Nhờ được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã giúp không ít đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) người dân tộc thiểu số (DTTS) hiện thực ước mơ lập nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Những năm qua, thực trạng ĐVTN sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông đã chọn lập nghiệp bằng con đường đi làm ăn xa khá phổ biến. Song cũng có không ít những thanh niên đã quyết tâm lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương. Nhờ được tiếp cận vốn vay ưu đãi từ NHCSXH đã giúp họ vượt khó, bước đầu gặt hái được những thành công nhất định. Như anh Hà Văn Nhượng (dân tộc Mường), khu Hồng Dương, thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) đã có thu nhập ổn định sau khi sử dụng hiệu quả vốn chính sách. Theo anh Nhượng chia sẻ, gia đình anh có lợi thế đất vườn khá rộng. Do đó, khi học xong trung học phổ thông, anh đã có những ý tưởng để khai thác tiềm năng đất đai của gia đình thay vì đi làm ăn xa như nhiều thanh niên đồng trang lứa. Theo hướng đó, anh Nhượng đã đầu tư nuôi dê, trồng bưởi trên diện tích hơn 1 ha.
Tuy nhiên, cái khó của một người trẻ khi bắt tay lập nghiệp là vốn để đầu tư. Thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, anh Nhượng biết đến chương trình cho vay vốn giải quyết việc làm của NHCSXH nên đã mạnh dạn làm đơn xin vay vốn. Được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng, gia đình Nhượng đã đầu tư phân bón, chăm sóc vườn bưởi đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trước. Hiện nay, bên cạnh trồng bưởi, gia đình anh Nhượng phát triển nuôi trâu và một số vật nuôi khác. Nhờ đó, thu nhập của gia đình anh ổn định, kinh tế được cải thiện hơn trước.
Không giống anh Nhượng, anh Lò Văn Tuất (dân tộc Tày), xã Đoàn Kết (Đà Bắc) quyết định lập nghiệp ở quê sau thời gian tha hương nơi xứ người. Nơi Tuất sinh ra và lớn lên là vùng cao khó khăn nhưng với nỗ lực vượt khó, anh đã tốt nghiệp đại học và có quãng thời gian dài đi làm xa nhà. Nhận thấy gia đình có đất đồi rừng rộng, thích hợp để phát triển trồng trọt, chăn nuôi, anh Tuất quyết định về quê lập nghiệp.
Với số vốn tích cóp được và khoản vay 70 triệu đồng cho hộ cận nghèo từ NHCSXH, anh Tuất bắt đầu khởi nghiệp ở quê nhà. Anh đầu tư trồng rừng, nuôi bò sinh sản, trâu vỗ béo và lợn đen bản địa. Ngoài ra, anh đầu tư mua xe tải để làm dịch vụ và phục vụ phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, những hướng đi của anh Tuất đem lại những kết quả khả quan. Anh Tuất chia sẻ: Từ chăn nuôi, mỗi năm gia đình thu nhập trên 100 triệu đồng. Đây là số tiền chưa được như kỳ vọng nhưng là động lực để tôi tiếp tục theo đuổi ước mơ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Theo anh Tuất và anh Nhượng, vốn chính sách không chỉ giúp họ có vốn để phát triển kinh tế, mà trong quá trình sử dụng vốn còn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của cán bộ tín dụng, tổ chức nhận uỷ thác. Do đó, họ luôn ý thức sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả và mong muốn tiếp tục được NHCSXH tạo điều kiện vay thêm vốn để phát triển kinh tế đem lại hiệu quả cao hơn.
Đoàn Thanh niên là một trong bốn tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác vốn chính sách. Những năm qua, tổ chức Đoàn đã làm tốt vai trò truyền tải vốn chính sách đến hàng vạn hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, tổng dư nợ tín dụng chính sách do Đoàn Thanh niên quản lý đạt trên 1.200 tỷ đồng, với trên 24 nghìn hộ đang còn dư nợ. Bên cạnh những nỗ lực thực hiện tốt vai trò nhận uỷ thác vốn, Đoàn Thanh niên các cấp đã tạo điều kiện, là cầu nối cho nhiều ĐVTN trong tỉnh được tiếp cận vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế.