biểu trong 66 đại biểu nông dân toàn quốc dự đại hội thi đua yêu nước NN&PTNT lần thứ 3 giai đoạn 2005- 2010.

 

Khi chia tay, Yên nói với tôi: Con người ta phải có niềm tin, có bản lĩnh vượt khó, đối với người trồng rừng cần phải kiên trì, quyết tâm, rừng sẽ cho chúng ta hiệu quả kinh tế cao sau bảy năm, mười năm và lâu dài.

 

                                                                           Trần Quốc Dũng

 

 

Các tin khác


Nữ bác sỹ tâm huyết với nghề

Từ một y sĩ khi mới bước vào nghề, trải qua 30 năm rèn luyện, phấn đấu không ngừng nghỉ, bác sỹ Trần Thị Hường, Trạm trưởng Trạm y tế xã Đú Sáng (Kim Bôi) luôn nỗ lực nâng cao chuyên môn, trau dồi kiến thức, tận tâm với công việc, hết lòng vì người bệnh.

Người bảo tồn đặc sản trên rừng

Sinh ra và lớn lên ở xã Thung Nai, huyện Cao Phong, anh Bùi Văn Huyển gắn bó với rừng. Ngày bé anh đã biết đến con don. Đây là động vật đặc sản sống trong hang đá, có giá trị kinh tế cao, thịt của chúng thơm ngon, bổ dưỡng. Mỗi lần bắt được chúng phải rất kỳ công. Sau thời gian, số lượng don tự nhiên ngày một ít đi. Trong khi đó, nhu cầu của các nhà hàng về loài này rất lớn nhưng việc săn bắt ngoài tự nhiên là phạm pháp.

Hội viên nông dân 8X sản xuất, kinh doanh giỏi

Với sự cố gắng, nỗ lực, anh Đinh Văn Tằng, sinh năm 1984, hội viên nông dân xóm Vố Dấp, xã Hữu Lợi, huyện Yên Thủy không ngừng tìm tòi, học hỏi, mạnh dạn mở xưởng đóng gỗ pallet, từ đó phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm cho 20 lao động địa phương. Năm 2023, anh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen hộ sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2021 - 2023.

Anh Bùi Văn Tiến làm giàu nhờ mô hình nuôi bò thịt

Sau khi tham quan, học tập một số mô hình chăn nuôi ở các địa phương, kết hợp tìm hiểu thông tin trên sách, báo, internet, anh Bùi Văn Tiến, thôn Liên Phú, xã Thống Nhất (Lạc Thủy) quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi bò thịt, đem lại thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

Nữ Bí thư Đoàn năng động, sáng tạo

Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia công tác đoàn và được tín nhiệm ở chức danh Bí thư Đoàn Thanh niên huyện Lạc Sơn, chị Phan Thị Hồng Vân (sinh năm 1994) luôn năng động, sáng tạo triển khai nhiều phần việc hữu ích cho cộng đồng, thu hút được đông đảo đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) hưởng ứng. Những đóng góp tích cực đó đã được các cấp ghi nhận, cuối năm 2023, chị Phan Thị Hồng Vân vinh dự được Hội LHTN Việt Nam trao giải thưởng "15 tháng 10”.

Gương sáng bảo tồn di sản văn hoá dân tộc

Từ niềm đam mê với nghệ thuật dân tộc, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Mạnh Tuấn ở khu Vôi, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thuỷ) đã và đang dành tình yêu, tâm huyết để bảo tồn di sản văn hoá dân tộc, xây dựng nên không gian văn hoá Mường quý giá với trên 2.000 sản phẩm - là những vật dụng trong đời sống của đồng bào dân tộc Mường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục