(HBĐT) - Với tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, khí hậu mát mẻ, bản sắc văn hóa và ẩm thực độc đáo, Hang Kia - Pà Cò (Mai Châu) đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Đặc biệt, mới đây, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch vào 2 xã với sự có mặt của các đại diện các tập đoàn, tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư, các đơn vị lữ hành trong và ngoài tỉnh.
Bánh dày giã tay - một trong những món ẩm thực độc đáo của người dân Hang Kia - Pà Cò (Mai Châu).
Xã Hang Kia - Pà Cò có độ cao trung bình 1.200m so với mực nước biển với 2 mùa chủ đạo là mùa mưa và mùa khô rõ rệt, nhiệt độ trung bình cả năm khoảng 18,50C. Nơi đây vẫn giữ nguyên nét đặc trưng rất riêng của đồng bào dân tộc Mông (chiếm 99% dân số), còn bảo tồn nguyên vẹn những giá trị văn hoá cũng như các nghề truyền thống như: Dệt thủ công, thêu thổ cẩm, nhuộm chàm, vẽ sáp ong, nghề rèn… Ngoài ra, còn có các món ẩm thực độc đáo của người Mông như: Rượu ngô, thắng cố, bánh dày, mèn mén, cải mèo, gà bản, lợn bản, măng rừng ăn cùng gia vị độc đáo quyện trong mùi mắc khén… Đặc biệt, đến đây, du khách còn được khám phá, trải nghiệm những con đường quanh co uốn lượn men theo triền núi, những vườn mận, vườn đào, đồi chè, những buổi chợ phiên rực rỡ sắc màu văn hóa của đồng bào Mông và những điểm đến còn mang nguyên nét đẹp hoang sơ như: Thung A Láng, Thung Mặn, Thung Ẳng, hay những điểm cao trên núi để thỏa sức ngắm mây của khu Cổng Trời, khu Pà Khôm đi Thung Mài.
Đây là những điều kiện thuận lợi để phát các mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng homestay. Hiện nay, tại 2 xã Hang Kia - Pà Cò đã có nhiều hộ phát triển du lịch homestay khá hiệu quả. Anh Phàng A Páo, chủ hộ homestay xã Pà Cò cho biết: Du lịch phát triển đã làm thay đổi suy nghĩ, cách làm của bà con nơi đây. Bà con đã biết chú trọng đến việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc và sưu tầm, khôi phục lại một số nét văn hóa, sinh hoạt, tín ngưỡng gần như đã bị mai một để quảng bá, thu hút khách du lịch đến thăm quan.
Từ năm 2018 đến nay, hai xã Hang Kia - Pà Cò đã đón trên 5.000 lượt khách đến thăm qua, trong đó trên 60% là khách du lịch quốc tế. Con số này còn hạn chế so với tiềm năng phát triển du lịch, tuy nhiên cũng chứng tỏ hai xã đã có sức hút khá lớn đối với du khách trong và ngoài nước. Do đó, việc đẩy mạnh xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư phát triển du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi diện mạo và cơ cấu kinh tế cho hai xã này là việc làm cần thiết và cấp bách của tỉnh.
Để thúc đẩy du lịch Mai Châu, nhất là du lịch tại 2 xã Hang Kia - Pà Cò phát triển, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị xúc tiến, đầu tư du lịch tại hai xã. Để tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho nhà đầu tư đến đầu tư tại 2 xã Hang Kia - Pà Cò, UBND tỉnh đã xây dựng danh mục các địa điểm có tiềm năng lập dự án kêu gọi thu hút đầu tư. Có 5 dự án được tỉnh lập danh mục thu hút đầu tư là: Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp sinh thái Tà Xông A; Khu nghỉ dưỡng sinh thái Tà Xồ; Khu du lịch Thung A Láng; Khu du lịch sinh thái Cổng Trời; Khu du lịch sinh thái Thung Mặn, Thung Ẳng.
Ông Đoàn Ngọc Tùng, Phó Chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội cho biết: Cảm nhận của chúng tôi khi đến đây chính là cảnh quan thiên nhiên quá đẹp, khí hậu trong lành, mát mẻ, con người thân thiện và đặc biệt nơi đây vẫn còn giữa nguyên nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Mông. Đây cũng chính là điểm nhấn thu hút khách du khách, nhất là khách nước ngoài đến thăm quan, tìm hiểu phong cảnh, văn hóa và con người nơi đây. Sau chuyến khảo sát này, chúng tôi sẽ xây dựng sản phẩm, tour tuyến du lịch tại 2 xã Hang Kia - Pà Cò và kết nối đưa các đoàn khách đến thăm quan khám phá, trải nghiệm.
Đỗ Hà
(HBĐT) - Ngày 14/10, Phòng NN&PTNT và Trạm Khuyến nông – Khuyến lâm huyện Mai Châu phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) tổ chức hội nghị đầu bờ đánh giá kết quả thực hiện mô hình thâm canh giống lúa thuần Đài Thơm 8 trong vụ mùa năm 2019. Mô hình được triển khai tại 8 xã, thị trấn thuộc huyện Mai Châu với tổng diện tích khoảng 80 ha.
(HBĐT) - Nhằm phát huy những giá trị văn hóa của người dân tộc Thái, gìn giữ và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống, HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ Chiềng Châu (Mai Châu) được thành lập, thu hút nhiều chị em tham gia với sản phẩm là những bộ trang phục, đồ trang trí, phụ kiện được làm từ thổ cẩm. HTX đã và đang tạo nguồn thu nhập ổn định cho nhiều lao động, góp phần phát triển KT-XH địa phương.
(HBĐT) - Pà Cò là xã vùng sâu, xa, thuộc diện đặc biệt khó khăn, cách trung tâm huyện Mai Châu gần 40 km về phía Bắc, có 3 dân tộc cùng chung sống, trong đó 99% là đồng bào dân tộc Mông. Nơi đây được huyện và tỉnh xác định là địa bàn trọng điểm về phát triển KT - XH, QP - AN. Toàn xã có diện tích tự nhiên trên 1.927 ha, chủ yếu là đất lâm nghiệp với núi đá tai mèo hiểm trở. Nguồn nước cung cấp cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân dựa vào những mó nước nhỏ ở các xóm. Điều kiện tự nhiên bất lợi, trình độ dân trí của một bộ phận người dân còn thấp, do vậy, đời sống gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo khá cao.
(HBĐT) - Với những đặc thù, khó khăn trong công tác của lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT), đối tượng tiếp xúc đa dạng về lứa tuổi, nghề nghiệp, địa vị xã hội, khả năng nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật khác nhau… Từ đó, vấn đề đặt ra đối với các cán bộ, chiến sỹ (CB, CS) là cần có phương pháp ứng xử văn hóa trong giao tiếp để vừa hoàn thành công việc được giao, vừa hợp lòng dân, tạo niềm tin và sự đồng thuận trong chấp hành các quy định của pháp luật về TTATGT.
(HBĐT) - Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Mai Châu đã thành lập Ban chỉ đạo, tổ chuyên trách và xây dựng kế hoạch, tuyên truyền, khuyến khích các tổ chức kinh tế trên địa bàn các xã, thị trấn tham gia. Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng sản phẩm đặc trưng đảm bảo các tiêu chí như lợi thế về nguồn gốc, thế mạnh của địa phương và sản phẩm phải có tính bền vững.
(HBĐT) - Trong những năm qua, Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) đã và đang góp phần hoàn thiện hạ tầng cơ sở vùng nông thôn, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân xã Pà Cò (Mai Châu). Nhất là qua gần 1 năm thực hiện xây dựng khu dân cư (KDC) kiểu mẫu, diện mạo một số KDC ngày càng thay đổi tích cực, từng bước góp phần nâng cao đời sống người dân, phát triển KT-XH, góp phần hoàn thiện các tiêu chí NTM còn lại.