Môn tu lu được các chàng trai Mông, xã Pà Cò (Mai Châu) khéo léo quay, hấp dẫn cả người chơi và người xem.
Cầm con quay lên sau khi kết thúc phần chơi của mình, anh Phàng A Súa, xã Pà Cò (Mai Châu) cho biết: Tu lu hay còn gọi là đánh quay là trò chơi dân gian đặc sắc mang tính thượng võ của đồng bào dân tộc Mông. Người đàn ông Mông ở Hang Kia, Pà Cò từ khi còn nhỏ đã có con quay làm bầu bạn và lớn thêm ít nữa đã tự biết cầm dao khéo léo đẽo quay và thành thục với trò chơi dân gian tưởng đơn giản nhưng lại vô cùng hấp dẫn này. Tu lu (con quay) được làm từ những loại gỗ cứng như: lim, nghiến, dẻ, sồi, gốc sơn tra... Trọng lượng con quay được đẽo gọt to, nhỏ khác nhau phù hợp với thể lực người chơi. Thông thường con quay có đường kính từ 7 - 10 cm, nặng khoảng 300-500g. Con quay có hai đầu, một đầu đẽo nhọn và đầu kia gọt bằng, khi chơi là điểm đánh của những người chơi khác. Dây quay còn gọi là "cua” được se bằng sợi lanh, dài khoảng hơn 1 m nối với một đoạn pảng (gậy) làm bằng cành trúc nhỏ cỡ ngón tay cái, dài khoảng 40 cm.
Anh Sùng A Đô, xã Pà Cò, là người chơi đánh quay giỏi và có nhiều kinh nghiệm đánh quay cho biết: Ngoài con quay cứng, chắc thì dây quay hết sức quan trọng. Dây quay muốn tốt cần có độ chắc và mềm, đầu dây cuốn vào con quay được buộc một chiếc lông gà nhỏ để khi cuốn vào quay, lông gà ẩm thấm nước tăng độ dính bám vào con quay. Đầu kia buộc vào một cái que, sợi dây dài hay ngắn phụ thuộc vào sức quay và sức ném của người chơi. Nếu người chơi có sức khỏe thì dùng dây dài hơn, còn người yếu hơn thì dùng dây ngắn.
Tùy theo mỗi vùng, mỗi bản có hình thức đánh riêng, đó là chơi tự do và chơi đồng đội. Chơi tự do là không phân biệt người chơi và người đánh, nếu đánh trượt thì phải đi quay và người nào đánh trúng thì được đánh tiếp, còn những người quay trước không bị người khác đánh trúng thì lại được đánh. Hình thức đánh theo đồng đội chia đều những người tham gia thành hai đội, mỗi bên có từ 3 - 5 người, thậm chí lên đến 10 người. Trên một bãi đất rộng khoảng hơn 50 m2, bằng phẳng, từng thành viên mỗi đội thả quay để cho đội khác ném quay vào, nếu trúng vào con quay của đối thủ mà con quay của mình vẫn quay tít thì được tính điểm. Cái thú vị của cuộc chơi là việc thả quay và đánh quay diễn ra qua 3 vòng. Vòng thứ nhất, thả quay cách vạch ném chừng 3 m, vòng thứ hai thả quay cách vạch đến 6 m, vòng thứ ba quay thả cách vạch ném đến 9 m. Vòng ném thứ ba bao giờ cũng là vòng thử thách nhất và sự khéo léo cùng sức mạnh của người đàn ông Mông được chứng tỏ chính là ở vòng này. Anh Phàng A Páo, xã Pà Cò (Mai Châu) cho biết: Cách chơi này khó nhất, để có thể thắng đối thủ, người chơi cần khéo léo, ném chính xác, phán đoán tốt, đòi hỏi người chơi phải có kinh nghiệm, luyện tập lâu mới giành được giải thưởng.
Trò chơi tu lu không chỉ thể hiện được sức mạnh, sự khéo léo, độ chính xác cao, tính phán đoán ước lệ và sự điêu luyện của đôi tay mà còn thể hiện khá toàn diện ở nhiều lối chơi đẹp, hấp dẫn cả người chơi và người xem. Thông qua các hoạt động chơi tu lu nói riêng và các trò chơi dân gian nói chung không chỉ góp phần gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc mà còn thể hiện tình đoàn kết, thương yêu nhau giữa các thành viên trong cộng đồng thôn bản, cùng phát huy sức mạnh của mỗi cá nhân và tập thể trong việc xây dựng, phát triển KT-XH của địa phương.
Hồng Ngọc