Nghệ nhân Bùi Thanh Mẻo bên chiếc chiêng gắn bó với ông từ nhiều năm nay.

Nghệ nhân Bùi Thanh Mẻo bên chiếc chiêng gắn bó với ông từ nhiều năm nay.

(HBĐT) - Đối với người Mường, cồng chiêng không chỉ đơn thuần là nhạc cụ mà đã trở thành giá trị văn hóa tinh thần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng. Nếu ví những ông mo là người “giữ lửa” cho dân tộc Mường thì những nghệ nhân cồng chiêng cũng được ví như những người “giữ hồn” chiêng Mường. Gắn bó với “nghiệp” cồng chiêng gần 40 năm, nghệ nhân Bùi Thanh Mẻo, xóm Bãi Bệ 1, xã Dũng Phong (Cao Phong) là một trong ít những người có kiến thức sâu rộng và ý thức giữ gìn, phát triển loại nhạc cụ độc đáo này trong đời sống hiện đại.

 

Nghệ nhân Bùi Thanh Mẻo kể: “Hồi nhỏ, tôi thường theo bố, mế tham gia vào các đội chiêng. Âm sắc của tiếng chiêng Mường thấm vào tôi tự lúc nào không hay...”. Kiến thức mà ông tích lũy được qua thời gian về chiêng Mường không hề nhỏ. Bên cạnh đó, bằng tài cảm thụ âm nhạc dân tộc vốn có, ông đã có nhiều cách pha, cách nhấn riêng tạo bản sắc đặc trưng của vùng đất Mường Thàng. Cầm trên tay chiếc chiêng, ông phấn khởi chia sẻ với chúng tôi về giá trị văn hóa tinh thần của chiêng Mường: Cồng chiêng là nhạc cụ truyền thống đặc sắc gắn bó với người Mường từ khi lọt lòng mẹ đến khi qua đời. Một bộ cồng chiêng hoàn chỉnh có 12 chiếc, chia đều ra làm 3 bộ: chiêng dàm, chiêng bồng, chiêng tlé. Ngoài ý nghĩa âm nhạc, 12 chiếc chiêng còn biểu hiện cho 12 tháng trong năm...  Theo quan niệm của người Mường, tiếng chiêng là tiếng của lòng người. Người Mường dùng chiêng trong các dịp lễ, Tết, trong đám cưới, tang ma...  Chiêng được dùng trong các phường xắc bùa đi chúc tụng các gia đình vào dịp đầu năm mới, mừng nhà mới, cho các đoàn đi săn, xuống đồng sản xuất, bảo vệ bản Mường...  Những dịp như vậy, khắp núi rừng vang tiếng chiêng rộn rã...

 

Đến Dũng Phong, tên ông Mẻo không xa lạ với bất kỳ ai. Ông đã từng tham gia tập luyện cho nhiều chương trình trình tấu cồng chiêng có tầm quy mô lớn cả ở huyện và tỉnh như: Lễ công bố quyết định thành lập huyện Cao Phong năm 2002 có sự tham gia của 300 tay chiêng, kỷ niệm 120 năm ngày thành lập tỉnh Hòa Bình (đoàn Cao Phong tham gia có 500 tay chiêng) và gần đây nhất là sự tập hợp của 450 tay chiêng trong Đại hội TD -TT huyện năm 2013...  Tất cả những chương trình trình tấu cồng chiêng lớn, nhỏ ở Cao Phong đều do ông huy động nhân lực, dàn dựng và luyện tập cùng mọi người. Tính đến nay, ông còn tham gia truyền bá văn hóa cồng chiêng cho hơn 3.000 lượt người (bao gồm cả học sinh các trường học và nhân dân trong và ngoài địa bàn). Ông luôn ý thức rất rõ việc nâng tầm giá trị văn hóa cồng chiêng trong đời sống hiện đại. Tất cả đều xuất phát từ tình yêu và cái tâm với “nghiệp” cồng chiêng. Hiện, toàn xã Dũng Phong có khoảng hơn 200 chiếc chiêng, trong đó, xóm Bãi Bệ  1, nơi ông sinh sống có số lượng chiêng chiếm gần một nửa. ông nung nấu ý tưởng xây dựng mỗi một xóm có từ 100 chiêng trở lên. Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Bùi Thanh Bịnh, Trưởng Ban Văn hóa xã chia sẻ: Đây là nguyện vọng của không chỉ ông Mẻo mà của đa số người dân trong xã. Tuy nhiên, muốn làm được điều đó quan trọng nhất là nâng cao nhận thức và ý thức của người dân, cần vận động mọi người cùng tham gia, gìn giữ và phát triển. Ông Mẻo đã làm được điều này với số lượng chiêng và nghệ nhân đánh chiêng tăng sau mỗi năm.

 

Hơn 60 năm tuổi đời, 30 năm tuổi Đảng và gần 40 năm tuổi “nghề”, tình yêu với nhạc cụ cồng chiêng trong con người ông không bao giờ tắt. Được thưởng thức những tiếng chiêng rộn ràng do ông và các thành viên của CLB cồng chiêng chi hội NCT xóm Bãi Bệ 1 thể hiện, chúng tôi như được hòa mình trong không gian của những ngày lễ hội khi tiếng chiêng vang lên trầm bổng cùng những cuộc vui hội ngộ của mọi người. 

 

                                                Phạm Minh Tuấn (Đài TT -TH Cao Phong)

 

Các tin khác


Người phát triển nghề mây tre đan trên quê hương Mường Động

Từ một phụ nữ thuần nông, chị Nguyễn Thị Nhung ở xóm Quê Rù, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) mạnh dạn về xuôi tìm hiểu và theo học làm mây tre đan với mong muốn chuyển đổi nghề, từng bước cải thiện sinh kế. Sau nhiều nỗ lực, chị trở thành người có tay nghề vững, được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện mời về làm giáo viên thỉnh giảng. Quá trình giảng dạy chị vừa truyền nghề, vừa đứng ra làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho học viên.

Người phụ nữ giàu lòng nhân ái

Bà Nguyễn Thị Nụ ở tiểu khu Thạch Lý, thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) được biết đến là người phụ nữ giản dị, giàu lòng nhân ái. Mặc dù kinh tế gia đình không dư giả nhưng với gần 10 năm làm công tác thiện nguyện cũng đủ nói lên tấm lòng nhân ái, sống có trách nhiệm, biết sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn của bà.

Đại úy Công an xã nhiệt huyết, tận tụy với công việc

Năng nổ, nhiệt huyết, tận tụy trong công tác chuyên môn và công tác đoàn, đó là cảm nhận của nhiều người khi tiếp xúc với Đại úy Nguyễn Thành Nam, cán bộ Công an xã, Phó Bí thư kiêm nhiệm Đoàn Thanh niên xã Cao Dương (Lương Sơn).

Gặp Nghệ nhân Ưu tú tâm huyết sưu tầm, phục dựng và bảo tồn văn hoá dân tộc

Nhiều lần gặp anh trong các sự kiện văn hóa của tỉnh, của huyện và ở khu dân cư Vôi, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) với vai trò biên đạo các tiết mục văn nghệ. Gần đây nhất, anh trực tiếp biểu diễn tại Lễ khai hội chùa Tiên năm 2024, xã Phú Nghĩa... Nghệ nhân Ưu tú trẻ tuổi Nguyễn Mạnh Tuấn luôn để lại cho chúng tôi ấn tượng về một nghệ sỹ vui vẻ, tâm huyết, tài năng, có nhiều đóng góp trong sưu tầm, phục dựng và bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc.

Gương sáng phát triển kinh tế và hoạt động thiện nguyện ở xã Yên Trị

Không chỉ điển hình trong lao động sản xuất, ông Nguyễn Thế Hùng, xóm Á Đồng, xã Yên Trị (Yên Thuỷ) còn được biết đến là người năng nổ, nhiệt tình, tích cực trong các hoạt động xã hội, là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế và hoạt động thiện nguyện.

Phó Bí thư chi đoàn làm kinh tế giỏi

Những năm gần đây, với phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp, xã Tân Thành (Mai Châu) đã xuất hiện nhiều tấm gương thanh niên dám nghĩ, dám làm, tích cực lao động sản xuất, làm giàu chính đáng, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Trong đó, Phó Bí thư chi đoàn xóm Chiêng Lường Văn Hân là tấm gương thanh niên nông thôn tiêu biểu làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục