(HBĐT) - Được ví như một vịnh Hạ Long thu nhỏ, có điểm nhấn là quần thể di tích tâm linh Thác Bờ, từ nhiều năm qua, hồ Hòa Bình đã trở thành điểm du lịch thu hút du khách. Thực hiện Quyết định số 1528/QĐ-TTg, ngày 1/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2030, tháng 6/2017, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 14-NQ/TU về phát triển khu du lịch hồ Hòa Bình trở thành khu du lịch quốc gia. Từ đây, công tác đầu tư, tôn tạo di tích, phát triển các sản phẩm du lịch, đặc biệt là việc đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch được quan tâm nhiều hơn, góp phần mở rộng những cung đường đến với khu du lịch hồ Hòa Bình.
Đền Thác Bờ thuộc khu du lịch hồ Hòa Bình tấp nập tàu thuyền trong mùa lễ hội.
Sát sao để thúc đẩy tiến độ cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 435
Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 435 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1644/QĐ-UBND, ngày 30/8/2017, tổng mức đầu tư 756 tỷ đồng, bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020. Tổng chiều dài toàn tuyến đã điều chỉnh là 21,18 km, được thiết kế theo tiêu chuẩn cấp III - miền núi: điểm đầu tại ngã ba Bình Thanh đi Thung Nai, huyện Cao Phong, điểm cuối thuộc địa phận xóm Liêm, xã Ngòi Hoa, nay là xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc.
Đồng chí Bùi Đức Hậu, Giám đốc Sở GTVT cho biết: Đường 435 là tuyến đường độc đạo kết nối quốc lộ 6 tới cảng Bình Thanh, cảng Thung Nai và trung tâm các xã khó khăn của huyện Cao Phong, Tân Lạc vào khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình. Tuyến đường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng kết nối giữa phương thức vận tải đường bộ và vận tải đường thủy nội địa, góp phần phát triển vận tải thủy nội địa khu vực hồ sông Đà. Dự kiến khi hoàn thành sẽ mở ra cơ hội lớn thu hút đầu tư xây dựng các cảng vận tải, các dự án đầu tư vào hồ Hòa Bình, tăng quy mô và nâng cao chất lượng vận tải dịch vụ, thúc đẩy kinh tế hàng hóa, dịch vụ du lịch trên vùng hồ. Dự án có thiết kế hạng mục đầu tư xây dựng cảng vịnh Ngòi Hoa theo tiêu chuẩn cấp II, với các công trình như nhà chờ khách, nhà điều hành, bãi đỗ xe, hệ thống điện chiếu sáng… đủ năng lực đón 12 vạn khách/năm, tàu tải trọng 300 khách tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến thăm quan, thu hút các dự án đầu tư vào vùng lõi của hồ Hòa Bình.
Con đường được mở với những kỳ vọng lớn, nhưng điều kiện địa hình núi cao, địa chất phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở… nên việc thi công gặp nhiều khó khăn. Hiện, nhà thầu đang tổ chức 9 mũi thi công trên toàn tuyến, tập trung chủ yếu các hạng mục chính như: đào, đắp nền đường; thi công cầu số 1 tại km8+060; cầu số 2 tại km9+778; thi công móng đường, hệ thống thoát nước, tường chắn, thảm bê tông nhựa C19 và cảng Ngòi Hoa. Để đảm bảo công trình hoàn thành đúng tiến độ, trước và sau Tết Nguyên đán Canh Tý, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tổ chức các đoàn kiểm tra nhằm đốc thúc việc thi công, đảm bảo thông xe trước tháng 6/2020.
Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy vùng hồ
Dẫu đang ở tầm quy hoạch khu du lịch cấp quốc gia, nhưng từ lâu, hồ Hòa Bình đã được biết đến là điểm du lịch hấp dẫn. Trung bình mỗi năm, khu du lịch hồ Hòa Bình đón hàng trăm nghìn lượt khách tới thăm quan, thưởng ngoạn, trẩy hội trên quần thể di tích Thác Bờ. Theo thống kê của Sở GTVT, hiện có 269 phương tiện thủy nội địa thường xuyên hoạt động vận chuyển hành khách trên địa bàn lòng hồ Hòa Bình (trong đó có 33 phương tiện vừa chở hàng vừa chở khách). Dự kiến mật độ phương tiện phục vụ vận tải đường thủy trên tuyến hồ Hòa Bình còn tăng cao, tỉnh đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành quy hoạch 40 bến thủy nội địa trên hồ Hòa Bình thuộc các huyện: Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu, gồm 15 bến hành khách và 25 bến tổng hợp, chủ yếu là các bến chợ (vừa xếp dỡ hàng vừa đón trả khách). Đồng thời quy hoạch 5 cảng, gồm: cảng vịnh Ngoài Hoa; cảng Ba Cấp; cảng Bích Hạ; cảng Thung Nai và cảng đảo Sung.
Để đảm bảo ATGT trên vùng hồ Hòa Bình, cùng với việc quy hoạch đầu tư, tôn tạo cảng, bến, bãi, công tác quản lý phương tiện được đặc biệt quan tâm. Chuẩn bị cho mùa lễ hội 2020, Thanh tra Sở GTVT phối hợp với UBND TP Hòa Bình, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh), đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II tại Hòa Bình và Đội Thanh tra đường thủy nội địa kiểm tra công tác đảm bảo trật tự ATGT trên tuyến hồ Hòa Bình. Qua kiểm tra đã đình chỉ hoạt động 38 phương tiện không đủ điều kiện hoạt động; yêu cầu hoàn thiện hồ sơ giấy tờ theo quy định trước khi hoạt động vận tải hành khách. Kiểm tra 2 bến cảng du lịch chính là cảng Bích Hạ và cảng Thung Nai, đoàn kiểm tra ghi nhận có đủ giấy phép hoạt động; có thiết bị đảm bảo an toàn theo yêu cầu quy định; có bảng nội quy cảng, báo hiệu cảng theo quy định; thiết bị chiếu sáng đảm bảo. Tuy nhiên, tại 2 bến cảng, công tác vệ sinh chưa đảm bảo; đường lên xuống từ cầu, trạm barie xuống bến, xuống tàu xuống cấp, nguy cơ mất an toàn cho việc đi lại của người dân, du khách. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã yêu cầu chủ bến khắc phục, đảm bảo an toàn cho việc đi lại của người dân và du khách.
Góp phần đảm bảo ATGT trên tuyến đường thủy nội địa, Phòng Cảnh sát giao thông đã phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông đường thủy nội địa; tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm ATGT trên tuyến hồ Hòa Bình.
Với sự chỉ đạo xuyên suốt của cấp ủy, chính quyền tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, địa phương doanh nghiệp và người dân, công tác đảm bảo ATGT phục vụ phát triển du lịch hồ Hòa Bình đã và đang được triển khai tích cực. Qua đó, góp phần mở rộng thêm những cung đường đón du khách đến với khu du lịch hồ Hòa Bình.
Hồ Hòa Bình là hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á, có chiều dài 70 km, trải rộng trên địa bàn 17 xã thuộc 5 huyện, thành phố của tỉnh. Trong khu vực lòng hồ có 47 đảo lớn, nhỏ, trong đó có 11 đảo đá vôi với diện tích 116 ha, 36 đảo núi đất diện tích gần 160 ha. Bên cạnh phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng, khu vực hồ có nền văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc như: Mường, Tày, Dao, Thái, là cơ hội lớn để phát triển các loại hình du lịch khám phá, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng. Hồ Hòa Bình có những địa chỉ tâm linh nổi tiếng như: đền Thác Bờ, đền Cô, đền Cậu, bia Vua Lê... có giá trị văn hóa - tâm linh sâu sắc, đã trở thành điểm đến hành hương cho du khách gần xa. Hiện, tỉnh đang thực hiện các bước đầu tư, tôn tạo để khu du lịch hồ Hòa Bình sớm đáp ứng các tiêu chí khu du lịch quốc gia.
Nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 435 phục vụ phát triển KT-XH và du lịch hồ Hòa Bình.
Thúy Hằng
Phối hợp thực hiện các phương án để giảm thiểu thấp nhất nguy cơ mất ATGT đường thủy
Trần Văn Khiết
(Đội trưởng Đội Thanh tra an toàn số 9 - Cục Đường thủy Việt Nam)
Qua theo dõi ATGT đường thủy trên khu vực hồ Hòa Bình trong 2 mùa lễ hội 2019-2020 cho thấy: Mặc dù lực lượng chức năng đã tăng cường các biện pháp đảm bảo ATGT, tuy nhiên, vào mùa lễ hội, lượng khách đến với các điểm du lịch tâm linh trên hồ Hòa Bình quá lớn nên vẫn tiểm ẩn nguy cơ về mất ATGT.
Vào những ngày cao điểm thứ bảy, chủ nhật trong mùa lễ hội, tại một số điểm như đền Bờ, động Thác Bờ lượng tàu đỗ dàn hàng ba, hàng bốn. Để đưa khách cập bờ, các tàu phải chen, lách gây mất ATGT. Để giải quyết tình trạng này, tỉnh cần phối hợp với Cục Giao thông đường thủy đề xuất với Bộ GTVT việc lập các điểm phao neo đậu di động gần các điểm đền Bờ, động Thác Bờ và 2 cảng Bích Hạ, Thung Nai để thuận tiện cho các tàu đưa, đón khách.
Hiện tại, số phương tiện vận chuyển hành khách hoạt động trên vùng hồ Hòa Bình khá lớn (269 phương tiện), nhưng mới có 128 phương tiện đã đăng ký, còn lại 141 phương tiện chưa có đăng ký. Điều đáng nói là có trên 70% phương tiện chưa được đăng kiểm. Thực tế trong thời gian qua,việc đăng kiểm tàu thuyền cho người dân, doanh nghiệp có nhiều vướng mắc. Để giải quyết vấn đề này, tỉnh cần có văn bản gửi đến Cục Đăng kiểm để phối hợp báo cáo Bộ GTVT có cơ chế đặc thù cho việc kiểm định tàu thuyền (đảm bảo phù hợp với đặc điểm khí hậu hoạt động hồ Hòa Bình) vì nếu áp theo quy định chung của toàn quốc thì gây khó khăn, tốn kém cho người dân. Bên cạnh đó, nên có một tổ chức đứng ra đăng ký, đăng kiểm tàu cho bà con. Cùng với việc tăng cường tháo gỡ khó khăn trong việc đăng ký, đang kiểm cho bà con, các lực lượng chức năng cũng cần phối hợp xử lý kiên quyết các trường hợp người điều khiển phương tiện và phương tiện không đủ giấy tờ hoạt động vận tải hành khách trên tuyến hồ Hòa Bình.
Tạo quỹ đất để xây dựng cảng bến đảm bảo mỹ quan và an toàn cho du khách
Phạm Văn Biền
(Phó Giám đốc Công ty TNHH Tiến Anh)
Công ty TNHH Tiến Anh được giao quản lý, khai thác và sử dụng cảng Thung Nai năm 2011 (theo Quyết định số 208/QĐ-UBND, ngày 16/2/2011 của UBND tỉnh). Địa điểm cảng thuộc địa phận xã Thung Nai, huyện Cao Phong ở vị trí từ km16 - km16+500 bờ phải hồ Hòa Bình. Cảng có mặt bằng 27.137,2 m2, diện tích mặt hồ là 20.085,9 m2. Từ khi tiếp nhận quản lý, khai thác cảng, doanh nghiệp đã đầu tư các hạng mục: đường ô tô vào cảng, kè sân cảng, cầu thuyền, đường đi bộ trong sân cảng, nhà điều hành, nhà đón tiếp, nhà tập kết khách và một số công trình phụ trợ khác đảm bảo hoạt động đi lại của nhân dân và du khách.
Tuy nhiên, với cơ sở hạ tầng hiện tại cảng chưa có bãi đỗ xe. Dự kiến, trong những năm tới, lượng khách du lịch đi, về bến Thung Nai ngày càng lớn (nhất là sau khi đường tỉnh 435 được hoàn thành) gây khó khăn cho việc bố trí đi lại và đảm bảo an toàn giao thông) trên cảng. Để giải quyết sự ách tắc này, doanh nghiệp mong nhận được sự quan tâm hơn nữa của tỉnh, huyện tạo quỹ đất để xây dựng một bãi đỗ xe riêng (ngoài khuôn viên cảng). Nếu có được bãi đỗ xe trong vòng bán kính từ 1-2 km, công ty sẽ trang bị hệ thống xe điện trung chuyển khách hoặc ô tô chở khách đến cảng và trở về bến đỗ để chờ. Đó sẽ là cơ sở tốt để doanh nghiệp tạo dựng cảnh quan đẹp cho bến cảng và đảm bảo đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhân dân và du khách trong mùa lễ hội.
Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm ANTT- ATGT trên tuyến hồ Hòa Bình
Đại tá Trịnh Văn Cường
(Phó Giám đốc Công an tỉnh)
Trong thời gian qua, việc đảm bảo ATGT đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh nói chung, đường thủy nội địa khu vực hồ Hòa Bình luôn được tập trung cao độ. Cùng với việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông đường thủy nội địa cho người dân, doanh nghiệp vận tải, lữ hành, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy của tỉnh luôn thực hiện nghiêm túc, quyết liệt công tác tuần tra, xử lý vi phạm ANTT-ATGT trên các tuyến. Qua tuần tra, năm 2019, lực lượng Công an đã phát hiện và lập biên bản xử lý 145 trường hợp vi phạm quy định pháp luật về ATGT đường thủy. Phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông, Cục Đăng kiểm và Cục Đường thủy nội địa, thuộc Bộ GTVT kiểm tra 240 lượt phương tiện. Phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức trên 50 ca tuần tra, kiểm soát, xử lý 2 trường hợp đánh bắt thủy sản trái phép và 7 vụ khai thác cát, sỏi trái phép.
Tuy nhiên, theo nhận định của Công an tỉnh, tình hình ANTT, ATGT đường thủy trên tuyến hồ Hòa Bình vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Hiện, vẫn còn nhiều phương tiện tham gia chở khách tại khu vực bến du lịch không đủ điều kiện hoạt động. Một số tàu thuyền không bố trí đủ thuyền trưởng và thuyền viên để hướng dẫn du khách lên xuống đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, hoạt động tội phạm về môi trường trên tuyến hồ Hòa Bình ngày càng diễn biến phức tạp. Để tiếp tục giữ bình yên cho vùng hồ, trong năm 2020, Công an tỉnh đã và đang xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết để triển khai nghiêm kế hoạch của Bộ Công an, UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh về nhiệm vụ đảm bảo ATGT, trong đó có việc đảm bảo ATGT trên tuyến hồ Hòa Bình.
(HBĐT) - Hồ Hòa Bình không chỉ nổi tiếng bởi các xóm, bản du lịch cộng đồng với không khí mát dịu, cảnh quan thiên nhiên thơ mộng mà còn nổi tiếng bởi các điểm du lịch tâm linh. Dịp đầu xuân năm mới, đền Thác Bờ, đền Đôi Cô, thắng cảnh quốc gia động Thác Bờ thu hút số lượng lớn khách du lịch tới chiêm bái cầu may mắn, cầu lộc, cầu tài…
(HBĐT) - Đồng chí Bùi Thị Luyến, Phó Chủ tịch UBND xã Thung Nai (Cao Phong) cho biết: Tháng 5/2017, xóm Tiện, xã Thung Nai được Sở VH-TT&DL triển khai xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Để giúp các hộ trong xóm tiếp cận, làm quen và phát triển du lịch cộng đồng, Sở VH-TT&DL đã tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng làm du lịch. Xóm đã cử 5 hộ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm du lịch cộng đồng đi tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về làm du lịch cộng đồng.
(HBĐT) - Hồ Hòa Bình là điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Đi thuyền khám phá hồ Hòa Bình là trải nghiệm thú vị, thu hút khách du lịch. Trên thuyền, du khách có thể cảm nhận được vẻ đẹp, sự hùng vĩ của hồ Hòa Bình.
(HBĐT) - Với cảnh quan thiên nhiên đậm chất hoang sơ, thơ mộng cùng với không gian sinh hoạt của người Mường, nằm xen giữa 2 điểm du lịch cộng đồng xóm Ké và xóm Đá Bia trên tuyến du lịch hồ Hòa Bình, bản Mó Hém, xã Tiền Phong (Đà Bắc) hiện là bản du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách đến trải nghiệm, khám phá.
(HBĐT) - Trên chiếc tàu mới của Công ty CP Du lịch Hòa Bình, rời cảng Bích Hạ chưa đầy 40 phút, chúng tôi đã có mặt tại đảo Sung, hòn đảo có diện tích 133 ha trên vùng hồ Hòa Bình, thuộc địa bàn xã Tiền Phong (Đà Bắc), địa điểm xây dựng khu du lịch thiên nhiên Robinson do Công ty CP Du lịch Hòa Bình làm chủ đầu tư. Quan sát phối cảnh dự án, những hạng mục đang triển khai xây dựng, hòa mình với không khí lao động hối hả của những người thợ trên công trường, chúng tôi cảm nhận khi hoàn thành đi vào hoạt động, khu du lịch thiên nhiên Robinson sẽ là điểm nhấn trên vùng hồ Hòa Bình.
(HBĐT) - Ngòi Hoa là xã vùng thượng của huyện Tân Lạc. Người dân sinh sống ven lòng hồ Hòa Bình. Các xóm: Ngòi, Bưng, Nẻ còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ, không gian trong lành, xanh mát, con người thân thiện, mến khách cùng những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Mường… Đây là những tiềm năng, thế mạnh để cấp ủy, chính quyền xã xác định phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ phát triển KT-XH, tiến tới đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng.