(HBĐT) - Chúng tôi đến thăm gia đình anh Hà Văn Lợi, xóm Vế, xã Piềng Vế (Mai Châu) lúc vợ chồng anh chị đang chăm sóc 3 lợn nái và 14 lợn con. Đàn lợn là kết quả một thời gian dài cố gắng của anh chị. Bao năm làm lụng vất vả không đủ trang trải cuộc sống, đến năm 2008, anh chị bắt đầu chăn nuôi lợn. Lúc đó, số tiền anh chị dành dụm được chỉ đủ mua 2 lợn con. Vốn ít, chuồng trại tạm bợ, không có kỹ thuật chăm sóc nên lợn hay bị bệnh, chất lượng thịt không cao.


Gia đình anh Hà Văn Lợi, xóm Vế, xã Piềng Vế (Mai Châu) là một trong những hộ đầu tiên được vay vốn, đến nay đã phát triển đàn lên 3 lợn nái, 14 lợn con, có thu nhập ổn định.

Đang gặp khó khăn thì năm 2014, Hội Nông dân xã phối hợp với tổ chức GNI Hàn Quốc tại Việt Nam triển khai chương trình vay vốn thông qua tổ hợp tác chăn nuôi. Đã có hàng chục hộ nộp đơn xin tham gia và đề nghị được hỗ trợ vay vốn. Sau khi thẩm định, hộ anh Hà Văn Lợi may mắn được cho vay đợt đầu tiên với số tiền 8 triệu đồng. Anh Lợi chia sẻ: Số tiền không lớn nhưng rất có ý nghĩa vì mình có thêm nguồn vốn mở rộng quy mô, phòng bệnh cho đàn vật nuôi, đầu tư chuồng trại bài bản… Nhờ đó, công việc chăn nuôi thuận lợi, chất lượng đàn lợn cũng được đảm bảo. Điều thuận lợi nhất khi vay vốn là không tính lãi, số phí trả hàng tháng không cao. Sau 1 năm, thông qua tổ chức GNI, số tiền vay được quay vòng đến các hộ khác có nhu cầu về vốn.
 
Không riêng gia đình anh Lợi, nhiều hộ khác trong tổ hợp tác chăn nuôi xã Piềng Vế cũng sử dụng nguồn vốn vay này hiệu quả. Có hộ đầu tư chuồng trại, có hộ mua thêm con giống, có hộ đầu tư máy nghiền thức ăn chăn nuôi… Chị Nguyễn Thị Huệ, cán bộ văn phòng UBND xã, người nhận ủy thác quản lý nguồn quỹ cho biết: Từ 13 hộ thành viên ban đầu, đến nay, tổ đã phát triển lên 26 hội viên, chia thành 2 nhóm ở 2 xóm Vế và Pạnh, hoạt động hết sức hiệu quả. 100% hộ vay vốn đều đã ổn định sản xuất, có "của ăn, của để” và không có trường hợp nào nợ quá hạn.
 
Cũng theo chị Huệ, đối tượng được tiếp cận nguồn hỗ trợ chủ yếu là hộ khó khăn về vốn nhưng không thuộc diện hộ nghèo. Đa phần các thành viên của tổ đã có mô hình kinh tế trước nên nguồn vốn này chỉ nhằm khuyến khích, động viên họ đầu tư phát triển thêm. Qua nhiều năm sử dụng, nguồn vốn được bảo tồn tốt và chưa gặp trục trặc gì trong quá trình triển khai. Định kỳ hàng quý, các nhóm đều kiểm tra, xem xét việc sử dụng nguồn vốn có đúng mục đích, có đạt hiệu quả hay không. "Đến nay, có thể khẳng định việc triển khai thực hiện sử dụng và quản lý nguồn vốn đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích và mang lại hiệu quả thiết thực cho các thành viên” - chị Huệ khẳng định.
 
Bên cạnh việc khuyến khích chăn nuôi, nhân rộng đàn, các thành viên của tổ còn được trao đổi kỹ thuật chăm sóc, hướng dẫn cách phòng trị bệnh cho vật nuôi… Hàng tháng, tổ hợp tác họp một lần, cùng nhau chia sẻ những khó khăn, thuận lợi, kinh nghiệm chăn nuôi. Hiện nay, từ nguồn vốn vay ban đầu, nhiều hộ đã mở rộng quy mô, xây dựng bể biogas. Số lượng, chất lượng đàn vật nuôi tăng cao cùng với đó là thu nhập cũng ngày một nâng lên của các hộ thành viên tổ hợp tác. Từ mỗi hộ nuôi nhỏ lẻ 1 - 2 con/năm, hiện nay, bình quân, mỗi hộ nuôi từ 10 - 20 con/lứa và 3 lứa/năm, lợi nhuận đạt gần chục triệu đồng/lứa.
 
Đồng chí Đinh Công Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Piềng Vế khẳng định: Đặt trong bối cảnh xã còn 31,16% hộ nghèo, sản xuất manh mún, chưa thể tìm ra hướng đi đột phá mới càng thấy đây là mô hình khá hiệu quả cần được nhân rộng. Việc thành lập tổ hợp tác chăn nuôi đã góp phần thay đổi tập quán sản xuất truyền thống nhỏ lẻ sang sản xuất quy mô lớn hơn, bước đầu mang tính hàng hóa, đem lại hiệu quả kinh tế góp phần tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.

 


                                                   Hải Yến

 

 


Các tin khác


Xã Chiềng Châu đổi thay từ chương trình xây dựng nông thôn mới

(HBĐT) - Những năm qua, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, xã Chiềng Châu (Mai Châu) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhờ đó góp phần làm thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn của xã, tạo điều kiện cho Chiềng Châu, trở thành 1 trong 3 xã đầu tiên của huyện Mai Châu về đích NTM.

Xã Noong Luông chung sức xây dựng nông thôn mới


(HBĐT) - Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm”, "dễ làm trước, khó làm sau”, Đảng ủy, chính quyền xã Noong Luông đã có nhiều cách làm hay trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân cùng chung sức xây dựng NTM…

Nơi in dấu chân đoàn quân Tây Tiến

(HBĐT) - Trong những ngày mùa thu Tháng Tám lịch sử, chúng tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với ông Giang Hồng Phúc, người lính cựu đã từng tham gia Trung đoàn Tây Tiến (Trung đoàn 52) huyền thoại. ông bồi hồi nhớ lại kí ức một thời bom đạn, những câu chuyện đời thường của người lính và các trận đánh oanh liệt của đoàn quân Tây Tiến...

Hang Kia - Pà Cò: Trắng trời... băng tuyết

(HBĐT) - Ảnh hưởng từ đợt rét đậm, rét hại trên diện rộng. Nhiệt độ giảm sâu xuống còn -30 C, trong ngày 24/1/2016, trên địa bàn 2 xã Hang Kia - Pà Cò xuất hiện hình thái thời tiết cực đoan: mưa tuyết rơi dày đặc. Theo thông tin mới nhất, tính đến thời điểm 10h30’ ngày 26/1/2016 toàn bộ vùng đất Hang Kia - Pà Cò (Mai Châu) vẫn chìm trong băng tuyết giá lạnh...

Mùa mận chín nơi thung trắng

(HBĐT) - Nếu như ngô được coi là cây cứu đói thì mận lại là cây giảm nghèo của đồng bào Mông ở 2 xã Pà Cò, Hang Kia (Mai Châu). Gần 25 năm bám rễ ở vùng đất quanh năm mây phủ này, cây mận tam hoa, mận hậu chịu nhiều biến động bất thường của giá cả thị trường, có thời điểm tưởng chừng người dân phải chặt bỏ để thay thế những cây khác và rồi, cây mận vẫn kiên trì bám trụ để rồi hôm nay đem đến cho người dân một mùa bội thu.

Mai Sơn - nỗi niềm nơi ở mới

(HBĐT) - Do ảnh hưởng của vùng hồ Hòa Bình và cơn bão số 5 năm 2007 dẫn đến sạt lở đất đai, vườn tược, nhà cửa tác động lớn đến đời sống nhân dân hai xã Phúc Sạn và Tân Mai (Mai Châu). Trước thực trạng đó, xóm Mai Sơn (Yên Nghiệp - Lạc Sơn) là khu di dân được đầu tư xây dựng theo quyết định của UBND tỉnh nhằm chuyển dân để ổn định đời sống cho 60 hộ hai xã Tân Mai, Phúc Sạn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục