Chỉ sau một thời gian được bà và mẹ hướng dẫn, Hờ Y Dụ ở xóm Hang Kia, xã Hang Kia (Mai Châu) đã tự tay thêu được những hoa văn khó, cầu kỳ trên tấm váy thổ cẩm đầu tiên do bản thân tự làm. Theo phong tục của đồng bào dân tộc Mông, không chỉ Hờ Y Dụ mà bất kỳ bé gái nào khi lên 10 tuổi đều phải tự tay làm cho mình một chiếc váy thổ cẩm thật đẹp để đánh dấu bước trưởng thành cũng như thể hiện sự khéo léo, đảm đang của người con gái Mông...


Em Hờ Y Dụ ở xóm Hang Kia, xã Hang Kia (Mai Châu) tự tay thêu những hoa văn khó, cầu kỳ trên váy thổ cẩm.

Theo già Sùng A Lứ, già làng ở xóm Thung Mài thì việc người con gái tự biết làm váy áo cho mình khi lên 10 tuổi là một truyền thống của đồng bào dân tộc Mông được truyền lại từ nhiều đời nay. Cho đến giờ, mặc dù điều kiện kinh tế phát triển, người ta có thể mua các loại váy áo may sẵn nhưng đồng bào Mông vẫn gìn giữ và phát huy truyền thống này. Với người Mông, ít nhất người con gái cũng phải tự biết thêu cho mình một bộ trang phục dân tộc.

Không chỉ gìn giữ mà thời gian qua, đồng bào dân tộc Mông ở các xã Hang Kia, Pà Cò đã phát huy bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch, đưa văn hóa trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, tạo động lực phát triển KT-XH địa phương. Điều này đã và đang được người dân 2 xã thực hiện và thành công đáng kể bằng mô hình du lịch cộng đồng. Ví như mô hình homestay của gia đình Sùng Y Múa ở xã Hang Kia. Làm du lịch từ năm 2012, ban đầu gia đình chị chỉ đón khách nghỉ dưỡng. Sau nhiều năm, nhận thấy khách đến Hang Kia không chỉ để nghỉ dưỡng mà còn muốn tìm hiểu văn hóa bản địa, chị Múa đã nung nấu ý định mở một không gian bảo tồn văn hóa dân tộc Mông để du khách được trải nghiệm những công việc, cuộc sống đời thường như thêu, vẽ sáp ong, làm nương, nhuộm vải, làm giấy dó...

Để thực hiện ý tưởng đó, đầu năm 2024, Sùng Y Múa đã triển khai xây dựng Nhà bảo tồn không gian văn hóa dân tộc Mông và hiện nay đang được hoàn thiện. Trên diện tích 2.000m2, nằm giữa vườn mận, vườn đào cùng hơn 200 hiện vật được trưng bày, Sùng Y Múa còn tái hiện lại các nghề truyền thống của dân tộc Mông như: khu khu lò rèn, nhà se lanh dệt vải, nhà làm giấy, nhà nấu rượu ngô... Ngoài bảo tồn, gìn giữ nghề truyền thống, nơi đây còn trưng bày những cổ vật rất quý của người Mông như những bộ khăn, váy cổ được dệt cầu kỳ, công phu; những vật dụng, đồ dùng sinh hoạt tuổi đời hàng trăm năm... Đó là những hiện vật vô giá không chỉ về giá trị vật chất mà còn ở giá trị văn hóa, bảo tồn. Với sự bố trí phù hợp, nơi đây đã trở thành điểm thu hút du khách hàng đầu ở Hang Kia.

Không chỉ ở đồng bào dân tộc Mông, theo đồng chí Ngần Văn Tuấn, Trưởng Phòng VH-TT huyện Mai Châu: Là huyện vùng cao có 7 dân tộc cùng sinh sống, giàu bản sắc văn hóa, những năm qua, Mai Châu đã khai thác tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên và văn hóa đậm bản sắc thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong định hướng phát triển KT-XH địa phương. Do vậy, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Cùng với ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá trong nhân dân, huyện thực hiện nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá các dân tộc. Đặc biệt là gắn việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá với phát triển du lịch. Trong đó, Huyện uỷ ban hành Nghị quyết số 15-NQ/HU, ngày 10/1/2020 về bảo tồn bản sắc văn hoá các dân tộc trên địa bàn giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Hàng năm, tổ chức các lễ hội. Nổi bật đã phục dựng lễ hội Xên Mường của dân tộc Thái. Cấp uỷ, chính quyền các xã, thị trấn chú trọng công tác bảo tồn các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể, nhất là giữ gìn trang phục, các làn điệu dân ca, dân vũ, duy trì các khung cửi, giữ nếp nhà sàn truyền thống...

Với những biện pháp, cách làm trên giúp du khách có trải nghiệm về bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời biến văn hóa trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn. Từ việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, ngày 19/2/2024, nghệ thuật múa Keng Loóng của dân tộc Thái vinh dự được trao bằng công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Keng Loóng là một trong những sinh hoạt văn hoá dân gian đặc sắc, gắn với đời sống của cộng đồng người Thái huyện Mai Châu lâu đời. Trong sản xuất nông nghiệp đến các nghi lễ, tín ngưỡng, phong tục của đồng bào đều sử dụng Keng Loóng. Keng Loóng trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu, đặc biệt trong các dịp lễ hội như: Lễ mừng cơm mới; lễ hội Xên bản, Xên mường; lễ Chá chiêng; Tết Nguyên đán... góp phần nuôi dưỡng cốt cách, tâm hồn của người Thái. Tại các điểm du lịch cộng đồng như các bản: Lác, Pom Coọng, Văn, Bước... đều có đội văn nghệ phục vụ nhu cầu du khách, trong đó Keng Loóng là tiết mục thu hút sự quan tâm, yêu thích của du khách, nhất là khách nước ngoài.


Mạnh Hùng

Các tin khác


Xóm Vó Trên bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc

Mặc dù được đầu tư từ năm 2010 nhưng công trình nhà văn hoá xóm Vó Trên, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) vẫn tương đối khang trang, rộng rãi, đặc biệt là giữ nguyên được nét kiến trúc nhà sàn của đồng bào dân tộc Mường nhằm tạo không gian sinh hoạt văn hoá truyền thống. Nơi đây thường tổ chức các cuộc họp của xóm, các hội, đoàn thể, cũng là điểm để người dân tham gia hoạt động ngày hội ở khu dân cư (KDC), các chương trình giao lưu, văn nghệ cộng đồng.

Cách làm hiệu quả đối với phụ nữ và trẻ em gái vùng dân tộc thiểu số

Thời gian qua, với nhiều cách làm, mô hình sáng tạo, Hội LHPN huyện Lạc Sơn đã triển khai Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” bài bản, thiết thực, hiệu quả. Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức, trang bị những kiến thức cần thiết cho phụ nữ và trẻ em (PN&TE) gái trong đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, thúc đẩy nâng cao chất lượng cuộc sống, giải quyết căn bản bất bình đẳng trong nhiều lĩnh vực đối với PN&TE gái.

Ông Bùi Văn Kịnh - người có uy tín góp phần đảm bảo an ninh trật tự

Năm nay 70 tuổi, ông Bùi Văn Kịnh, xóm Tân Phong, xã Phong Phú (Tân Lạc) được cấp ủy, chính quyền và nhân dân tín nhiệm bầu là người có uy tín (NCUT) trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, ông luôn gương mẫu thực hiện chính sách pháp luật, tích cực tham gia các hoạt động của địa phương, đề xuất với cấp ủy, chính quyền triển khai các cuộc vận động "Tuổi cao, gương sáng”, "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền” gắn với các phong trào thi đua của xã, xóm, góp phần nhân rộng tinh thần đoàn kết, gắn bó trong gia đình, cộng đồng, xây dựng gia đình, xóm văn hóa, an toàn về an ninh trật tự (ANTT).

Cán bộ tín dụng gắn bó với đồng bào dân tộc thiểu số

Nhiều năm làm việc trong ngành ngân hàng, gắn bó với cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, thấu hiểu khó khăn của người dân, anh Đặng Hoàng Hoán, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cao Phong luôn tận tâm, trách nhiệm với nghề, góp phần đưa nguồn vốn chính sách đến với người dân, giúp dân thoát nghèo.

Bí thư Đoàn Thanh niên người dân tộc Mường năng động phát triển kinh tế

Với vai trò là Bí thư Đoàn Thanh niên xã Yên Mông (thành phố Hòa Bình), đồng chí Nguyễn Tất Tài không chỉ nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, mà còn tích cực học hỏi, phát triển kinh tế từ mô hình nuôi ốc nhồi. Sau gần 2 năm, mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế và được nhân rộng ra một số hộ trong xã.

Nông dân các dân tộc thiểu số huyện Kim Bôi thi đua sản xuất kinh doanh giỏi

Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, nhiều hội viên nông dân huyện Kim Bôi, nhất là hội viên người dân tộc thiểu số (DTTS) đã và đang khai thác tiềm năng, thế mạnh ở địa phương để vươn lên làm giàu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục