Tuyến đường Hòa Bình - Toàn Sơn đoạn đi qua xóm Máy 2, xã Hòa Bình (TP Hòa Bình) đang được khẩn trương thi công.
Thành phố có 6 dân tộc cùng sinh sống, gồm dân tộc Kinh chiếm 57,28%, dân tộc Mường 40,10%, dân tộc Dao 1,12%, dân tộc Thái 0,58%, dân tộc Tày 0,54%, dân tộc Mông 0,21%, dân tộc khác 0,17%. Tỷ lệ hộ nghèo DTTS là 1,84%. Theo Quyết định số 612/QĐ-UBDT, ngày 16/9/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, thành phố có 5 xóm đặc biệt khó khăn thuộc xã Độc Lập.
Đưa chúng tôi đi khảo sát tiến độ thi công đường Hòa Bình - Toàn Sơn, đồng chí Nguyễn Thị Duyên, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bình cho biết: Tuyến đường Hòa Bình - Toàn Sơn sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ giúp cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của bà con thuận lợi, bộ mặt địa phương khang trang hơn. Đồng thuận và phấn khởi với chủ trương của Đảng, Nhà nước về đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng đồng bào DTTS, bà con xóm Máy 2, Thăng và Máy 4 tuy chưa nhận đủ tiền đền bù giải phóng mặt bằng, nhưng đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công để đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường.
Qua khảo sát tại các xã, phường có đông đồng bào DTTS sinh sống trên địa bàn thành phố như Hòa Bình, Yên Mông, Độc Lập, Quang Tiến, Mông Hóa… có thể thấy rõ nét hiệu quả việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng đồng bào DTTS. Các công trình điện, đường, trường, trạm được chú trọng đầu tư cả về số lượng, chất lượng, đường giao thông nội thôn, xóm được bê tông hóa; đường nội đồng được bê tông kiên cố tạo thuận lợi cho sản xuất, vận chuyển nông sản. Nhà văn hóa, sân thể thao xóm, xã được xây mới, nâng cấp giúp đồng bào các dân tộc có nơi giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao.
Trong những năm qua, cùng với sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh, TP Hòa Bình đã huy động được nhiều nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân nói chung, đồng bào vùng DTTS nói riêng. Thành phố đã đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, ổn định dân cư cho nhân dân các xã, phường vùng hồ sông Đà, với tổng mức đầu tư 66 tỷ đồng, trong đó có các hạng mục: Cải tạo, nâng cấp đường, bậc thang và các hạng mục phụ trợ xuống thuyền khu dân cư xã Hòa Bình; cải tạo, nâng cấp đường Hòa Bình - Toàn Sơn; kè xử lý sạt lở đường Bích - Trụ, xã Hòa Bình; kè hai bên suối Trùng, xóm Yên Hòa 1, xã Yên Mông. Ngoài ra, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế vùng đồng bào DTTS, cơ sở hạ tầng các tuyến đường trên địa bàn thành phố như đường Lê Đại Hành (lên cảng Ba Cấp), đường Lê Thánh Tông (đoạn từ đường Nguyễn Văn Trỗi đến đường Hòa Bình)... được đầu tư nâng cấp tạo điều kiện cho phát triển du lịch các xã vùng hồ.
Bên cạnh đó, chương trình xây dựng nông thôn mới được tập trung triển khai đã làm thay đổi bộ mặt vùng đồng bào DTTS. Hiện thành phố có 7/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (Yên Mông, Hợp Thành, Mông Hóa).
Tuy nhiên thực tế cho thấy, kinh tế vùng đồng bào DTTS trên địa bàn có bước phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Đời sống của một bộ phận đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn; khoảng cách chênh lệch về mức thu nhập giữa vùng đồng bào DTTS còn khá cao; tỷ lệ hộ nghèo có giảm nhưng chưa bền vững.
Đồng chí Phạm Anh Quý, Chủ tịch UBND TP Hòa Bình cho biết: Thời gian tới, thành phố ưu tiên nguồn lực từ nguồn vốn đầu tư công của tỉnh, thành phố, nguồn lực xã hội hóa và các nguồn khác để sớm hoàn thành đầu tư xây dựng các công trình, dự án hạ tầng kỹ thuật thiết yếu vùng đồng bào DTTS. Quản lý, khai thác tốt các công trình hạ tầng vùng đồng bào DTTS. Đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Thông qua việc thực hiện các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho các hộ đồng bào DTTS phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống; cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Kiện toàn hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc, đảm bảo đủ sức lãnh đạo, quản lý. Phấn đấu đến năm 2029, thu nhập bình quân người DTTS đạt trên 80 triệu đồng/năm.
Dương Liễu