Ngoài nghề nông, một số nghề phi nông nghiệp phù hợp với phụ nữ, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) ở vùng nông thôn. Trên cơ sở nắm bắt nhu cầu người học, các ngành, đơn vị chức năng huyện Yên Thuỷ đã triển khai công tác đào tạo nghề gắn với khả năng tự tạo việc làm cũng như đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.



Phụ nữ người dân tộc thiểu số huyện Yên Thuỷ làm việc tại Công ty cổ phần S Life.

Sau hơn 2 tháng học nghề may công nghiệp trong chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2023 do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Yên Thủy tổ chức, chị Bùi Thị Hương ở xóm Lòng, xã Yên Trị được tiếp nhận vào Công ty cổ phần S Life ngay tại xã làm. Với kỹ năng, tay nghề đã được trang bị, chị tự tin đảm nhiệm thao tác vận hành máy may trong quy trình sản xuất do doanh nghiệp phân công. Từ chỗ không có việc làm, kinh tế eo hẹp do chỉ trông vào ruộng vườn và chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, chị trở thành lao động đóng góp thu nhập chính nhờ nghề may với mức lương bình quân hơn 5 triệu đồng/tháng.

Vì đang nuôi con nhỏ nên chị Bùi Thị Nhất ở xóm Tròng, xã Bảo Hiệu chỉ có thể tìm một công việc gần nhà để có điều kiện chăm sóc, quán xuyến gia đình. 2 năm nay, chị được nhận vào làm tại một cơ sở may gia công gần nhà. Chị Nhất chia sẻ: đã qua đào tạo nghề may nên đến khi đến đặt vấn đề, quản lý xưởng rất đồng cảm và nhiệt tình chỉ dẫn để tôi có thể đáp ứng yêu cầu công việc ngay. Tôi và các chị em khác còn được tạo điều kiện vào những ngày khó thu xếp việc nhà có thể mang hàng về làm, sau đó nộp sản phẩm. Nhận đơn hàng đều đặn nên bình quân mỗi tháng chị em làm việc ở cơ sở thu nhập từ 3 – 5 triệu đồng. Đặc thù công việc không gò bó thời gian giúp chúng tôi yên tâm hơn về gia đình, phát huy vai trò phụ nữ tự chủ về kinh tế, cùng "nửa kia” san sẻ những lo toan cuộc sống.

Thực tế hiện nay, phụ nữ trong độ tuổi lao động, nhất là chị em trong giai đoạn nuôi con nhỏ khó có thể đi làm ở các khu công nghiệp tại Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang… Trên địa bàn huyện đang có một số doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh như: Công ty cổ phần S Life - xã Yên Trị, Công ty TNHH MDF Vinafor - xã Lạc Thịnh, Công ty cổ phần Xi măng X18 và Công ty cổ phần Cơ khí đúc Hồng Hà - xã Ngọc Lương… Ngoài Công ty cổ phần S Life đang thu hút đông lao động nữ, trên địa bàn huyện phát triển và nhân rộng mô hình các tổ may gia đình, cơ sở sản xuất may gia công. Các tổ may, cơ sở sản xuất thường có quy mô 15 – 60 lao động, 95% là nữ người DTTS được nhận vào làm.

Đồng chí Bùi Văn Nam, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện cho biết: Những năm gần đây, công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn nói chung, lao động nữ DTTS nói riêng được cấp uỷ, chính quyền địa phương quan tâm, đẩy mạnh. Bên cạnh nguồn kinh phí từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới, phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, giảm nghèo bền vững), huyện dành một phần ngân sách mở các lớp nghề ngắn hạn (dưới 3 tháng), trọng tâm là nghề phi nông nghiệp. Việc đào tạo hướng tới đa dạng hoá ngành nghề, đào tạo theo nhu cầu sử dụng của thị trường lao động và đơn hàng của doanh nghiệp. Với lực lượng lao động nữ trẻ, Trung tâm GDNN-GDTX huyện cũng triển khai các lớp nghề phù hợp xu thế phát triển của xã hội hiện nay như: chăm sóc sắc đẹp, pha chế đồ uống, may thời trang, kỹ thuật chế biến món ăn. Qua kết quả điều tra, khảo sát của Trung tâm GDNN-GDTX huyện, khoảng 80% lao động tham gia thị trường lao động sau đào tạo và được cấp chứng chỉ hoàn thành khoá đào tạo nghề phi nông nghiệp.   



Bùi Minh

Các tin khác


Huyện Tân Lạc chú trọng phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số

Tủ sách pháp luật của xóm Lũy Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc) được đặt trang trọng ngay cạnh cửa chính nhà văn hóa xóm. Trong đó là hàng nghìn đầu sách về pháp luật được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng.

Huyện Mai Châu gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số

Chỉ sau một thời gian được bà và mẹ hướng dẫn, Hờ Y Dụ ở xóm Hang Kia, xã Hang Kia (Mai Châu) đã tự tay thêu được những hoa văn khó, cầu kỳ trên tấm váy thổ cẩm đầu tiên do bản thân tự làm. Theo phong tục của đồng bào dân tộc Mông, không chỉ Hờ Y Dụ mà bất kỳ bé gái nào khi lên 10 tuổi đều phải tự tay làm cho mình một chiếc váy thổ cẩm thật đẹp để đánh dấu bước trưởng thành cũng như thể hiện sự khéo léo, đảm đang của người con gái Mông...

Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống dân tộc Mường

Hòa Bình là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc, trong đó dân tộc Mường chiếm trên 64%. Trang phục được xem là một yếu tố nhận diện, phân biệt của mỗi dân tộc. Trong quá trình phát triển và giao lưu văn hóa, trang phục truyền thống của dân tộc Mường cũng có sự cải biến song vẫn thể hiện đặc trưng của dân tộc.

Huyện Cao Phong: Giao lưu truyền thông về bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cao Phong vừa tổ chức giao lưu truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình; xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em tại xã Dũng Phong. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Huyện Kim Bôi đầu tư xây dựng, nâng cấp, sữa chữa 186 công trình vùng dân tộc thiểu số

Thực hiện Dự án 4 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống, từ năm 2019-2024, huyện Kim Bôi đã tăng cường chỉ đạo thực hiện các giải pháp phát huy hiệu quả các nguồn vốn nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu cho vùng.

Huyện Tân Lạc: Trao sinh kế phù hợp, giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Tân Lạc có nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả các chính sách đối với đồng bào DTTS, giúp bà con có thêm điều kiện phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Trong đó, việc tạo mô hình, trao sinh kế giúp các hộ phát triển chăn nuôi, sản xuất được các cấp, ngành quan tâm triển khai và đạt hiệu quả thiết thực.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục