Từ trung tâm huyện Lạc Sơn, để đến xã Tự Do cần đi về phía Tây Nam và vượt qua khoảng 22 km đường bộ. Cung đường khá quanh co với những con dốc dài và có một số đoạn cua tay áo thách thức cả những tay lái giàu kinh nghiệm. Tự Do là xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chỉ khi đến đây mới cảm nhận được đời sống của người dân vùng cao khó khăn đến mức nào…




Vừa hoàn thiện công đoạn làm móng xây nhà, gia đình chị Bùi Thị Mậu ở xóm Sát, xã Tự Do mong từng ngày được dọn về nơi ở mới.

Ông Quách Văn Thận ở xóm Kháy năm nay 67 tuổi nhưng trông già hơn nhiều so với tuổi thật. Hai vợ chồng sống trong căn nhà cũ; thu nhập bấp bênh vì chỉ trông cậy vào chăn nuôi đàn gà và vài con vịt. Còn khu đất cạn gần đồi thì nhà ông trồng 1 vụ lúa, 1 vụ ngô, nếu được mùa cũng không đủ để bán, chỉ đủ ăn dè trong 1 năm vì ông bà còn nuôi 2 cháu nội đang tuổi ăn, tuổi lớn. Dù túng thiếu đến đâu, ông bà vẫn cố xoay sở cho 2 cháu được đến trường.

Xã Tự Do hiện còn không ít hộ hoàn cảnh khó khăn như hộ ông Quách Văn Thận. Cả xã có 5 xóm với 615 hộ, trên 2.700 nhân khẩu, trong đó, khoảng 98% dân số là dân tộc Mường. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 33,01%; hộ cận nghèo 31,43%; thu nhập bình quân đầu người khoảng 36 triệu đồng. Người dân nơi đây chủ yếu sản xuất nông nghiệp, canh tác các loại cây truyền thống như lúa, ngô, lạc hoặc chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế không cao. Đặc biệt, trên địa bàn xã còn 17 hộ vì quá nghèo khó mà phải sống trong những căn nhà tạm, nhà dột nát, không đảm bảo an toàn.

Gia đình chị Bùi Thị Mậu ở xóm Sát là 1 trong 17 hộ có điều kiện sinh sống chưa đảm bảo an toàn. Căn nhà dựng lên tạm bợ như muốn đổ sập mỗi khi trời mưa bão. Vì thế, trong ngày động thổ làm nhà mới, chị cố kìm nén cảm giác vỡ òa xúc động. "Không biết nói gì hơn, tôi chỉ biết chân thành cảm ơn các cấp lãnh đạo, các mạnh thường quân đã quan tâm, giúp đỡ hộ gia đình khó khăn như chúng tôi” -  chị Bùi Thị Mậu chia sẻ. 

Đối với các hộ dân có hoàn cảnh ĐBKK phải sinh sống trong những căn nhà dột nát như gia đình chị Bùi Thị Mậu, nhận được 50 triệu đồng để xây nhà không chỉ là món quà kinh tế vô cùng quý giá, mà còn có ý nghĩa tinh thần đặc biệt giúp họ được tiếp thêm động lực để phấn đấu an cư, quyết tâm tạo lập cuộc sống mới. Trong tháng 8 vừa qua, xã Tự Do có 5 hộ nghèo được hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết. Đây là chương trình thiết thực hưởng ứng phong trào thi đua "Xóa nhà tạm, nhà dột nát” đã được Thủ tướng Chính phủ phát động triển khai trên phạm vi cả nước, hướng tới mục tiêu hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025. 

Đồng chí Bùi Quang Điệp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trao đổi: Xác định cần thiết thực hưởng ứng phong trào thi đua "Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh, Sở KH&ĐT đã vận động, kết nối, xã hội hóa nguồn lực để sớm có hoạt động ý nghĩa tại xã Tự Do - xã ĐBKK được UBND tỉnh phân công Sở KH&ĐT giúp đỡ trong giai đoạn 2021 - 2025. Triển khai đợt hỗ trợ tháng 8/2024, Sở KH&ĐT đã phối hợp với Cục Phát triển doanh nghiệp, Công an TP Hòa Bình, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức trao tặng kinh phí 250 triệu đồng để hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết cho 5 hộ nghèo, mức hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị đã trao trên 50 suất quà (gồm áo khoác, máy tính để bàn, máy lọc nước) cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn sinh sống trên địa bàn xã. 

Được biết, Tự Do là 1 trong 59 xã ĐBKK trong toàn tỉnh. Theo Quyết định số 2453/QĐ-UBND, ngày 27/10/2021 của UBND tỉnh về phân công, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị được giao giúp đỡ xã ĐBKK, có 50 cơ quan, đơn vị được phân công giúp đỡ 59 xã ĐBKK. Phát huy vai trò, trách nhiệm, các cơ quan, đơn vị được phân công giúp đỡ xã ĐBKK đã phối hợp UBND cấp huyện, cấp xã để xây dựng kế hoạch giúp đỡ phù hợp theo từng năm và cả giai đoạn. Trong đó, chú trọng triển khai các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ để tạo động lực thúc đẩy sản xuất, cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thu hẹp dần khoảng cách phát triển giữa xã ĐBKK và các địa bàn thuận lợi.  


Khánh An


Các tin khác


Giữ gìn và phát huy các môn thể thao dân tộc

Hòa Bình là tỉnh có hơn 74% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi dân tộc đều có nét văn hóa truyền thống độc đáo riêng và được thể hiện ở nhiều lĩnh vực trong đời sống, trong đó có các môn thể thao. 

Thanh niên dân tộc thiểu số lập nghiệp với vốn ưu đãi

Nhờ được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã giúp không ít đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) người dân tộc thiểu số (DTTS) hiện thực ước mơ lập nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Huyện Kim Bôi chăm lo cải thiện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Việc thực hiện các chính sách dân tộc ở huyện Kim Bôi góp phần quan trọng cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống người dân, tăng cường khối đoàn kết, thống nhất để xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Đổi thay vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nhiều năm qua, tỉnh Hòa Bình đã lồng ghép hiệu quả các chính sách dân tộc gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) làm đổi thay diện mạo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Huyện Yên Thuỷ: Gần 40 tỷ đồng đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số

Theo UBND huyện Yên Thuỷ, năm 2024, vốn đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện được phân bổ 34,859 tỷ đồng.

Hơn 95% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh

UBND tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho các xã, cụm xã, khu đông dân cư. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục