Một ngày đầu Thu chúng tôi đến xóm Tre, xã Văn Nghĩa, huyện Lạc Sơn. Nhà văn hóa xóm là điểm sản xuất hàng mây tre đan của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp thương mại dịch vụ Mường Pheo. Ngày nào cũng vậy, khoảng 20 chị em tập trung đến đây đan hàng thủ công mỹ nghệ.
Nghề thủ công mỹ nghệ tạo việc làm cho nhiều phụ nữ ở xóm Tre, xã Văn Nghĩa, huyện Lạc Sơn.
Chị Nguyễn Thị Trang ở xóm Tre cho biết: Đan lát thủ công mỹ nghệ ở xóm là nghề truyền thống. Ngoài công việc đồng áng, các chị em tự dạy nghề cho nhau rồi làm. Trước đây bà con phải tự đi lấy nguyên liệu từ mây, song, tre…, rồi làm thành sản phẩm mang ra chợ bán. Từ ngày thành lập HTX, chúng tôi không phải lo tìm nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm. Chị em chỉ việc làm theo mẫu. Thời gian gần đây, nhu cầu hàng xuất khẩu thủ công mỹ nghệ tăng cao, có nhiều đơn hàng nên việc làm của chị em đều đặn. Với một người làm bình thường ngoài thời gian làm việc nhà cũng cho thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Văn Liệu, Chủ tịch UBND xã Văn Nghĩa cho biết: Hiện nay, xã có hơn 1.600 hộ với trên 7 nghìn nhân khẩu. Đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Mở rộng quy mô HTX, tạo việc làm và thu nhập tại chỗ cho chị em là hướng ưu tiên của địa phương. Ngoài những người đi làm công ty, lao động tự do thì phần lớn là chị em ở nhà trông con nhỏ, quá tuổi lao động. Nghề thủ công mỹ nghệ đã tạo việc làm và thu nhập cho nhiều chị em trong xã. Để khuyến khích HTX phát triển, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho các HTX vay vốn.
Tại xã Nhân Nghĩa, năm 2017, UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống xóm Bui, hỗ trợ kinh phí khôi phục và phát triển làng nghề. Năm 2020, HTX làng nghề truyền thống mây tre đan xóm Bui được thành lập với 25 thành viên. Trước đây, những lúc nông nhàn chị Bùi Thị Thơm ở xóm Bui phải kiếm việc làm thêm để tăng thu nhập cho gia đình. Từ ngày thành lập HTX, đơn hàng có thường xuyên hơn nên công việc đều, có tháng chị thu nhập được 6 triệu đồng. Ngoài thời gian làm thêm, chị còn tranh thủ làm được việc nhà như chăn nuôi lợn, gà, làm cỏ, nấu cơm… Không chỉ chị Thơm mà nhiều chị em khác như: Bùi Thị Hương Dung, Bùi Thị Diệm, Bùi Thị Châm… cũng có thu nhập ổn định từ làm thủ công mỹ nghệ. Chị Thơm cho biết: Thuận lợi của nghề này là có thể tranh thủ làm mọi nơi, mọi lúc và rất dễ truyền nghề. Quan trọng nhất là thu nhập ổn định, với người tay nghề thành thạo, thu nhập một tháng có thể được vài triệu đồng. Nguồn thu nhập này đã cải thiện đáng kể đời sống của gia đình
Bà Quách Thị Dung, Giám đốc HTX làng nghề truyền thống mây tre đan xóm Bui, xã Nhân Nghĩa cho biết: Từ khi thành lập HTX, chúng tôi nhận đơn hàng làm theo mẫu mã, đòi hỏi kỹ thuật, thẩm mỹ của sản phẩm. Do vậy, để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, hội viên HTX thường xuyên đi tập huấn và truyền thụ cho lao động. Hầu hết người lao động là nữ. Mọi người có thể làm tranh thủ lúc rảnh rỗi. Ngoài 25 thành viên chính, HTX tạo việc làm cho 200 lao động tham gia làm thường xuyên và khoảng 100 lao động thời vụ khi có đơn đặt hàng. Với lao động thường xuyên thu nhập mỗi người từ 4 - 6 triệu đồng/tháng. Cũng từ nguồn thu nhập này, nhiều lao động trong xóm không phải ly hương đi làm ăn xa.
Đồng chí Phạm Thị Phương Loan, Phó trưởng Phòng Tài chính huyện Lạc Sơn cho biết: Trong những năm qua, UBND huyện Lạc Sơn luôn quan tâm và có nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề ở các HTX ngành nghề truyền thống, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều hộ đã thoát nghèo, cuộc sống được cải thiện đáng kể. Các dự án đào tạo nghề và hỗ trợ khởi nghiệp đã giúp tạo ra nhiều việc làm mới, tăng thu nhập cho lao động nhàn rỗi, nâng cao đời sống và tạo điều kiện phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện.
Việt Lâm