Hòa Bình là tỉnh có hơn 74% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi dân tộc đều có nét văn hóa truyền thống độc đáo riêng và được thể hiện ở nhiều lĩnh vực trong đời sống, trong đó có các môn thể thao. 


Các vận động viên thi đấu môn đẩy gậy tại Giải bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy trẻ - vô địch tỉnh năm 2024.

Mỗi dân tộc có những trò chơi, môn thể thao nổi bật riêng. Điển hình như bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, ném còn là các môn thể thao phổ biến trong cộng đồng dân tộc Mường hay ném pao, đánh tu lu không thể thiếu trong Lễ hội Gầu Tào của đồng bào dân tộc Mông 2 xã Pà Cò, Hang Kia (Mai Châu). Đối với người Mường huyện Lạc Sơn, đánh mảng trở thành món ăn tinh thần quan trọng trong đời sống văn hóa và một số lễ hội...

Giao lưu, thi đấu các trò chơi dân gian, môn thể thao dân tộc là hình ảnh quen thuộc tại các huyện, thành phố trong tỉnh mỗi dịp Tết đến, Xuân về và các lễ hội truyền thống. Tại các lễ hội như Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình, Chùa Tiên (Lạc Thủy), Mường Động (Kim Bôi), Khai mùa Mường Thàng (Cao Phong)... sau phần lễ trang trọng đến phần hội sôi nổi các trò chơi dân gian, môn thể thao dân tộc, thu hút đông đảo người dân tham gia, cổ vũ nhiệt tình. Qua đó, góp phần thắt chặt tình đoàn kết, tạo không khí phấn khởi và gìn giữ văn hóa truyền thống.

Bên cạnh đó, nhiều môn thể thao dân tộc đã được tổ chức thành giải thi đấu ở các cấp. Trong đó, Giải bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy được tỉnh tổ chức thường niên. Có sự đầu tư và chuẩn bị chu đáo từ lực lượng đến kỹ chiến thuật, nhiều năm liền, đoàn vận động viên huyện Tân Lạc đã khẳng định được thế mạnh về các môn thể thao dân tộc, đặc biệt là môn bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy.

Không chỉ được tổ chức thi đấu hằng năm, bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy còn là 3 trong 15 môn thi đấu chính thức tại Đại hội Thể dục thể thao tỉnh lần thứ VII, năm 2022. Duy trì tập luyện hiệu quả và tổ chức thi đấu thường xuyên, tỉnh đã phát huy được thế mạnh về các môn thể thao dân tộc ở đấu trường thể thao quốc gia. Minh chứng rõ nhất là đoàn vận động viên tỉnh Hòa Bình đã giành được 1 huy chương vàng, 3 huy chương bạc môn kéo co và 2 huy chương đồng môn đẩy gậy tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX. Gần đây nhất đã giành 8 duy chương vàng, 3 huy chương bạc, 11 huy chương đồng, xếp thứ 3 toàn đoàn tại Hội thi Thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ XIII, khu vực I, năm 2023.

Theo Sở VH,TT&DL, tỉnh Hòa Bình có 836 câu lạc bộ thể dục thể thao, trong đó 64 câu lạc bộ đẩy gậy, 60 câu lạc bộ bắn nỏ. Các câu lạc bộ thể thao dân tộc ở cơ sở không chỉ là sân chơi bổ ích, lành mạnh, mà còn góp phần thúc đẩy phong trào thể dục thể thao quần chúng của tỉnh phát triển.

Với hơn 85% dân số là người dân tộc Mường, xã Ngọc Mỹ (Tân Lạc) luôn quan tâm gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, trong đó có thể thao dân tộc. Với thế mạnh về bắn nỏ, năm 2023, UBND xã đã thành lập câu lạc bộ bắn nỏ truyền thống. Theo đồng chí Bùi Thị Giăng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Mỹ, câu lạc bộ bắn nỏ truyền thống xã tập hợp những người có chung đam mê thể thao dân tộc tham gia sinh hoạt, tập luyện, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, từ đó nhân rộng phong trào tập luyện ở xã.

Đồng chí Đào Tiến Cường, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết: Để công tác bảo tồn, phát huy các môn thể thao dân tộc đạt hiệu quả, sở đề nghị các địa phương quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các nhà văn hóa ở khu dân cư, sân tập ngoài trời. Tập trung duy trì một số môn thể thao dân tộc như: bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, tung còn và môn thể thao bản sắc của dân tộc Mường là đánh mảng. Sở phối hợp với Cục Thể dục thể thao xây dựng chương trình bảo tồn, gìn giữ, phát huy môn đánh mảng của dân tộc Mường. Sắp tới, tiếp tục định hướng phát huy và bảo tồn môn đánh tu lu của dân tộc Mông...

Người dân tích cực tập luyện các môn thể thao dân tộc góp phần bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp, gắn kết cộng đồng. Đồng thời, khuyến khích phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng trong đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.


L.N

Các tin khác


Hơn 95% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh

UBND tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho các xã, cụm xã, khu đông dân cư. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Giai đoạn 2021-2025, nhu cầu kinh phí thực hiện Dự án 8 trên 85 tỷ đồng

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có Dự án 8 về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình, nhu cầu kinh phí theo Đề án sử dụng nguồn vốn Trung ương giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh là 85,08 tỷ đồng.

78 tỷ đồng hỗ trợ ổn định dân cư tập trung cho 168 hộ dân

Cụ thể: Tại huyện Đà Bắc, thực hiện dự án ổn định dân cư tập trung tại xóm Duốc, xã Nánh Nghê nhằm hỗ trợ ổn định dân cư cho 50 hộ; dự án ổn định dân cư tập trung Lũng Phiệng thuộc xóm Mới, xã Đồng Chum nhằm hỗ trợ 43 hộ. Tại huyện Kim Bôi, thực hiện dự án ổn định dân cư tập trung tại xã Cuối Hạ để hỗ trợ 18 hộ; dự án ổn định dân cư tập trung tại xã Vĩnh Tiến hỗ trợ 22 hộ. Tại huyện Tân Lạc, dự án ổn định dân cư tập trung vùng thiên tai xã Vân Sơn triển khai các nội dung thiết thực để hỗ trợ ổn định dân cư cho 35 hộ.

Trường mầm non Bắc Sơn tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số

Nằm trên địa bàn xóm Hồi Trám, xã Hùng Sơn (Kim Bôi), với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng sự nỗ lực của cô và trò, Trường mầm non Bắc Sơn không ngừng phát triển. Chất lượng dạy và học được nâng lên rõ rệt. Vừa qua, mô hình "Tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc” của trường được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận là điển hình tiên tiến cấp tỉnh.

Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN), các địa phương trong tỉnh đã tập trung đầu tư công trình hạ tầng cơ sở thiết yếu, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Huyện Lạc Sơn: Tạo việc làm và thu nhập tại chỗ cho đồng bào dân tộc

Một ngày đầu Thu chúng tôi đến xóm Tre, xã Văn Nghĩa, huyện Lạc Sơn. Nhà văn hóa xóm là điểm sản xuất hàng mây tre đan của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp thương mại dịch vụ Mường Pheo. Ngày nào cũng vậy, khoảng 20 chị em tập trung đến đây đan hàng thủ công mỹ nghệ.


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục