Du lịch cộng đồng huyện Đà Bắc được hình thành và phát triển từ 4 năm trở lại đây. Khởi đầu là nhờ sự giúp đỡ của tổ chức AFAP Việt Nam (từ tháng 7/2014). Dự án này nằm trong khuôn khổ chương trình xóa đói, giảm nghèo lâu dài của AFAP tại Hòa Bình. Từ sự hỗ trợ về tài chính cũng như tư vấn kỹ thuật trong quá trình thực hiện dự án như tư vấn cải tạo nhà lưu trú, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ du lịch cho một số hộ dân làm du lịch cộng đồng tại các: xóm Ké, xã Hiền Lương; xóm Đá Bia, xã Tiền Phong và xóm Sưng, xã Cao Sơn. Sau đó dự án đã tư vấn thành lập Công ty CP du lịch cộng đồng Đà Bắc với mục tiêu: giúp chuyển đổi, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch cộng đồng tại Đà Bắc phát triển theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn khi chú trọng quảng bá, kết nối thị trường khách; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm dịch vụ du lịch của người dân Đà Bắc và phát triển du lịch cộng đồng một cách bền vững…
Đại sứ quán Nga xem biểu diễn văn nghệ tại điểm du lịch cộng đồng xóm Ké, xã Hiền Lương (Đà Bắc).
Bên cạnh đó, du lịch cộng đồng huyện Đà Bắc được Nhà nước cấp một phần kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng, quảng bá, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch và hỗ trợ mua sắm một số trang thiết phục du lịch cho người dân kinh doanh home stay tại một số điểm du lịch cộng đồng. Đến thời điểm hiện tại, huyện có 9 homestay đang kinh doanh đón tiếp khách du lịch. Trong 6 tháng đầu năm 2018, du lịch cộng đồng huyện Đà Bắc đón trên 2.000 lượt khách quốc tế.
Để du lịch cộng đồng huyện Đà Bắc tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, trong thời gian tới huyện Đà Bắc cần xây dựng và ban hành chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch (nhà vệ sinh công cộng, bãi đỗ xe, trang thiết bị tối thiểu phục vụ khách nghỉ); tạo cơ chế để hộ gia đình, bà con dân tộc thiểu số tại các xóm có tiềm năng phát triển du lịch có thể trực tiếp tham gia các hoạt động dịch vụ du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng.
Lập quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết các điểm du lịch cộng đồng để bảo tồn kiến trúc nhà, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa, nghề truyền thống của người bản địa để khai thác phát triển du lịch. Đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ du lịch cộng đồng như: dịch vụ lưu trú cần chọn loại hình nhà ở phù hợp với đón khách cộng đồng; dịch vụ ăn uống, nghiên cứu sâu về văn hóa ẩm thực đặc trưng vùng dân tộc thiểu số; xây dựng chương trình văn nghệ mang bản sắc riêng; các điểm du lịch cộng đồng nghiên cứu xây dựng các chương trình trải nghiệm khác biệt.
Bên cạnh đó, huyện nâng cao công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Các hộ kinh doanh phải tích cực tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ, thuyết minh để nâng cao chất lượng phục vụ, giao tiếp; nâng cao nhận thức trong cộng đồng về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ tài nguyên môi trường để phát triển du lịch.
Xây dựng trang thông tin điện tử, video clip, sách ảnh, tờ gấp, giới thiêụ về các điểm tour du lịch cộng đồng; tổ chức các đoàn Presstrip đến Đà Bắc để viết bài, quay phim giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch cộng đồng cho du khách trong nước và quốc tế.
Tăng cường tuyên truyền, giáo dục vận động người dân, khách du lịch nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, đặc biệt là giữ gìn môi trường nước tại các điểm du lịch cộng đồng huyện Đà Bắc trên Khu du lịch hồ Hòa Bình.
Đặng Tuấn Hùng
(Sở VH-TT&DL)