Chị Nguyễn Thị Hạnh và những phần thưởng cao quý ghi nhận nỗ lực, những đóng góp của chị cho cộng đồng.

Chị Nguyễn Thị Hạnh và những phần thưởng cao quý ghi nhận nỗ lực, những đóng góp của chị cho cộng đồng.

(HBĐT) - Sau mấy chục năm có lẻ làm công nhân xây dựng, đến bây giờ, khi đã trở thành bà chủ, chị vẫn vui vẻ nhận mình là công nhân. Có điều, “bà công nhân” Nguyễn Thị Hạnh bây giờ đang sở hữu nhiều thứ đáng mơ ước chứ không phải là “cô công nhân” chỉ có hai bàn tay trắng như ngày xưa…

 

35 năm trước, cô sinh viên 19 tuổi mới ra trường đã một thân một mình lên Hòa Bình lập nghiệp. Bươn trải làm ăn nơi đất khách quê người, đôi bàn tay mềm mại của người con gái nhanh chóng trở nên thô ráp khi cả ngày quần quật với bê tông, cát, đá, sỏi, xi măng… Công việc thợ xây vốn nặng nhọc với cả những nam thanh niên mạnh khỏe nhất nhưng chưa bao giờ khiến chị Hạnh cảm thấy nao lòng.  

 

Chị kể: Quê chị ở Thanh Oai, Hà Tây cũ, nay là huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội. Năm 19 tuổi, chị tốt nghiệp trường công nhân kỹ thuật Chúc Sơn, quyết định lên Hòa Bình lập nghiệp, làm việc tại một Công ty xây dựng của Nhà nước. Thân con gái xa nhà lại bươn trải với nghề công nhân xây dựng nên không khó để có thể hình dung những nhọc nhằn mà chị phải đối mặt hồi đó. Ba năm sau, chị lập gia đình. Chồng chị cũng là công nhân với đồng lương eo hẹp như chị.

 

Nhớ lại thời khốn khó, chỉ có hai bàn tay trắng và một bầu nhiệt huyết luôn sục sôi, chị Hạnh cười. Nụ cười của một người đã bản lĩnh vượt qua tất cả những nhọc nhằn của cuộc sống nên đầy sắc sảo và tự tin: Năm 1995, dù không thuộc diện phải về nghỉ 176 nhưng tôi tự nguyện làm đơn xin nghỉ. Lúc bấy giờ, tôi đã 18 năm trong nghề, đang làm tổ trưởng một tổ xây dựng gồm 20 thành viên đều là nữ giới. Chị em trong đội không còn việc làm thì hụt hẫng lắm. So với thời làm công ăn lương, họ đã khổ lại càng khổ hơn. Thế là tôi quyết định xin về 176 để làm cái việc mà hồi đó ít người hình dung đàn bà con gái có thể làm: thành lập một đội chuyên đi đổ bê tông thuê.

 

Đổ bê tông thuê, với thanh niên trai tráng dồi dào sức khỏe, công việc này đã khá nặng nhọc, huống hồ đối với những người phụ nữ chân yếu, tay mềm. Bất chấp điều đó, tổ trưởng Nguyễn Thị Hạnh vẫn hăng hái đi tìm việc để chị em cùng làm. Thời gian đầu rất chật vật khi tìm mối làm ăn vì chẳng mấy chủ nhà tin tưởng vào hiệu quả công việc của một tốp thợ chỉ toàn phụ nữ. Từ khâu vận chuyển đến khâu trộn bê tông và đưa lên đổ mái nhà, khâu nào cũng làm thủ công nên vừa lâu, vừa nặng nhọc. Gần 5 năm trời như thế. Từ việc lớn đến việc bé, từ nhà nhỏ đến nhà to, cứ nơi nào có nhu cầu là chị nhận mà đã nhận là làm hết sức. Kiên nhẫn và lăn lộn với nghề. Dần dần, chị đầu tư mua máy trộn bê tông, máy tời, xe tải vận chuyển nguyên vật liệu... để vừa đỡ mất sức cho chị em, vừa nâng cao hiệu quả công việc. Vì đã gây dựng được nên đội của chị không lúc nào ngơi việc, địa bàn cũng mở rộng ra đến các huyện, không chỉ bó hẹp trong địa bàn thành phố Hòa Bình. Hiện, đội đổ bê tông thuê của chị Hạnh có hơn 50 công nhân đều đặn làm việc theo đơn đặt hàng, thu nhập ổn định giúp cho họ có thể trang trải khá tốt những nhu cầu thiết thân của cuộc sống.

 

“Cơ ngơi này là trái ngọt của cả một đời làm công nhân” – Chị Hạnh vui vẻ nói. Từ hai bàn tay trắng, sau mấy chục năm có lẻ lăn lộn với bê tông, cát, đá, sỏi, xi măng..., giờ đây, khi đã trở thành bà ngoại của mấy đứa cháu nhỏ, chị vẫn tham gia vào công việc mà theo như chị nói - “đã mang lại niềm hạnh phúc lớn lao cho cuộc đời”. Ngoài công việc nhận thầu đổ mái bê tông, chị Hạnh tham công tiếc, việc còn “ôm” thêm nhiều việc khác như làm kinh tế trang trại, kinh doanh bất động sản... Tấm gương dám nghĩ, dám làm của chị Nguyễn Thị Hạnh được nhân dân tổ 8, phường Thái Bình (thành phố Hòa Bình) nhắc đến với niềm thán phục sâu sắc. Những gì chị đang sở hữu là mơ ước lớn lao đối với bất kỳ ai: gia đình hạnh phúc xum vầy, nhà cửa khang trang rộng rãi, công việc làm ăn thuận lợi, đời sống tinh thần phong phú... Đó là giấc mơ vẹn toàn mà chị nhọc công gây dựng từ hai bàn tay trắng. Giấc mơ đó, chị mở rộng lòng mình để chia sẻ với mọi người bằng những hành động cụ thể như tham gia các hoạt động văn hóa – văn nghệ tại KDC, tích cực đóng góp công sức, tiền của cho các chương trình từ thiện hướng tới cộng đồng... Những đóng góp của chị được cộng đồng ghi nhận. Bằng chứng là trong nhiều năm liên tiếp, chị Nguyễn Thị Hạnh luôn được bầu đạt phụ nữ xuất sắc của phường, được tặng giấy khen hộ gia đình có nhiều thành tích trong phong trào thi đua hộ gia đình làm kinh tế giỏi, cùng nhiều giấy khen vinh dự khác như gia đình văn hóa tiêu biểu, giấy khen có nhiều thành tích trong phong trào “toàn dân chăm lo sự nghiệp giáo dục”...

 

 

                                                                             Thu Trang

 

 

Các tin khác


Bí thư chi đoàn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nuôi cá lồng

Qua tìm hiểu, anh Nguyễn Văn Lân, Bí thư chi đoàn tổ Vôi, phường Thái Bình, TP Hòa Bình đã tận dụng điều kiện tự nhiên sẵn có của quê hương, mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình, trở thành tấm gương sáng về khởi nghiệp của thanh niên trên địa bàn.

Thoát nghèo từ mô hình nuôi ong và trồng bưởi đỏ

Tận dụng lợi thế đồi rừng, những năm qua, nông dân xã Tử Nê, huyện Tân Lạc đẩy mạnh phát triển kinh tế, trong đó có nghề nuôi ong lấy mật mang lại hiệu quả cao. Tiêu biểu là gia đình anh Bùi Văn Liêm ở xóm Cú. Với ưu thế nhà gần rừng có nhiều loại cây và các loại hoa rừng, tốt cho việc nuôi ong, anh Liêm đã tìm tòi, học hỏi qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hộ nuôi ong trong vùng, từ đó đầu tư trên 50 tổ ong nuôi lấy mật.

Khởi nghiệp từ đặc sản quê hương

Nhận thấy quê hương có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, anh Hà Công Hưng, Phó Bí thư Đoàn xã Mai Hịch (Mai Châu) bắt tay vào làm sản phẩm thịt gác bếp với mong muốn mang đặc sản của quê hương đến với du khách trong nước và quốc tế.

Bùi Đình Văn - gương sáng phát triển kinh tế

Trong những năm qua, phong trào đoàn viên, thanh niên vượt khó làm kinh tế được tuổi trẻ xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc tích cực hưởng ứng. Ngày càng có nhiều đoàn viên, thanh niên bằng khát vọng vươn lên làm giàu, dám nghĩ, dám làm đi lên từ hai bàn tay trắng để trở thành những thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi của huyện.

Người phát triển nghề mây tre đan trên quê hương Mường Động

Từ một phụ nữ thuần nông, chị Nguyễn Thị Nhung ở xóm Quê Rù, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) mạnh dạn về xuôi tìm hiểu và theo học làm mây tre đan với mong muốn chuyển đổi nghề, từng bước cải thiện sinh kế. Sau nhiều nỗ lực, chị trở thành người có tay nghề vững, được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện mời về làm giáo viên thỉnh giảng. Quá trình giảng dạy chị vừa truyền nghề, vừa đứng ra làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho học viên.

Người phụ nữ giàu lòng nhân ái

Bà Nguyễn Thị Nụ ở tiểu khu Thạch Lý, thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) được biết đến là người phụ nữ giản dị, giàu lòng nhân ái. Mặc dù kinh tế gia đình không dư giả nhưng với gần 10 năm làm công tác thiện nguyện cũng đủ nói lên tấm lòng nhân ái, sống có trách nhiệm, biết sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn của bà.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục