Xã Tây Phong (Cao Phong) có đồng bào dân tộc Mường, Kinh, Dao cùng sinh sống, nguồn thu nhập chính của người dân chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp. Những năm qua, hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã góp phần mang lại thu nhập cao cho nhiều gia đình, mở ra hướng thoát nghèo, làm giàu chính đáng cho người dân.


Ngôi nhà của anh Bùi Văn Hợi, xóm Bằng, xã Tây Phong (Cao Phong) được xây dựng từ tiền lương đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản gửi về.

Gia đình bà Đinh Thị Thảo ở xóm Bằng có con trai út là anh Bùi Văn Hợi đi XKLĐ tại Nhật Bản đến nay được 5 năm. Từ khi anh Hợi đi XKLĐ, cuộc sống của gia đình bà được cải thiện đáng kể. Giới thiệu về ngôi nhà đang được xây dựng, bà Thảo phấn khởi: "Đây là ngôi nhà riêng của con trai út, được xây bằng tiền tiết kiệm trong   5 năm đi XKLĐ tại Nhật Bản gửi về. Qua điện thoại gọi về, nghe con kể điều kiện sống, sinh hoạt, công việc, quyền lợi ở bên nước bạn đều đảm bảo, an toàn, thu nhập cao hơn so với công việc trước đây ở nhà nên gia đình rất yên tâm. Không những thế, con còn được công ty tạo điều kiện thuận lợi, sắp xếp công việc để về thăm gia đình. Chúng tôi thường xuyên động viên con cố gắng, giữ gìn sức khoẻ, chấp hành tốt kỷ luật, quy định của công ty, lao động chăm chỉ, nghiêm túc, tiết kiệm để có thể tự chủ cuộc sống của bản thân. Theo tôi, ai trong độ tuổi lao động mà không có việc làm có thể nghiên cứu, tìm hiểu về XKLĐ để có công việc, thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống”.

Hoàn thành nghĩa vụ quân sự xuất ngũ trở về quê hương, anh Hợi loay hoay tìm công việc phù hợp nhưng không ổn định, thu nhập bấp bênh. Với quyết tâm thoát nghèo, anh chủ động tìm hiểu về thị trường lao động ở nước ngoài. Gia đình đã vay ngân hàng gần 200 triệu đồng cho anh Hợi đi XKLĐ tại Nhật Bản. Nhờ cần cù, siêng năng lao động, gia đình trả hết nợ trong 2 năm. Công việc hiện tại chuyên về cơ khí sắt thép, hàng tháng, sau khi trừ chi phí sinh hoạt cá nhân, anh Hợi có thể tích luỹ được trên 20 triệu đồng gửi về cho gia đình, tuỳ từng thời điểm. Từ số tiền dành dụm được nhờ anh Hợi đi XKLĐ, gia đình bà Thảo đã xây dựng được ngôi nhà mái bằng kiên cố và mua sắm một số đồ dùng giá trị trong gia đình. Gia đình bà Đinh Thị Thảo ở xóm Bằng là minh chứng cụ thể cho thấy hiệu quả của việc đi XKLĐ.

Đồng chí Bùi Văn Huê, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Phong cho biết: "Năm 2024, toàn xã có 13 người đi XKLĐ, làm việc tại thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc với các nghề về nông nghiệp, xây dựng, cơ khí và kim loại. Hiện trên địa bàn xã có hàng chục người đi XKLĐ, công việc, thu nhập ổn định, mở ra hướng giải quyết việc làm, tạo thu nhập cao. Hầu hết tại các xóm đều có từ 2 - 3 người đi XKLĐ, nhiều hơn cả là xóm Bảm với gần 10 người, chủ yếu làm việc tại thị trường Nhật Bản”.

Những năm gần đây, đời sống của người dân xã Tây Phong không ngừng được nâng cao. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 52,9 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 3%, đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp… Có thể thấy, việc đi XKLĐ đã mở ra một hướng đi giúp thay đổi tích cực cuộc sống của người dân. Thu nhập từ XKLĐ không chỉ giúp đời sống vật chất, tinh thần của nhiều gia đình được cải thiện rõ rệt, xây dựng nhà cửa khang trang, kiên cố, có của ăn, của để, không ít gia đình có người thân đi XKLĐ còn tích cực đóng góp xây dựng công trình phúc lợi tại địa phương. Diện mạo nông thôn xã Tây Phong dần khởi sắc, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Bên cạnh đó, xã còn có một số trường hợp đi du học theo diện vừa học vừa làm tại Nhật Bản và Hàn Quốc. 

Với những hiệu quả thiết thực XKLĐ mang lại, trong thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức về XKLĐ; phối hợp các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tư vấn, thông tin về thị trường XKLĐ, công việc phù hợp, doanh nghiệp, đơn hàng uy tín, chất lượng, hạn chế tối đa rủi ro, nguy hiểm; đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ người dân hoàn thiện thủ tục, hồ sơ vay vốn XKLĐ nhanh chóng, thuận lợi trong việc xuất cảnh làm việc tại nước ngoài…


Linh Nhật

Các tin khác


Xã Trung Thành - Vốn chính sách hỗ trợ giảm nghèo

Nhờ phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách, các kênh vay vốn ủy thác đã hỗ trợ nhân dân xã Trung Thành (Đà Bắc) phát triển, mở rộng sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập. Qua đó nhiều hộ xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, thoát nghèo bền vững.

Xã Thanh Sơn dồn lực thực hiện chính sách giảm nghèo

Năm 2024, các chích sách hỗ trợ việc làm bền vững; xóa nhà tạm, nhà dột nát; dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và nhiều hoạt động đảm bảo an sinh xã hội được huyện Lương Sơn tập trung ưu tiên cho xã Thanh Sơn. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.

Giúp xã nghèo thoát khỏi vùng khó

Nhờ triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, những năm qua, nhiều xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) trong tỉnh có thêm nguồn lực phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Qua đó, từng bước hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới (NTM), ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK).

Hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện Kim Bôi

Với chính sách hỗ trợ đào tạo nghề từ các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), lao động thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Kim Bôi được trang bị chuyên môn, kỹ năng, các kiến thức khoa học kỹ thuật để làm nghề, tổ chức sản xuất, kinh doanh. Qua triển khai, thực hiện các hoạt động đã tạo nhiều việc làm, cải thiện thu nhập của lao động nông thôn, thúc đẩy thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Tích cực giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động

Công tác giải quyết việc làm (GQVL), trong đó xuất khẩu lao động (XKLĐ) có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững. Hàng năm, tỉnh Hoà Bình xây dựng kế hoạch tạo việc làm mới cho 16.000 lao động, trong đó XKLĐ khoảng 600 người.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục